Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG

VỀ CHUYỆN NĂM VỊ TIÊN NHÂN
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa ở thành Vương Xá cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị và các vị Bồ Tát.

Đức Phật bảo các vị trong chúng hội: Về vô số kiếp xa xưa, có năm vị Tiên Nhân sống nơi rừng núi. Bốn người là chủ, một người chuyên hầu hạ, cung cấp mọi thứ, chưa từng làm mất lòng bốn người kia.

Hái quả, múc nước đều làm đúng giờ giấc. Một ngày nọ, ông ta đi xa hái quả, lấy nước, mệt mỏi ngủ say, quên giờ trở về.

Ông về đến nơi thì đã quá nửa ngày rồi, bốn người kia không được ăn, tức giận gọi người hầu đến bảo: Ngươi lo việc cấp dưỡng mà xử sự như thế được sao?

Hành động như ngươi đúng là một người xấu ác đáng nguyền rủa chứ không phải là người đàng hoàng.

Người hầu nghe xong, buồn rầu, khó nói nên lời, trở về bên gốc cây, ngồi gần mép nước duỗi một chân, suy nghĩ tự trách mình làm việc đã lâu, nay cung cấp trái giờ ăn của bốn vị Tiên, đã mất ý nghĩa của đạo giáo, lại còn chẳng thuận với bốn vị kia, nên quá xúc động mà chết.

Chân ông thường mang đôi guốc bằng bảy báu, khi ông duỗi chân ngồi thì một chiếc guốc rơi xuống nước mất. Sau khi chết liền sinh làm đứa con đáng nguyền rủa của một người ngoại đạo. Lúc hơn mười tuổi, cùng với bọn trẻ đùa giỡn bên đường.

Bấy giờ có vị Phạm Chí đi qua thấy bọn trẻ đùa giỡn bên đường, nên dừng lại quan sát, thấy đứa trẻ đáng nguyền rủa này có quý tướng làm Vua, dung mạo đặc biệt hơn người.

Vị Phạm Chí gọi đứa trẻ ấy đến bảo: Ngươi có tướng làm Vua, không nên vung phí sức lực rong chơi với bọn chúng.

Đứa trẻ đáp: Tôi là một tên đáng nguyền rủa, sao có tướng làm Vua được.

Vị Phạm Chí lại nói: Căn cứ theo Kinh Điển của ta so với nghi dung hình thể của ngươi và theo sách ghi sấm ký cũng rất phù hợp. Việc này mà ứng nghiệm thì lời ta là ân sâu nặng đấy, chắc chắn không chút lừa dối. Vị quốc vương ấy phải mất vào ngày ấy, tháng ấy, ắt ngươi sẽ được kế vị.

Đứa trẻ đáp: Dạ, Ngài chớ nói lớn chuyện này, xin hãy giữ thật kín. Nếu đúng như lời Ngài nói, con xin mang ân nặng, chẳng dám tự kiêu. Vị Phạm Chí nói xong, bỏ đi sang nước khác. Chẳng bao lâu, Nhà Vua mất, không có người nối ngôi, cho người cầu hiền để làm quốc vương.

Quần Thần bàn: Nước không có chủ như người không có đầu, phải mau đi tìm người có đức để lập làm Vua. Sứ giả đi khắp nơi, thấy đứa trẻ ấy có phong tư khác thường, liền cho người về trình báo với quần thần, phải theo phép tắc của Triều Đình, xa giá uy nghi đúng phép, đem đến nghinh đón.

Quần Thần bá quan ai cũng mừng rỡ, theo đúng lời sứ giả đã thưa, xa giá nghiêm chỉnh cung kính rước về. Dùng nước thơm tắm gội, mặc triều phục năm thời, đội mũ thất bảo, đeo kiếm, đúng như pháp của Tiên Vương, tiền hô hậu ủng, hợp với nghi thức quốc gia, đưa đứa trẻ ấy lên điện tức vị.

Vua hướng về phía Nam, xưng hiệu, bố cáo khắp nơi được biết, cầu cho đất nước an lành, dân chúng vui mừng. Khi ấy, vị Phạm Chí ngước trông Thiên văn, cúi xuống quan sát địa lý, biết được đứa trẻ ấy đã lên ngôi vua, bèn tìm đến thẳng cửa cung, cầu xin yết kiến.

Quan giữ cửa tâu với Vua: Bên ngoài có vị Phạm Chí cầu xin yết Kiến quốc vương. Nhà Vua cho mời vào.

Vị Phạm Chí tiến vào vừa cảm tạ, vừa chú nguyện, rồi thưa với Nhà Vua: Thật như tồi đoán, nay kết quả đã đúng như nguyện trước, hoàn toàn chắc chắn chăng?

Nhà Vua đáp: Đúng vậy! 

Đạo Nhân quả là bậc Thần diệu. Tôi đã chịu ân và hưởng được ngôi cao.

Nhà Vua nói tiếp với vị Đạo Nhân: Nửa kho tàng châu báu của đất nước, phụ nữ đẹp, xe ngựa, người hầu, nếu ông muốn là được ngay.

Vị Phạm Chí đáp: Tôi không muốn những thứ đó, chỉ xin Nhà Vua hai ước nguyện: Một là xin được cùng với vua ăn uống, y phục, mọi thứ nằm ngồi đều đồng thời như nhau, chớ có trước sau hay sai khác. Hai là cùng với vua tham gia bàn luận quốc sự, cùng nhau quyết định mọi việc, không được tự chuyên.

Nhà Vua nói: Lành thay! Tôi chấp nhận hai ước nguyện của đạo nhân, không làm sai khác đâu. Nhà Vua thường lấy chánh pháp để chỉnh đốn và cai trị đất nước, không bức hiếp muôn dân. Vị Phạm Chí được ân Vua, tự kiêu, phóng túng, khinh miệt Đại Thần.

Quần Thần căm giận đến can vua: Vua là bậc tôn quý, phải nên cùng với các vị Đại Thần kỳ cựu bàn bạc việc nước, chứ lại tin theo Đạo Sĩ khiến hắn trở nên ngạo mạn, khinh lờn, lấn hiếp bá quan. Việc này nếu lân Quốc nghe được, họ sẽ cười cho, sẽ dẫn đến nạn giặc thù xâm lấn.

Nhà Vua nói: Lúc nhỏ, ta có lời thề với ông ta từ lâu, làm sao có thể bỏ được.

Triều thần can Vua không nghe, họ nghĩ: Nếu Vua ăn trước, không chờ hắn thì có thể sửa đổi được tình hình. Được Vua bằng lòng, họ đợi đến lúc ông Phạm Chí đi vắng không về kịp, bèn dọn bữa cho Vua ăn trước.

Ông Phạm Chí trở về tức giận, nói: Vì cớ gì mà nay một mình Nhà Vua ăn trước?

Vua đáp: Ta ăn trước vì ngươi chưa về, biết ngươi về trễ nên ta đã dự bị sẵn một cỗ khác cho ngươi.

Ông Phạm Chí mắng: Đồ thứ đáng nguyền rủa, chẳng biết đạo lý, vi phạm lời thề. Quần Thần nghe kẻ bề tôi mà dám hủy báng Vua như thế đều đến tâu Vua xin giết đi.

Vua hỏi quần thần: Tội này nên dùng hình phạt nào để xử?

Mọi người đều thưa rằng: Nào là bỏ vào nồi để nấu, nào là dùng lửa thiêu đốt, nào là đem phanh thây, nào là bỏ vào cối mà giã, hoặc dùng năm hình phạt như là xẻo tai, cắt lưỡi, móc mắt…Vua không nghe theo.

Vua bảo: Ta phụng thờ đạo pháp, lòng thành luôn thương xót tất cả chúng sinh, không hại đến một con vật mềm yếu, huống gì là hại mạng con người. Nay cấp lương thực, đồ dùng cho hắn rồi đuổi ra khỏi nước.

Quần thần y theo chiếu chỉ, cấp lương thực và quần áo, rồi trục xuất ông Phạm Chí ấy ra khỏi lãnh thổ. Một mình trên quãng đường xa, chịu bao nhiêu thứ nóng lạnh nên mệt mỏi, tiều tụy, chẳng giống với ai, ông ta sang nước khác, thẳng đến nhà một người Phạm Chí vốn có quen biết từ trước.

Người Phạm Chí này hỏi: Người từ đâu đến, tu tập hành động theo Kinh Điển gì?

Đã có chỗ sở đắc chưa?

Hắn đáp: Tôi từ xa đến đây, bị đói rét hành hạ nên quên hết những điều đã tu tập.

Vị Phạm Chí ấy nghĩ: Người này đã quên hết những điều đọc tụng tu tập, khó có thể làm công việc giáo hóa, nên cho ông ta làm ruộng. Ông liền cấp cho hắn tôi tớ và trâu cày.

Khi làm ruộng, hắn đầy đọa người đầy tớ quá đỗi, bất phải san bằng đất đai và sai đi khắp nơi. Người đầy tớ buồn khổ muốn gieo mình xuống dòng nước.

Người ấy đến bên dòng sông thì nhặt được một chiếc guốc bằng bảy báu, lòng bèn nghĩ: Nếu đem đưa cho ông chủ, thì ông chủ vô ân, nếu đem cho cha mẹ thì cha mẹ ắt bán để ăn thôi. Ông Phạm Chí này đã gây khốn khổ, sai khiến ta đủ điều, ta đang phải phụng sự hắn, nếu đem dâng chiếc guốc báu này thì có thể được thoải mái. Anh ta liền mang chiếc guốc về dâng cho người Phạm Chí.

Ông này rất vui mừng, suy nghĩ:  Giá trị của chiếc guốc bằng bảy báu này thật không có gì sánh được. Ta đã làm trái ý vua, bây giờ nếu đem chiếc guốc này dâng lên Vua thì cái tội phạm thượng trước đây có thể được hóa giải.

Vị Phạm Chí nghĩ như thế rồi bèn trở lại tìm vị quốc vương, dâng lên Vua chiếc guốc, rồi hắn tự trần tình sự ăn năn hối lỗi ngày trước, xin được Vua tha tội cho.

Nhà Vua nói: Lành thay!

Rồi Vua liền đem chiếc guốc vào để trong màn, cho hắn ngồi tòa riêng, gọi quần thần lại, xuống chỉ: Các Khanh có thấy vị Phạm Chí bị trục xuất trước đây không?

Quần Thần tâu: Thưa không thấy!

Vua nói: Nếu như thấy hắn thì ta phải làm gì?

Quần Thần tâu: Dạ phải chặt tay chân hắn, xẻo tai, mũi hắn, chặt đầu, chém lưng hắn… dùng năm thứ độc trị hắn.

Vua nói: Nếu như hắn tỏ ra hiểu biết thì sao?

Quần Thần tâu: Thưa không xét. Nhà Vua đưa chiếc guốc báu cho quần thần thấy và gọi người Phạm Chí ra để gặp quần thần, nói rõ việc liên quan giữa hắn với vật báu lạ này.

Quần Thần cùng tâu: Tội người Phạm Chí này như núi, như biển, không thể tha thứ được. Hiến một chiếc guốc chưa đủ, nếu được một đôi thì tội ấy mới có thể dứt trừ. Nhà Vua đồng ý. Vua lại trục xuất người Phạm Chí, bảo phải tìm thêm một chiếc guốc nữa.

Người Phạm Chí buồn bã than: Ôi! Việc ta lại thêm nặng nề quá lắm. Hắn bèn quay về chủ cũ.

Người chủ hỏi: Ngươi đã đến chốn nào và từ đâu trở lại đây?

Người Phạm Chí nín thinh, chẳng dám đáp lại, làm như ngẫu nhiên mình trở lại đây. Người chủ cũ giao cho trâu cày, đầy tớ, khiến hắn lo việc trồng trọt như trước.

Bấy giờ, người Phạm Chí mới hỏi người đầy tớ: Trước đây ngươi được chiếc guốc báu ở đâu?

Người đầy tớ liền đưa hắn đến nơi nhặt chiếc guốc. Đến bên bờ nước, hắn tìm khắp chung quanh nhưng không thấy chiếc guốc kia ở đâu. Anh chàng đầy tớ bỏ về.

Người Phạm Chí nghĩ: Chiếc guốc báu đó ắt phải từ phía thượng lưu trôi xuống, ta ở phía dưới này làm sao tìm được. Hắn liền theo ngược dòng sông đi lên, trông thấy một con cá ngậm hoa sen lớn lội theo dòng nước cuốn trôi. Hoa ấy rất lớn, có hơn một ngàn cánh.

Người Phạm Chí suy nghĩ: Tuy không tìm được chiếc guốc, mà nếu dâng lên Nhà Vua bông hoa này thì cũng có thể hóa giải được lỗi trước và được sủng ái như xưa. Hắn liền cầm lấy cành hoa thì thấy có bốn vị Tiên Nhân đang ngồi bên gốc cây, liền đi đến trước mặt các vị ấy làm lễ, thăm hỏi nơi ở và chúc Thánh thể được vạn phước.

Các vị Tiên hỏi: Ngươi từ đâu đến đây?

Người Phạm Chí thưa: Con làm mất lòng Nhà Vua, tuy đã dâng một chiếc guốc báu, nhưng chưa đủ để hóa giải tội lỗi, cho nên phải ngược dòng đến đây để tìm thêm một chiếc nữa mà chưa tìm được.

Vị Tiên Nhân bảo: Ngươi là người có học, phải biết lẽ tiến lui chứ!

Vị quốc vương đó là đệ tử của chúng ta, đã từng thương yêu, kính trọng ngươi, cùng ăn uống, nằm ngồi, bàn bạc quốc sự với ngươi.

Tại sao trong một lúc mà ngươi dám mắng vua là đồ đáng nguyền rủa. Tội ngươi rất đáng bị tru lực. Ngươi nay chẳng biết, tại nơi gốc cây này, quốc vương xưa là thị giả cung cấp lương thực cho các vị Tiên, hồi ấy đã ngồi duỗi một chân, rồi quá xúc động mà chết, chiếc guốc báu rơi xuống nước, một chiếc mang nơi chân thì còn đây, giờ cho ngươi đó.

Người Phạm Chí nhận lấy chiếc guốc, dập đầu tạ lỗi, trở về Bổn Quốc, tiếp tục dâng chiếc guốc lên Nhà Vua. Nhà Vua vui mừng, lòng quần thần cởi mở nên hắn lại được sủng ái như xưa.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Vị Vua lúc đó là tiền thân của ta, bốn vị Tiên Nhân ấy là các vị Phật Câu Lưu Tần, Câu Na Hàm Văn Ni, Ca Diếp và Di Lặc, còn ông Phạm Chí kia là Điều Đạt.

Bấy giờ, Đức Phật giảng như thế, các vị Tỳ Kheo không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***