Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG

CHUYỆN VỊ QUỐC VƯƠNG

VÀ NĂM NGƯỜI CON
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bấy giờ, các vị Tỳ Kheo Tôn Trưởng, mỗi người đều tự bày tỏ những ý nghĩ từ lòng mình. Hiền Giả Xá Lợi Phất, Hiền Giả A Na Luật, Hiền Giả A Nan, Hiền Giả Du Luân và chúng đệ tử năm trăm người đã cùng một lúc lìa bỏ gia đình để học đạo, dứt mọi nẻo tham muôn, chí quyết không màng sự giàu sang ở đời, thảy đều làm Sa Môn.

Lúc ấy, Hiền Giả Xá Lợi Phất tán thán: Trí tuệ được xem là bậc nhất hơn hết, nhờ đó dứt trừ mọi hồ nghi, hòa giải mọi sự tranh giành, xâu xé, phân biệt rõ được đạo nghĩa, không có chỗ nào là không thông đạt, cũng như trong chỗ tối tăm có được cây đuốc sáng soi tỏ khắp chốn.

Hiền Giả A Na Luật tán thán: Tay nghề khéo léo chính là người thợ giỏi đối với mọi người, nhờ đó đã đem lại sự thành tựu ở nhiều lãnh vực, thể hiện được biết bao là kỹ thuật tinh xảo, khiến mọi người đều thích thú, cho nên công xảo là hơn hết.

Đến lượt Hiền Giả A Nan tán thán về cái dáng vẻ đoan chánh bậc nhất: Dung nhan tươi đẹp hơn hết khiến ai thấy cũng đều hân hoan, được mọi người quý trọng, tất cả đều tôn kính như là Đức Phật có ba mươi hai tướng tốt.

Còn đây là ý kiến của Hiền Giả Du Luận: Luôn chuyên cần tu tập, chưa từng biếng trễ, đức tinh tấn ấy thật đáng ca ngợi, trong thế gian không ai sánh kịp. Nhờ đó lại có thể đi vào trong biển cả, thành tựu được rất nhiều việc lớn.

Như Đức Như Lai Thế Tôn, đã thị hiện sinh vào dòng họ Thích, rồi bỏ đất nước, ngai vàng dốc chí tu tập, thành tựu đạo quả Phật, đoan nghiêm không gì sánh, hình tướng, sắc diện là bậc nhất như Mặt Trăng trong đám tinh tú.

Tươi sáng còn hơn cả mặt trời, thân cao một trượng sáu, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tiếng nói vang tỏa khắp tám bộ chúng, nói ra hàng vạn ức âm thanh để giảng thuyết Kinh pháp cho các loài Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Người, Vật… đều được khai thị, thông tỏ, đều đạt được sở nguyện của mình.

Những anh em con chú bác của Đức Phật, tuy mỗi người có tiếng tăm uy tín riêng, nhưng đều quy mạng Đức Phật, xin làm đệ tử của Ngài, công đức của Đức Phật thật không thể nêu bày, xưng tụng hết được.

Từ vô số trăm ngàn vạn ức kiếp, Ngài đã tích lũy công đúc, tự tu tập để chứng được quả Phật, rồi vì tất cả mọi người, mà chỉ ra con đường chân chánh.

Tất cả các vị trong chúng hội cùng nhau đến thẳng chỗ Đức Phật, hỏi rõ về nguồn gốc việc này: Bạch Thế Tôn, ai là người được xem là bậc nhất. Chúng con đã tụ hội lại và mỗi người đã tự nói lên cái sở trường của mình, mong Ngài minh xét.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Những người ấy chẳng phải chỉ mới đời này tự xưng tán về cái danh dự bậc nhất vô song của bản thân mình, mà đời trước cũng thế. Chỗ quy về của các đời nơi họ thảy đều thuận phục nơi ta, hết lòng tôn quý ta.

Vì sao như vậy?

về thời quá khứ xa xưa, có một vị Quốc Vương tên là Đại Thuyền, cõi nước rộng lớn, đất đai mầu mỡ, dân chúng no đủ, các vị Đại Thần cũng như bá quan đều hết lòng giúp nước.

Nhà Vua có năm người con: Người thứ nhất có trí tuệ, người thứ hai có tài khéo léo, người thứ ba rất đoan chánh, người thứ tư rất tinh tấn, còn người thứ năm thì đầy đủ phước đức. Mỗi người con đều tự ca ngợi về chỗ sở trường của mình.

Người con có trí tuệ, ca ngợi cái trí tuệ bậc nhất trong thiên hạ ấy bằng bài kệ:

Trí tuệ là hàng đầu

Hồ nghi giải quyết, mau

Phân rõ được nghĩa khó

Giải mọi oán kết lâu.

Hãy dùng quyền phương tiện

Giúp người hiểu được nhau

Mọi người đều hoan hỷ

Cùng ca ngợi ân sâu.

Người con thứ hai ca ngợi tài khéo của mình bằng bài kệ:

Kỹ thuật từ khéo tay

Nhiều việc thành tựu ngay

Máy móc làm người gỗ

Như người thật không sai.

Cử động co duỗi được

Người xem thấy khen hay

Được thưởng ngần ấy báu

Tài đó chính nhờ đây.

Người con thứ ba ca ngợi về sự đoan chánh của mình bằng bài kệ:

Đoan chánh bậc nhất rồi

Sắc hình cũng hơn thôi

Mọi người xem diện mạo

Người gần, kẻ xa xôi.

Đều biết đến tôn kính

Ân cần việc mọi người

Họ thờ như thờ Phật

Vắng mây, rạng mặt trời.

Người con thứ tư ca ngợi sự tinh tấn của mình bằng bài kệ:

Tinh tấn lấy làm đầu

Tinh tấn vào biển sâu

Hay vượt các hoạn nạn

Của báu được rất nhiều.

Lắm tài và dũng mãnh

Do đó, ngại gì đâu

Nghiệp nhà đều nên cả

Bà con mừng kính yêu.

Người con thứ năm ca ngợi về phước đức của mình bằng bài kệ:

Phước đức là tối cao

An nhiên tự tại vào

Giàu sang không bờ vực

Đời đời phước đức gieo.

Phước được làm Đế Thích

Luân vương, Phạm Thiên cao

Nếu được thành Phật Đạo

Làm Pháp Vương Đạo mầu.

Mỗi người đã tự nói lên cái sở trường của mình, ai cũng tự cho tài của mình là số một, không có thể quyết đoán được vì không ai chịu phục ai, rồi quay ra nói với nhau: Chúng ta mỗi người phải tự thi thố tài đức của mình, thể hiện rõ tướng thật của kẻ trượng phu bằng cách viễn du đến các nước, tới những nước khác ấy thì mới biết được cái thù thắng đặc biệt của ai là hạng nhất.

Bấy giờ, người con có trí tuệ vào được đất nước khác rồi, ông tìm hỏi về dân chúng nước đó lành dữ thế nào, lương thực nhiều ít, sang hèn, giàu có hay nghèo cùng.

Ông lại nghe trong nước ấy có hai ông trưởng giả giàu có không ai bì kịp, trước thì rất thân thiết nhau, sau lại bất hòa, bị mọi người đâm thọc xúi bậy, họ lại càng chống đối nhau, trở thành oán thù chất chứa nhiều năm, không thể hòa giải được.

Người con có trí tuệ kia liền bày ra một phương sách khéo léo, mang hàng trăm thức ăn ngon lành đến thẳng nhà ông trưởng giả, yêu cầu gặp mặt để dâng tặng.

Ông trưởng giả liền ra gặp, người con có trí tuệ bèn dâng hết thức ăn ngon lành đã mang theo cho ông trưởng giả, rồi đem chuyện đã nghe được về ông trưởng giả ấy, từ tốn hỏi han: Việc trước kia hai bên mất lòng nhau là do không kịp suy nghĩ, bị kẻ khác đâm thọc nên kết thành oán thù lâu năm, không được gặp gỡ, nói chuyện với nhau, nghĩ rằng đối mặt hầu chuyện là rất khó khăn. 

Cho nên chủ tôi sai tôi mang mấy món ăn uống đến để biếu tặng, xin đại nhân nhận cho, chớ nên quở trách, đây cũng không phải là oán thù truyền đời của cha mẹ, nên chủ tôi sai tôi đến để tỏ rõ ý nhau.

Vị trưởng giả này nghe xong tỏ ra hân hoan, vồn vã: Tôi rất muốn hòa giải từ lâu rồi, chỉ tại không có người thân cả hai bên để bày tỏ ý nhau, nay lại tin tôi, khiêm tốn giải bày, thành ý này thật ngoài chỗ mong ước.

Tôi xin đón nhận ý nhân hậu ấy và xin thuận theo điều đã nêu bày, chẳng dám trái mạng. Người con có trí tuệ đã giải hết mọi nghi ngờ của ông trưởng giả, xong thì từ tạ ra về.

Tìm đến nhà ông trưởng giả thứ hai, cũng lại như vậy, người con có trí tuệ ấy giải bày mọi ý nghĩ như đã nêu rõ với ông trưởng giả trước. Xong rồi, hẹn thời gian và nơi chốn để cả hai gặp gỡ.

Lúc ấy, dân chúng tụ họp đông đảo để tham dự việc hòa giải oán cừu, cùng lúc tổ chức nào yến tiệc, nào ca hát tưng bừng, cùng nhau vui vẻ, hai bên hỏi nhau gốc ngọn về ý kiến hòa giải này, mới hay là do người kia khéo bày đặt ra để hòa giải oán thù cũ, kết thân họ lại như xưa.

Mỗi người tự nghĩ: Ta làm mất lòng nhau đã lâu, người trong một nước mà không hòa giải nổi, nay người này từ xa đến đã làm được công việc khó khăn ấy, ân đức này khó mả lường hết, không có lời nào diễn tả trọn vẹn được. Rồi mỗi người xuất ra trăm ngàn lượng vàng để dâng tặng cho người đã làm công việc hòa giải.

Anh ta liền mang của báu ấy về cho anh em, dùng lời kệ khen:

Có đầy đủ ngôn từ

Biện giải thành Kinh Điển

Bậc Chánh Sĩ biết rộng

Rốt ráo được an ổn.

Xem ta dùng trí tuệ

Đạt được báu dường này

Ăn mặc tự đầy đủ

Bố thí rồi còn dư.

Lúc đó, người con thứ hai có tài khéo léo đi đến nước khác, gặp khi Quốc Vương xứ ấy ham thích các kỹ thuật, anh ta liền lấy gỗ tốt chế tạo một người máy bằng gỗ, hình dạng đoan chánh không khác gì người sống, y phục, dung mạo, trí tuệ không gì so sánh được, có thể làm các việc ca múa, cử động như con người thật.

Anh ta có lời ca rằng: Con trai ta sống đã ngần ấy năm, trong nước thảy cung kính, nhiều nơi đều mang quà tặng cho. Quốc Vương nghe được, ra lệnh cho anh ta biểu diễn tài nghệ của mình.

Nhà Vua cùng phu nhân lên lầu cao ngồi xem cuộc biểu diễn ấy. Người con thứ hai này đã cho người gỗ do mình tạo ra diễn đủ các mục, ngần ấy động tác còn hơn cả người sống, Vua và phu nhân hoan hỷ vô cùng.

Nhân đấy anh chàng người gỗ máy bèn nháy mắt đắm nhìn nhan sắc của phu nhân, Nhà Vua từ xa trông thấy, lòng rất phẫn nộ, liền ra lệnh cho người hầu: Chém đầu hắn mang lại cho ta. Tại sao hắn dám nháy mắt nhìn phu nhân của ta, rõ ràng là có ý xấu, không còn nghi ngờ gì nữa.

Người cha của hắn khóc kể, nước mắt chảy ròng ròng, quỳ dài cầu xin: Con chỉ có một đứa con trai, nên rất thương yêu quý mến nó, ngồi đứng, tới lui nhờ nó mà khuây khỏa buồn lo, vì dại dột chẳng kịp nghĩ nên có thất thố với Nhà Vua, nếu Đại Vương giết nó thì xin cho con cùng chết, xin hãy thương xót, con biết đây là tội đáng chết. Gặp Nhà Vua rất giận nên chẳng chịu nghe.

Anh ta lại thưa với Vua: Như Đại Vương chẳng chịu tha cho thì con xin tự tay mình giết nó khỏi phải sai người khác. Nhà Vua liền đồng ý. Anh ta liền chém sả một bên vai, máy móc bung ra rơi rớt lung tung xuống đất.

Nhà Vua mới kinh ngạc nói: Sao bản thân ta lại đi giận dữ với cây gỗ?

Người này thật là xảo diệu, thiên hạ vô song, chế tạo được người với những ba trăm sáu mươi chi tiết, hơn cả người sống thật. Thế là Nhà Vua liền ban thưởng hàng ức vạn lượng vàng.

Người con thứ hai mang vàng về cho anh em để tiêu dùng, làm bài kệ khen:

Xem nghề khéo của ta

Thành tựu nhiều lắm đa!

Làm người sống bằng gỗ

Người sống chẳng vượt qua.

Người lớn rất hoan hỷ

Ngắm nó đàn, múa ca

Được thưởng nhiều châu báu

Ai bậc nhất bằng ta?

Người con thứ ba là người đoan chánh đi đến nước khác. Dân chúng nghe có người đoan chánh từ xa lại, sắc diện hình tướng vào hạng bậc nhất, thế gian ít có, nên họ cùng nhau kéo tới để nghinh đón, dâng tặng bao thứ của ngon vật lạ cùng ngọc ngà châu báu.

Anh này bèn trổ tài khiến mọi người càng thêm vui thích, càng chiêm ngưỡng cái nhan sắc như vầng trăng trong muôn sao. Những người con gái của các gia đình quý phái giàu sang, vàng bạc châu báu đầy kho đã mang đến tặng biếu cho anh vô số ức các vật báu châu ngọc kỳ lạ.

Được của báu rồi, anh ta đem về cho anh em mình và dùng lời kệ khen:

Đẹp thay sắc như hoa!

Tướng đoan chánh dễ ưa

Nữ nhân đều kính trọng

Yên ổn mãi bên ta.

Mọi người đều chiêm ngưỡng

Như vầng trăng trong sao

Nay được bao của bấu

Bố thí và tiêu pha.

Người con thứ tư là người có chí tinh tấn đi dần đến nước khác, tới gần bờ một dòng sông, trông thấy một cây chiên đàn theo dòng nước trôi đi, anh ta liền cởi áo lao xuống nước, bơi theo chận lại, vớt lấy.

Người nhà của Quốc Vương lúc ấy đang gấp tìm kiếm cây Chiên Đàn, ông liền mang lên dâng cho Vua, được thưởng hàng trăm vạn lượng vàng, cùng các thứ châu báu nhiều không thể tính kể được, bèn đem về cho anh em và dùng lời kệ khen:

Tinh tấn thật tuyệt vời

Dũng mãnh vào biển khơi

Được nhiều của quý giá

Cung cấp cho gia tộc.

Nhờ nổi trên sông nước

Vớt cây chiên đàn trôi

Được vàng hàng ngàn lượng

Ăn tiêu và cho người.

Người con thứ năm là người nhiều phước đức, cũng đi đến một nước lớn, gặp lúc trời nóng bức, anh ta nằm nghỉ dưới bóng cây, khi mặt trời đã nghiêng xế, các bóng cây khác đều dời chỗ, nhưng chỗ người ấy nằm thì bóng cây không dời. Người ấy rõ là thân cao lồng lộng, đoan chánh, tươi đẹp như mặt trời, mặt trăng.

Vua nước đó mất, không có thái tử nối ngôi, mọi người bàn: Phải cầu người hiền để làm chủ nước, phải cho người đi khắp nơi trong cõi để tuyển chọn người có thể lập lên làm Vua.

Sứ giả đi tìm, thấy nơi gốc cây có một người như thế, cho là ở đời thật hiếm có: Nằm dưới gốc cây mà bóng cây không dời chỗ, lòng họ tự nghĩ: Đây quả là một người khác thường, đáng làm vị Quốc Chủ. Những người đi tìm kiếm người hiền bèn trở về thưa với các quan Đại Thần, nói rõ đầu đuôi.

Bấy giờ, Quần Thần liền chỉnh đốn oai nghi, mang theo xe ngựa, ấn tín, mũ khăn xa giá, y phục đến để nghinh đón. Tắm rửa, xông hương, mặc áo, đội mão, phục sức cho người ấy xong xuôi, tất cả mọi người đều bái yết xưng thần.

Vị Vua mới lên xe vào cung, hướng mặt về phương Nam tuyên chiếu lên ngôi Vua, từ đó đất nước liền được thái bình, mưa gió thuận hòa.

Nhà Vua tức thời ban chỉ ra ngoài triệu bốn người: Một là người có trí tuệ, hai là người có tay nghề tài khéo, ba là người đoan chánh, bốn là người tinh tấn, tất cả bốn người ấy đều được mời vào trong cung, phong giữ chức thị vệ.

Vị Vua Phước Đức bèn làm bài kệ:

Người có phước đức nhiều

Làm Đế Thích cao siêu

Làm Vua, Chuyển Luân Vương

Trời Phạm cũng ngự triều.

Người trí và kẻ khéo

Tinh tấn và mỹ miều

Đều đến cửa phước đức

Làm thị vệ đứng hầu.

Lúc ấy, Vua Phước Đức liền dựa vào ngôi cao của mình phong cho anh em mỗi người ai cũng được địa vị tốt.

Đức Phật nói với các vị Tỳ Kheo: Người trí tuệ thời ấy, bây giờ là ông Xá Lợi Phất, người công xảo là ông A Na Luật, người đoan chính là ông A Nan, người tinh tấn là ông Du Luân, còn vị Vua Phước Đức là bản thân ta đấy. Các ông ấy, thời đó mỗi người đều tự xưng tụng cái sở trường của mình cho là bậc nhất, đến hôm nay thì cũng như thế.

Các ông ấy thời bấy giờ đều chẳng bằng ta, mỗi người chỉ tự ca tụng tài nghệ của mình, còn ta thì dốc tu tập, nay đã thành Phật Đạo, là bậc tôn quý trong ba cõi, nay tất cả họ đều quy ngưỡng nơi ta, làm đệ tử, nhờ Phật mà được giải thoát.

Đức Phật thuyết giảng như thế, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***