Kinh Đại thừa

Bộ Hoa Nghiêm

PHẬT THUYẾT

KINH QUYẾT ĐỊNH NGHĨA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Hiền, Đời Tống
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, nước Xá Vệ cùng với đại chúng Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị câu hội.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ Kheo: Ta nay vì các ngươi nói rõ chỗ thâm sâu quyết định chánh nghĩa, trước thiện, giữa thiện và sau thiện. Nghĩa lý nầy sâu xa, thuần nhất không tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh, trong sạch. Các ngươi hãy lắng nghe, khéo nhớ nghĩ lấy.

Bấy giờ, các vị Tỳ Kheo bạch Đức Phật rằng: Lành thay Thế Tôn, thế nào là quyết định chánh nghĩa?

Chúng con muốn nghe, ngưỡng mong Thế Tôn vì chúng con giải nói.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo rằng: Quyết định nghĩa là chỗ gọi cho năm uẩn, năm thủ uẩn, mười tám giới, mười hai xứ, mười hai duyên sanh, bốn thánh đế, hai mươi hai căn, mười lực như lai, bốn vô sở úy, bốn thiền định, bốn vô sắc định, bốn vô lượng hành, bốn vô ngại trí, bốn Tam Ma Địa tưởng, bốn niệm xứ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, Tám chánh đạo. Các pháp như thế được gọi là quyết định chánh nghĩa.

Năm Uẩn là chỉ cho sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Như thế được gọi là năm uẩn. Năm thủ uẩn là chỉ cho sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn và thức thủ uẩn. Như thế được gọi là năm thủ uẩn.

Mười tám giới là chỉ cho nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới.

Nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới.

Tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới.

Thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới, thân giới, xúc giới, thân thức giới.

Ý giới, pháp giới, ý thức giới. Như thế được gọi là mười tám giới.

Mười hai xứ là chỉ cho nội nhãn xứ, ngoại sắc xứ. Nội nhĩ xứ, ngoại thanh xứ. Nội tỷ xứ, ngoại hương xứ. Nội thiệt xứ, ngoại vị xứ, nội thân xứ, ngoại xúc xứ. Nội ý xứ, ngoại pháp xứ. Như thế được gọi là mười hai xứ.

Mười hai duyên sanh là chỉ cho vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, buồn rầu, đau khổ.

Như vậy tức là một khổ uẩn lớn được tạo thành. Do các duyên này mà có các uẩn, nếu không có các duyên ấy, uẩn pháp mất hết.

Cho nên vô minh hết thì hành hết, hành hết thì thức hết, thức hết thì danh sắc hết, danh sắc hết thì sáu xứ hết, sáu xứ hết thì xúc hết, xúc hết thì thọ hết, thọ hết thì ái hết, ái hết thì thủ hết, thủ hết thì hữu hết, hữu hết thì sanh hết, sanh hết thì già chết, buồn rầu, đau khổ hết. Như vậy thì một khổ uẩn lớn hết. Các pháp này đây do vô minh làm duyên mà có.

Sanh, diệt làm duyên là sao?

Cho nên lúc trước chẳng hết, lúc sau chẳng hết, lúc giữa chẳng hết, pháp trong chẳng hết, pháp ngoài chẳng hết, pháp trong ngoài đều chẳng hết, nghiệp thiện chẳng hết, nghiệp bất thiện chẳng hết, nghiệp thiện bất thiện đều chẳng hết.

Nhân chẳng hết, quả chẳng hết, nhân quả đều chẳng hết, pháp duyên đã sanh chẳng hết, pháp duyên chưa sanh chẳng hết, pháp duyên hiện sanh chẳng hết, ở nơi Phật chẳng hết, ở nơi pháp chẳng hết, ở nơi Tăng chẳng hết, pháp khổ chẳng hết, pháp tập chẳng hết, pháp diệt chẳng hết, pháp đạo chẳng hết.

Pháp thiện chẳng hết, pháp bất thiện chẳng hết, pháp tội chẳng hết, pháp phước chẳng hết. Pháp có thể hành chẳng hết, pháp không thể hành chẳng hết, pháp cao thấp chẳng hết, pháp hữu vi vô vi chẳng hết. Như vậy chẳng hết, không thể ở nơi các pháp đen trắng v.v… mà phát sinh trí vô tướng được.

Do đó, vô minh này không thể hiểu biết hết được mà làm cho vuột mất, cho đến làm chướng ngại trí như thật, không thể chứng được Niết Bàn tịch tĩnh.

Cho nên thể tánh vô minh, mê mờ, u ám, ngu si cả thảy, giống như người mù đi một mình trên đường tối tăm, tích tụ các nhơ bẩn của cuộc đời làm cho trí tuệ tổn giảm.

Ở chỗ các pháp chướng ngại không thể ra khỏi, mà vô minh này làm chướng ngại sự sáng suốt, vô minh làm đau khổ, vô minh làm đồ độc hại, vô minh làm dây trói, vô minh làm gốc rễ độc hại, vô minh làm cây độc, vô minh làm gốc rễ phiền não, vô minh làm gốc tùy phiền não, vô minh là chỗ điên đảo, vô minh là nhà đen tối, vô minh làm ngu muội. Các nghĩa như vậy được gọi là vô minh. Do điều này làm duyên, pháp hành được khởi lên.

Pháp hành là: Hành có ba loại, gọi là thân hành, ngữ hành, ý hành. Thân hành là chỉ cho hơi thở ra vào nương ở nơi thân, phụ thuộc vào thân. Do nương ở nơi thân mà có hơi thở ra vào nên được gọi là thân hành.

Ngữ hành là chỉ cho sự bàn luận khó phân biệt. Tức là sự phân biệt, bàn luận khó nói ra thành từ ngữ cho nên gọi là ngữ hành. 

Ý hành là chỉ cho tham, sân, si, các pháp tâm sở v.v… nương ở nơi tâm, phụ thuộc vào tâm. Do nương ở tâm nên được gọi là ý hành.

Lại có ba Hành, thế nào là ba?

Ba hành là phước hành, tội hành, bất động hành, đây là ba hành. Do hành làm duyên để pháp thức được khởi lên.

Pháp thức là: Thức có sáu loại, chỉ cho thức của mắt, thức của tai, thức của mũi, thức của lưỡi, thức của thân, thức của ý. Đây gọi là sáu thức. Do thức làm duyên để danh sắc được khởi lên.

Danh sắc là chỉ cho sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Sắc là chỉ cho năm trần ở bên trong, đều do bốn đại hợp lại mà thành. Bốn đại là chỉ cho đất, nước, lửa, gió. Thể của đất cứng nặng, tánh của nước chảy  thấm, lửa làm ấm nóng, gió làm động chuyển.

Như vậy, bốn đại làm nên năm trần, gọi là sắc uẩn, mà trong sắc uẩn này, bốn uẩn được gọi là danh, một uẩn gọi là sắc. Như vậy, năm uẩn được gọi là danh sắc. Danh sắc làm duyên, sáu xứ được sinh khởi.

Sáu xứ là chỉ cho sáu xứ ở bên trong: Xứ của mắt, xứ của tai, xứ của mũi, xứ của lưỡi, xứ của thân, xứ của ý. Điều này được gọi là sáu xứ. Sáu xứ làm duyên để pháp xúc được sinh khởi.

Xúc có sáu loại, chỉ cho sự tiếp xúc bằng mắt, tiếp xúc bằng tai, tiếp xúc bằng mũi, tiếp xúc bằng lưỡi, tiếp xúc bằng thân, tiếp xúc bằng ý. Những thứ này gọi là xúc. Do xúc làm duyên để pháp thọ được sinh khởi.

Thọ có ba loại, chỉ cho khổ thọ, lạc thọ, xả thọ. Như vậy, mắt tiếp xúc cùng với ba thọ này, cho đến ý tiếp xúc cũng lại như vậy. Ấy gọi là thọ. Do thọ làm duyên, pháp ái được sinh khởi.

Ái có sáu loại, chỉ cho mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý phân biệt mọi thứ. Do mong cầu sáu pháp mà được gọi là ái. Do ái làm duyên, pháp thủ sinh khởi.

Thủ có bốn loại, chỉ cho dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã ngữ thủ. Do ái tăng trưởng được gọi làm thủ. Do thủ làm duyên, pháp hữu được sinh khởi.

Pháp hữu có ba: Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Dục hữu là chỉ cho mười cõi ác và người, Trời.

Mười cõi ác là chỉ cho tám địa ngục:

1. Đẳng Hoạt.

2. Hắc Thằng.

3. Chúng Hợp.

4. Hiệu Khiếu.

5. Đại Hiệu Khiếu.

6. Diễm Nhiệt.

7. Cực Diễm Nhiệt.

8. Vô Gián.

9. Loài bàng sanh.

10. Loài ngạ quỷ.

Mười loại như vậy được gọi là cõi ác.

Cõi người là chỉ cho bốn châu lớn: Nam Thiện Bộ Châu, Đông Thắng Thân Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lô Châu.

Nam Thiện Bộ Châu có số đo rộng là bảy ngàn do tuần, hình dáng của châu này là phía bắc rộng, phía nam hẹp, giống như hình chiếc xe.

Đông Thắng Thân Châu có số đo rộng là tám ngàn do tuần, hình dáng của châu này giống như nửa mặt trăng. Tây Ngưu Hóa Châu có số đo rộng là chín ngàn do tuần, hình dáng của châu này giống như mặt trăng tròn đầy.

Bắc Câu Lô Châu có số đo rộng là mười ngàn do tuần, hình dáng của châu này bốn phía ngay thẳng giống như hào ao quanh thành. Như vậy bốn châu chỉ cho cõi người.

Cõi Trời là:

1. Sáu Cõi Trời Dục Giới, chỉ cho Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại. Như vậy gọi cho sáu Cõi Trời Dục Giới, các cõi này còn gọi là dục hữu.

2. Sắc Hữu là: Có mười tám Cõi Trời, chỉ cho Cõi Trời Phạm Chúng, Cõi Trời Phạm Phụ, Cõi Trời Đại Phạm, Cõi Trời Quang, Cõi Trời Vô Lượng Quang, Cõi Trời Quang Âm, Cõi Trời Tịnh, Cõi Trời Vô Lượng Tịnh, Cõi Trời Biến Tịnh, Cõi Trời Vô Vân, Cõi Trời Phước Sanh, Cõi Trời Quảng Quả, Cõi Trời Vô Tưởng, Cõi Trời Vô Phiền, Cõi Trời Vô Nhiệt, Cõi Trời Thiện Hiện, Cõi Trời Thiện Kiến, Cõi Trời Sắc Cứu Cánh. Như vậy, các Cõi Trời này gọi là Sắc Hữu.

Vô Sắc Hữu là: Có bốn Cõi Trời, chỉ cho Cõi Trời Không Vô Biên Xứ, Cõi Trời Thức Vô Biên Xứ, Cõi Trời Vô Sở Hữu Xứ, Cõi Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Các Cõi Trời này đây gọi là Vô Sắc Hữu. Như vậy Tam Hữu được gọi là Hữu. Do Hữu làm duyên, pháp sanh được phát khởi.

Sanh là gọi cho các hữu tình đã lìa bỏ các uẩn này rồi, tùy nơi quả báo của nghiệp mà trở lại trong các cõi, tướng của các uẩn xuất hiện cho nên được gọi là sanh. Do sanh làm duyên mà già chết mới có được.

Già là gọi cho các hữu tình mà các uẩn đã chín mùi, tâm thức mê loạn, nhiều chỗ quên mất, phát sinh tóc trắng mặt nhăn, sức lực nơi thân yếu kém, cử động nương gậy, thở mau rên rỉ, yếu sức dần dần, các căn suy mục. Đây gọi là già.

Sao lại gọi là chết?

Chỉ cho các hữu tình tùy vào khả năng nhận lãnh nghiệp, tuổi thọ đã hết, thức lìa khỏi chấp trước cảm thọ, mạng căn lùi mất, các uẩn xa rời… thì gọi là chết.

Gọi là già không có cái tướng nhất định, chết theo sau đứng cận kề, hai pháp ấy hợp lại thành một. Cho nên gọi là già chết. Như vậy làm thành tên gọi pháp mười hai nhân duyên.

Sao gọi là pháp Bốn Thánh Đế?

Chỉ cho Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, Đạo Đế.

Khổ đế là: Khổ vì sanh ra, khổ vì già nua, khổ vì bệnh tật, khổ vì chết đi, khổ vì yêu mà chia cách, khổ vì oán ghét mà gặp nhau, khổ vì cầu mà không được, khổ vì năm ấm lớn mạnh. Các khổ như vậy được gọi làm Khổ Đế.

Tập đế là: Chỉ cho pháp tham ái. Do tham ái này mà sanh ra đắm nhiễm. Do đắm nhiễm nên phát sinh thêm nghiệp, vẫy gọi Tập làm nhân. Đây gọi là Tập Đế. 

Diệt đế là: Chỉ cho các pháp tham ái và phiền não còn lại, tất thảy đã được dứt sạch, chứng đắc chân lý tịch diệt. Đây gọi là Diệt Đế. 

Đạo đế là: Tám con đường chân chánh.

Chỉ cho: Cái thấy chân chánh, suy nghĩ chân chánh, lời nói chân chánh, việc làm chân chánh, mạng sống chân chánh, siêng năng chân chánh, nhớ nghĩ chân chánh, định tâm chân chánh.

Tám con đường chân chánh này gọi là Đạo Đế. Như vậy, bốn chân lý mà bậc Thánh Trí có thể quán sát được thì gọi là bốn Thánh Đế.

Lại nữa, sao gọi là hai mươi hai căn?

Chỉ cho:

Căn của mắt.

Căn của tai.

Căn của mũi.

Căn của lưỡi.

Căn của thân.

Căn của nam.

Căn của nữ.

Căn của mạng.

Căn của ý.

Căn của sự sung sướng thọ nhận.

Căn của sự đau khổ thọ nhận.

Căn của sự mừng vui thọ nhận.

Căn của sự buồn rầu thọ nhận.

Căn của sự xả bỏ thọ nhận.

Căn của niềm tin.

Căn của sự siêng năng.

Căn của sự nhớ nghĩ.

Căn của định tĩnh.

Căn của trí tuệ.

Căn của điều chưa biết cần biết.

Căn của điều đã biết.

Căn của điều đã biết đầy đủ.

Như vậy gọi tên làm thành hai mươi hai căn.

Lại nữa, sao gọi là mười lực?

Chỉ cho trí của Như Lai.

Ở nơi xứ hay không phải xứ của các hữu tình mà biết rõ như thật. Đây gọi là Như Lai xứ Phi Xứ trí lực thứ nhất.

Như Lai lại ở trong đời quá khứ, hiện tại, vị lai, chỗ pháp hành nghiệp sở hữu của chúng sanh, chỗ chỗ quả báo nhân duyên sanh ra. Phật dùng trí lực biết rõ như thật. Đây gọi là Như Lai nghiệp báo trí lực thứ hai.

Như Lai lại ở trong các pháp giải thoát Tam Ma Địa, Tam Ma Bát Để, sạch hết các pháp hữu lậu. Phật dùng trí lực biết rõ như thật. Đây gọi là Như Lai định lực thứ ba.

Như Lai lại ở trong các chúng sanh, các loài căn tánh hơn kém mỗi mỗi khác biệt. Phật dùng trí lực biết rõ như thật. Đây gọi là Như Lai căn thắng liệt trí lực thứ tư.

Như Lai lại ở trong các chúng sanh, mỗi loài có niềm tin, kiến giải, mỗi mỗi chẳng giống nhau. Phật dùng trí lực biết rõ như thật. Đây gọi là Như Lai tín giải trí lực thứ năm.

Như Lai lại ở trong các chúng sanh, các loài có mỗi mỗi cõi giới thọ sanh khác biệt. Phật dùng trí lực biết rõ như thật. Đây gọi là Như Lai giới thú trí lực thứ sáu.

Như Lai lại ở trong các chúng sanh, các loài có chỗ vui mừng, ham thích của mình. Phật dùng trí lực biết rõ như thật. Đây gọi là Như Lai lạc dục trí lực thứ bảy.

Như Lai ở trong quá khứ vô lượng vô số, ở trong đời sống, chỗ mỗi mỗi sự việc của chúng sanh chỉ cho một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời và trăm ngàn đời, cho đến vô số trăm ngàn vạn đời.

Như vậy, chúng sanh ở trong vô số kiếp thành, kiếp hoại, chết chỗ này sanh chỗ kia, chết chỗ kia sanh chỗ này, cho đến dòng họ, sang hèn, tên gọi, ăn uống, khổ vui, tuổi thọ dài ngắn, đầy đủ tướng trạng như vậy, nhân duyên như vậy, vô lượng quá khứ như vậy… mỗi mỗi sự việc trong đời sống, Phật dùng trí lực đều có thể biết rõ. Đây gọi là Như Lai túc mạng trí lực thứ tám.

Như Lai lại dùng thiên nhãn thanh tịnh, quán thấy chúng sanh sang hèn, trên dưới, tốt xấu, còn mất, hoặc sanh trong đường lành, hoặc đoạ vào cõi ác mà nơi đó chúng sanh đã tạo nên các hành nghiệp: Gọi là thân không làm nghiệp lành làm các hạnh tà vạy, miệng không làm nghiệp lành chê bai Hiền Thánh, ý không làm nghiệp lành khởi lên cái thấy xấu xa. 

Do nhân duyên này, sau khi mạng chung đoạ vào trong đường ác. Lại có chúng sanh, thân làm nghiệp lành không làm hạnh tà vạy, miệng làm nghiệp lành không huỷ báng Hiền Thánh, ý làm nghiệp lành phát sinh chánh kiến. 

Do nhân duyên này, sau khi mạng chung sanh vào cõi người, Cõi Trời. Những sự việc như vậy, với thiên nhãn của Như Lai đều có thể thấy khắp. Đây gọi là Như Lai Thiên Nhãn trí lực thứ chín.

Lại nữa, Như Lai rõ biết các lậu hoặc đã hết của các chúng sanh ấy, chứng được vô lậu giải thoát, trí tuệ giải thoát.

Dùng năng lực thông đạt của mình mà chứng được các pháp như vậy: Đời sống của ta đã hết, phạm hạnh đã vững vàng, chỗ cần làm đã làm xong, không còn thọ thân sau nữa. Các pháp như vậy, Phật dùng trí lực đều có thể biết rõ. Đây gọi là Như Lai lậu tận trí lực thứ mười. Như vậy, Mười Lực Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, do có mười lực ấy nên ở trong đại chúng làm tiếng hống sư tử, chuyển bánh xe pháp lớn.

Lại nữa, sao gọi là bốn vô sở úy?

Nghĩa là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác ở trong đại chúng nói lời thế này: Ta dùng trí tuệ của mình đạt được đạo như thật, thành tựu chánh giác, dùng tiếng hống sư tử, quay bánh xe diệu pháp, không có Sa Môn, Bà La Môn, Trời, Người, Ma Phạm nào mà có thể được vậy. Đây gọi là Như Lai Nhất Thiết Trí vô uý.

Như Lai đã đạt được an lạc, vắng lặng, không còn chỗ kết quả công đức nào hơn trên nữa, các lậu hoặc đã sạch, các loại tập khí đều mất hết. Đây gọi là Như Lai lậu tận vô uý.

Như Lai lại vì các chúng Thanh Văn mở bày cho thấy con đường khổ, nói cho sự xa lìa phiền não, dứt hết bờ mé khổ đau. Đây gọi là Như Lai xuất khổ đạo vô uý.

Như Lai lại vì các vị Thanh Văn nói pháp có chỗ chướng nạn khiến cho các vị ấy xa lìa. Đây gọi là Như Lai chứng đạo vô uý. Như vậy gọi là bốn pháp vô uý.

Lại vậy nữa, sao gọi là bốn thiền định?

Nghĩa là: Xa lìa các dục và các pháp ô nhiễm, cắt đứt, dứt trừ những tư tưởng nghi ngờ, phân biệt. Đây gọi là định ly sanh hỷ lạc thứ nhất.

Lại nữa, xa lìa tham dục, đã dọn sạch những tư tưởng phân biệt rồi, sẽ ở nơi các pháp bên ngoài tất thảy đều dứt hết. Bên trong lại vắng lặng, định tĩnh, tóm thâu các pháp trong ngoài, tất thảy đều quy về một mối. Đây gọi là định sanh hỷ lạc thứ hai.

Lại nữa, loại bỏ những tư tưởng vui mừng, nhớ nghĩ. Ở nơi hỷ lạc của thân mà không có chỗ thọ nhận. Đây gọi là định ly hỷ diệu lạc thứ ba.

Lại nữa, xa lìa các pháp khổ vui, không còn tư tưởng buồn rầu, mừng rỡ, các pháp đều trong sạch. Đây gọi là định xả niệm thanh tịnh thứ tư. Như vậy gọi là bốn pháp thiền định.

Sao lại gọi là bốn định vô sắc?

Nghĩa là: Việc tu tập định ấy: Bên dưới chán ghét các sắc tướng, bên trên vui vẻ với cái không có sắc tướng.

Do nơi không có sắc tướng nên chỉ có hư không, bèn thấy rõ hư không không có bờ mé. Tưởng được như vậy, cho nên gọi là Định Không Vô Biên Xứ.

Lại kế tiếp, xa lìa chỗ các duyên không vô biên xứ rồi, tư tưởng lại có thể duyên theo thức cũng không có bờ mé. Cho nên gọi là Định Thức Vô Biên Xứ.

Lại kế tiếp, xa lìa cái có thể duyên theo thức kia rồi, tư tưởng sẽ lại có thể duyên theo chỗ các duyên mà đều không có nắm bắt. Đây gọi là Định Vô Sở Hữu Xứ.

Lại kế tiếp, xa lìa chỗ không có nắm bắt kia rồi, tư tưởng sẽ lại ở nơi không có chút tư tưởng thô sơ ấy nữa, không còn tư tưởng nhỏ nhặt nào nữa. Đây gọi là Định phi tưởng phi phi tưởng. Như vậy, gọi là bốn định Vô Sắc.

Lại nữa, sao gọi là bốn hành vô lượng?

Nghĩa là: Từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, xả vô lượng. 

Nếu có Tỳ Kheo đủ tâm yêu thương rộng lớn, ở trong các hữu tình chẳng oán chẳng thân, thảy đều có thể được an vui. Như vậy thường dùng tâm yêu thương vô lượng, cho nên gọi là từ vô lượng hành.

Nếu có Tỳ Kheo đủ tâm thương xót rộng lớn, ở trong các hữu tình chẳng oán chẳng thân, đều có thể nhổ bỏ sầu khổ. Như vậy thường dùng tâm thương xót vô lượng, cho nên gọi là bi vô lượng hành.

Nếu có Tỳ Kheo đủ tâm hỷ xả rộng lớn, ở trong các hữu tình chẳng oán chẳng thân đều ban phát sự hoan hỷ. Như vậy thường dùng tâm hỷ xả vô lượng, cho nên gọi là hỷ vô lượng hành.

Nếu có Tỳ Kheo ở trong các hữu tình chẳng oán chẳng thân, bình đẳng, an trụ, thường hành hoạt như vậy, cho nên gọi là xả vô lượng hành. Như vậy, gọi là bốn hành vô lượng.

Lại nữa, sao gọi là bốn vô ngại trí?

Nghĩa là: Từ vô ngại trí, biện tài vô ngại trí, pháp vô ngại trí, nghĩa vô ngại trí. Từ vô ngại là dùng âm thanh làm cảnh. Ở trong các âm thanh, lời nói, ngôn từ chẳng vướng mắc. Gọi là từ vô ngại trí.

Biện tài vô ngại là chỉ cho tứ biện hay thất biện. Phàm có chỗ nào khó luận bàn mà vào nhanh không thiếu sót. Cho nên gọi là biện tài vô ngại trí.

Pháp vô ngại là duyên theo tên gọi, câu cú, văn tự, tuỳ ở chỗ nào của giáo pháp, không có chỗ nào không thông suốt. Cho nên gọi là pháp vô ngại trí.

nghĩa vô ngại là duyên theo nghĩa làm cảnh, theo chỗ nghĩa lý đủ đầy, không có chỗ nào không hiểu rõ. Cho nên gọi là nghĩa vô ngại trí. Như vậy gọi là bốn vô ngại trí.

Lại nữa, sao gọi là bốn tam ma địa tưởng?

Nếu có Tỳ Kheo quán sát như vậy: Thân này của ta từ đầu tới chân, nơi có tóc lông, móng răng, da thịt, gân xương, mỗi mỗi như vậy, mọi thứ chẳng sạch do hợp lại mà hình thành. Ví như kho đụn rộng chứa lương thực, người vào trong ấy, khéo có thể phân biệt được đây là gạo, đây là lúa.

Sự tích chứa như vậy gọi là kho đụn. Tỳ Kheo quán sát ở trong thân mình cũng giống như vậy. Người quán sát được vậy liền dứt bỏ được các pháp tham dục. Đây gọi là Tam Ma Địa tưởng thứ nhất.

Lại nữa, Tỳ Kheo đã quán tưởng thân rồi, ở nơi Tam Ma Địa nếm được sự an lạc nhẹ nhàng. Lại quán sát như vậy, ở nơi Tam Ma Địa này nếm được sự an lạc mà cũng không cần có tư tưởng. Ví như hoa sen từ nước mà sanh lên, chúng không có tư tưởng rằng ta từ nước sanh ra mà có được sự trong sạch.

Tỳ Kheo quán tưởng cũng giống như vậy. Người có thể quán tưởng liền được thấy pháp, nếm được sự an lạc, nhẹ nhàng. Đây gọi là Tam Ma Địa tưởng thứ hai.

Lại nữa, Tỳ Kheo ở nơi Tam Ma Địa dùng tư tưởng sáng suốt mà quán sát như mặt trời không chút tối tăm. Quán sát như vậy liên tục không dứt, ngày đêm sáng tối đều không có chỗ khác nhau. Làm cho tư tưởng sáng suốt như vậy, trong sạch không xen lẫn.

Ví như vào mùa thu, mây che rợp cả, ánh mặt trời không thấy xuất hiện. Nếu người có cái nhìn sáng suốt sẽ quán thấy ánh sáng của mặt trời trong sạch không xen lẫn.

Tỳ Kheo quán tưởng cũng giống như vậy. Người có thể quán tưởng là người liền được trí tuệ sáng suốt hiện tiền. Đây gọi là Tam Ma Địa Tưởng thứ ba.

Lại nữa, Tỳ Kheo ở nơi Tam Ma Địa quán tưởng như vậy, dứt trừ khổ vui cho đến sầu lo, sung sướng. Chỉ khi xả bỏ được hai loại ý niệm ấy thì được thanh tịnh.

Ví như có người có thể dùng xe ngựa đi trên đất bình thản không có trở ngại gì. Tỳ Kheo quán tưởng cũng giống như vậy. Người có thể quán tưởng ấy liền được trí tuệ lợi lạc hiện tiền. Đây gọi là Tam Ma Địa Tưởng thứ tư. Những điều này gọi là bốn Tam Ma Địa tưởng.

Lại nữa, sao gọi là bốn pháp niệm xứ?

Nghĩa là: Thân, thọ, tâm, pháp.

Nếu có Tỳ Kheo quán thân không trong sạch, đầy dẫy các xấu ác, không có gì là chân thật. Quán sát như vậy gọi là thân niệm xứ.

Lại nữa, quán hai pháp trong ngoài, nơi có các thọ thảy đều là khổ. Người quán tưởng như vậy gọi là thọ niệm xứ.

Lại nữa, quán tâm ở nơi các pháp tâm sở, cả thảy đều vô thường. Người quán tưởng như vậy gọi là tâm niệm xứ.

Lại nữa, quán sát hai pháp trong ngoài, ở trong các pháp ấy mà không sanh khởi tư tưởng của ta. Người quán tưởng như vậy gọi là pháp niệm xứ. Như vậy gọi là bốn pháp niệm xứ.

Lại nữa, sao gọi là bốn pháp đoạn trừ chân chánh?

Nghĩa là: Các việc ác đã sanh, nên phát khởi sự tinh tấn, siêng năng thực hành việc đoạn trừ, cả thảy đều khiến cho dứt hết. Đây gọi là pháp đoạn trừ chân chánh thứ nhất.

Lại nữa, các việc ác chưa sanh, nên phát khởi tinh tấn, giữ gìn, đoạn trừ cả thảy, làm cho không sinh khởi. Đây gọi là pháp đoạn trừ chân chánh thứ hai.

Lại nữa, các việc thiện lành chưa sanh, nên phát khởi tinh tấn làm cho các pháp thiện lành đều được sinh trưởng. Đây gọi là pháp đoạn trừ chân chánh thứ ba.

Lại nữa, các việc thiện lành đã sanh, nên phát khởi tinh tấn mà khiến cho tăng trưởng, vững chắc, tròn đủ. Đây gọi là pháp đoạn trừ chân chánh thứ tư. Như vậy gọi là bốn pháp đoạn trừ chân chánh.

Lại nữa, sao gọi là bốn pháp thần túc?

Nghĩa là: Dục, cần, tâm, quán. Nếu có Tỳ Kheo ở nơi các pháp nhiễm ô, xa lìa khỏi những vọng niệm, ở nơi các pháp thiện lành mà khởi lòng mong cầu, theo đuổi việc thiện lành không nhàm chán. Gọi là dục thần túc.

Lại nữa, ở nơi các pháp thiện lành, siêng năng tu sửa các hành động, hành động chân chánh không lui sụt. Gọi là cần thần túc.

Lại nữa, ở nơi các pháp mà xa lìa suy nghĩ tà vạy, tâm chân chánh phân biệt. Gọi là tâm thần túc.

Lại nữa, dùng trí tuệ chân chánh, quán sát trong thân, trong thân không có ngã. Lại quán sát cảnh bên ngoài, cảnh bên ngoài không có pháp.

Thực thể của ta và pháp đều không có, chứng được hai không. Gọi là quán thần túc. Như vậy gọi là bốn pháp thần túc.

Lại nữa, sao gọi là năm căn?

Nghĩa là: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Như vậy gọi là năm căn.

Lại nữa, sao gọi là năm lực?

Nghĩa là: Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Như vậy gọi là năm lực.

Lại nữa, sao gọi là bảy pháp giác tri?

Nghĩa là: Trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, xả giác chi, niệm giác chi, định giác chi. Đây gọi là bảy pháp giác chi.

Lại nữa, sao gọi là pháp tám con đường chân chánh?

Nghĩa là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Gọi là chánh kiến vì tin có pháp bố thí, tin có cha mẹ, có các việc làm thiện và việc làm bất thiện. Như vậy, nghiệp thiện, bất thiện đều phải có quả báo. Tin có đời nay, đơi sau, ở trong các đời sống ấy có các chúng sanh, có A La Hán.

Như đạo lý tu hành, dùng năng lực để tự mình thông đạt, thấy các pháp như vậy: Đời sống của ta đã hết, phạm hạnh đã vững vàng, chỗ cần làm đã làm, không còn thọ thân sau. Các việc như vậy gọi là chánh kiến cái thấy chân chánh.

Sao gọi là chánh tư duy?

Chỉ cho xa lìa suy nghĩ tà vạy. Suy nghĩ tà vạy là khởi lên cái thấy không chân chánh làm phát sinh tham sân si. Xa lìa như vậy gọi là chánh tư duy, suy nghĩ chân chánh.

Sao gọi là chánh ngữ?

Chỉ cho sự xa lìa lời nói không thật, lời nói hai lưỡi, lời nói ác khẩu v.v… đây gọi là chánh ngữ, lời nói chân chánh.

Sao gọi là chánh nghiệp?

Chỉ cho sự xa lìa sát sanh, trộm cắp, các pháp ô nhiễm, sai trái. Đây gọi là chánh nghiệp việc làm chân chánh.

Sao gọi là chánh mạng?

Chỉ cho cái thấy chân chánh, đầy đủ rằng xuất gia đúng pháp, mang áo giáo pháp, xa lìa các hạnh tà vạy, tin ở chánh pháp, cho đến thọ nhận ăn uống, nằm ngồi… đều nương theo chánh pháp. Đây gọi là chánh mạng mạng sống chân chánh.

Sao gọi là chánh tinh tấn?

Chỉ cho xa lìa sự chăm chỉ sai trái. Ở trong pháp chân thật mà phát khởi sự siêng năng chân chánh. Đây gọi là chánh tinh tấn, siêng năng chân chánh.

Sao gọi là chánh niệm?

Chỉ cho xa lìa sự nhớ nghĩ sai trái, thường xuyên nghĩ nhớ chánh pháp, những điều nghĩ nhớ ấy luôn ở trong tâm, không có chỗ nào quên mất. Đây gọi là chánh niệm, nhớ nghĩ chân chánh.

Sao gọi là chánh định?

Chỉ cho tâm ở tại tâm, không khởi lên sự tán loạn, xa lìa các duyên theo đuổi, ở nơi thiền quán về hơi thở, quán tưởng chân chánh không thối chuyển. Đây gọi là chánh định, định tâm chân chánh. Như vậy, gọi là pháp tám con đường chân chánh.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói pháp xong rồi, lại bảo các chúng Tỳ Kheo: Các ngươi phải nên biết, ta đã nói rõ pháp chân chánh không thối chuyển, quyết định chánh pháp, trước giữa sau đều lành, ý nghĩa sâu xa, thuần nhất không xen tạp, trong sạch, tròn đầy. Bấy giờ, các vị Tỳ Kheo nghe Đức Phật thuyết rồi tất cả đều hoan hỷ, tin nhận, phụng hành.

***