Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải

PHẬT THUYẾT KINH

QUÁN PHẬT TAM MUỘI HẢI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Bạt Đà La, Đời Đông Tấn
 

PHẨM MƯỜI HAI

QUÁN MẬT HẠNH CỦA ĐỨC PHẬT
 

Đức Phật bảo A Nan rằng: Chúng sinh đời vị lai, nếu có người được tam muội niệm Phật thì người quán tướng tốt của Chư Phật được tam muội Chư Phật hiện tiền. Ông phải dạy người đó giữ thân, miệng, ý cho miên mật chớ khởi lên tà mạng, chớ sinh ra cống cao.

Nếu họ khởi lên tà mạng và cống cao thì phải biết người này chính là người tăng thượng mạn, phá diệt Phật Pháp, phần nhiều sai khiến chúng sinh khởi tâm bất thiện, làm rối loạn hòa hợp Tăng, hiện bày điều khác lạ mê hoặc mọi người. Người như vậy là bạn ác của ma.

Người ác như vậy tuy họ niệm Phật nhưng mất vị cam lồ. Nơi sinh của người này, vì cống cao nên thân luôn luôn hèn mọn, sinh vào nhà thấp hèn bần cùng, suy bại, trang trí bằng vô lượng nghiệp ác.

Vô số những việc ác như thế, hành giả phải tự phòng hộ khiến cho mãi mãi chẳng sinh ra. Nếu người khởi lên nghiệp tà mạng như vậy thì nghiệp tà mạng này giống như con voi điên phá hoại ao hoa sen. Nghiệp tà mạng này cũng vậy, nó làm phá hoại mất hết căn lành.

Đức Phật bảo A Nan rằng: Người có niệm Phật phải tự phòng hộ chớ để cho buông lung. Người đạt tam muội niệm Phật, nếu chẳng tự phòng hộ, sinh ra cống cao thì gió dữ tà mạng thổi, lửa kiêu mạn đốt, tiêu diệt thiện pháp. Thiện pháp là tất cả vô lượng thiền định, các pháp niệm Phật từ các tâm tưởng sinh ra. Đó gọi là kho tàng công đức.

Đức Phật bảo A Nan rằng: Ví như ông trưởng giả có rất nhiều của báu mà chỉ có một đứa con. Ông trưởng giả biết mình sắp chết, chẳng còn bao lâu nữa, đem những kho tàng giao phó cho người con ấy. Người con được của, tùy ý rong chơi. Bỗng, vào một lúc, gặp phải nạn dữ, có vô lượng giặc cướp từ bốn phía kéo đến, tranh nhau lấy của cải trong kho mà người con ấy chẳng thể ngăn cản giữ gìn.

Chỉ có một thỏi vàng mới chính là Diêm Phù Đàn Na tử kim, nặng mười sáu lượng, chiều dài chiều rộng của đỉnh vàng cũng đều mười sáu tấc. Một lượng vàng này trị giá bằng trăm ngàn vạn lượng của báu khác.

Bị giặc bức ngặt, không biết làm gì với thỏi vàng, nó liền dùng vật dơ bẩn bọc gói vàng ròng, đặt vào bên trong cục bùn. Bọn giặc nhìn thấy, chẳng biết đó là vàng, chân dẫm lên mà đi. Sau khi giặc đi rồi, người chủ giữ được vàng, lòng rất vui mừng. tam muội niệm Phật cũng vậy, phải giấu kín.

Lại nữa, này A Nan! Ví như có người nghèo cùng, bạc phước nương vào những bậc hào phú hiền đức để bảo tồn tánh mạng. Có vị Vương Tử ngẫu hứng đi du ngoạn, cầm bình báu lớn. Ở bên trong bình báu đựng túi ấn Vua. Lúc đó, có kẻ nghèo trà trộn đến gần bên, lấy được bình báu của Vua bưng chạy trốn.

Vương Tử biết được, sai sáu người lính lớn cỡi sáu con voi đen, tay cầm gươm báu, mau chóng đuổi theo người đó. Người cầm bình chạy vào trong đầm hoang cỏ ngút ngàn. Người đó thấy rắn độc đầy trong đầm nơi đồng trống, từ bốn mặt chúng phun ra độc, hút lấy người cầm bình.

Người nghèo cùng bàng hoàng, kinh sợ bương chạy khắp nơi mà rắn cũng đuổi theo, không chỗ trốn tránh. Ở trong đầm trống, người ấy thấy một cây lớn um tùm giúp đỡ nên rất vừa ý, đầu đội bình báu, vin cây mà leo lên. Người ấy lên trên cây rồi, sáu người lính cỡi voi, chạy nhanh như gió lại vừa đến nơi.

Người nghèo thấy rồi, tính đánh cắp cái ấn báu của Vua, đem bình làm mũ đội đầu, dùng tay che mặt, ngồi tham tiếc nên chẳng nhận là mình đã được ấn báu. Sáu con voi đen dùng vòi quấn lấy cây khiến cho cây ngã nhào, người nghèo rơi xuống đất, thân thể hoại tan, chỉ có cái ấn vàng ở tại bình báu hiện lên ánh sáng. Các con rắn thấy ánh sáng vội vàng chạy tứ tán.

Đức Phật bảo A Nan: Người trụ ở tam muội niệm Phật thì tâm ấn chẳng hoại cũng như vậy.

Lại nữa, này A Nan! Ví như ông trưởng giả có nhiều của cải báu vật mà không con trai, chỉ có một người con gái.

Lúc đó, ông trưởng giả tuổi hơn một trăm, tự biết quá suy yếu sắp chết, chẳng còn bao lâu, nên nghĩ rằng: Của cải báu vật này của ta mà không có con trai nên của cải phải thuộc về Vua.

Suy nghĩ vậy rồi, ông gọi người con gái bí mật bảo rằng: Nay có món diệu bảo đứng trên tất cả báu, cha sẽ đem cho con! Con được món báu này phải giấu kín cho chắc chắn, chớ để cho Vua biết! Người con gái nhận lệnh của cha, đem ngọc ma ni và các trân bảo giấu vào phân nhơ bẩn, cả nhà lớn nhỏ cũng đều chẳng ai biết.

Gặp đời thời kém, chồng người con gái bảo vợ rằng: Nhà ta nghèo cùng, khốn quẩn về ăn mặc, nàng có thể đi nơi khác tìm chỗ sống cho mình!

Người vợ nói với chồng rằng: Cha tôi là trưởng giả, lúc sắp qua đời, đem của báu ban cho tôi. Nay ở tại chỗ đó đó chàng có thể lấy chúng! Người chồng đào lấy, thu được nhiều trân báu cùng ngọc Như ý.

Người ấy đem ngọc Như ý ra, đốt hương lễ bái, trước phát nguyện rằng: Xin ngọc vì ta mưa xuống đồ ăn! Theo lời phát nguyện liền mưa xuống đồ ăn thức uống trăm vị. Cứ như vậy từng món từng món theo ý người được ngọc báu.

Người chồng được rồi bảo vợ mình rằng: Nàng như Thiên Nữ có thể ban cho ta ngọc báu! Nàng giấu ngọc báu này, ta còn chẳng biết, huống lại là người khác.

Đức Phật bảo A Nan: tam muội niệm Phật bền chặt, lòng chẳng lay động cũng như vậy.

Lại nữa, này A Nan! Ví như có ông Vua bạo ngược trái đạo. Dân mắc phải sự độc ác của Vua ấy, người sợ, thần giận.

Nước gặp đại hạn thỉnh cầu thần đất, chẳng thể được mưa, có người bề tôi bạch rằng: Thưa Đại Vương! Ngài phải biết, hiện nay bên trong cõi nước này ở miền Lâm đẩu có một vị Tiên Nhân đạt năm phép thần thông vô ngại. Nhà Vua nên thỉnh mời vị ấy chú nguyện rồng! Nhà Vua nghe xong, hớn hở không lường, sai người đến rừng thỉnh vị Tiên Nhân.

Vị Tiên xuất thần bay đến trước điện Đại Vương, lớn tiếng nói rằng: Đại Vương vô đạo! Các Trời, Rồng, thần đều đi tứ tán, chẳng ủng hộ đất nước của Vua nữa thì làm sao sai ta cầu mưa?

Nhà Vua nghe lời nói này lấy làm rất xấu hổ, cải hối việc làm ác của hành động trước đây. Vị Tiên Nhân ấy biết lòng Nhà Vua đã nhu thuận tốt lành nên niệm tụng chú. Nhờ sức thần thông nên Trời mưa xuống cam lộ, đất trào ra suối nước thấm nhuần tất cả.

Đức Phật bảo A Nan: Người muốn niệm Phật như vị Vua bỏ điều ác. Người được niệm Phật như người giỏi chú nguyện.

Lại nữa, này A Nan! Ví như người lực sĩ ỷ lại mình có sức lực lớn, vi Phạm Vương pháp. Nhà Vua sai năm người bắt lấy lực sĩ giam vào ngục tối với gông cùm rất bền chắc. Lực sĩ giận vung sức mạnh, toàn thân rướm máu, gông cùm nát tan, vượt tường chạy trốn. Hắn đi đến bên bờ biển, mở viên ngọc sáng trên đỉnh đầu đem thuê người lái thuyền.

Người lái thuyền nói rằng: Cái này như đá trắng ở trong biển nhiều vô số, ta lấy nó làm gì?

Người lực sĩ quỳ gối thưa vị lái thuyền rằng: Ngọc sáng này của tôi có sáu thứ màu! Ông liền dùng lụa vàng gói viên ngọc đặt vào trong nước, nước liền thành màu vàng. Ông lại thâu hồi viên ngọc, dùng lụa trắng gói đặt vào trong nước, nước liền biến ra màu trắng.

Ông lại thu lấy viên ngọc, dùng lụa màu xanh lục gói lại, đặt vào trong nước, nước liền biến thành màu lưu ly xanh lục. Ông thu lấy ngọc dùng lụa màu ngọc bích gói lại đặt vào trong nước, nước liền biến thành màu chân kim tinh.

Ông thu lấy viên ngọc lại dùng lụa đỏ gói đặt vào trong nước, nước liền biến thành màu xa cừ. Ông lại thu lấy ngọc, dùng lụa màu tía gói đặt vào trong nước, nước liền biến thành màu kim cương Trời, trên nước lại có ánh sáng ma ni tía.

Vị lái thuyền thấy rồi liền lấy ngọc báu, dùng kiệu báu lớn, khiêng người dũng mãnh, đặt lên thuyền lớn, nhờ gió cất buồm lướt nhanh như tên bắn, đến bờ bên kia. Đến bờ kia rồi, lòng dạ thư thái yên ổn, không sợ, người ấy đem nhiều trân bảo đền ân vị lái thuyền.

Đức Phật bảo A Nan: Người tu hành niệm Phật như vị đại lực sĩ, thoát khỏi gông cùm, tâm vươn đến được bờ kia trí tuệ.

Lại nữa, này A Nan! Ví như khi kiếp sắp hết, hai mặt trời cùng xuất hiện. Núi rừng, cây cối, sông ao… đều khô cạn. Khi ba mặt trời xuất hiện thì mọi màu lửa dậy. Khi bốn mặt xuất hiện thì biển lớn tiêu giảm, ba phần còn một. Khi năm mặt trời xuất hiện thì biển lớn cạn hết. Khi sáu mặt trời xuất hiện thì núi Tu Di ngã nhào tan vỡ.

Khi bảy mặt trời xuất hiện thì đại địa cháy suốt cho đến Sắc Giới, chỉ có núi Kim cương chẳng thể đổ vỡ, trụ lại chốn cũ. tam muội niệm Phật cũng như vậy. Người tu hành định này là trụ ở trong biển thật tế của Phật đời quá khứ.

Đức Phật bảo A Nan rằng: Ta nay muốn cùng với các Đức Phật mười phương báo đền ân tam muội niệm Phật.

Đức Thế Tôn nói lời đó rồi, bấy giờ Đức Thế Tôn và các Đức Phật ở mười phương cùng Bồ Tát của hiền kiếp nhập vào tam muội Nhất thiết sắc thân quang minh. Từ mỗi lỗ chân lông của thân Chư Phật vọt ra những đám mây hóa Phật vi diệu nhiều chẳng thể tính kể. Những vị Hóa Phật đó ngồi kiết già trong hư không.

Vô số những vị Hóa Phật như vậy đều duỗi tay phải xoa đỉnh đầu Tôn Giả A Nan và lệnh cho Thích Đề Hoàn Nhân rằng: Hai người các ông hãy giữ gìn diệu pháp đó cẩn thận chớ quên mất! Vì chúng sinh trược ác đời vị lai, diệt mọi tội chướng nên Đức Như Lai Chánh Biến Tri, hôm nay, ở trong đại chúng, nói thân tướng của tất cả Phật.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan liền đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Đức Phật mà bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Kinh này sẽ gọi là gì?

Pháp yếu này sẽ hành trì ra sao?

Đức Phật bảo A Nan rằng: Kinh này tên là Hệ Tưởng Bất Động! Như vậy mà thọ trì! Cũng tên là Quán Phật Bạch Hào Tướng! Như vậy mà thọ trì! Cũng tên là Nghịch Thuận Quán Như Lai Thân Phận! Cũng tên là Nhất Nhất Mao Khổng Phân Biệt Như Lai Thân Phận! Cũng tên là Quán Tam Thập Nhị Tướng Bát Thập Tùy Hình Hảo Chư Trí Tuệ Quang Minh!

Cũng tên là Quán Phật tam muội Hải! Cũng tên là tam muội niệm Phật Môn, cũng tên là Chư Phật Diệu Hoa Trang Nghiêm Sắc Thân! Cũng tên là Thuyết Giới Định Tuệ Giải Thoát Giải Thoát Tri Kiến Thập Lực Tử Vô Sở Úy Thập Bát Bất Cộng Pháp Quả Báo Sở Đắc Vi Diệu Sắc Thân Kinh! Ông hãy thọ trì tốt, cẩn thận chớ quên mất!

Khi Đức Phật nói lời nói đó, đại chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và Bồ Tát cùng Trời, Rồng… tám bộ chúng, tất cả quỷ thần nghe Đức Phật nói thân tướng vi diệu đó, có người được Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, có người được A La Hán, có người gieo trồng nhân duyên đạo Bích Chi Phật, có người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, có người được pháp nhẫn vô sinh…

Số người ấy nhiều chẳng thể kể hết. Các đại chúng nghe Đức Phật nói pháp, cung kính đảnh lễ, phụng hành lời dạy của Đức Phật, làm lễ xin lui ra.

Lúc đó Tôn Giả A Nan liền đứng dậy, chắp tay quỳ gối bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai hôm nay tất cả thân tướng đều đã nói xong! Chỉ có tướng Vô kiến đảnh là Thế Tôn chưa diễn nói.

Nguyện xin Đấng Thiên Tôn! Nói một ít về điềm ứng của ánh sáng tướng đảnh, khiến cho chúng sinh, phàm ngu đời vị lai biết được tướng thù thắng của Đức Phật!

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nhập vào biển tam muội Đảnh khiến cho trong nhục kế trên đảnh Đức Phật, mỗi lỗ chân lông vọt ra ánh sáng lưu ly. Ánh sáng ấy như hình dáng tóc xoăn bằng nước xoắn về bên phải đầy khắp vô lượng Thế Giới mười phương như số biển các bụi trần của trăm ức Thế Giới. Như vậy trong tám muôn bốn ngàn lỗ chân lông đều hiện ra tướng nước đó.

Mỗi tướng nước lại hơn nước đó trăm ngàn vạn lần, chẳng thể biết. Trên những nước lưu ly đó, sinh ra nhiều hoa sen Cõi Trời quý báu. Mỗi hoa có vô số trăm ngàn ức cánh. Mỗi cánh hoa tạo ra vô số trăm ngàn ức màu sắc báu. Cánh hoa cực nhỏ cũng che khắp tam thiên đại thiên Thế Giới.

Trong mỗi tua hoa trên mỗi hoa như vậy có vô lượng A tăng kỳ trăm ngàn vạn ức hóa Phật nhiều như cát sông Hằng. Tướng nhục kế trên đảnh của mỗi hóa Phật tỏa ra các ánh sáng cũng như vậy. Thân lượng của các Đức Phật đồng với hư không, chẳng thể biết được.

Như vậy các Đức Phật, từng Đức Phật, Đức Phật tiếp nhau đến tận mép biển của Thế Giới. Khi tướng này hiện, ở mười phương đều có hàng trăm ức Bồ Tát nhiều như bụi trần, thân vọt lên hư không, thị hiện đại thần biến, đi đến chỗ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Các vị Bồ Tát nhờ thần lực Đức Phật nên tạm thay một phần nhỏ tướng điềm ứng trong mỗi lỗ chân lông, ngay tức thời được vô lượng trăm ngàn Đà La Ni Kim cang tướng. Khi Đức Phật hiện ra tướng đó, một ngàn vị Bồ Tát của hiền kiếp và các Đức Phật mười phương đều thị hiện tướng này.

Đại chúng trong hội thấy được phần nhỏ tướng này thì những vị Tu Đà Hoàn trong khoảnh khắc trở thành A La Hán, người quán nhân duyên chẳng duyên các duyên cũng trở thành A La Hán, Bồ Tát phát tâm thì vượt qua cảnh giới tăng tiến pháp môn biển các tam muội sâu xa, trụ trong tánh địa.

Bồ Tát vô sinh thì tăng tiến vô lượng pháp thù thắng, trụ trong tam muội Thủ Lăng Nghiêm.

Đức Phật bảo A Nan rằng: Sau khi Phật diệt độ, trong đời ác trược, nếu có chúng sinh nghe tướng thù thắng của Phật, lòng chẳng nghi ngờ, chẳng sợ hãi thì phải biết người đó có thể diệt trừ tất cả nghiệp chướng phiền não.

Người nghe tướng thù thắng của Phật sinh lòng tùy hỷ thì trừ bỏ được nghiệp ác rất nặng trong một ngàn ức kiếp, đời sau sinh ra chẳng bị đoạ vào ba đường ác, chẳng sinh vào chỗ tám nạn.

Khi Đức Phật nói lời đó thì Trưởng Lão Kiều Trần Như… các vị Đại Tỳ Kheo, Bồ Tát Di Lặc… các vị Đại Bồ Tát, vô lượng đại chúng nghe lời nói của Đức Phật đều rất vui mừng đảnh lễ cung kính phụng hành.

***