Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân

PHẬT THUYẾT KINH

QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH

BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trí Nghiêm, Đời Đường
 

PHẦN MƯỜI
 

Như người đang nằm mộng

Mũi ngửi các mùi hương

Chỉ do điên đảo sinh

Kỳ thực chẳng thật có

Nên biết mũi như thế

Không thể ngửi huơng kia

Vì chúng sinh điên đảo

Bồ Tát nói như thế

Nói thiệt là không, vô

Cục thịt chẳng biết vị

Nếu thịt mà biết vị

Thì tay đụng nên biết.

Giảng nói về tưởng ấy

Tưởng vị nhiều lỗi lầm

Nên biết cảnh giới vị

Là chẳng thể nghĩ bàn

Bồ Tát chẳng nương tựa

Mà hiện thấy rõ ràng

Giảng nói pháp hiện thấy

Đó gọi là Thanh Văn.

Giảng về thân như vậy

Là không, không tánh tướng

Vì không, không tánh tướng

Không sinh, không pháp sinh

Bồ Đề cũng như thế

Không sinh, không pháp sinh

Vì nhiều chúng sinh nói

Nên gọi là Thanh Văn.

Nói tánh tướng ý nhập

Kỳ thật không thật có

Nói pháp không thật có

Nên gọi là Thanh Văn.

Giảng nói pháp bố thí

Pháp thí khó nghĩ bàn

Thí này sẽ sinh ra

Bồ Đề Phật vô thượng.

Thí tài là thấp kém

Pháp thí là cao thượng

Dứt bỏ tâm keo lận

Đạt đến quả bồ đề.

Lìa âm thanh nói năng

Dứt các thanh phiền não

Lìa các thanh đắm nhiễm

Thanh không nhơ, thanh tịnh.

Thanh nhiệm mầu trên hết

Tánh thanh ấy vắng lặng

Dùng thanh vắng lặng này

Nói pháp Phật khó nghĩ

Thanh này chẳng thể hoại

Cũng không chỗ nương tựa

Nói không hai không khác

Nên gọi là Thanh Văn.

Dùng âm thanh như thế

Giảng pháp các Phật nói

Tùy âm thanh mà nói

Mà cầu đạo bồ đề.

Thường giảng nói người nghe

Nghiêm tịnh Thế Giới Phật

Bậc Đạo Sư vô thượng

Nơi các Phật an trụ.

Nói cõi tam thiên này

Như hư không mà trụ

Các chúng sinh như không

Đều đồng tướng Niết Bàn.

Nói ra bốn mươi bốn

Khiến chúng sinh khác nhau

Thảy đều như hư không

Không nghĩ, không phân biệt.

Cõi này cũng như vậy

Chớ nghĩ là bền chắc

Trong đó, không sinh tử

Không phiền não để dứt.

Trong sinh, không pháp sinh

Cũng không có chúng sinh

Vì đều là vắng lặng

Nên không người sinh ra

Thường nói chúng sinh nghe

Đêm ngày không đoạn dứt

Mà không dấy niệm này:

Ta vì chúng sinh nói.

Thanh Văn biết như vậy

Cũng vì chúng sinh nói

Không nghe, không người nghe

Đó gọi là Thanh Văn.

Tâm ý luôn mạnh mẽ

Giảng nói pháp trên hết

Nếu biết rõ pháp này

Cũng biết các pháp như.

Thanh Văn nói như vậy

Không nhiễm, không hữu lậu

Cũng vì nhiều chúng sinh

Nói pháp không đắm nhiễm

Nếu biết pháp dứt nhiễm

Thanh tịnh, không đùa bỡn

Ở trong pháp các Phật

Muốn thấy không thấy được

Pháp do các Phật nói

Xa thì không thấy được

Gần cũng lại không có

Mà người lại thấy được.

Thanh Văn nói pháp này

Khiến nhiều chúng sinh tin

An trụ trong pháp này

Nên gọi là Thanh Văn.

A Nan do lẽ ấy

Ta nói là Thanh Văn

Nên biết Thanh Văn đó

Là Bồ Tát không nương.

Cho nên, này A Nan! Như Lai Đẳng Chánh Giác dùng năng lực phương tiện vì hàng Thanh Văn nói các Đại Bồ Tát được gọi là Thanh Văn.

Lại nữa, này A Nan! Vì sao Như Lai nói các Đại Bồ Tát là Bích Chi Phật?

A Nan nên biết! Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp đều hiện thấy rõ ràng, vì hiện thấy rõ ràng nên biết được pháp Phật. Đối với các pháp không thêm không bơt, tỏ ngộ tất cả pháp không có thêm bớt. Hiện thấy rõ ràng các pháp được gọi là Bích Chi Phật.

Tức là tỏ ngộ tất cả các pháp không thể nghĩ bàn, tỏ ngộ tất cả chúng sinh đều đồng với Niết Bàn, đều không thật có, chẳng sinh chẳng diệt, vì chẳng sinh chẳng diệt nên đó chính là cảnh giới thật, cảnh giới Niết Bàn, cảnh giới chúng sinh, tất cả các pháp không thật có cảnh giới, tuy gọi là cảnh giới nhưng không thể nói về cảnh giới, không dựa vào lời nói, không thể dùng lời nói để diễn đạt.

Vì sao?

Vì lời nói là không, không được tự tại. Lời nói không thể biết cảnh giới chúng sinh và cảnh giới của các pháp, hiện thấy rõ ràng, tỏ ngộ cảnh giơi này gọi là Bích Chi Phật.

Hiện thấy sắc ấm, vì dùng lời nói nên gọi là sắc ấm. Mà sắc ấm này vốn không có nói năng, vì lìa nói năng nên chỉ dùng lời nói để gọi là sắc ấm, trong đó không có ngã và cái của ngã.

Vì sao?

Vì lời nói và người nói, cả hai đều không, không được tự tại, chẳng sinh chẳng diệt.

Lời nói là vô tri thì làm sao có thể nói đây là sắc ấm, thọ, tưởng, hành, thức ấm?

Cũng nên hiện thấy rõ ràng như vậy.

Hiện thấy về thức ấm, vì dùng lời nói nên gọi là thức ấm, nhưng thức ấm này không có nói năng, vì lìa nói năng nên, chỉ dùng lời nói mà gọi là thức ấm, trong đó ngã và cái của ngã đều không có.

Vì sao?

Vì lời nói và người nói cả hai đều không, không được tự tại, chẳng sinh chẳng diệt, lời nói là vô tri thì làm sao có thể nói đây là thức ấm?

Đối với năm ấm này, lời nói các duyên đều hiện thấy rõ ràng gọi là Bích Chi Phật.

Vì sao?

Vì ấm, lời nói, các duyên này thì duyên này vô duyên, chẳng phải duyên ấy có thể biết được.

Này A Nan! Các Đại Bồ Tát này gọi là Bích Chi Phật.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa vừa nêu nên nói kệ rằng:

Hiện thấy tất cả pháp

Biết pháp Phật cũng thế

Dứt tranh, chẳng thể hoại

Rốt ráo không có tướng.

Hiện thấy tất cả pháp

Tánh, tướng thảy đều không

Nếu biết tánh, tướng ấy

Rốt ráo không thật có

Đã được nhận thức ấy

Không khác với pháp ấy

Đó gọi là Chánh Giác

Bích Chi Phật khó lường.

Chúng sinh như Niết Bàn

Khởi đầu không thật có

Chỗ vô thủy vô chung

Đó gọi cảnh giới thật

Chúng sinh như Niết Bàn

Rốt ráo là không sinh

Nếu pháp không có sinh

Gọi đó là Niết Bàn.

Chúng sinh như Niết Bàn

Cũng có các chiếu dụng

Chiếu dụng không có ngã

Nên gọi là Niết Bàn

Chúng sinh như Niết Bàn

Đặt ra nhiều tên gọi

Không sinh cũng không diệt

Dùng lời nói diễn đạt.

Tánh lời nói là không

Lời nói không biết gì

Vì không biết gì nên

Chúng sinh là Niết Bàn.

Lời nói không tự tại

Vô ngã, không có tâm

Do ngôn thuyết vô tánh

Rốt ráo không thật có.

Lời nói không mé nương

Cũng lại không chỗ trụ

Điều lời nói trình bày

Khó nghĩ cõi chúng sinh

Cõi chúng sinh, Niết Bàn

Chẳng nghĩ bàn cõi thật

An ổn, không đùa bỡn

Chỗ nương tựa trên hết.

Giống như cảnh điện chớp

Chính là cõi chúng sinh

Không duyên, không nơi chốn

Cõi thật chẳng nghĩ bàn.

Ranh giới tất cả pháp

Không có các tên gọi

Dùng tên gọi để gọi

Chốn ấy không thật có.

Cõi thật không thể gọi

Cũng không thể biết được

Cõi chúng sinh vô ngã

Nên biết cõi ấy không.

Lời nói không chốn nương

Lời nói không chỗ nêu

Nếu biết được điều ấy

Không có cõi chúng sinh

Lời chẳng tự tại, không

Lời chẳng biết các cõi

Lời được người nói ra

Khó nghĩ cõi chúng sinh.

Các cõi như vậy thảy

Thông tỏ thảy như như

Tự nhiên biết rõ được

Đó gọi là Chánh Giác

Bích Chi Phật khó lường.

Hiện thấy về năm ấm

Dùng tên gọi để gọi

Ấm này không nói năng

Vì thường lìa lời nói

Xa lìa sự hiểu biết

Hiểu biết là tính lường

Bỏ được hiểu biết này

Là không có chỗ trụ.

***