Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân

PHẬT THUYẾT KINH

QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH

BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trí Nghiêm, Đời Đường
 

PHẦN BA
 

Chúng sinh đời năm trược

Tâm ý thường yếu hèn

Sợ sệt trí tuệ Phật

Chẳng hướng tới bồ đề

Thành tựu quả thứ tư

Gọi là A La Hán,

Theo âm thanh giác ngộ

Đó gọi là Thanh Văn.

Ta nêu tướng buộc, mở

Nhân duyên không giống nhau

Hiểu rõ các duyên ấy

Sẽ hiện thấy các pháp

Gọi là A La Hán

Cũng gọi Bích Chi Phật

Thông đạt pháp vô sinh

Đó gọi là Bồ Tát

Không tam muội, vô tác

Vô tướng, không thật có

Từ cửa giải thoát này

Mà vào được Niết Bàn

Ở mé trước, giữa, sau

Không bao giờ mê đắm

Đã lìa khỏi nơi chốn

Đó gọi là vô vi.

A Nan ông nên biết

Văn Thù hỏi sâu xa

Hiểu được lời nhiệm mầu

Chẳng phân biệt các quả

Văn Thù trụ nhất thừa

Chẳng phân biệt các pháp

Vì thế nên hỏi Phật

Cho nên tướng các cõi

Ba đời đều bình đẳng

Vắng lặng, chẳng tánh tướng

Xa lìa mọi âm thanh

Chẳng phân biệt bồ đề

Được Văn Thù giáo hóa

Các Bồ Tát đến nhóm

Hai mươi hằng hà sa

Số ấy không giảm bớt.

Hôm nay đến chỗ ta

Muốn nghe hạnh Bồ Tát

Cũng muốn nghe ba thừa.

Các thứ tướng khác nhau

Văn Thù bậc không sợ

Vì trừ tâm nghi kia

Cho nên nay hỏi ta

Tướng thừa và tướng quả

Đó là uy thần Phật

Cũng là sức bản nguyện

Nhằm giúp chúng sinh khổ

Phân biệt nói ba thừa.

Văn Thù bậc không sợ

Tha thiết khuyến thỉnh ta

Cúi xin Đại Pháp Vương

Nói việc của Bồ Tát

Trăm ngàn ức vị trời

Cúng dường Phật, Thế Tôn

Đều đắm tướng các quả

Xin trừ tâm nghi này

Giờ bốn bộ chúng này

Tỳ Kheo thảy đến nhóm

Đắm âm thanh các quả

Không hiểu lời nhiệm mầu.

Nhằm dứt bỏ nghi ấy

Nay Văn Thù hỏi ta

Do những nhân duyên nào

Các Bồ Tát đến nhóm.

Lúc bấy giờ Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử đã khuyến thỉnh Đức Thế Tôn nói về pháp Quảng bác nghiêm tịnh bất thoái chuyển luân phải chăng?

Đức Phật nói: Đúng thế, này A Nan! Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử hỏi ta về pháp ấy.

Vì sao?

Vì các Đức Phật, Thế Tôn đều nói pháp Quảng bác nghiêm tịnh bất thoái chuyển luân.

A Nan bạch Phật: Do nhân duyên nào Thế Tôn nói về kiên tín, kiên pháp, tám bậc, bốn quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Thanh Văn, Bích Chi Phật?

Bạch Thế Tôn! Điều các vị ấy thực hành có phải là pháp của Bồ Tát không?

Đức Phật đáp: Đúng vậy, đúng vậy! Điều các vị ấy thực hành chính là pháp của Bồ Tát.

Vì sao?

Vì chúng sinh ở cõi đời năm trược tâm thường ưa thích pháp nhỏ, chẳng cầu các pháp đại thừa. Do đó, các Đức Phật dùng năng lực phương tiện tùy theo căn tánh của chúng sinh mà nói pháp, vì phần lớn chỉ ưa thích pháp nhỏ, không kham nỗi các pháp đại thừa nên Như Lai cũng dùng năng lực phương tiện quán sát tâm sâu xa, khiến họ phát khởi tâm cầu đạo bồ đề, vào được trí tuệ Phật.

Này A Nan! Như Lai dùng phương tiện như vậy để hóa độ chúng sinh đến nơi an ổn, vô vi vô tác, lìa pháp tâm sở, tất cả đềubình đẳng, dứt hẳn khổ vui, không có nơi chốn, cũng không có chỗ trụ, an ổn vắng lặng, Niết Bàn Vô dư.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói lời ấy rồi im lặng không nói nữa.

Tôn Giả A Nan liền hỏi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi: Vì sao Như Lai im lặng?

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Tôn Giả A Nan! Vì chúng sinh khi nghe nói pháp này thì ít người có khả năng kính tin, vì vậy mà Đức Thế Tôn im lặng.

Đức Thế Tôn nói những lời mật ngữ nhiệm mầu như thế chỉ có mình ta thấu hiểu, nay bốn bộ chúng đều sinh nghi ngờ: Do duyên cớ nào mà Đức Thế Tôn nói về pháp kiên tín, kiên pháp, cho đến Thanh Văn, Bích Chi Phật?

Hiện giờ trong trăm ngàn muôn ức na do tha các vị Trời này cũng có trăm ngàn muôn ức na do tha các vị Đại Bồ Tát đều sinh tâm nghi ngờ: Vì sao Đức Thế Tôn nói về kiên tín, kiên pháp, cho đến Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa?

Cho nên Đức Thế Tôn im lặng không nói pháp khó tin này.

Khi Đức Thế Tôn Giảng nói về pháp đó thì nơi các sông ngòi, suối ao, nguồn lạch lớn nhỏ đều dừng không chảy. Các loài chim trong hư không cũng đều dừng cánh, không bay. Mặt trời, mặt trăng không chuyển vận, tất cả đèn đuốc đều không còn tỏa sáng. Tất cả các chúng sinh đều không còn oai quang.

Vì sao?

Vì Đức Thế Tôn im lặng không giảng nói pháp khó tin.

Lúc này, một vạn hoa sen đang nối tiếp nhau bay vòng quanh Tinh Xá của Đức Thế Tôn đều phát ra am thanh khuyến thỉnh: Cúi mong Đức Thế Tôn nói về pháp Quảng bác nghiêm tịnh bất thoái chuyển luân.

Vì sao?

Vì chúng con từng ở nơi này được nghe chín mươi hai ức trăm ngàn na do tha các Đức Phật đều nói về pháp này.

Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn hãy nói về pháp Quảng bác nghiêm tịnh bất thoái chuyển luân.

Vì sao?

Vì lúc cuối đêm vừa rồi, con cùng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử đi về phía Đông, trải qua hằng hà sa Cõi Phật, các Đức Như Lai ở các cõi đó đều nói pháp ấy. Phương Nam, Bắc, Tây, tứ duy và hai phía trên dưới, vô lượng, vô biên không thể tính kể các Đức Phật, Thế Tôn ở các cõi đó đều giảng nói pháp ấy.

Lúc này, trong hư không có tám mươi vạn năm ngàn na do tha các vị Trời cùng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn nói về pháp Quảng bác nghiêm tịnh bất thoái chuyển luân.

Vì sao?

Vì chúng con đã ở chỗ này nghe chín mươi hai ức trăm ngàn na do tha Đức Phật đều nói pháp ấy.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà Thế Tôn giảng nói về kiên tín, kiên pháp cho đến hai thừa Thanh Văn, Bích Chi Phật?

Hiện giờ bốn chúng này đều yên lặng, ngay đến tiếng ho hen cũng không. Hiện giờ trong hội này có trăm ngàn muôn ức chúng sinh đều sinh tâm nghi ngờ, chưa rõ do đâu mà Thế Tôn nói về kiên tín, kiên pháp, cho đến hai thừa Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Kính mong Đức Thế Tôn nhổ mũi tên nghi ngờ trong tâm đại chúng này, nói rõ về thời chứng của Phật cho đại chúng nghe.

Phật bảo A Nan: Đúng thế, pháp do các Đức Phật, Thế Tôn Giảng nói đều có thời chứng.

A Nan bạch Phật: Ai là người chứng đạt?

Phật bảo A Nan: Pháp ấy do ta chứng đạt. Các Đức Phật, Như Lai đều đem các pháp mình đã chứng đắc ra để giảng nói.

Phật bảo A Nan: Ông hãy nghe kỹ và khéo suy nghĩ, ta sẽ giải thích rành rõ cho ông nghe. Bậc Đại Bồ Tát được gọi là kiên tín, cho đến được gọi là Bích Chi Phật thừa.

Lúc này, Tôn Giả A Nan và các vị Đại Thanh Văn thảy đều nhất tâm lắng nghe lời Phật dạy.

Phật bảo A Nan: Bậc Đại Bồ Tát giúp cho vô lượng, vô biên A tăng kỳ chúng.

sinh kính tin tri kiến Phật. Kính tin tri kiến Phật rồi thì không còn chấp sắc, không còn chấp thọ, tưởng, hành, thức. Vì không còn chấp trước sắc, thọ, tưởng, hành, thức nên các vị Đại Bồ Tát được gọi là kiên pháp.

Lại nữa, này A Nan! Các vị Đại Bồ Tát kính tin pháp do các Đức Phật giảng nói đều vắng lặng. Người tin pháp này là bậc Đại Bồ Tát gọi là kiên tín.

Lại nữa, này A Nan! Bậc Đại Bồ Tát kính tin trí tuệ Phật thường suy nghĩ rằng chúng ta cũng sẽ đạt đến trí tuệ giác ngộ như vậy, nhưng cũng không thấy là mình đã thành tựu được trí tuệ đó.

Do đó A Nan! Các vị Đại Bồ Tát ay được gọi là kiên tín.

Lại nữa, này A Nan! Các vị Đại Bồ Tát đối với năm dục lạc không sinh tâm ưa thích, thành tựu Tín lực, cho nên các vị Đại Bồ Tát được gọi là kiên tín.

Lại nữa, này A Nan! Các vị Đại Bồ Tát thường suy nghĩ: Các Đức Phật, Thế Tôn dùng pháp chẳng thể suy nghĩ bàn luận mà ban cho chúng sinh. Chúng ta cũng nên học pháp không thể suy nghĩ bàn luận để ban cho chúng sinh. Vì vậy nên các vị Đại Bồ Tát này được gọi là kiên tín.

Lại nữa, này A Nan! Bậc Đại Bồ Tát sinh tâm hoan hỷ xả bỏ tất cả các vật, cho đến bản thân mình còn đem bố thí, huống gì là vật khác. Kính tin thực hành pháp bố thí này nhưng không hề vướng mắc, đối với tất cả vật chất không hề có sự keo kiệt tiếc lẫn, luôn đem các nhân duyên ấy hồi hướng về đạo bồ đề nhưng cũng không dấy khởi kiến chấp về đạo bồ đề. Các vị Đại Bồ Tát ấy được gọi là kiên tín.

Lại nữa, này A Nan! Bậc Đại Bồ Tát tín tâm thanh tịnh, không hề yếu hèn, đối với Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng tâm luôn thuần tịnh, giữ gìn sáu căn, không hề mong cầu, khiến cho chúng sinh không kính tin thì đối với Tam Bảo sinh tâm tin ưa, đã sinh tâm tin ưa thì chẳng hề buông lung. Phát tâm bồ đề, không chấp ở hình tướng của tâm, tin hiểu sáu cõi bình đẳng với pháp giới.

Thế nào là tin hiểu?

Tức là cho rằng các cõi đó đều dùng các âm thanh, tên gọi để nói nhưng thật ra chúng không thật có. Tin hiểu các hành đều là pháp vô thường, khổ, không, vô ngã. Cũng kính tin Thánh giới vô lậu không phải là các pháp đùa bỡn mà là có đủ các pháp chánh định.

Đại Bồ Tát tin rằng tất cả chung sinh tức là cảnh giới vắng lặng, dùng tâm không nương tựa thấy các chúng sinh chính là pháp giới, nhưng đối với pháp này không thấy có pháp giới.

Vì sao?

Vì Pháp Giới chính là cảnh giới vô tâm của chúng sinh. Bậc Đại Bồ Tát kính tin như vậy được gọi là kiên tín.

Bậc Đại Bồ Tát tin tưởng tất cả chúng sinh không có trụ xứ.

Vì sao?

Vì tự tánh là không. Cũng lại không thấy có hình tướng chúng sinh, thấy các chúng sinh đồng với tướng Niết Bàn.

Vì sao?

Vì cảnh giới chúng sinh là không, do vậy mà thấy các chúng sinh là tướng Niết Bàn. Nếu kính tin được pháp như thế, thì giúp cho nhiều chúng sinh được sự kính tin như vậy.

Cho nên, này A Nan! Các vị Đại Bồ Tát được gọi là kiên tín.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩ vừa nêu nên nói kệ rằng:

Giúp cho các chúng sinh

Kính tin tri kiến Phật.

Tâm chẳng sinh đắm, nhiễm

Đó gọi là kiên tín.

Tin pháp các Phật nói

Các tánh tướng đều không

Tin, hiểu được pháp này

Đó gọi là kiên tín.

Tin tri kiến các Phật

Là chẳng thể nghĩ bàn

Phát tâm siêng mong cầu

Ta gắng đạt trí ấy.

Chẳng sinh tâm tin ưa

Tham cầu năm dục lạc

Đầy đủ tín lực ấy

Đó gọi là kiên tín.

Tin các Đấng Mâu Ni

Dùng pháp độ chúng sinh

Ta cũng nên học theo

Đó gọi là kiên tín.

Tin hành được bố thí

Cho đến bỏ thân mình

Cũng chẳng khởi tưởng thí

Đó gọi là kiên tín.

Tin bỏ được tất cả

Chẳng sinh tâm tiếc lẩn

Đều hồi hướng bồ đề

Đó gọi là kiên tín.

Kính tin đối với Phật

Tâm luôn được trong lành

Cũng tin pháp vô tâm

Đó gọi là kiên tín.

Giữ gìn được sáu căn

Cũng không còn cầu mong

Đã tin, hiểu pháp ấy

Đó gọi là kiên tín.

Các chúng sinh chẳng tin

Dùng tin xây dựng họ

Khiến thuận theo Phật Pháp

Đó gọi là kiên tín.

Dùng tín này hướng tâm

Đều hồi hướng bồ đề

Nhưng không thấy tướng tâm

Đó gọi là kiên tín.

Biết sáu cõi bình đẳng

Tức đồng với pháp giới

Dùng âm thanh phân biệt

Không được tánh sáu giới.

Tin các hành vô thường

Khổ, không và vô ngã

Đầy đủ tín lực này

Đó gọi là kiên tín.

***