Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

GIẢNG KINH LƯ ĐÀ
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo.

Bấy giờ, có một vị Tỳ Kheo mới tu học, là khách từ xa đến nước này, ông ta xin các vị Tỳ Kheo cho làm ỷ trù, các vị Tỳ Kheo không cho vì thấy ông ta đi đứng không đàng hoàng, cử động không rõ ràng, nếu giao cho ông ấy làm thì công việc sẽ hao hụt mất mát.

Thế là ông ta lại đi đến chỗ khác để xin làm công việc ấy. Các Tỳ Kheo kia không chịu hỏi rõ gốc ngọn gì cả liền giao cho ông ta làm ỷ trù.

Vị Tỳ Kheo trước hay được liền đến hỏi: Sao ông không hỏi rõ đầu đuôi về anh ta mà lại giao cho làm công việc đó?

Vị Tỳ Kheo này đáp: Tôi cho ông ấy làm ỷ trù vì thấy anh ta có thể tin cậy được, không gian trá, cũng là để giúp việc cho tôi trong những lúc cúng dường, có được một vị Tỳ Kheo đi đứng ung dung từ tốn, cử động không thô bạo, ra vào, tới lui đúng phép tắc, đó là người tốt chứ không phải hạng hung ác đâu?

Vị Tỳ Kheo chỉ riêng sống một mình ít đi ra ngoài. Ông tân học Tỳ Kheo bèn lấy hết y bát rồi bắt ông Tỳ Kheo chủ ấy dùng gậy đánh đập, trói bỏ dưới đất, còn bịt miệng để khỏi kêu la cho người ngoài nghe tiếng và ngay trong đêm đó, hắn ta chạy trốn mất.

Trời vừa sáng, các vị Tỳ Kheo nghe tiếng kêu ú ớ, bèn chạy đến cởi trói và hỏi thăm ông. Ông kể hết đầu đuôi sự việc và nhờ các Tỳ Kheo chia nhau đi tìm bắt tên đó, đem y bát về cho ông.

Các vị Tỳ Kheo trả lời: Chúng tôi đã nói với ông là không nên tin tưởng sai lầm, chớ cho ông ấy làm ỷ trù, ông không rõ, chỉ tự tin làm theo ý mình, không theo lời bọn tôi, sự việc đã rồi, nay mới thức tỉnh. Các vị Tỳ Kheo đem việc này thưa đầy đủ với Đức Thế Tôn.

Đức Phật bảo: Này các Tỳ Kheo, ông Tỳ Kheo ấy chẳng phải chỉ mới đời này mới bị kẻ hung ác kia chiếm đoạt của cải vì chẳng rõ gốc ngọn, vì đã tin tưởng sai lầm nơi kẻ khác, hễ đã gặp gỡ là ông liền bị xâm đoạt.

Đức Phật kể: Thuở quá khứ, có ông Phạm Chí tên là Thảo Lư Đà dùng xe chở đồ sành sứ, xe có cửa nẻo chắc chắn, đang đi trên đường cái, từ xa trông thấy một đứa tớ trai đứng ven lối đi.

Tên này nhìn thấy ông Phạm Chí dần dần đi tới chỗ mình, thì sinh tâm xấu muốn cướp đoạt tài sản. Vừa mới gặp nhau là ông Phạm Chí tin hắn liền.

Ông nghĩ: Người này thấy ta nên tìm đến để phụng sự, giúp đỡ, vậy là có thêm kẻ cộng tác, thêm kẻ thân thích cho ta.

Ông Phạm Chí liền dùng kệ nói:

Người ở ngã tư đường

Dáng dấp phản phúc chăng?

Người chưa biết gốc ngọn

Chẳng lựa chọn tỏ tường

Người đi đường thấy đấy

Hạnh pháp sửa sạch trong

Không có điều hung ác

Giúp việc ta đảm đang.

Lúc ấy, các Phạm Chí khác, bạn đi cùng đường đều nói: Chớ tin dùng người ấy, nếu không nó sẽ lừa dối ông rồi đoạt hết của cải của đồ vật đấy.

Họ dùng kệ nói:

Phạm Chí không nên vừa gặp người

Ở giao lộ chớ vội tin ngay

Mắt thì láo liên, mặt trơ tráo

Nhất định đánh đập, cướp của người.

Ông Phạm Chí nghe kệ nhưng không tin lời bạn, ngược lại đi tin đứa tớ giặc, chưa có được lợi gì trong chuyện giúp đỡ, cung cấp việc ăn uống, thì đến nửa đêm trời tối không ai thấy gì, tên tớ kia liền chạy đến đánh đập ông Phạm Chí, gây thương tích ở chân và đầu gối khiến ông hoa mắt nằm ngã lăn dưới đất, tên kia đoạt hết của cải rồi trốn đi.

Mất hết của cải, lại bị thương ở đầu gối, ông Phạm Chí Thảo Lư Đà nằm lăn dưới đất khóc lóc như một đứa trẻ, than oán, kêu gào.

Có một vị Trời tên là Tịnh Tu Phạm Hạnh dùng kệ nói:

Kìa cầu lợi cầu tài

Mà hành động xót vay

Tự chuyên mà thu nhận

Sư trưởng chẳng nghe lời.

Đều phải gặp khổ nạn

Như Phạm Chí kia thôi

Tin người, chẳng thận trọng

Tội Phạm Chí, phải rồi!

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Ông Phạm Chí Thảo lư thời đó nay là ông Tỳ Kheo đã giao cho ông tân học Tỳ Kheo làm công việc ỷ trù đấy. Còn ông Tỳ Kheo lòng độc ác, dựa vào việc ỷ trù để cướp đoạt là tên ác nô đã cướp đoạt tài sản của ông Phạm Chí.

Các ông Phạm Chí khác khuyên can ông Phạm Chí lúc đó nay là các vị Tỳ Kheo gạn hỏi ông Tỳ Kheo bị nạn, còn vị Trời tịnh tu phạm hạnh nay là bản thân ta. Ngày đó gặp nhau, ngày nay cũng gặp nhau.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***