Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG

VỀ CHUYỆN CHA CON ÔNG

THANH TÍN SĨ A DI PHIẾN TRÌ
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bấy giờ, có một vị Thanh Tín Sĩ sinh được một người con trai thông minh, trí tuệ, giỏi biện tài, không gì là không làm được, hoặc tham bác lãnh hội, luôn có tinh thần tự lập, không hề biếng trễ, sáng suốt đặc biệt tuyệt vời. Ông còn biết phát huy sự lợi ích trong việc buôn bán của gia đình nên đã thu đạt được nhiều của cải quý giá, lại biết phụng dưỡng cha mẹ.

Đức Phật dùng oai thần hộ trì, Chư Thiên luôn bảo vệ, cũng như vô số người đã thương yêu kính trọng ông. Nhưng ông không thể hợp ý với cha mẹ, do đó người cha không thương tưởng tới ông, thường ghét bỏ, hễ gặp là thường xua đuổi ông ra khỏi nhà, đôi khi còn dùng cả gậy gộc nữa. Không thể chịu đựng nổi, ông bỏ sang nước khác.

Ở nơi đất lạ, ông làm nghề buôn bán để sinh sống. Làm ăn phát đạt vì chẳng để mất thời cơ thuận lợi, chẳng hề bỏ bê sự nghiệp nên dành dụm được nhiều của cải quý giá. Ông Thanh Tín Sĩ kia, nghe con mình làm ăn khá giả bèn sai người đến gọi về, người con chẳng chịu nghe lời cha.

Ông Thanh Tín Sĩ lại sai người đi nữa, dặn họ là nếu bảo không về thì tìm cách đem của cải về. Những người đi đã ân cần khuyên can người con nhưng người con nhất định không chịu nghe theo.

Ông nói nhắn với cha mình: Cha đã làm khốn khổ con không thể kể hết, nay lại sai người đến khiến con trở về, con không thể nghe theo được. Ông Thanh Tín Sĩ cũng khó lòng tự mình đi tới đó, nên ông đến trước chúng Tỳ Kheo tự nêu bày cái ý của mình, đại khái là người con kia có cái bệnh là không chịu thuận theo lời của cha mẹ. Các vị Tỳ Kheo thưa lại đầy đủ với Đức Phật việc này.

Đức Phật bảo: Ông cư sĩ ấy chẳng phải chỉ đời này mới cùng với con mình luôn có sự bất hòa mà đời trước cũng vậy. Người con đó phước đức thù thắng khác thường, chỉ có làm nên sự nghiệp chứ không hề có sai trái, thất thoát, thế mà lại không vừa được lòng người cha.

Các vị Tỳ Kheo hãy xem sự việc ấy, người con trai kia trí tuệ hết sức đặc biệt, đức hạnh thật không lường nhưng lại không thể thuận theo ý của người cha, không muốn nghe tiếng nói của cha mình mặc dù vẫn luôn nhớ nghĩ tới ông ta.

Đức Phật kể. Thuở quá khứ xa xưa, có một người tên là A Di Phiến Trì làm nghề dạy khỉ. Ông dạy cho khỉ về các cách thức cử động, đi đứng, các kỹ thuật đùa cợt để làm vui lòng cho người dân tới xem.

Do kỹ thuật điều khiển khỉ ấy mà vô số người yêu thích, xa gần đều kéo tới xem biểu diễn, nhờ đó, người này thu được nhiều tài lợi.

Ông A Di Phiến Trì kia, trước sau đều nhờ vào con khỉ mà được nhiều của cải, nhưng lại hay dùng roi gậy đánh nó rất dữ. Qua ngày khác, ông ta đem con khỉ vào trong thành, trói chặt nơi trụ cây dùng roi gậy đánh đập rất tàn nhẫn, muốn hủy nhục, khống chế con vật.

Nhân khi thoát được, con khỉ lặng lẽ chạy trốn vào trong núi, một mình ở nơi thanh vắng gần bên cạnh vị Tiên Nhân, nương theo vị ấy mà trú ngụ yên ổn. Con khỉ hay hái trái cây dùng cúng dường vị Tiên Nhân và dùng để ăn. Ồng A Di Phiến Trì nghe biết con vật chạy đến ở chỗ vắng vẻ trong núi nên sai người tìm tới gọi nó về.

Con khỉ không chịu nghe lời và nhắn với ông rằng: Tôi nay nghĩ lại sự tàn độc của ông đối với tôi trước đây, thật là thống khổ không lường. Không rõ đời trước cha ta làm gì nên tội mà nay ta phải gặp lắm khổ nhục không thể nói hết, đến nỗi phải chạy trốn vào trong núi.

Ông A Di Phiến Trì đích thân đến gọi con khỉ, nói: Hãy trở về nhà đi! Con khỉ lặng thinh, không chịu theo lời.

Vị Tiên Nhân bảo với ông ấy: Nên để yên nó đó.

Ông đáp: Tôi xin để yên.

Vị Tiên Nhân nói: Không nên cưỡng bắt mà phải khéo léo dụ khuyên nó rồi sau mới đem đi được. Nếu muốn cưỡng ép nó, chắc chắn là không thể được.

Người kia đáp: Nếu dùng hết cách mà nó chẳng chịu đi thì ta phải lập kế.

Ông liền dùng kệ nói:

Ngươi, đứa con hiền lành

Như nai dưới lá cành

Theo nhờ bóng cổ thụ

Đói khát khỏi lo quanh.

Con khỉ dùng kệ đáp:

Bất nhân sinh cùng ta

Ta tự biết tánh ý

Từ đâu mà nghe thấy

Con khỉ là nhu hiền.

Xét nhiều mặt thấu đáo

Chưa từng có nghĩ tới

Nếu lòng tà đã lớn

Trọn không thể ngăn ngừa.

Ta nay nhớ chuyện xưa.

Ông A Di Phiến Trì

Đem ta vào thành thị

Cột vào cọc đánh đau.

Đến nay chẳng quên đâu

Roi vọt ta khổ hại

Ta giờ được tự tại

Không để ông hại nữa.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo biết: Con khỉ của ông A Di Phiến Trì lúc đó nay là người con trai thông tuệ của ông Thanh Tín Sĩ, ông A Di Phiến Trì nay là phụ thân của người con trai đó, còn vị Tiên Nhân kia chính là bản thân ta.

Đức Phật đã thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***