Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT DỤ

VỀ SỰ ĐỘC HẠI
 

Thuở xưa, có một gia đình, cả nhà thích làm việc độc hại. Hễ một hành động độc hại được làm xong thì trong nhà được giàu có thêm. Thọ mạng đời trước, tội phước quả báo bọn họ đều mặc kệ.

Cả nước đều ghét, chẳng ai dám qua lại làm việc với họ, sợ gặp họ như gặp điều nguy hại. Cả nước đều lánh xa, nên họ muốn cưới vợ cho con cái thì không ai dám gả, ai cũng nói cho nhau biết đó là gia đình chuyên làm việc độc hại, là việc làm ác độc nhất trên đời, chẳng hợp với nghĩa lý, chỉ muốn hại mạng người.

Như muốn kết sui gia với họ, thì khi hết nơi nào bỏ độc, họ sẽ quay lại bỏ độc cho mình, vì vậy mà mọi người đều xa lánh họ như xa lánh giặc dữ.

Giặc cùng với người giao đấu, tay sử dụng võ đánh đấm nhau, hãy còn phân biệt được kẻ mạnh người yếu, chứ như gia đình dùng độc hại, âm thầm hại người thì khi người bị chúng hại rồi, mạng sống không thể cứu được nữa. Mọi người đều biết như thế nên ai cũng xa lánh, không cùng họ cộng tác trong mọi công việc.

Người này gặp cảnh khốn đốn vô cùng trong việc đi tìm vợ cho con khắp nơi mà không nơi nào chịu gả cả. Nhân đó hắn mới đi xa hơn ngàn dặm sang nước khác để tìm vợ cho con.

Gia đình hắn thì giàu có sang trọng, còn nhà cửa bên người con gái lại nghèo khó, eo hẹp. Gia đình này thấy hắn giàu có nên tham mà gả con gái cho, không bị hắn bỏ độc hại, lại còn thu thêm được của cải. Hắn đưa người con gái về nhà làm lễ thành hôn rất uy nghi, đầy đủ. Ra vào lễ lượt, làm cho gia đình ấy hao tốn nhiều của cải nên phải bỏ độc hại người thì mới giàu có như cũ.

Cha mẹ chồng bảo nàng dâu đi bỏ độc giết người này và nói: Cái nghề gốc của gia đình ta là tự mình phải làm như thế!

Nàng dâu nghe bảo thế thì buồn rầu, thưa với cha mẹ chồng: Cha mẹ con làm lành, chưa hề làm hại ai, nên con không nhận việc bỏ độc hại người, có chết thà chết chớ không vi phạm, cha mẹ có mắng chửi, con cũng không thể nghe theo lời được.

Nhân đó, vợ chồng người này thưa với thần độc hại: Hôm nay chúng con sai nàng dâu này đi bỏ thuốc độc hại người mà nó chẳng chịu nghe lời, phải làm sao đây?

Thần độc hại đáp: Ta phải cải hóa nó, để nó chẳng còn trái lời dạy bảo nữa. Thần liền hóa làm con rắn độc bò đến chỗ nàng dâu, nàng này sợ hãi không biết phải tránh con rắn độc ở đâu. Con rắn hoặc hiện ở trên đầu, khi ăn thì hiện trước mặt, khi uống thì hiện trong đồ dùng, khi ngủ thì hiện trên giường, khi bước đi thì nó theo sau.

Nàng dâu kia sợ hãi quá, không biết phải chui vào đâu, trở nên gầy ốm trơ xương, không thể ăn uống được. Thần độc hại mới ra lệnh cho nàng dâu đi bỏ thuốc độc hại người. Khốn cùng, không còn cách nào khác, nàng dâu đành theo lời dạy bảo của thần độc hại.

Lúc ấy, có người nhà của nàng dâu đến thăm, thấy thân hình người con gái gầy ốm, chẳng an lành, thì lấy làm ngạc nhiên, hỏi lý do vì sao như vậy.

Người con gái nói hết đầu đuôi câu chuyện, rồi dặn: Về đến nhà ta, phải thưa với cha mẹ ta mau chóng tới đón ta về, còn không thì nhất định ta phải bị chết. Người quen trở về thuật lại đầy đủ cho cha mẹ nàng nghe chuyện đó. Ông bà buồn khổ, bồn chồn, người cha bèn chuẩn bị xe ngựa, nhanh chóng đi đón con gái về.

Đến nơi, ông nói với cha mẹ chồng người con gái: Mẹ con gái tôi thương nhớ khóc lóc suốt đêm, quá nhớ con gái nên khiến tôi đến đón nó về để mẹ con được gặp nhau, ít lâu sau sẽ cho trở lại nhà chồng. Cha mẹ chồng bằng lòng cho đi.

Người cha đưa con gái về nhà, sau đó ông nói với cha mẹ chồng người con gái: Gia đình ông chuyên bỏ thuốc độc hại người, ta đoạt nàng dâu của ông, không trả lại đâu.

Hai bên xảy ra cuộc tranh cãi, nếu như có pháp quan thì sẽ cho bên nào được?

Đây là nỗi lo âu về sự tuyệt diệt cho cả nhà, nên cha người con gái nhất định không nghe theo. Nếu bên gia đình chồng bỏ việc hạ độc hại người ta thì ông mới cho con gái về làm dâu.

Hai vợ chồng cha mẹ nàng dâu bàn với nhau: Người con gái này thật đoan chánh, trên đời ít có, không thể bỏ được, thà bỏ cái nghề làm chuyện độc của gia đình.

Hơn nữa, nếu quan hay được thì càng nguy hại. Liền ngưng ngay cái nghề độc hại ấy cùng với người cha cô gái lập lời thề ước không dám phạm nữa. Ông sai người đem bỏ thần độc hại, từ đó trong gia đạo trở nên an lành.

Thần độc hại kia là ví cho bốn thứ ma, làm việc hại độc cầu được giàu có là ví cho các thiên ma và đám quỷ thần xấu ác. Ngày ngày chọn dâu, người trong nước không ai chịu gả, là ví cho những người không theo giáo pháp của ma.

Người đi tìm nàng dâu, phải đến phương khác tìm kiếm được nàng dâu là ví cho pháp cấu nhiễm. Dạy khiến hại độc nhưng không nghe theo ấy là ví cho việc biết rõ là ma, không bị rơi vào năm ấm. Sai người về báo với cha mẹ ấy là cho việc theo giáo pháp bát nhã với phương tiện quyền xảo.

Báo cho người cha đến đem con về là ví cho việc theo về với gốc không. Khiến người con gái có chồng kia ngưng độc hại trở về cùng với mẹ ấy là ví cho trừ khử ba độc, các vọng tưởng, cầu ứng hợp với bốn tâm vô lượng.

Nhờ sáu Pháp Độ Vô Cực và các phương tiện khéo léo thích hợp để hóa độ tất cả chúng sinh trong ba cõi, đạt đến trí tuệ chánh chân vô bờ.

***