Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân

PHẬT THUYẾT KINH

QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH

BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trí Nghiêm, Đời Đường
 

PHẦN NĂM
 

Phật vì các Bồ Tát

Giảng nói tướng các pháp

Đạt được pháp như vậy

Đó gọi là trì pháp.

Tánh pháp giới tự không

Không đắm nhiễm các pháp

Giữ gìn pháp như thế

Đó gọi là trì pháp.

Quán sát tất cả pháp

Tánh không, chẳng thấy được

Vì chẳng thấy pháp nên

Cũng chẳng có thọ trì,

Do không có thọ trì

Nên hiển bày pháp giới

Không tánh, tướng, âm thanh

Thể tánh không thật có

Xa lìa các tư tưởng

Tâm cũng không thật có

Do tâm chẳng thật có

Gọi chẳng thể nghĩ bàn.

Đã lìa xa tướng tâm

Nên nói pháp vắng lặng

Không âm thanh, cảnh giới

Gọi chẳng thể nghĩ bàn.

Giữ gìn pháp như vậy

Cũng lại không chỗ nương

Không nương chẳng thật có

Đó gọi là trì pháp.

Phật vì các Bồ Tát

Giảng nói pháp như thế

Chẳng hợp cũng chẳng tan

Cũng không có các tướng.

Nếu nói ra hạnh này

An trụ được tánh địa

Đã an trụ tánh địa

Thì gọi bậc tánh địa.

Bồ Tát trụ tánh địa

Rốt ráo không chỗ nương

Giữ gìn pháp như vậy

Đó gọi là trì pháp.

Vì thế nên A Nan

Bậc Đại Bồ Tát kia

Đối pháp không thật có

Đó chính là trì pháp.

Nếu có các chúng sinh

Khởi tưởng lìa Phật Đạo

Dùng năng lực phương tiện

Giúp đến chỗ rốt rao

Pháp ấy và pháp khác

Nói cho Bồ Tát nghe

Dùng phương tiện khéo léo

Hiển bày tri kiến Phật.

Bậc đại trí trì pháp

Chỉ Phật chứng biết được

Và tu hành pháp này

Các Bồ Tát không sợ.

Trí tuệ chẳng nghĩ bàn

Nói trì pháp sai khác

Pháp, phi pháp, thanh tịnh

An trụ trong pháp ấy.

Như thế, này A Nan! Như Lai Chánh Đẳng Giác dùng năng lực phương tiện vì hàng Thanh Văn mà nói các Đại Bồ Tát là bậc kiên pháp.

Lại nữa, này A Nan! Vì sao Như Lai nói Đại Bồ Tát là những vị đã đạt được tám bậc?

A Nan nên biết! Các Đại Bồ Tát đã vượt khỏi tám con đường tà, tu tập tám giải thoát, không đắm mê tám chánh. Vượt khỏi pháp phàm phu, được không chỗ trụ, được đạo bình đẳng, vượt khỏi pháp phàm phu, siêng cầu bồ đề nhưng không thấy mình được bồ đề.

Lìa các tà kiến, tu tập chánh kiến, đạt được đạo bình đẳng, lìa tướng tự thân, tuy chưa được thân Phật nhưng luôn cầu bồ đề, bỏ những tư tưởng của chúng sinh, tu tập quán tưởng Phật, được tư tưởng bình đẳng. Đại Bồ Tát lìa bỏ pháp ô nhiễm của chúng sinh, mong cầu pháp vô vi thanh tịnh, đối với các pháp không có chấp đắm.

Vì sao?

Vì không thấy pháp nào đáng chấp.

Đại Bồ Tát vượt khỏi mọi pháp thế gian, khai mở Thánh pháp của Phật để đạt tới cảnh giới vắng lặng, cũng không chấp mình được pháp thế gian và xuất thế gian, xa lìa hữu, vô, đúng pháp hay không đúng pháp, khéo xem xét hai bên đoạn, thường. Quán sát tướng của tâm quá khứ, vị lai, hiện tại, cho đến tướng của tâm bồ đề cũng không thật có.

Vì sao?

Vì tướng của tâm chúng sinh là pháp bình đẳng, cho nên chất độc khong hại được, lửa không đốt cháy được, dao không cắt xẻ thân được.

Vì sao?

Vì đã xa lìa được các cảnh giới. Tuy chưa được hạnh Phật nhưng đối với các nẻo luân hồi chưa thể quyết định.

Vì sao?

Vì giác ngộ là lìa các nẻo sinh tử ấy. Cõi giác ngộ là an tĩnh, vô vi.

Bồ đề tánh không, không có nơi chốn. Do vậy mà dao không cắt xẻ thân được, tức là không thể hại. Thừa ấy mau chóng gọi là không thể hại.

Vì sao?

Vì mau đạt đến thừa này, không bị trở ngại, do vậy mà dao không cắt xẻ thân được.

Đại Bồ Tát luôn thể hiện lòng từ bi duyên khắp chúng sinh, lòng từ bi thực hành giác ngộ, tất cả cõi chúng sinh không thật có đối với tất cả các cõi chúng sinh nên thực hiện lòng từ bi không có nơi chốn, cũng là lòng từ bi của tất cả pháp không, lòng từ bi hướng tới cảnh giới vắng lặng, lòng từ bi lìa tức giận, lòng từ bi theo thực hành trí tuệ sáng suốt, soi chiếu bồ đề, lòng từ bi cảnh giới chúng sinh không thật có, vì duyên khắp mọi loài chúng sinh, nên đao kiếm không thể cắt xẻ thân được.

Nhận thức Ba Cõi Dục, Cõi Sắc, Cõi Vô Sắc đều bình đẳng, cũng biết pháp giới bình đẳng, như cõi giác ngộ không có tướng khác nhau. Cảnh giới bồ đề ấy không thể nhận thức, không thể bám víu, không đùa bỡn, không nhơ bẩn, an ổn vắng lặng lìa các âm thanh.

Đại Bồ Tát biết rõ cảnh giới ấy, ở trong các đường không có lơi nói, âm thanh đều có thể biết rõ.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát đối với pháp giới không có vị lai, quá khứ mà đạt được pháp nhẫn vô trụ. Khéo biết âm thanh lời nói của tất cả chúng sinh và giảng nói pháp vắng lặng.

Không nghĩ: Ta vào lúc vì chúng sinh này mà nói pháp. Tức là đã xa lìa các âm thanh về ngã tưởng, biết các pháp vắng lặng đối với các pháp không chấp tướng, vì chúng không thật có nên không đắm vào lời nói. Đại Bồ Tát gọi là tám bậc.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa vừa nêu trên nên nói kệ rằng:

Đã vượt qua tám nạn

An trụ tám giải thoát

Không đắm tám nẻo chánh

Đó gọi là tám bậc.

Đã vượt pháp phàm phu

Mà không tru chánh đạo

Ở giữa, lìa hai bên

Đó gọi là tám bậc.

Đã vượt pháp phàm phu

Siêng năng cầu bồ đề

Chẳng được tướng bồ đề

Đó gọi là tám bậc.

Xa lìa các tà kiến

Mà tu hành chánh kiến

Đã được đạo bình đẳng

Đó gọi la tám bậc.

Xa lìa tướng tự thân

Cũng không trụ bồ đề

Tuy chưa được thân Phật

Đó gọi là tám bậc.

Trừ bỏ tưởng chúng sinh

Gắng tu hành tưởng Phật

Đã được tướng bình đẳng

Đó gọi là tám bậc.

Lìa hang ổ chúng sinh

Cầu pháp không hang ổ

Chẳng chấp đắm các pháp

Đó gọi là tám bậc.

Đã vượt pháp thế gian

Khai mở nẻo Thánh pháp

Thành tựu cõi vắng lặng

Đó gọi là tám bậc.

Pháp do các Phật nói

Và pháp thế gian khác

Không được tướng pháp này

Đó gọi là tám bậc.

Thấy có một bên này

Không thấy bên thứ hai

Bỏ được kiến chấp ấy

Đó gọi là tám bậc.

Quán sát pháp trung đạo

Cùng hai nẻo đoạn, thường

Biết tướng bình đẳng này

Đó gọi là tám bậc.

Không được tâm quá khứ

Cùng với tâm vị lai

Tâm hiện tại chẳng trụ

Đó gọi là tám bậc.

Tâm đầu tiên đã nói

Có thể sinh bồ đề

Tâm này không thật có

Làm sao được bồ đề?

Nếu đạt được bồ đề

Không được tâm bồ đề

Nên độc lửa không thể

Xâm hại đến thân mình.

Đường ấy tuy bất định

Tu hành khắp như vậy

Đạt pháp không đến, đi

Nên gọi không thể hại

Nẻo bồ đề không tướng

Nhờ âm thanh mà nói

Khéo rõ tướng âm thanh

Nên gọi chẳng thể hại.

Tướng đi không thật có

Tướng đến cũng như vậy

Âm thanh nói đến đi

Nên gọi thừa mau chóng

Cho nên gọi an ổn

Cũng gọi là không, vô

Cũng là thừa mau chóng

Cũng gọi chẳng thể hại

Thừa mau chóng như thế

Bồ Tát nên không đạt

Không thể làm trở ngại

Nên gọi không thể hại

Ví dùng dao bén nhọn

Chẳng thể phạm đến thân

Chẳng thấy được tướng thân

Nên dao chẳng hại được

Từ duyên khắp chúng sinh

Và dùng từ bồ đề

Thực hành từ bồ đề

Chẳng bị đao kiếm hại

Không hành, không chúng sinh

Không được cõi chúng sinh

Từ vô sinh, vắng lặng

Từ duyên khắp chúng sinh

Từ xa lìa giận tức

Và hành từ trí sáng

Từ bồ đề chiếu sáng

Duyên khắp các chúng sinh

Rõ đao là pháp không

Thân tướng khéo tu tập

Chưa được đạo bồ đề

Chẳng bị đao kiếm hại

Đã được cõi vắng lặng

Xa lìa các đường ác

Nghiệp ác không chướng ngại

Nên chẳng bị đao hại

Xa lìa cả vô minh

Đã chứng đạt pháp giác

Cõi giác ngộ tỏa sáng

Đó gọi là tám bậc.

***