Kinh Đại thừa

Bộ Bán Duyên

PHẬT THUYẾT

KINH QUẢNG ĐẠI LIÊN HOA

TRANG NGHIÊM MẠN NOA LA

DIỆT NHẤT THIẾT TỘI ĐÀ LA NI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Thi Hộ, Đời Tống
 

Như vậy tôi nghe!

Một thời Đức Phật ngự dưới cây Chiêm Ba Vô Ưu trong vườn Lộc Dã tại nước Ba La Nại cùng với Chúng Đại Tỳ Kheo gồm một vạn hai ngàn năm mươi người đến dự.

Các Bồ Tát Ma Ha Tát của nhóm Từ Thị Bồ Tát Maitreya với Trời, Rồng, Dạ Xoa, La Sát, A Tu La, Càn Thát Bà, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Người, Phi Nhân… cung kính vây quanh để nghe nói pháp: Sơ Thiện, Trung Thiện, Hậu Thiện. Nghĩa ấy sâu xa, Phạm Hạnh trong sạch, tất cả viên mãn.

Bấy giờ, nước Ba La Nại có vị Đại Quốc Vương tên là Phạm Thọ, thân tâm thuần thiện, hiền hậu thương lo cho hữu tình, nuôi dưỡng tất cả chúng sinh ở Đại Địa ấy giống như con cái. Vị Vua ấy ra khỏi thành đi thăm Chùa Phật, đến cửa Tịnh Xá đột nhiên ngoái nhìn.

Có người giữ cửa vào bạch với Thánh Chúng: Nay Đại Vương Phạm Thọ ở ngoài cửa, muốn vào Chùa.

Tức thời Thánh Chúng mau khiến vị Tri Sự Tăng xếp bày vòng hoa. Tri Sự Tăng nghe xong, mở cửa điện ấy tìm kiếm vòng hoa mà không có ai sở hữu.

Chợt nhìn thấy trên đỉnh đầu Tượng Phật có vòng hoa, liền lấy đưa cho hàng Thượng Tọa rồi cùng các Thánh Chúng nghinh tiếp Quốc Vương, sau đó liền đem vòng hoa đã cầm dâng lên. Đức Vua liền nhận lấy rồi đội trên đỉnh đầu, trải qua phút chốc, đột nhiên bị đau nhức đầu.

Vua tự suy nghĩ: Vì sao như vậy?

Nay ta xuất hành nhằm mùa hạ nóng bức đó mà bị bệnh khổ này ư?

Tức thời vị Vua liền lễ tạ Thánh Chúng rồi quay về cung khuyết, bảo cận thần rằng: Ta bị đau đầu, chắc nay phải tắm gội. Ngươi hãy mau chóng chuẩn bị nước thơm.

Vua cởi bỏ tất cả quần áo trang nghiêm ấy rồi liền tắm gội. Có một cung nhân khéo léo kỳ cọ thân thể của Vua. Tắm gội đã lâu mà chẳng hết đau đầu.

Vua liền ban Sắc Chiếu gọi thầy thuốc.

Thầy thuốc liền đến, vị Vua bảo rằng: Ta nhân mùa hạ nóng bức, ra khỏi thành dạo chơi, ở trên đường đi thì bị đau đầu, tức liền tắm gội mà bệnh chẳng khỏi.

Nay ý của khanh thế nào?

Thầy thuốc đáp rằng: Đức Vua mắc bệnh là do bị nóng bên trong. Nên dùng Ngưu Đầu, Chiên Đàn xoa bôi trên thân.

Vua y theo lời tấu, xoa bôi Chiên Đàn ấy cũng chẳng được khỏi bệnh, suốt ngày đêm chịu khổ não lớn, nên các thầy thuốc đến đến gặp Vua, cùng nhau xem xét rồi nói rằng: Bệnh này chẳng thể tìm được nguyên nhân, để lâu ắt thêm buồn bực. Vua đã như vậy thời nhóm chúng ta phải tìm phương tiện nào để giúp Vua khỏi bệnh!

Đang bàn luận thời vị Vua có một cô em gái tên là Tô Bát Lý Dã phát tâm bồ đề, tin trọng bi mẫn… thấy Vua bị bệnh khổ, sinh tâm lo sợ nên dùng bàn tay xoa đỉnh đầu rồi bạch với Vua rằng: Vì sao lại sợ hãi giống như người khiếp nhược vậy?

Vua liền bảo rằng: Tô Bát Lý Dã! Nay ta chẳng biết làm sao để được khỏi khổ khỏi sợ?

Cô em gái lại bạch rằng: Nếu Đại Vương theo lời thỉnh như vậy đi đến nơi Phật ngự. Đức Phật có đủ đại bi ắt sẽ cứu giúp.

Vị Vua liền bảp rằng: Em đã gợi ý! Lành thay! Lành thay! Ta vì quên mất! Nay liền nên đi Vua ban Sắc cho trọng thần khiến mau chóng an bày xa liễn xe của Vua khớp ngựa vào xe.

Thời chuẩn bị xong Ngự Xa với năm trăm chiếc xe để cho Đức Vua cùng với quyến thuộc và các quần thần đi ra ngoài thành, đến nơi Đức Phật ngự dưới cây Chiêm Ba Vô Ưu. Ở trên đường đi, có một phụ nữ kiếm củi để sinh sống, tay cầm củi lợp mái tranh, sinh đẻ bên dường. Em gái Vua trông thấy thời chẳng nỡ nhìn, đưa tay che mặt, buồn khổ mê man té xuống đất.

Đức Vua thấy như vậy liền hỏi cô em gái rằng: Vì sao lại khổ não?

Hãy nói cho Ta nghe

Đức Vua ấy có hoàng hậu tên là Tô La Tốn Nại Trà dùng ý suy tư rồi bảo Vua rằng: Tô Bát Lý Dã ấy mê man té xuống đất vì trông thấy bên đường có người nữ lấy củi đang sinh con, chịu khổ não rất nhiều. Em ấy có tâm hiền lành, chẳng nỡ nhìn nên mới như vậy.

Vua nghe xong liền bảo hoàng hậu: Nghiệp tội của quả báo đời trước chẳng thể trốn khỏi!

Vua sai cung nhân cấp ban tài vật giúp người nghèo túng ấy mau quay về nhà.

Cô em gái mê man được quạt mát nên tỉnh dậy rồi lại nói rằng: Nam Mô một đà dã!

Đại Vương! Người nữ nghèo rất khổ, em chẳng nỡ nhìn.

Cùng nhau đi tiếp đến khi nhìn thấy vườn cây từ xa. Lúc gần sát Tịnh Xá thời Vua liền xuống xe, cầm tay Tô Bát Lý Dã đi vào vườn cây, nhìn thấy Đức Phật Thế Tôn như ngọn núi vàng màu nhiệm phóng tỏa ánh sáng như trăm ngàn Mặt Trời.

Đức Vua nhìn thấy xong liền buông tay cô em gái ra, trật áo hở vai phải, cởi mão trên đầu, đi đến trước mặt Đức Phật, chắp tay cung kính, nhiễu vòng quanh Đức Thế Tôn, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật, cúi đầu sát đất rất lâu.

Thời Đức Thế Tôn duỗi cánh tay màu vàng, xoa đỉnh đầu rồi bảo Vua rằng: Ngài hãy đứng dậy! Ngài hãy đứng dậy! Vua nghe lời Phật dạy, liền đứng dậy, trải qua phút chốc liền khỏi bệnh đau đầu, thân tâm vui thích, Vua rất vui vẻ.

Thời Tô Bát Lý Dã cùng với các quyến thuộc đồng ngồi một chỗ.

Vua thấy em gái có sắc diện lo buồn nên liền hỏi rằng: Vì sao sầu não?

Rồi khiến hỏi Đức Phật: Cô em gái nghe xong, liền đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính, chiêm ngưỡng Tôn Nhan rồi bạch Phật rằng: Thế Tôn! Đêm trước Đại Vương bị bệnh đau đầu rất nặng, các quyến thuộc với hàng Đại Thần của Vua đều rất lo buồn.

Nhân việc đó đều đến chỗ Phật ngự, trên đường đi chợt nhìn thấy bên đường có một người nữ kiếm củi, thân mặc áo cũ, đầu tóc rối loạn, kêu gào khóc lóc vào lúc sinh con.

Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con làm thế nào được thoát khỏi thân nữ?

Lại nữa Đại Vương bị đau nhức đầu, danh y cứu chữa mà chẳng thuyên giảm. Nay nhờ Đức Thế Tôn xoa đỉnh đầu chỉ trong chốc lát liền được an vui.

Có nhân duyên gì?

Nguyện xin Đức Phật từ bi vì con giải nói.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nghe lời đó xong, ở diện môn của Ngài phóng ra ánh sáng lớn có đủ mọi loại màu sắc chiếu vô lượng vô biên Thế Giới rồi ánh sáng này lại nhập vào miệng.

Khi ấy Tôn Giả A Nan Ānanda thấy ánh sáng của Đức Phật chiếu khắp Thế Giới, dùng uy đức của Phật khởi tâm nghi ngờ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính, đỉnh lễ bàn chân của Đức Phật rồi bạch Phật rằng: Thế Tôn! Ngày hôm nay có nhân duyên gì mà phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp Cõi Phật?

Nguyện xin Đức Thế Tôn vì con mà lược tuyên nói.

Đức Phật bảo: Này A Nan! Ở đời quá khứ, trong cái thành này có vị đại Quốc Vương tên là Trì Quang, hoàng hậu của vị Vua ấy tên là Vô Ưu, Vua rất yêu trọng vị phu nhân thứ hai tên là A Nỗ Bá Ma.

Bên cạnh quốc giới ấy có một nước nhỏ thống lĩnh binh chúng đến xâm lấn nước lớn. Thời Vua Trì Quang liền thống lĩnh bốn binh, voi, ngựa, xe cộ với các đại thần tấu các kỹ nhạc tùy tòng ra khỏi thành, vội vã đến thảo phạt.

Vua cho quân binh tạm nghỉ giữa, thời ái hậu A Nỗ Bá Ma biết thai mình đang mang sắp muốn sinh ra nên nói cung nhân, sai vị nội quan tấu trì mọi việc cho Vua Trì Quang.

Khi vị nội quan tấu trình việc này xong thời Vua liền ban sắc khiến vị phu nhân ấy quay trờ về cung nội. phu nhân về đến nơi xong thì sinh sản khó, liền sai đại thần Tạt Lý Ca mau chóng đem mọi việc tấu lên cho Vua biết. Vua đã nghe xong liền lên xe quay ngược về cung khuyết.

Vua nhìn thấy phu nhân sinh đẻ khổ não nên đối trước Tam Bảo, thắp hương, lọc nước, cầu đảo, phát nguyện rồi đem nước lọc còn dư ban cho phu nhân uống.

Lúc đó hoàng hậu Vô Ưu khởi tâm ganh ghét, cầm bàn tay Vua rồi bảo với Vua rằng: phu nhân A Nỗ Bá Ma có tính tình điên cuồng, không biết xấu hổ, khỏa thân rũ tóc không khác gì quỷ thần.

Vua nghe như vậy rất hổ thẹn nên chẳng viếng thăm. Trải qua khoảng thời gian rất ngắn thì A Nỗ Bá Ma sinh ra vị Thái Tử có thân màu vàng ròng, tướng tốt đoan nghiêm, tròn đủ phước đức. Liền đem Thái Tử dâng lên Đại Vương. Vua nhìn thấy xong thời tâm rất vui vẻ.

Lại trải qua một lát thời cung nhân cùng tụ lại, có một người kia nói hoàng hậu Vô Ưu khởi tâm ganh ghét. Lúc nói thời phu nhân A Nỗ Bá Ma đột nhiên nghe được, liền hỏi cung nhân mau khiến nói cho đầy đủ. Thời cung nhân ấy biết chẳng thể che dấu nên thuật đủ việc trước.

Phu Nhân A Nỗ Bá Ma nghe nói xong thì tâm như bị cắt đứt nên nói rằng: Ta điên cuồng ư?

Ta không có xấu hổ ư?

Đấm ngực kêu khổ rồi mê man té xuống đất.

Cung nhân ấy vội đem nưới rưới vảy lên mặt, cầm cây quạt quạt cho mát, rất lâu chẳng tỉnh. Nhân đây dứt mạng.

Thời các cung nhân lớn tiếng kêu khóc. Vua chợt nghe tiếng kinh quái khác thường liền sai nội quan đến hỏi nguyên do. Nột quan phụng mệnh hỏi người giữ cửa cung.

Người giữ cửa cung lại hỏi cung nhân: Do duyên cớ nào mà khóc lóc, mau báo cho Vua biết.

Thời cung nhân ấy rơi lệ nghẹn ngào, liền báo rằng: Nay vì phu nhân A Nỗ Ba Ma đột nhiên mệnh chung nên mới khóc lóc. Hãy mau chóng tấu cho Vua biết.

Lúc ấy Đại Thần nghe việc đó xong, tâm ôm ưu não, sắc mặt u buồn, vội đến trước mặt Đức Vua.

Từ xa Vua nhìn thấy đã biết có tai não, liền hỏi Sứ rằng: Chẳng phải Thái Tử bị bệnh ư?

Phu Nhân bị bệnh ư?

Sứ nói: Nay vì phu nhân A Nỗ Bá Ma đột nhiên hết mạng

Đức Vua nghe xong, rất ư đau khổ như cây bị chặt đứt gốc, mê man té xuống đất. Thời các nhóm đại thần đem nưới rưới vảy lên mặt cho mát, một lúc lâu thì tỉnh lại.

Quần thần tấu rằng: Thỉnh Đức Vua an tâm, đừng sinh ưu não. Số cung tần mỹ nữ có đến trăm ngàn, phụng sự Đại Vương luôn thêm hoan lạc Vua nghe lời an ủi đó xong, liền được bình phục.

Đức Phật bảo: Này A Nan! Ngày xưa, hoàng hậu Vô Ưu sinh tâm ganh ghét, nay chính là người nữ nghèo hèn kiếm củi rồi sinh đẻ ở bên đường. phu nhân A Nỗ Bá Ma xưa kia có tính hạnh hiền lành thương người, nay là Tô Bát Lý Dã.

A Nan! Ý ông thế nào?

Nếu người có nhiều tâm tham, ganh ghét thì ở đời sau bị quả báo đại ác, chẳng thể được yêu thương.

Đức Phật bảo: Này A Nan ! Như Vua Phạm Thọ bị đau nhức đầu, bởi vì Vua vào ở vườn cây, vị Thượng Tọa sai Tri Sự Tăng lấy vòng hoa nghênh tiếp Đức Vua. Thời vị tăng Tri Sự tên là Tịnh Quân do tuổi còn nhỏ, thân tâm tán loạn, tính hạnh thô mãnh đã vào trong Điện ấy tháo lấy vòng hoa dùng hiến Quốc Vương.

Đức Vua nhận xong, liền đội lên đầu, chỉ trong chốc lát thì bị đau nhức đầu khiến cho quần thần, quyến thuộc thảy đều sầu não.

Vị Vua nghe Đức Phật nói nhân quả không có sai lầm, nên liền nói rằng: Như vậy! Như vậy!

Bấy giờ, có một vị Bồ Tát tên là Đại Ý ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, chắp tay hướng về Đức Phật, rồi bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nếu có chúng sinh đối với tiền vật của Thường Trụ, đem làm vật dụng của mình thì bị quả báo thế nào?

Đức Phật nói: Khi người này mệnh chung sẽ bị đọa vào địa ngục.

Đại Ý Bồ Tát lại bạch Phật rằng: Làm sao cứu giúp được người này?

Làm sao an ủi?

Dùng cái gì làm chủ?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn duỗi bàn tay phải bảo Quán Tự Tại Bồ Tát: Ông hãy nói! Ông hãy nói! Ông có Đại Bi Tâm Chân Ngôn Nghi Quỹ hay cứu độ tất cả chúng sinh. Nếu chúng sinh này vào địa ngục A tỳ thời nay Chân Ngôn này khéo hay cứu giúp, an ủi với làm chủ tể.

Quán Tự Tại Bồ Tát nghe lời nói đó xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay bạch rằng: Thế Tôn! Xin hãy lắng nghe! Con có Đại Bi Tâm Đà La Ni hay cho chúng sinh làm lợi ích rộng lớn.

Đức Phật khen rằng: Lành thay! Lành thay! Nay ta lắng nghe. Dùng Ấn của Đại Kim Cương để ấn chứng cho.

Khi ấy Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát lại bạch Phật rằng: Thế Tôn! Đại Minh Đà La Ni này của con, quyết định tiêu trừ tất cả nghiệp tội, tất cả nẻo ác, tất cả khổ não. Lại khiến cho chúng sinh an trụ Đạo Bồ Đề. Nay Chân Ngôn này có sự vi diệu tối thắng như cây báu to lớn hay viên mãn tất cả nguyện.

Đức Thế Tôn lại nói: Này Quán Tự Tại Bồ Tát! Ông nên nói Bất Tư Nghị Quảng Đại Liên Hoa Trang Nghiêm Mạn Noa La Đà La Ni Tâm khiến cho Chân Ngôn Đại Lực không thể thắng này viên mãn tất cả Nguyện của hữu tình.

Bấy giờ Quán Tự Tại Bồ Tát nhìn Đức Thế Tôn.

Thỉnh như vậy lần thứ hai, lần thứ ba, cúi đầu mặt lễ bàn chân của Đức Phật rồi đứng thẳng trước mặt Đức Phật, nói Đại Bi Tâm Đà La Ni này:

Nẵng mô la đát nẵng đát la dạ dã.

Nẵng ma a lý dã phộc lộ cát đế thấp phộc la dã, mạo địa tát đát phộc dã, ma hạ tát đát phộc dã, ma hạ ca lộ ni da dã.

Đát nễ dã tha: Bát nạp di, bát nạp di, bát nạp ma, bát la để sắt đá đế, bát nạp mô na la, ma hạ mạn noa la di dụ hứ, sa la sa la, ca la ca la, chỉ lý chỉ lý, câu lỗ câu lỗ, ma hạ bà dã, tam ma để, đỗ nẵng đỗ nẵng, vĩ đỗ nẵng vĩ đỗ nẵng, hứ lýdựng, ma hạ vĩ nễ duệ, du đà dã du đà dã, tát lý phộc nhạ cảm ma ba lãm, ba la ni di, một đà dã một đà dã, ma hạ nhạ noa nẵng, bát la nỉ bế, sa phộc hạ.

NAMO RATNA TRAYĀYA.

NAMAḤ ĀRYA AVALOKITEŚVARĀYA BODHI SATVĀYA MAHĀSATVĀYA MAHĀ KĀRUṆIKĀYA.

TADYATHĀ: PADME PADME, PADMA PRATIṢṬHITE MAHĀMAṆḌALA VYŪHE, SĀRA SĀRA, KARA KARA, KIRI KIRI, KURU KURU, MAHĀ BHAYA ŚAMATI, DHUNA DHUNA, VIDHUNA VIDHUNA,

HṚDAYAṂ MAHĀ VIDYA ŚODHAYA ŚODHAYA, SARVA JAMBHAVARAṂ VARADE ME, BUDDHYA BUDDHYA, MAHĀ JÑĀNA PRADĪPE SVĀHĀ.

Khi Quán Tự Tại Bồ Tát nói Đại Bi Đại Minh Đà La Ni này xong thời tất cả Đại Địa chấn động theo sáu cách.

Tất cả cung Trời, cung Rồng với tất cả cung điện cư ngụ của hàng Dược Xoa, Kiện Đạt Phộc, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già… đều chấn động lớn. Tất cả Ma Vương đều rất kinh sợ, ôm tâm buồn não. Tất cả Rồng ác với các quỷ mỵ đều mê muộn tế ngã xuống đất, ấn mất không hiện.

Tất cã hữu tình ở Địa Ngục nương nhờ ánh sáng của Chân Ngôn phá tội khổ u ám liền được giải thoát sinh lên Cõi Trời. Dùng hoa Ưu Bát La, hoa Câu Vật Na, hoa sen trắng, hoa Mạn Đà La, hoa Ma Ha Mạn Đà La của Cõi Trời ở trước Đức Phật ấy, cầm dùng cúng dường.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn phát Phạm Âm vi diệu rộng lớn như tiếng Ca Lăng Tần Già khen rằng: Quán Tự Tại Bồ Tát đã nói Đà La Ni thâm sâu chẳng thể luận bàn. Ông hãy vì tất cả chúng sinh, lại nói Pháp vẽ Tượng, niệm tụng Quảng Đại Lợi Ích.

Mạn Noa La Nghi Quỹ.

Thời Quán Tự Tại Bồ Tát liền phụng Giáo Sắc rồi nói Nghi Quỹ.

Nên chọn Đồng Nữ thanh tịnh xe hợp các sợi chỉ mềm, lại khiến giữ Giới. Người kết tịnh ấy dệt thành tấm lụa dài bốn khuỷu tay, ba khuỷu tay, hai khuỷu tay cho đến một khuỷu tay. Dùng nước thơm tẩm lên cái trục của khung dệt rồi khiến kết tịnh. Người trì giới vẽ hình tượng trên tấm lụa.

Chính giữa tấm lụa, trước tiên vẽ Đức Quán Tự Tại Bồ Tát ngồi trên tòa hoa sen, áo khoác ngoài quấn quanh nách, trên đầu đội mão, trên mão có Đức Phật Vô Lượng Quang dùng các thứ trang nghiêm để tô điểm, tay trái cầm hoa sen, tay phải tác Thí Nguyện Ấn.

Ở bên trái Quán Tự Tại, vẽ Cát Tường Bồ Tát với tay cầm cây phất trắng, bên phải vẽ Liên Hoa Cát Tường Bồ Tát với tay cầm hoa sen. Hai vị Bồ Tát này đều ngồi trên tòa hoa sen.

Ở mặt bên trên của tấm lụa, vẽ hai vị Thiên Nhân, tay cầm vòng hoa cùng đối mặt nhau.

Ở mặt bên dưới của tấm lụa, vẽ vị Địa Thiên, tay cầm cái lọng hoa sen. Vẽ hai vị Đại Long Vương Nan Đà, Bạt Nan Đà, tay nâng tòa hoa sen của Quán Tự Tại.

Ở bên dưới tòa ấy, phía bên phải vẽ người trì tụng, quỳ gối phải sát đất, tay cầm hoa sen.

Nơi khoảng không ở bốn bên của tấm lụa, vẽ khắp hoa sen đủ mọi loại màu sắc.

Lại ở mặt dưới của tấm lụa, vẽ nước biển lớn với loài Thủy Tộc, hoa Ưu Bát La, hoa Câu Vật Na, hoa sen trắng…mỗi mỗi đều hé nở.

Lại dùng mảnh lụa, vẽ hoa sen ngàn cánh với bốn màu sắc, an trí phía trước tấm lụa. Ở trên hoa sen, hiến năm Cúng Dường.

Lại dùng bột gạo hoặc miến trắng, hoặc bùn thơm cũng được…làm một cái bánh xe lớn như ngón tay cái.

Lại lần lượt theo ngày, hiến một trăm lẻ tám hoa sen, dùng nước Bạch Đàn tẩm qua.

Lại dùng nước Bạch Đàn làm Mạn Noa La. Dùng Liên Hoa Ấn, tụng Liên Hoa Chân Ngôn lúc trước, hiến hoa đến một lạc xoa mười vạn lần.

Thời dùng ngày 08 hoặc ngày 15 của kỳ Bạch Nguyệt kết Tịnh Trai Giới, làm hoa sen bằng vàng, hoặc hoa sen bằng bạc, một trăm lẻ tám cái. Làm tám loại trang nghiêm rộng lớn. Hoặc làm cái lọng hoa sen, cây phướng hoa sen… để làm cúng dường.

Lại ở bên trong tấm lụa, vẽ Thánh Chúng nhỏ bé, đem năm loại thức ăn uống làm cúng dường lớn, đem một nhóm hoa sen thù diệu hiến dâng Thánh Chúng.

Sau đó tác nghi tắc An Tựợng Khánh Tán. Đem thức ăn Trai cúng dường hết thảy Bật Sô, Bật Sô Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, người có đủ tâm tin…

Tu sùng kính như vậy thời hết thảy việc mà tự mình đã phá hoại, lấy dùng tài vật thường trụ bên trong tháp miếu, trước Tượng Phật khác…tất cả tội lỗi thảy đều trừ diệt, nghiệp chướng thanh tịnh cũng chẳng bị đọa vào nẻo ác, sau này sinh về Cõi Phật, lúc lâm chung thời ngồi thấy Thánh Quán Tự Tại Bồ Tát ở trong lầu gác của Quảng Đại Liên Hoa Trang Nghiêm Mạn Noa La, nói lời an ủi: Đừng sợ! Đừng sợ! sẽ được sinh vào Thắng Xứ, chẳng thọ thân nữ.

Khi Quán Tự Tại Bồ Tát nói lời đó xong thời ở trong đại chúng có một vị Bồ Tát tên là Sư Tử Ý từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Đức Phật rồi bạch với Đức Thế Tôn rằng: Như Vua Phạm Thọ chẳng biết là vòng hoa trên đỉnh đầu của Tượng Phật, chỉ mới đội trong phút chốc mà đã cảm thấy đầu đau nhức, chịu khổ não lớn.

Nếu lại có người biết là vật Thường Trụ thuộc Tháp Miếu Tượng của Phật mà tự lấy sử dụng thời bị quả báo thế nào?

Đức Phật nói với Sư Tử Ý Bồ Tát: Lành thay! Lành thay hay hỏi việc này! Như Vua Phạm Thọ có tâm ý trong sạch, tin trọng Tam Bảo, vì vướng lỗi đội vòng hoa mà hiện bị quả báo là đau nhức đầu.

Ví như bên dưới cái áo trắng tinh khiết có một điểm mực, mọi người nhìn thấy điểm mực rất nhỏ. Nếu chúng sinh ở đời vị lai phá hoại hoặc lấy dùng vật của Tam Bảo thường trụ ví như chiếc áo màu xanh bị ném vào trong vật khí chứa mực sẽ bị tội nặng mà các Pháp khác không thể cứu giúp.

Lại nữa Sư Tử Ý Bồ Tát! Nếu Thí Chủ có tâm tin, buông bỏ tài lợi ấy để xây dựng Chùa xá, tháp miếu. Hoặc hùn công đức làm Tượng Phật. Hoặc cúng dường Tam Bảo.

Nếu là Quốc Vương, Đại Thần đối với nơi ở của Chư Tăng mà chiếm đoạt tài vật để mình sử dụng, khiến cho Bật Sô ấy phải chịu nghèo khổ, giảm mất uy thế, lùi sức tinh tiến, cắt đứt sự trì tụng. Có sự mất mát như vậy thì các Quốc Vương, Đại Thần ấy bị tội khổ lớn như trước không có khác.

Nếu vị Bật Sô có tín giải, biện tài, trí tuệ mà vui thích gần gũi với Quốc Vương, trọng thần… rộng cầu tài lợi, ngã mạn, cống cao, phá phạm giới luật. Nay ta đối với chỗ này lại dùng thí dụ để làm rõ việc này.

Sư Tử Ý Bồ Tát! Ví như có người đói khát được Vua ban cho thức ăn uống. Do thức ăn có thuốc độc, dù thuốc ấy có một lượng một phân cho đến nhỏ như hạt cải thì người ăn ấy chắc chắn phải bị chết. Người xuất gia cũng lại như vậy, nương nhờ vào uy thế của Vua để lừa dối cầu tài lợi thời vật đã được cúng dường chẳng phải là thức ăn thuộc chính mệnh. Người này, quyết định sẽ bị quả báo ác.

Bấy giờ, Sư Tử Ý Bồ Tát bạch với Đức Thế Tôn rằng: Như có người xuất gia, thân mặc áo Pháp mà vọng cầu tài lợi, ngã mạn cống cao. Nếu hàng Vua quan kính trọng, cúng dường …lẽ ra không có Phước Lợi!

Đức Phật nói: Này Sư Tử Ý Bồ Tát! Đừng nói như thế! Ví như có người mê muộn bị té ngã xuống đất, do nương vào sự giúp đỡ của người nên lại đứng lên được. Cũng như con voi lớn bị sập bẫy trong bùn mà sức người chẳng thể đưa thân voi ấy lên, cho nên cần có con voi khác trợ giúp mới ra khỏi bùn lầy được.

Lại như có người thọ nhận lễ quán đỉnh để làm Vua. Hoặc lúc sau này bị mất ngôi Vua ấy, phàm người thường thì không thể hộ vệ, chỉ có sức của Đại Thần có uy thế dũng mãnh mới có thể giúp cho khôi phục lại ngôi Vua.

Này Sư Tử Ý Bồ Tát! Trong giáo pháp của ta cũng lại như vậy. Nếu có người y theo pháp, người chẳng y theo pháp đều là con của Phật Phật Tử đều thành lợi ích.

Nếu sinh lòng khinh chê thời làm sao được phước?

Khi ấy, tất cả đại chúng nghe lời đó xong đều khác miệng cùng âm, cao giọng xướng lên rằng: Thế Tôn! Chúng con mong nhờ Đức Phật độ thoát đều được mừng vui, khiến cho tất cả chúng sinh được viên mãn ý nguyện.

Đức Phật nói: Nếu có người đối với chánh pháp của Đà La Ni này, hoặc tự mình chép hoặc sai người chép… rồi thọ trì, đọc tụng, cung kính, cúng dường sẽ đạt được Phước Đức thù thắng tối thượng.

Nếu lại có người, như vậy nhìn thấy điều lưu truyền của Quán Tự Tại Bồ Tát Ma Ha Tát ấy, là tên gọi của Pháp Luân Đại Lực Đà La Ni chánh pháp thứ hai thời người đó đã dựng được cây phướng pháp, thổi loa pháp, gieo trồng căn lành thâm sâu.

Bấy giờ, Đức Vua Phạm Thọ với tất cả đại chúng phát tâm tin trong sạch, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Đức Phật rồi phát lời thề rằng: Chúng con nguyện từ nay về sau, vĩnh viễn chẳng xâm phạm Tháp Miếu Chùa của Phật, nhận vật thường trụ của Thánh Chúng cho dù là một đóa hoa, một quả trái… lại ở bốn cửa của thành lớn, làm bốn cái Chùa lớn đều dùng bảy báu trang nghiêm. Nguyện xin Đức Phật chứng biết cho.

Đức Phật nói: Như vậy! Như vậy! Nên làm thắng lợi, xa lìa ganh ghét được tịch diệt chân chính.

Khi Đức Vua Phạm Thọ tác Nguyện đó xong thời nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi đem quyến thuộc quay về chỗ ở của mình. Lại vì trăm ngàn chúng sinh nói chánh pháp này, rộng hành bố thí, làm Chùa Phật lớn.

Thời em gái Vua là Tô Bát Lý Dã ở Hậu Cung của Vua vì các Thể Nữ gồm năm mươi vạn người, rộng nói pháp màu nhiệm, phát nguyện thành thật. Tác nguyện đó xong thời các cung nữ ấy đều chuyển thân nữ thành thân nam.

Tất cả người ấy thấy việc đó xong đều rất sợ hãi, đối với pháp của Đà La Ni tin nhận y hành rồi lớn tiếng xướng lên rằng: Chỉ có Phật, chỉ có pháp, chỉ có Tăng là ruộng phước tối thượng, là nơi nương tựa quy y chân thật. Nếu có người cúng dường, thọ trì Đà La Ni này thời người đó đã gieo căn lành của Phật, được phước tối thượng.

Đức Phật nói Kinh này xong thời các Bồ Tát Ma Ha Tát với hàng Người Trời, A Tu La, Càn Thát Bà, Người, Phi Nhân… đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.

***