Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

GIẢNG KINH CÔ ĐỘC
 

Ngày xưa, có một người, lúc thiếu thời cô đơn, khổ cực, một thân một mình dốc sức canh tác trên một mảnh ruộng lớn đúng ra phải có nhiều trâu bò cày, nhờ vậy mà thu hoạch được rất nhiều ngũ cốc, sữa, bơ, đề hồ, vô số rau quả các loại, cung cấp cho người tiêu dùng xa gần, thỉnh thoảng còn cho những kẻ nghèo cùng. Tiếng tăm đức hạnh vang khắp mười phương.

Khi ấy, ông thuyết giảng cho mọi người hiểu ý của mình là phải sống cho có bạn có nhóm, còn đơn độc một mình thì không thể có được sự hòa hợp.

Mọi người hiểu ý ông nên kéo đến sống cận kề, gia cư ngày càng nhiều, rồi lập nên thôn xóm. Ông lấy vợ, sinh con, con khôn lớn, người thêm đông, người cha đã có tuổi, dạy bảo các con nên thi hành những việc tốt, giữ gìn thân khẩu ý, bố thí ân đức.

Nhưng các con đều lầm lạc vi phạm, chẳng theo lời dạy của ông cho rằng cha nay đã già, sao chẳng an phận, những lời dạy đều sai dối, ai mà nghe theo.

Người cha buồn bực về đám con, lòng tự nghĩ: Ta vốn một mình làm nên sự nghiệp, bố thí khắp xa gần, không ai bì kịp, nay bị các con làm loạn thân tâm ta, không nghe lời ta dạy bảo, cầm bằng như không con.

Đức Phật nói: Con người vốn là tốt. Một mình mà trong sáng thì có thể có đem ích lợi cho nhiều người. Phụng trì đức hạnh chân chánh, có sức quan sát hiểu biết tốt, nhưng chẳng hiểu được vạn vật vốn không, tự cho thân mình là có, nhân đó mới sinh ra cái mê lầm của năm ấm, sáu trần, do vì cái mê lầm ấy mà không đến được chỗ chân chánh của Phật Đạo.

Nếu sau biết rõ mọi vật trong ba cõi đều không thì năm ấm tiêu trừ, ba độc đều diệt, mới đến được với đạo vô thượng chánh chân.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***