Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân

PHẬT THUYẾT KINH

QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH

BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trí Nghiêm, Đời Đường
 

PHẦN MƯỜI NĂM
 

Điều ngoại đạo khen ngợi

Vô số các tướng nhẫn

Nhẫn ấy chẳng phải chánh

Giúp người đến Niết Bàn

Điều ngoại đạo khen ngợi

Tinh tấn bằng năm nhiệt

Không thể đạt giác ngộ

Người trí nên lìa bỏ.

Các thiền định ngoại đạo

Đều hành tưởng ba cõi

Chẳng phải điều Phật khen

Chẳng thể dạy kẻ khác

Chẳng dùng trí thế tục

Giáo hóa các chúng sinh

Tuệ ấy chẳng thể được

Tuệ Phật khó nghĩ bàn

Đối chúng sinh thanh tịnh

Đầy đủ sự không sợ

Ta nói chúng sinh ấy

Chẳng hành bốn nhiếp pháp.

Người kính sâu niệm Phật

Không dạy lìa chấp ấy

Phật có trí vô nhiễm

Cũng không các chướng ngại

Người kính sâu Niệm Phật

Không dạy lìa chấp ấy

Pháp trên hết lìa dục

Làm sao mà lìa được?

Không đắm tưởng chúng sinh

Mà phát tâm Bồ Đề

Bồ Đề không nên đắm

Làm sao mà lìa tưởng

Cha mẹ và anh em

Chị em cùng nam nữ

Tưởng này đều như huyễn

Làm sao mà lìa được.

Tưởng ấy, tất cả chỗ

Không pháp, không thật có

Do không pháp, chẳng có

Làm sao mà lìa được.

Tưởng ngày và tưởng đêm

Tưởng nửa tháng, một tháng

Tưởng này không chân thật

Như Trời nóng nước sôi

Tưởng thí và tưởng giới

Tưởng nhẫn nhục tinh tấn

Tưởng ấy không chân thật

Làm sao để lìa tưởng.

Tưởng định và tưởng tuệ

Tưởng về tâm Bồ Đề

Tưởng về lực, vô úy

Tưởng này đều luống dối

Các giác và tưởng đạo

Tưởng Phật và tưởng pháp

Đều từ vô tri sinh

Làm sao lìa tưởng ấy.

Nhận rõ các tưởng tăng

Tưởng ấy cũng rất nhiều

Vì từ phân biệt sinh

Ta nói không thể lìa.

Chẳng chấp tưởng bồ đề

Cùng tưởng nhất thiết trí

Tưởng ấy xa các Phật

Bồ Đề không nghĩ bàn

Vì thế nên ta nói

Ba Tuần kẻ không trí

Chẳng lìa các tưởng ấy

Mà xa cầu bồ đề

Các pháp và bồ đề

Thảy đều biết như như

Nên nói nghĩa chẳng lìa

Đuổi tâm ma lo buồn.

Lúc Đức Thế Tôn quyết định nói pháp hàng phục đuổi trừ các ma thì trong chúng hội có mười ức chúng sinh nhổ được mũi tên do dự, không còn nghi ngờ, đạt được sự sáng tỏ, đối với các pháp được pháp nhẫn vô sinh, tất cả đều hòa hợp đứng trước Phật nói kệ rằng:

Phật Đạo chẳng nghĩ bàn

Khiến chúng con được tỏ

Phật là thầy dẫn đường

Dứt bỏ tâm nghi con,

Nên đạt được sáng tỏ

An trụ trong pháp Phật

Các phương thêm sáng tỏ

Được thấy một ức Phật.

Cũng được thấy pháp ấy

Rõ sắc thảy không sinh

Gặp được Đấng cứu thế

Được trí tịnh như vậy.

Cũng được thấy một ức

Cõi nghiêm tịnh các Phật

Bậc dẫn đường vô thượng

Đều an trụ trong đó.

Bấy giờ, mười ức chúng sinh nói kệ xong liền cởi y phục quý giá tốt đẹp hiện đang mặc trên thân để cúng dường pháp, vui vẻ dâng lên Đức Phật, cùng bạch Phật: Chúng con nguyện cho pháp này được truyền bá rộng khắp để cho tất cả chúng sinh đều được nghe.

Bấy giờ, A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nào được nghe pháp hàng phục đuổi trừ các ma này, mà tin được hiểu được, không sinh nghi ngờ, thì các thiện nam, thiện nữ ấy được phước như thế nào?

Phật bảo A Nan: Nếu có thiện nam, thiện nữ nào được nghe qua tai một lần về pháp hàng phục đuổi trừ các ma này, mà tin được hiểu được không sinh tâm nghi ngờ thì công đức ấy rất nhiều không thể tính lường hết được.

A Nan bạch Phật: Phước được ấy có the thí dụ được chăng?

Phật bảo A Nan: Nếu có thiện nam, thiện nữ nào phát tâm mỗi ngày ba thời mỗi thời cúng dường trăm ngàn Đức Phật, tôn kính khen ngợi, dùng các phòng xá tốt đẹp làm chỗ nghỉ ngơi, tất cả vật cần dùng đều cung cấp đầy đủ, công việc cúng dường như thế trải qua trăm ngàn kiếp, vậy thì thiện nam, thiện nữ ấy được công đức có nhiều chăng?

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hết sức nhiều, không thể nào tính lường hoặc dùng thí dụ để biết được.

Phật bảo A Nan: Nếu có thiện nam, thiện nữ được nghe pháp hàng phục đuổi trừ các ma này một lần qua tai mà tin được hiểu được không nghi ngờ thì phước đức ấy còn lớn hơn trường hợp cúng dường kia.

Khi ấy, trong hư không có ba vị thiện nam cầu Bồ Tát thừa bỗng nhiên hiện ra dần dần đi đến chỗ Phật, mỗi vị đều cầm mười đóa hoa sen lớn, hoa sen ấy to lớn hơn cả núi Tu Di, mỗi đóa hoa có đến trăm ngàn muôn ức cánh, phát ra trăm ngàn muôn ức ánh sáng màu sắc.

Lúc này, Tôn Giả A Nan cùng các vị trong chúng hội đều trông thấy ba vị cầu Bồ Tát thừa ấy từ xa dần dần đến gần nên đều vui mừng cho là điều ít có.

Tôn Giả A Nan lien bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ba vị thiện nam ấy từ nơi nào đến đây?

Đức Phật đáp: Về phương Đông trải qua số Cõi Phật nhiều như số cát Sông Hằng, có Thế Giới tên là Hoa cao Tu Di sơn, ba vị thiện nam ấy từ Thế Giới đó, nghe ta nói pháp này cùng với nhân duyên trên cho nên đến đây.

A Nan bạch Phật: Đức Phật ở Thế Giới ấy danh hiệu là gì?

Đức Phật đáp: Đức Phật ở Thế Giới ấy hiệu là Hoa Cao Tu Di Sơn Vương Như Lai Đẳng Chánh Giác hiện giờ đang nói pháp.

Bấy giờ, ba vị thiện nam cầu Bồ Tát thừa đến trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đầu mặt lễ dưới chân Phật, đi nhiễu Phật ba vòng theo chiều bên phải, gối phải quỳ sát đất, nhất tâm chắp tay, rải hoa sen đang cầm trong tay lên chỗ Phật cúng dường rồi cùng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con hiện giờ đối với pháp này đã tin được hiểu được không còn nghi ngờ.

Vì sao?

Vì chúng con đối với pháp này không còn nghi ngờ cũng như Đức Như Lai vậy.

Lúc này, vị thiện nam cầu Bồ Tát thừa thứ nhất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu nói rằng con là Như Lai, thì đó là lời nói chính đáng.

Vì sao?

Vì con đối với pháp này không còn sinh nghi ngờ.

Vị thứ hai bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu nói rằng con là Thế Tôn, thì đó là lời chính đáng.

Vì sao?

Vì con đối với pháp này không sinh nghi ngờ.

Vị thứ ba cũng bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu nói rằng con là Phật, thì đó là lời nói chính đáng.

Vì sao?

Vì con đối với pháp này không còn sinh nghi ngờ.

Lúc bấy giờ, trong chúng hội có đến trăm ngàn chúng sinh nghe ba vị Bồ Tát nói như vậy nên tâm họ thảy đều xao động không thể ngồi yên và đều nghĩ: Không thể có hai vị Phật cùng ra đời ở thế gian, sao hôm nay các vị thiện nam này do đâu lại nói như vậy?

Nghĩ như vậy, các vị bèn nói với nhau, rồi lại im lặng, cho rằng hiện Đức Thế Tôn ở đây sẽ nêu rõ ý nghĩa về những câu nói của các vị Bồ Tát vừa nói.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các vị Bồ Tát ấy tên gọi là gì mà đã có khả năng rống lên tiếng rống của sư tử như thế?

Phật bảo A Nan: Trong ba vị ấy, vị thứ nhất tên là Lạc Cầu Như Lai Âm Thanh, vị thứ hai tên là Lạc Cầu Thế Tôn Âm Thanh, còn vị thứ ba tên là Lạc Cầu Phật Âm Thanh. A Nan nên biết, vì lý do ấy mà ba vị Đại Bồ Tát ấy nói như thế.

A Nan bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hiện giờ trong hội này có hàng trăm ngàn chúng sinh tâm đều xao động và cho rằng không có hai vị Phật cùng ra đời một lúc trên thế gian.

Vậy vì sao ba vị Bồ Tát lại nói như thế?

Kính mong Như Lai giải thích rõ về ý nghĩa ấy giúp cho đại chúng ở đây tâm ý không còn xao động, căn lành đã gieo trồng, càng thêm lợi ích thanh tịnh sáng tỏ.

Bạch Thế Tôn! Ví như có người tắm gội sạch sẽ, râu tóc hớt gọn, dung mạo tươi tắn, lại dùng hương Chiên Đàn quý giá xong gội lên người mình nữa thì màu da lúc này càng tươi thắm bội phần hơn trước.

Bạch Thế Tôn! Các chúng sinh ấy cũng giống như vậy. Nếu được nghe nói về ý nghĩa ấy thì căn lành đã gieo trồng càng thêm lợi ích, thanh tịnh sáng suốt và trong lành bội phần hơn trước.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Đều cùng nhất tâm nghe

Ta giảng về nghĩa ấy

Vì sao gọi Như Lai

Thế Tôn cùng với Phật.

Đã biết quá khứ như

Cũng biết vị lai như

Thấy tất cả pháp như

Cho nên gọi Như Lai.

Như các Phật thuở xưa

Hành thí chẳng thể bàn

Ta cũng hành thí này

Cho nên nói lời ấy,

Như các Phật thuở xưa

Cầu đạo không nương tựa

Ta cũng cầu như thế

Cho nên gọi Như Lai.

Không trụ tất cả pháp

Cầu giác ngộ vắng lặng

Cũng không được bồ đề

Cho nên gọi Như Lai.

Như các Bồ Tát xưa

Siêng khổ hành nhẫn nhục

Ta cũng hành nhẫn ấy

Đến được bờ kia nhẫn

Như xưa ta tinh tấn

Siêng cầu đạo bồ đề

Kia cũng siêng tinh tấn

Cho nên gọi Như Lai.

Kia đã được thông đạt

Tướng bình đẳng các pháp

Cũng không sinh ý niệm

Nên gọi là Như Lai.

Chẳng nghĩ tất cả pháp

Tánh ấy thường bình đẳng

Biết bình đẳng ấy rồi

Mà không tâm sai biệt,

Đã thông đạt lẽ ấy

Định bình đẳng như như

Vì thông đạt định đó

Nên gọi là Như Lai.

Tất cả pháp đã nói

Đều tự có tánh, tướng

Đã biết tánh tướng này

Rốt ráo thường vắng lặng,

Biết tướng gọi là tuệ

Biết không gọi là trí

Nếu biết được chúng sinh

Gọi đến bờ kia tuệ.

Như những bậc trí xưa

Trí tuệ đến bờ giác

Cũng không có tuệ này

Đến bờ kia vắng lặng.

Họ cũng có tuệ này

Mà đến nơi bờ kia

Do không có tuệ này

Cho nên gọi Như Lai.

***