Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Quảng Bác Nghiêm Tịnh Bất Thoái Chuyển Luân

PHẬT THUYẾT KINH

QUẢNG BÁC NGHIÊM TỊNH

BẤT THOÁI CHUYỂN LUÂN

Giảng giải: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trí Nghiêm, Đời Đường
 

PHẦN SÁU
 

Biết được Cõi Dục, Sắc

Cõi Vô Sắc là không

Tất cả đều bình đẳng

Đó gọi là bình đẳng

Cõi và bồ đề đồng

Không có các thứ tướng

Không trí, không phân biệt,

Thanh tịnh không đùa bỡn

Đạt đến bình đẳng này

Bồ Tát không nương tựa

Các âm thanh đã nói

Biến khắp đến các đường.

Các âm thanh đến đi

Đều trở về pháp giới

Ở trong pháp chẳng trụ

Được nhẫn tối thượng này.

Khéo hiểu tiếng chúng sinh

Vì nói pháp vắng lặng

Chẳng sinh tâm như vậy:

Ta vì chúng nói pháp

Đã vượt pháp âm thanh

Không chấp đắm các tướng

Rõ các pháp vắng lặng

Đó gọi là tám bậc.

Đã được các âm thanh

Thông đạt cõi âm thanh

Không đắm mê âm thanh

Nên gọi là tám bậc

A Nan chính vì thế

Nên gọi là tám bậc

Tuy giảng nói như vậy

Kỳ thật chẳng thật có.

Như vậy, này A Nan! Như Lai Đẳng Chánh Giác dùng năng lực phương tiện vì hàng Thanh Văn mà nói các vị Đại Bồ Tát được gọi là tám bậc.

Lại nữa, này A Nan! Vì sao Như Lai nói Đại Bồ Tát được gọi là Tu Đà Hoàn?

A Nan nên biết! Phật Đạo không thể suy nghĩ bàn luận được. Các Đại Bồ Tát an trụ nơi Vô sở trụ, gần với Phật Đạo. Không thọ nhận các pháp, không có chốn nương tựa, cũng không chốn duyên hợp, không chấp các pháp, rốt ráo không sinh, Đại Bồ Tát vì được đạo này nên tinh tấn vững chắc, suy nghĩ vững chắc.

Không có biếng nhác, không bao giờ trái nghịch, tâm không nương tựa, đối với đạo xuất ly vô thượng tối thắng mà các Đức Phật nương theo không hề tham đắm, cũng không chấp trước. Dùng đạo như thế để suy tìm các pháp, tuy là suy tìm mà không thật có.

Đối với đạo ấy không động không trụ, mọi tư tưởng về đạo, về sinh tử, về Phật có công năng sinh ra bình đẳng, đối với các pháp chướng ngại được bình đẳng, các pháp bình đẳng, các Đức Phật bình đẳng. Xa lìa thân kiến, sinh ra Phật kiến, khai ngộ các kiến. Đại Bồ Tát tu tưởng đối trị, đã vượt qua ngã tưởng.

Này Tôn Giả A Nan! Chính vì vậy mà Đại Bồ Tát được gọi là Tu Đà Hoàn. Bậc Đại Bồ Tát không tham đắm Phật Đạo, nên đạt được đạo vô nhiễm, không nghi ngờ bồ đề của Phật, không lựa chọn giới, cho đến không thấy có giơi của Phật. Vì không thấy có giới luật nên không còn lựa chọn giới, không phân biệt giới, đoạn hẳn ba kết, không trụ trong ba cõi.

Bậc Đại Bồ Tát đã đạt được Phật Đạo, lìa các vọng tưởng của chúng sinh, không có chốn nương tựa, lìa pháp nương tựa. Chuyên cầu Phật Đạo, được đạo an ổn vắng lặng, không tiếc thân mạng. Với tâm hoan hỷ có thể xả bỏ tất cả các vật, dung mạo luôn vui vẻ hòa nhã, không chút buồn phiền. Vì sự giác ngộ giải thoát mà thực hành bố thí, không có một vật nhỏ nào mà không thể xả bỏ.

Nhằm cứu giúp chúng sinh khổ, đưa họ đến Niết Bàn, tu pháp hữu tướng, được pháp vô tướng. Các Đại Bồ Tát xa lìa tất cả tưởng chấp của chúng sinh, nhập vào các nẻo không sợ, nói pháp vắng lặng, đạo bồ đề thanh tịnh, dứt những lo sợ, kể cả nỗi sợ về cái chết.

Vì sao?

Vì đã được pháp vắng lặng, lìa bỏ tất cả phiền não, an trụ nơi Phật Đạo, khéo tu tập chuyển các nẻo ác đạt tới sự bình đẳng, dứt các đùa bỡn.

Này A Nan! Do những lẽ ấy mà các vị Đại Bồ Tát được gọi là Tu Đà Hoàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa vừa nêu nên nói kệ rằng:

Phật Đạo chẳng nghĩ bàn

Gọi là Tu Đà Hoàn

Nếu ai trụ đạo ấy

Sẽ vào dòng bồ đề

Đạo ấy như hư không

Chẳng nương tất cả pháp

Chẳng duyên, chẳng chỗ trụ

Tất cả không thật có.

Bồ Tát luôn tinh tấn

Nên đạt được pháp ấy

Các Phật dẫn dắt đời

Đạo xuất ly vô thượng

Không đắm nhiễm đạo này

Cũng chẳng trụ trong đó

Dùng đạo ấy tìm cầu

Không thấy tất cả pháp.

Đạo ấy không dao động

Cũng không trụ trong đó

Luôn tinh tấn như Phật

Chẳng trái, không nương tựa.

Tưởng sinh tử đã nói

Phật tưởng cũng như vậy

Đạt đến bình đẳng này

Biết là Tu Đà Hoàn.

Mọi kết sử ngăn che

Che lấp mất Phật Đạo

Tất cả nên xa lìa

Đó là Tu Đà Hoàn.

Dứt bỏ được thân kiến

Mà sinh ra Phật kiến

Khai ngộ các tà kiến

Khéo tu đối trị tưởng

Khéo tu tưởng tự thân

Biết lỗi lầm ngã tưởng.

Đó gọi Tu Đà Hoàn.

Chẳng mê đắm Phật Đạo

Nếu sinh do dự ấy

Ta chẳng đạt Bồ Đề

Liền được không nhiễm đắm

Mà mong cầu Phật Đạo

Cũng chẳng lựa chọn giới

Chẳng phân biệt giới luật

Đã dứt trừ tưởng giới

Không phân biệt giới luật

Dứt hẳn ba thứ kết

Chẳng trụ trong ba cõi

Đã đạt được Phật Đạo

Khéo tu tưởng chúng sinh

Dùng đạo không chỗ duyên

Mà mong cầu bồ đề

Đã được đạo vắng lặng

Bồ đề vô cấu Phật

Thích tu hành bố thí

Vui vẻ không buồn phiền

Chẳng hề tiếc thân mạng

Vì đạo không đùa bỡn

Vì chúng sinh khổ não

Tất cả đều xả bỏ

Khiến vượt Tu Đà Hoàn

Trên quả vị Thắng diệu

Xa lìa tưởng ba cõi

Khéo thông đạt vô tưởng

Do đó nên không có

Tiếng xấu, các sợ hãi

Pháp, phi pháp đã nói

Cả hai đều xa lìa

Trong đó chẳng nhiễm đắm

Không hề sợ tiếng xấu

Khi vào chốn đông người

Tâm không hề sợ hãi

Giảng nói pháp vắng lặng

Đã tịnh đạo bồ đề

Dứt khởi tưởng chúng sinh

Sinh ra sự chân thật

Do vậy nên vô cấu

Xa lìa nỗi lo sợ

Đã lìa những nỗi sợ

Cho đến không còn sợ

Đạt được đạo vắng lặng

An ổn không gì hơn

Biết đường ác bình đẳng

Nhưng chẳng sinh sợ hãi

Đạo ấy hiển hiện ngay

Dứt những tưởng ta, tôi.

Bồ Tát rõ pháp đó

Gọi là Tu Đà Hoàn.

Vì kẻ ưa pháp nhỏ

Mà giảng nói như vậy

Dùng phương tiện khéo léo

Giảng nói về Phật Pháp

Kẻ buông lung với đạo

Khiến lãnh hội pháp ấy

Chư Phật, Bậc Đạo Sư

Bỏ phương tiện mà nói

Vì những người tu lâu

Mong cầu đạo Tối thắng.

Vì thế nên A Nan

Ta nói Tu Đà Hoàn

Các chúng sinh thông minh

Thì hiểu được việc ấy.

Vì thế nên A Nan

Ta nói Tu Đà Hoàn

Chúng sinh không thông minh

Lầm phân biệt việc này.

Những hạng tâm trí kém

Khó lãnh hội mật ngữ

Tâm ngu sinh tranh chấp

Không hiểu nghĩa nhiệm mầu,

Đầy đủ cả trăm pháp

Nên gọi Tu Đà Hoàn

Dùng tên Tu Đà Hoàn

Hiểu bày các Phật Pháp.

Như thế, này A Nan! Đức Như Lai Đẳng Chánh Giác dùng năng lực phương tiện vì hàng Thanh Văn mà nói các Đại Bồ Tát được gọi là Tu Đà Hoàn.

Lại nữa, này A Nan! Vì sao Như Lai nói các Đại Bồ Tát được gọi là Tư Đà Hàm?

A Nan nên biết! Các Đại Bồ Tát tu học theo trí tuệ Phật, hiểu rõ là giác ngộ chẳng từ các duyên sinh, vì trí không duyên mà mong cầu trí Phật, dùng các nhân duyên để mong đạt đến thiền định không có nơi chốn. Mong đạt đến trí tuệ Phật để thiêu đốt các phiền não, nhờ thiêu đốt các phiền não mà đạt được các pháp bình đẳng của Phật, mong cầu pháp chưa được như các Đức Phật Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Đại Bồ Tát tuy hóa độ chúng sinh nhưng bất động đối với chúng sinh, mong cầu bất động đối với cõi chúng sinh, có các chúng sinh tâm trí tuệ yếu kém, thường lo buồn khổ não không hiểu được pháp giới, Đại Bồ Tát muốn cho họ trụ trong trí tuệ nên cầu trí Phật.

Đại Bồ Tát luôn tu tập các phẩm căn, lực, giác, giải thoát, chánh định, vì để mình được giác ngộ trước, rồi giác ngộ cho chúng sinh. Mà mong cầu trí tuệ Phật, trí vận dụng này có công năng đưa đến Đạo Tràng, vì đạt được trí này mà cầu được mắt Phật, Phật trí, là mắt vô chướng ngại, không thể suy nghĩ bàn luận thường dùng mắt này làm lợi ích cho thế gian.

Vì cầu mắt trí này cho nên mong đạt được trí tuệ hơn hết trong các trí tuệ cũng như đối với các lực dụng của nó, từ đó biết tất cả pháp là như như, cũng gọi là không thật có. Trí tuệ ấy cũng như diệu dụng của nó nhằm khiến cho tất cả chúng sinh an trụ ở trong trí ấy, tức là trí tuệ không chấp tất cả pháp. Do sự việc như vậy nên đến cõi này, đến rồi thấy cõi chúng sinh là cõi chẳng thể nghĩ bàn.

Cầu cõi này mà chẳng thấy mình được cõi này, thắc mắc chúng sinh từ đâu mà sinh, không biết chỗ sinh của chúng sinh, từ cõi chúng sinh có những tên gọi khác nhau. Khi quán sát pháp giới và cõi chúng sinh không thấy tướng khác nhau này, thấy cõi chúng sinh đều nhap vào pháp giới, thấy chúng sinh là đạo bình đẳng, đạo Phật Pháp, là đạo chúng sinh không thật có, là đạo chúng sinh có trí bình đẳng.

Đại Bồ Tát vì mong đạt đến trí tuệ không gì so sánh này, là thứ trí tuệ thanh tịnh, dứt sạch phiền não. Trí ấy là vô đắc nên không thể mong cầu đạt tới. Phải biết trí ấy là trí vô sở tri.

Các Đại Bồ Tát nhờ trí này mà có khác nhau. Vì chưa đạt được trí tuệ ấy, vì mong đạt được trí tuệ ấy mà đến cõi nay.

Này A Nan! Do những việc ấy mà các Đại Bồ Tát được gọi là Tư Đà Hàm.

***