Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

GIẢNG VỀ CHUYỆN CÂY CỎ ĐỘC
 

Ngày xưa, ở một nước kia có rừng cây lớn, cây cối um tùm cao ngất trời, không ai chặt phá. Trong khu rừng ấy có vị Thần cây, thông đạt nghĩa lý, vào ra hành động luôn thích hợp, không giống với những kẻ khác, thường hay đi đến khắp bốn phương, trải qua nhiều khu rừng lạ.

Bấy giờ, Thần cây rất vui vẻ nên để mặc cho những người vào rừng hái quả, kiếm củi, cắt cỏ, chẳng chút hờn giận. Nước suối có bóng mát phủ che, uống vào luôn an lành.

Khi ấy, có con chim từ phương xa bay tới, miệng ngậm cây cỏ hết sức xấu độc, lượn qua khu rừng đó, ném cây cỏ độc xuống. Cây cỏ độc vừa rơi chạm vào cành thì độc tố đã thâm nhập vào cây, làm cây bị khô quá phân nửa.

Thần rừng cây thấy thế, lòng nghĩ: Chất độc này quá hung ác, vừa rơi vào cây chỉ trong giây lát đã làm khô nửa cây, chưa hết nửa ngày, chưa hết đêm tối mà đã khô héo như thế, thì chưa tới mười ngày, cây cối trong khu rừng này sẽ khô héo hết.

Đang chưa biết làm thế nào để trừ khử độc tố tai hại kia, thì giữa hư không có vị Thiên Thần nói: Này vị thần cây, chẳng bao lâu có bậc cao minh trên đường du hóa sẽ đi ngang qua khu rừng cây này, ông hãy chuẩn bị giấu vàng trong rừng, để thuê ông ấy trừ độc này, trừ sạch từng gốc cây một. 

Khiến không còn một chút chất độc nào cả nơi cây thì các người mới được yên ổn lâu dài, nếu không như vậy thì ngày chưa tối, cái cây bị độc ấy sẽ khô hết, rồi tiếp đến là cả rừng cây. Vị Thần cây nghe theo lời bảo, hóa làm người đứng bên đường chờ đợi.

Khi người đó đến, ông liền nói: Tôi có kho vàng sẽ xin biếu ông, xin ông ra sức diệt trừ tận gốc thứ độc tô trong cây bị nhiễm độc này. Người kia nghe nói sẽ được cả kho vàng lớn, liền mau mắn nhận lời. Ông liền trừ tuyệt tận gốc thứ độc tố phá hại cây đó.

Thần cây vui mừng, liền dâng cho người ấy kho vàng, người ấy nhận lấy vàng rồi cáo lui, nhà cửa nhờ đấy trở nên giàu có. Thần cây thì vui mừng vì tránh được cái nạn nhiễm độc, cây cối yên ổn lâu dài, hoa trái sum suê, chẳng còn lo bị độc hại nữa, các tội tiêu tan hết.

Đức Phật nói: Rừng cây ấy là ví cho ba cõi, ông Thần cây là ví cho vị Bồ Tát phát tâm cứu độ chúng sinh, con chim từ phương xa mang độc hại đến là ví cho các tưởng về ma chướng có từ vô minh, Thần trên hư không chính là Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Đức Phật mượn chuyện này nhằm dẫn dạy cho những người tu học đạo pháp, đừng theo nẻo ma, phải thuận theo bạn lành là các Bậc Bồ Tát Đại Sĩ và những người đồng chí cùng tu học, mới mong diệt trừ được ba thứ cấu nhiễm và các tai ách nhọc nhằn.

Việc giải trừ độc tố cho cây tận gốc rễ là ví cho việc tiêu diệt cái tối tăm của dâm, nộ, ngu si. Nếu không trừ dứt được chúng thì luôn bị chìm đắm trong ba cõi, tội lỗi cứ chồng chất, phủ che thì không có cái uy thế gì có thể cứu độ được chúng sinh thoát khỏi khổ não của sinh tử. Việc tặng cho kho báu là ví cho kho báu đạo pháp.

Các vị Bồ Tát Đại Sĩ lần lượt giúp nhau để hoàn thành sứ mạng độ sinh, cũng như muốn dòng sông đều chảy về biển lớn. Thần cây vui mừng, không còn hoạn nạn sầu khổ, tiếp tục ở lại rừng cây ấy là các vị Bồ Tát đã chứng được pháp nhẫn vô sở tùng sinh đại bi, nhân đấy mà luôn qua lại nơi ba cõi để hóa độ khắp tất cả chúng sinh.

Việc được của báu vui mừng, gia đình trở nên giàu có ấy là chỉ cho việc đạt được pháp tổng trì sáu độ vô cực, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tu bốn tâm vô lượng, bốn ấn, mười lực, hòa hợp khéo léo với bổn vô sở úy, các căn tịch định, ấy chính là của quý báu vô hạn, đạo pháp giàu có vô lượng. 

Việc trở về nhà ấy chính là sự giải thoát trở về với cái gốc thanh tịnh chân thật của cõi đạo. Từ đó, thị hiện thân Phật để hoằng dương đạo pháp, khai thị hóa độ khắp mười phương, không ai là không chịu ân.

***