Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân

PHẬT THUYẾT KINH

QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH

BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trí Nghiêm, Đời Đường
 

PHẦN MƯỜI BẢY
 

A Nan! Do như vậy

Bồ Tát nói lời ấy

Tự nói mình là Phật

Như Phật, Bậc Đạo Sư

Dùng tiếng tăm của Phật

Nói các pháp như thế

Nếu an trụ pháp đó

Đều nên cầu bồ đề.

Nếu biết được pháp này

Đó là gần bồ đề

Đối với tất cả pháp

Không sinh các nghi ngờ.

Đối các pháp không nghi

Là vô thượng trên đời

Đã biết pháp này nên

Hiểu được nghĩa mật ngữ.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nói về ý nghĩa danh hiệu Như Lai, Thế Tôn, Phật xong, trong chúng hội có đến trăm ngàn chúng sinh bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con đã xé rách được lưới nghi ngờ, đạt được sáng tỏ, đã hiểu ý nghĩa vì sao các Đại Bồ Tát được gọi là Như Lai, Thế Tôn, Phật, vì tất cả pháp, không thật có, đối với tất cả pháp đã đạt được pháp nhẫn.

Như Lai hiện giờ giống như cha mẹ thương xót dắt dẫn chúng con, không để cho tâm ý chúng con bị xao động nữa, đồng thời chúng con cũng biết rõ được pháp không xáo động, giống như hư không không thể quấy động được.

Vì sao?

Vì hiện tại chúng con đã biết rõ tất cả pháp, cũng như hư không, không bị quấy động.

Bấy giờ, trong chúng có trăm ngàn chúng sinh đảnh lễ sát chân Phật, đi nhiễu theo chiều bên phải quanh Phật ba vòng, rồi đứng im lặng cách Phật không xa.

Khi ấy, trong chúng hội có vị Đại Bồ Tát tên là Thường Tiếu Chư Căn Thanh Tịnh liền đứng dậy, rải các thứ hoa lên chỗ Phật để cúng dường rồi nói kệ rằng:

Chúng sinh thường tưởng quả

Hiểu được tưởng quả kia

Lìa quả được đầy đủ

Lễ Bậc Trí ở đời.

Chúng sinh tham đắm quả

Đặt ra tên các quả

Chỉ Phật dứt trừ được

Nên lễ Bậc Đại Trí.

Giảng nói quả bình đẳng

Để giác ngộ chúng sinh

Biết quả là giả danh

Nên lễ Bậc Đại Trí.

Giảng nói pháp bình đẳng

Trụ trong pháp bình đẳng

Biết tất cả các pháp

Nên lễ Bậc Đại Trí.

Chúng sinh tưởng được quả

Trừ tâm có được này

Chỉ Phật mới trừ được

Nên lễ Bậc Đại Trí.

Rõ quả là vắng lặng

Không trụ các thứ quả

Các Phật khéo mật ngữ

Nên lễ Bậc Đại Trí.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Thường Tiếu Chư Căn Thanh Tịnh nói kệ khen ngợi Đức Phật rồi, trán lễ dưới chân Phật, đi nhiễu theo chiều bên phải ba vòng, rồi đứng cách Phật không xa nhất tâm chiêm ngưỡng Phật, mắt không hề chớp, trong tâm vui mừng.

Bấy giờ, trong chúng hội có vị Đại Bồ Tát tên là Liên Hoa Đức Tạng liền đứng dậy, tung rải hoa lên chỗ Phật để cúng dường và nói kệ rằng:

Chúng sinh thường có tưởng

Hiểu được hữu tâm này

Lìa sợ, không hề chấp

Đảnh lễ Đức Mâu Ni.

Vắng lặng đối ba cõi

Nói pháp không thật có

Xa lìa cả ba cõi

Đảnh lễ Đức Mâu Ni.

Biết hữu là không, vô

Tánh ấy không có ngã

Do xa lìa sợ hãi

Đảnh lễ Đức Mâu Ni.

Lìa xa mọi lo buồn

Người dứt hết lo buồn

Dứt hẳn các trói buộc

Đảnh lễ Đức Mâu Ni.

Đại Bồ Tát Liên Hoa Đức Tạng nói bài kệ khen ngợi Đức Phật xong, lại nói kệ bạch Phật:

Trong đời ác sau này

Nếu ai nghe Kinh ấy

Chẳng sinh tâm sợ hãi

Đều nên chắp tay lễ.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Vô Cấu Ý liền ở trước Phật nói kệ rằng:

Nếu người nghe Kinh này

Chẳng hề khởi nghi hoặc

Mà không sinh nghi ngờ

Thì bất cứ lúc nào

Cũng nên rải hoa cúng.

Đại Bồ Tát Quảng Tư Duy liền ở trước Phật nói kệ rằng:

Trong Kinh này nói rõ

Pháp vô lượng Đức Phật

Chúng sinh nghe pháp này

Nhiều người không nghi ngờ.

Tham đắm đối thân mình

Sinh các tưởng về thân

Được nghe Kinh như thế

Cho là lời điên đảo.

Nên biết đó thuộc ma

Đã bị ma sai khiến

Vô trí nghe Kinh này

Lại sinh tâm nghi ngờ.

Đại Bồ Tát Thanh Liên Hoa Mục liền ở trước Phật nói kệ rằng:

Nếu ai nghe Kinh này

Không sinh tâm nghi ngờ

Giống như mắt thế gian

Cũng gọi bậc thí nhãn.

Đại Bồ Tát Lạc Cúng Dường Tháp liền ở trước Phật nói kệ:

Nếu ai nghe Kinh này

Mà sinh tin ưa sâu

Người này ở thế gian

Như ngôi tháp tôn quý.

Đại Bồ Tát Khát Ngưỡng Ý liền ở trước Phật nói kệ rằng:

Tuy ở trong sinh tử

Nên thường sinh khát ngưỡng

Chẳng đắm tất cả pháp

Nên chẳng nghi Kinh này.

Đại Bồ Tát Lạc Dĩ Y Thí ở trước Phật nói kệ rằng:

Nên dùng nhiều y phục

Mịn màng và thẳng nếp

Để phủ khắp thân hình

Người không nghi pháp này.

Bấy giờ, Đại Bồ Tát Lạc Dĩ Thực Thí liền ở trước Phật nói kệ rằng:

Nói về các mỹ vị

Các thức ngon đã nói

Trên hết trong các vị

Nên dùng để cúng dường

Người không nghi Kinh này.

Đại Bồ Tát Bi Niệm Lạc Kiến Chúng Sinh liền ở trước Phật nói kệ rằng:

Thương xót các chúng sinh

Nên thường hay than khóc

Vì đối với Kinh này

Không có người tin ưa

Nếu người ít được nghe

Nghi ngờ đối Kinh này

Nên biết địa ngục đến

Sẽ trở lại địa ngục.

Gần gũi với bạn xấu

Không hiểu pháp sâu này

Bị lưới vô minh che

Không hướng đường lành này

Phá giới, tự trói buộc

Ý ác, thích tìm lỗi

Tham đắm các lợi dưỡng

Nên bài báng Kinh này.

Không siêng cầu bồ đề

Biếng nhác, không tinh tấn

Tuệ kém, chuộng pháp nhỏ

Chẳng tin hiểu Kinh này.

Chúng sinh tham lợi dưỡng

Chấp ngã, theo ái dục

Đắm sâu trong ba cõi

Không thể tin Kinh này.

Kẻ ngu, tâm tánh xấu

Tham ái, mù không trí

Ưa thích luận bàn nhiều

Mà không tin Kinh này.

Thích chọn lựa y phục

Ham vị thích uống ăn

Ít ham chuộng pháp lành

Nên bài báng Kinh này.

Các chúng sinh đắm quả

Thích nói đắm các quả

Hiểu mật ngữ của Phật

Được như thế rất khó

Các Phật thời xa xưa

Bậc Đạo Sư vô thượng

Đều hết lòng cúng dường

Nên tin, hiểu Kinh này.

Đại Bồ Tát viễn ly ác pháp liền ở trước Phật nói kệ rằng:

Tâm ngu tham chấp quả

Nên bài báng Kinh này

Phải xa lìa kẻ ấy

Như lìa đống phân thối

Cũng như thây chết rữa

Người tu đều lánh xa

Chúng sinh bác Kinh này

Đều phải thường xa lánh

Giống như kẻ cướp thôn

Sống ở chốn hoang vắng

Người nghe đều chạy tránh

Sợ vướng phải tai họa.

Nên chạy tránh như vậy

Như xa lìa giặc ác

Kẻ giận dữ, ý xấu

Phỉ báng Kinh mầu này.

Bấy giờ, A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật là ít có! Các vị Đại Bồ Tát khéo léo nói về pháp bồ đề một cách quyết định.

Bạch Thế Tôn! Đó là do năng lực chánh định của các vị ấy, do năng lực oai thần của Phật, hay là do năng lực Tam Muội của Kinh này mà các vị nói như thế?

Phật bảo A Nan: Nên biết là các Thiện Nam ấy đã từng ở nơi sáu mươi ức na do tha cõi của các Đức Phật được nghe nói Kinh này không có thêm bớt, như ta hiện nay nói về các mật ngữ vi diệu, đều không có gì sai khác, chứ không phải chỉ do năng lực tam muội mà nói như thế.

Vì sao?

Vì các vị ấy đối với Kinh này đã nhận thức một cách thông đạt.

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người được nghe Kinh này mà tin được hiểu được không sinh nghi ngờ thì những thiện nam, thiện nữ ấy được phước đức thế nào?

Phật bảo A Nan: Nếu người thiện nam, thiện nữ phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đem tất cả bảy thứ báu trong khắp cõi Diêm Phù Đề, mà cúng dường các Đức Như Lai, lại có các vị thiện nam, thiện nữ được nghe Kinh này, mà tin hieu không nghi ngờ thì A Nan nên biết rằng người ấy sẽ đạt được phước đức hết sức lớn lao.

Này A Nan! Trong cõi Diêm Phù Đề ví như có người đem bảy thứ báu trong các Thế Giới nhiều như số cát Sông Hằng mà cúng dường các Đức Như Lai, lại có người được nghe Kinh này, mà tin hiểu không nghi ngờ, thì phước đức của người này còn nhiều hơn người cúng dường kia.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa vừa nêu nên Ngài nói kệ rằng:

 Nếu đem bảy thứ báu.

Trong cõi Diêm Phù Đề

Cúng dường Phật,

Như Lai Bậc Đạo Sư từ bi.

Cũng như đem châu báu.

Trong khắp các Thế Giới

Nhiều như cát Sông Hằng

Cúng dường lên các Phật.

Nếu người nghe Kinh này.

Mà tin được hiểu được

Cũng không sinh nghi ngờ

Thì phước đức nhiều hơn.

Bấy giờ A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có các vị thiện nam, thiện nữ được nghe Kinh này, mà tin được, hiểu được rồi còn thọ trì đọc tụng thông suốt thì những thiện nam, thiện nữ ấy đạt được bao nhiêu phước đức?

Phật bảo A Nan: Nếu các thiện nam, thiện nữ nào mong cầu đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trải qua trăm kiếp tu hạnh Bố thí Ba la mật cúng dường các Đức Phật mà nếu xa lìa Kinh này.

Hoặc trong trăm kiếp tu các pháp Ba la mật như trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đạt được năm thứ thần thông mà nếu xa lìa Kinh này, thì không bằng các vị thiện nam, thiện nữ được nghe Kinh này mà tin hiểu, không nghi ngờ, lại thọ trì đọc tụng khiến cho thông thuộc thì phước đức hơn trường hợp kia.

***