Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Quán Thế âm Bồ Tát, đắc đại Thế Bồ Tát Thọ Ký

PHẬT THUYẾT

KINH QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT,

ĐẮC ĐẠI THẾ BỒ TÁT THỌ KÝ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Vô Kiệt, Đời Lưu Tống
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại Lộc Uyển Tiên Nhân thuộc thành Ba La Nại, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo gồm hai vạn người hội đủ. Chúng Bồ Tát gồm một vạn hai ngàn người.

Tên của các vị Bồ Tát ấy là: Bồ Tát Sư Tử, Bồ Tát Sư Tử Ý, Bồ Tát An Ý, Bồ Tát Vô Dụ Ý, Bồ Tát Trì Địa, Bồ Tát Na La Đạt, Bồ Tát Thần Thiên, Bồ Tát Thật Sự, Bồ Tát Già Hầu Đa, Bồ Tát Hiền Lực, Bồ Tát Minh Thiên, Bồ Tát Ái Hỷ, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Trí Hạnh, Bồ Tát Chuyên Hạnh, Bồ Tát Hiện Vô Ngại, Bồ Tát Di Lặc, một vạn hai ngàn vị Đại Bồ Tát như thế v.v… đều là bậc thượng thủ.

Lại có hại vạn Thiên Tử, như Thiên Tử Thiện Giới, Thiên Tử Thiện Trụ v.v… làm thượng thủ, đều trụ nơi pháp Đại Thừa.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang cùng với vô lượng trăm ngàn đệ tử vây quanh nghe Ngài thuyết pháp, thì trong chúng hội có một vị Bồ Tát tên là Hoa Đức Tạng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai bên phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay hướng về Đức Phật, nói: Cúi xin Thế Tôn cho phép, con có điều muốn thưa hỏi.

Đức Phật bảo Bồ Tát Hoa Đức Tạng: Tùy ý ông cứ hỏi, những điều nghi ngờ ấy ta đã biết rồi. Ta sẽ giảng nói, khiến ông hoan hỷ.

Bồ Tát Hoa Đức Tạng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như thế nào là Đại Bồ Tát không thoái chuyển nơi đạo quả bồ đề vô thượng cùng năm thần thông, đạt được tam muội như huyễn, dùng phương tiện khéo léo để có thể hóa ra thân kia, tùy theo các hình loại thành tựu thiện căn, vì chúng sinh mà thuyết pháp, khiến chứng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?

Đức Phật khen Đại Bồ Tát Hoa Đức Tạng: Hay thay! Hay thay! Ông ở trước Đức Như Lai Đẳng, Chánh Giác đã có thể nêu hỏi ý nghĩa như thế.

Này Hoa Đức Tạng! Ông đối với Chư Phật thời quá khứ đã trồng các căn lành, cúng dường vô số trăm ngàn vạn ức Chư Phật, Thế Tôn, đối với các chúng sinh khởi tâm đại bi.

Hay thay! Này Hoa Đức Tạng! Lắng nghe, lắng nghe! Khéo suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì ông mà giảng nói.

Bồ Tát Hoa Đức Tạng thưa: Dạ vâng, con thích muốn nghe.

Đức Phật bảo Đại Bồ Tát Hoa Đức Tạng: Thành tựu một pháp đạt được tam muội như huyễn. Được tam muội này rồi, dùng phương tiện khéo léo để hóa ra thân kia, tùy theo các hình loại thành tựu căn lành, vì chúng sinh mà thuyết pháp, khiến chứng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Pháp ấy là gì?

Đó là pháp không nương tựa. Không nương nơi ba cõi, không nương ở trong, cũng không nương ở ngoài, đối với không chỗ nương tựa đạt được quan sát chân chánh. Quan sát chân chánh rồi, liền được chánh kiến, nên đối với giác tri không còn bị tổn giam. Do tâm không giảm nên được chánh tuệ. Nghĩa là tất cả các pháp từ duyên mà khởi nên hiện hữu chỉ là hư giả.

Tất cả các pháp do nhân duyên sinh, nếu không có nhân duyên thì không có pháp sinh. Tuy tất cả pháp từ nhân duyên sinh nhưng không có đối tượng được sinh. Người thông đạt pháp vô sinh như thế thì được nhập vào đạo chân thật của Bồ Tát cũng gọi là được nhập vào tâm đại từ bi, thương xót, độ thoát hết thảy chúng sinh.

Khéo có thể hiểu nghĩa sâu xa về ý nghĩa như thế rồi thì biết tất cả các pháp là như huyễn, chỉ do nhớ nghĩ, nói năng hóa tạo ra các pháp. Nhưng nhớ nghĩ, nói năng hóa tạo ra các pháp ấy rốt ráo đều là không.

Khéo thông đạt các pháp không rồi thì đó gọi là đạt được tam muội như huyễn. Được tam muội rồi, dùng phương tiện khéo léo để có thể hóa ra thân kia, tùy theo các hình loại mà thành tựu căn lành, vì chúng sinh mà thuyết pháp, khiến chứng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Đại Bồ Tát Hoa Đức Tạng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ở trong chúng hội này có Bồ Tát đạt được tam muội ấy không?

Đức Phật nói: Có đấy. Nay trong chúng hội này có sáu mươi vị Chánh Sĩ, như Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi v.v… với thệ nguyện lớn trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn, đã đạt được tam muội ấy.

Bồ Tát Hoa Đức Tạng lại bạch Phật: Bạch The Tôn! Chỉ có Thế Giới này Bồ Tát đạt được tam muội ấy, còn ở Thế Giới thuộc phương khác lại có Bồ Tát thành tựu tam muội như huyễn kia không?

Đức Phật bảo Bồ Tát Hoa Đức Tạng: Về phương Tây, cách đây hàng ức trăm ngàn cõi có Thế Giới tên là An Lạc, ở đó có Đức Phật hiệu là A Di Đà Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, hiện đang thuyết pháp.

Đức Phật ấy có hai vị Bồ Tát: Vị thứ nhất tên là Quán Thế Âm, vị thứ hai tên là Đắc Đại Thế đều đạt tam muội này.

Lại nữa, này Bồ Tát Hoa Đức Tạng! Nếu có Bồ Tát theo vị Chánh Sĩ kia bảy ngày bảy đêm, nghe, thọ pháp ấy, liền đạt được tam muội như huyễn.

Bồ Tát Hoa Đức Tạng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Cõi nước kia phải có vô lượng Bồ Tát đạt được tam muội ấy.

Vì sao?

Vì số Bồ Tát còn lại sinh vào cõi nước đó, đều sẽ đi đến chỗ bậc Chánh Sĩ lắng nghe thọ nhận pháp ấy.

Đức Phật khen: Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói, có vô lượng A tăng kỳ Đại Bồ Tát theo bậc Chánh Sĩ kia đạt được tam muội ấy.

Bồ Tát Hoa Đức Tạng lại bạch Phật: Cao cả thay, thưa Thế Tôn! Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xin dùng thần lực khiến bậc Chánh Sĩ đó đến Thế Giới này, lại khiến cho hai cõi cùng được thấy nhau.

Vì sao?

Vì nếu bậc Chánh Sĩ đó đã đi đến cõi này, thì thiện nam, thiện nữ nào thành tựu được căn lành, nghe bậc Chánh Sĩ ấy nói pháp, đạt được tam muội này, lại mong thấy Đức Phật A Di Đà ở Thế Giới An Lạc, khiến cho thiện nam, thiện nữ ấy phát tâm cầu đạo quả Chánh Giác Vô Thượng, nguyện sinh vào cõi nước kia, nên trọn không thoái chuyển nơi quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu của Bồ Tát Hoa Đức Tạng, liền phóng ra ánh sáng từ tướng lông trắng giữa chân mày tỏa chiếu khắp ba ngàn đại thiên cõi nước.

Trong đó, tất cả núi chúa Tu Di, núi Mục Chân Lân Đà, núi Đại Mục Chân Lân Đà, núi Nghiễn Ca La, núi Đại Nghiễn Ca La, cho đến biên vực của các Thế Giới khác, tất cả núi đá, rừng rậm và những nơi tối tăm đều hiện bày màu sắc vàng ròng sáng chói. Ánh sáng ấy khiến cho ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và ánh sáng của những oai lực lớn trong thế gian đều không hiện.

Hào quang của Đức Thế Tôn tỏa chiếu khắp hàng ức trăm ngàn cõi nơi phương Tây cho đến Thế Giới An Lạc đều cùng một sắc vàng óng. Ánh sáng lớn đó nhiễu quanh Đức Phật kia bảy vòng rồi ở trước Đức Như Lai bỗng nhiên không hiện.

Các vị Bồ Tát, Thanh Văn và chúng sinh ở cõi nước ấy đều trông thấy Đức Phật Thích Ca Văn ở cõi này cùng với các đại chúng đang vây quanh nghe pháp, giống như xem quả A ma lặc trong lòng bàn tay, thảy đều sinh tâm ưa thích, hoan hỷ xướng lời như vậy:

Nam Mô Thích Ca Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Nơi chúng hội này các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, các chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi Nhân v.v… chư vị Đế Thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương, các Bồ Tát, Thanh Văn v.v…

Đều thấy rõ Đức Phật A Di Đà ở Thế Giới An Lạc cùng với chúng Bồ Tát, Thanh Văn quyến thuộc đang vây quanh sáng tỏa như núi báu, cao rõ, thù thắng đặc biệt, oai quang rực rỡ chiếu khắp các cõi, như người mắt sáng, trong khoảng một tầm nhìn thấy diện mạo người rõ ràng, không chướng ngại.

Đã trông thấy cảnh giới kia rồi thì đều vui mừng hết mực cùng xướng: Nam Mô A Di Đà Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri!

Khi ấy, trong chúng hội này, tám vạn bốn ngàn chúng sinh đều phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, vun trồng căn lành, nguyện sinh về cõi nước kia.

Lúc đó, chúng Thanh Văn và Bồ Tát ở Thế Giới An Lạc trông thấy cõi này rồi thì cho là kỳ lạ, chưa từng có nên vui mừng, chấp tay đảnh lễ Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri và nói: Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật, có thể vì chúng Bồ Tát, Thanh Văn thuyết pháp như thế.

Bấy giờ, nơi Thế Giới An Lạc hiện đủ sáu cách chấn động:

1. Chấn động cùng chấn động khắp.

2. Dao động cùng dao động khắp.

3. Gõ động cùng gõ động khắp.

4. Vọt động cùng vọt động khắp.

5. Nổ động cùng nổ động khắp.

6. Gầm động cùng gầm động khắp.

Khi ấy, Đại Bồ Tát Quán Thế Âm và Đắc Đại Thế bạch Phật A Di Đà: Thật là kỳ diệu, thưa Thế Tôn! Đức Thích Ca Như Lai hiện bày sự việc hy hữu.

Vì sao?

Vì Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri chỉ hiện ra một vài danh hiệu đã khiến cho vô lượng đại địa hiện đủ sáu cách chấn động.

Lúc này, Đức Phật A Di Đà bảo hai vị Bồ Tát: Đức Thích Ca Mâu Ni không chỉ hiện bày danh hiệu ở cõi ấy, mà còn hiện ra vô lượng danh hiệu ở vô lượng Thế Giới của Chư Phật khác, hào quang tỏa chiếu khắp với sáu cách chấn động cũng như vậy.

Vô lượng A tăng kỳ chúng sinh ở Thế Giới của Chư Phật kia nghe danh hiệu cùng tán thán Đức Thích Ca Mâu Ni đều thành tựu căn lành, đạt được pháp bất thoái chuyển đối với đạo quả bồ đề vô thượng.

Khi ấy, có bốn mươi ức Bồ Tát ở trong chúng hội này nghe danh hiệu Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Cúng Đẳng, Chánh Giác đều cùng phát nguyện đem căn lành hồi hướng đến quả vị Bồ Đề Vô Thượng. Đức Phật A Di Đà liền thọ ký cho chư vị sẽ chứng đắc đạo quả Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Quán Thế Âm và Đắc Đại Thế cùng đến chỗ Đức Phật kia đảnh lễ sát chân Ngài, cung kính chấp tay đứng qua một bên, rồi thưa: Bạch Thế Tôn! Đức Thích Ca Mâu Ni do nhân duyên gì mà phóng ra ánh sáng ấy?

Đức Phật A Di Đà bảo Bồ Tát Quán Thế Âm: Bậc Như Lai Ứng Cúng Đẳng, Chánh Giác phóng ra ánh sáng ấy chẳng phải là không có nhân duyên.

Vì sao?

Vì Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri hiện nay sắp diễn nói Kinh Bồ Tát Trân Bảo Xứ tam muội nên trước tiên là hiện ra điềm lành như vậy.

Đại Bồ Tát Quán Thế Âm và Đắc Đại Thế bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con muốn đến Thế Giới Ta Bà để lễ bái cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và nghe thuyết pháp.

Đức Phật bảo: Này thiện nam! Nên biết là rất đúng lúc.

Hai vị Bồ Tát liền cùng nói với nhau: Hôm nay chúng ta nhất định sẽ được nghe Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng nói pháp vi diệu.

Lúc này, hai vị Bồ Tát ghi nhận lời dạy của Đức Phật A Di Đà, rồi nói với bốn mươi ức Bồ Tát quyến thuộc: Này các thiện nam! Chư vị nên cùng đi đến Thế Giới Ta Bà để đảnh lễ cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni va lắng nghe chánh pháp.

Vì sao?

Vì Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Cúng Đẳng, Chánh Giác đã có thể thực hiện những việc khó làm, bỏ cõi nước thanh tịnh, dùng diệu lực nơi bản nguyện khởi tâm đại bi, ở trong đời xấu ác ô trược, đức mỏng, phước ít, lại nhiều tham, sân, si, thành tựu được đạo quả bồ đề vô thượng, vì các chúng sinh mà thuyết pháp.

Khi nói lời này, chư vị Bồ Tát và Thanh Văn đồng thanh tán thán: Chúng sinh ở Thế Giới kia nghe danh hiệu Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri liền đạt được nhiều lợi ích tốt đẹp huống hồ là được thấy Đức Thế Tôn, phát tâm vui mừng.

Bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ cùng nhau đi đến Thế Giới Ta Bà để lễ bái cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đức Phật A Di Đà dạy: Này các thiện nam! Nên biết là rất hợp thời.

Khi ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đắc Đại Thế cùng với bốn mươi ức Bồ Tát vây quanh trước sau ở Thế Giới An Lạc, dùng sức thần thông đều làm quyến thuộc, hóa ra bốn mươi ức đài báu trang nghiêm. Các đài báu này dài rộng mười hai do tuần, oai nghiêm vi diệu.

Trên đài báu đó có chỗ làm bằng hoàng kim, có chỗ làm bằng bạch ngân, có chỗ làm bằng lưu ly, có chỗ làm bằng pha lê, có chỗ làm bằng xích châu, có chỗ làm bằng xa cừ, có chỗ làm bằng mã não, có chỗ làm bằng hai loại báu: Hoàng kim và bạch ngân. 

Có chỗ làm bằng ba loại bau là: Vàng, bạc và lưu ly.

Có chỗ do bốn loại báu tạo nên là: Hoàng kim, bạch ngân, lưu ly và pha lê.

Có chỗ do năm loại báu tạo thành là: Vàng, bạc, lưu ly, pha lê và xích châu.

Có chỗ do sáu loại báu tạo nên là: Hoàng Kim, Bạch Ngân, Lưu Ly, Pha Lê, Xa Cừ và Xích Châu. Có chỗ do bảy loại báu tạo thành tức gồm thêm mã não.

Lại dùng Xích Châu, Chiên Đàn, Ưu Bát La, Bát Đầu Ma, Câu Vật Đầu, Phân Đà Lợi để trang nghiêm đài báu.

Lại tuôn các loại hoa Tu Mạn Na, hoa Chiêm Bặc, hoa Ba La La, hoa A Đề Mục Đa, hoa Đa La Ni, hoa Cù La Ni, hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, hoa Ba Lâu Sa, hoa Ma Ha Ba Lâu Sa, hoa Mạn Thù Sa, hoa Ma Ha Mạn Thù Sa, hoa Lô Già Na, hoa Ma Ha Lô Già Na, hoa Già Ca, hoa Ma Ha Già Ca, hoa Tô Lâu Chí Già Ca, hoa Chiên Na, hoa Ma Ha Chiên Na, hoa Tô Lâu Chí Chiên Đàn Na, hoa Chiên Nô Đa La, hoa Tha La, hoa Ma Ha Tha La v.v… các loại màu sắc xen lẫn nơi đài báu đó hết sức rực rỡ, chói sáng, thanh tịnh, tươi đẹp.

Trên các đài báu có tám vạn bốn ngàn ngọc nữ được hóa hiện hoặc mang ống tiêu, ống sao, đàn cầm, đàn sắt, đàn tranh, đàn Tỳ Bà, vô lượng các thứ nhạc cụ như thế cùng tấu lên âm thanh vi diệu, ung dung an trụ.

Hoặc có ngọc nữ cầm hương xích chiên đàn, hương trầm thủy chiên đàn, hoặc cầm hương hắc trầm thủy chiên đàn, nghiễm nhiên an trụ.

Hoặc có ngọc nữ cầm hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đầu Ma, hoa Câu Vật Đầu, hoa Phân Đà Lợi thư thái an trụ.

Hoặc có ngoc nữ cầm hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La, hoa Ba Lâu Sa, hoa Ma Ha Ba Lâu Sa, hoa Lô Già Na, hoa Ma Ha Lô Già Na, hoa Chiên Na, hoa Ma Ha Chiên Na, hoa Tô Lâu Chí Chiên Na, hoa Già Ca, hoa Ma Ha Già Ca, hoa Tô Lâu Chí Già Ca, hoa Đà La, hoa Ma Ha Đà La, hoa Tô Lâu Chí Đà La đều đoan nghiêm an trụ.

Hoặc có ngọc nữ cầm tất cả các thứ hoa quả vui vẻ an trụ.

Nơi các đài báu đều có các tòa sư tử do các vật báu tạo thành, rất trang nghiêm. Trên ấy đều có đức hóa Phật gồm đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp tạo nên vẻ uy nghiêm nơi thân.

Lại treo tám vạn bốn ngàn chân châu với các màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng xen lẫn. Xuyên qua, nối kết các đài báu là tám vạn bốn ngàn bình báu đẹp đẽ đựng đầy hương bột trang trí hài hòa. Lại có tám vạn bốn ngàn lọng báu tươi đẹp, giăng che khắp bên trên.

Lại có tám vạn bốn ngàn các cây báu xinh tươi được trồng đều khắp. Còn có tám vạn bốn ngàn linh báu giăng mắc khắp trên cao.

Giữa các hàng cây báu có ao làm bằng bảy báu, nước ở đấy gồm đủ tám thứ công đức, luôn đầy ắp. Nhiều loại Hoa sen báu xanh, vàng, đỏ, trắng với những màu sắc tươi sáng đẹp đẽ. Gió nhẹ thổi động các hàng cây báu phát ra âm thanh vi diệu, âm thanh đó thật hòa nhã hơn cả nhạc Trời.

Trên các đài báu ấy còn có tám vạn bốn ngàn các dây báu đẹp nối kết giữa các hàng cây, mỗi mỗi đài báu ánh sáng rực rỡ tỏa chiếu đến tám vạn bốn ngàn do tuần.

***