Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

GIẢNG VỀ CHUYỆN NGỌC

BỊ RƠI VÀO TRONG BIỂN
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa ở núi Linh Thứu thuộc thành Vương Xá cùng với chúng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, tất cả các vị Đại Thánh đều đã đạt được thần thông.

Bấy giờ, các vị Tỳ Kheo tụ tập ở giảng đường, cùng nhau bàn luận: Đức Thế Tôn của chúng ta, từ vô số kiếp luôn tinh tấn tu hành, không chút biếng trễ, không còn bị vây buộc với nạn sinh tử trong năm đường, dốc mong được giác ngộ để cứu độ tất cả chúng sinh.

Do luôn hành tinh tấn, Ngài đã vượt qua chín kiếp, chứng được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, là Bậc Tối Chánh Giác. Chúng ta là những kẻ mới được Ngài thi ân hóa độ, phải nên noi theo để tu tập.

Lúc ấy, Đức Phật từ xa nghe lời bàn luận của các vị Tỳ Kheo đó, liền đến giảng đường hỏi các vị đã bàn luận điều gì?

Các vị Tỳ Kheo thưa: Chúng con đang bàn luận: Đức Thế Tôn công đức thật vòi vọi không lường, từ nhiều kiếp đến nay luôn tinh tấn tu hành chẳng chút chán nản, không xa lánh những gì khó khăn, siêng năng khổ nhọc để cầu đạo, nhằm tế độ muôn loài không bị rơi rớt giữa chừng, tự chứng được đạo quả Phật Đà, chúng con nhờ ân ấy mà được hóa độ.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Thật đúng như lời các ông vừa nói. Ta từ vô số kiếp đến nay, luôn dốc tinh tấn cầu đạo, không chút nhác lười. Vì thương xót chứng sinh, muốn độ cho họ được giải thoát. Nhờ ở sự tinh tấn ấy, vượt qua chín kiếp, chứng được quả Phật trước khi Phật Di Lặc ra đời.

Ta nhớ về đời quá khứ, vô số kiếp trước đây, thấy dân chúng trong nước vô cùng nghèo khó, thương xót họ, phải tìm cách gì để giúp họ được no đủ.

Ta nghĩ là phải vào biển để kiếm được ngọc Như ý mới mong cứu giúp họ được. Bèn gióng trống, khua chuông kêu gọi ai muốn vào biển để tìm kiếm châu báu. Mọi người tụ hội lại khá đông. 

Khi sắp lên thuyền, ta ra lệnh chỉ rõ: Đi biển lần này là xa cha mẹ, chẳng luyến tiếc vợ con, xem thường sự sống chết của bản thân, có như vậy thì mới nhập bọn.

Sở dĩ như thế là vì có ba cái nạn ở biển cả:

Một là ngoài biển có loài cá lớn, dài đến hai mươi tám ngàn dặm.

Hai là quỷ thần, la sát luôn muốn lật đắm thuyền chúng ta.

Ba là núi bị chấn động.

Ta nói điều này để sau khỏi có kẻ oán trách. Vừa nghe nói xong, mọi người đều thoái chí. Chỉ có năm trăm người một lòng kiên quyết ra đi. Thế là họ nhìn chiều gió, dong buồm ngồi thuyền ra đi, đến thẳng biển của Long Vương để trước hết là tìm cầu ngọc Như ý.

Long Vương thấy họ siêng năng, khó nhọc mới đến được biển, muốn giúp đỡ kẻ nghèo khó, nên lấy ngọc cho họ. Những người đi tìm ngọc, ai nấy đều lo thu nhặt của báu, đã đầy đủ rồi thì họ lên thuyền trở về.

Các Rồng ở trong biển và quỷ thần đều bàn với nhau: Ngọc Như ý này là của quý báu nhất ở biển, không thể để cho người thế tục lấy được, sao lại làm tổn hại cho biển cả mà làm lợi cho cõi Diêm Phù Đề. Chúng đâm ra tiếc rẻ nên tìm kế đoạt lại, chứ chẳng chịu mất ngọc báu về tay loài người.

Lúc ấy, Rồng và quỷ thần ngày đêm bao vây họ nhiều vòng, quyết đoạt cho được ngọc báu kia. Vị Thầy dẫn đường cho các người đi tìm ngọc ấy oai đức cao vời, đám quỷ thần và Rồng tuy muốn lật thuyền để đoạt ngọc Như Ý, nhưng sức của chúng không đủ.

Vị Đạo Sư và năm trăm người đi lấy ngọc đều yên ổn vượt biển. Bồ Tát vị Đạo Sư mừng rỡ, cho thuyền dừng lại bên bờ biển, cúi đầu xuôi tay chú nguyện Thần biển, cột châu báu ở nơi cổ. Khi đó, Rồng và quỷ thần nhân cơ hội ấy đã làm cho ngọc báu rơi hết xuống biển.

Vị Đạo Sư hết sức xót xa, nghĩ: Ta đi thuyền gian khó, khổ sở không kể xiết, vào biển mới lấy được của báu này để cứu đói cho mọi người.

Nay thần biển lại đem đổ xuống đáy sâu. Ngài bèn bảo người hầu cạnh mau đem vật dụng đến để hút nước biển cạn đến đáy bùn, nếu tìm không được ngọc báu ấy thì không thể chấm dứt.

Có đồ hút nước biển rồi, Ngài dốc hết sức lực mình chẳng nề gian khó, không tiếc đến tánh mệnh, làm cho nước tự nhiên bị hút vào vật dụng kia.

Các quỷ thần và Rồng thấy sự việc như thế, lòng đều lo sợ, cho rằng người này uy thế và sức tinh tấn như vậy thật chẳng phải người đời có được. Nếu để ông ấy cho hút nước thì chẳng bao lâu biển sẽ cạn kiệt.

Nghĩ thế nên chúng liền mang ngọc báu đến xin trả lại và tạ từ: Chúng tôi không lượng sức mình, chẳng hiểu được sức mạnh tinh tấn vô địch trong thiên hạ của bậc Đạo Sư. Thu lại của báu trở về nước, Ngài quán tưởng về vật ấy, cầu nguyện khiến trời mưa bảy thứ báu, rồi đem của đó cung cấp cho thiên hạ khiến mọi người đều được an vui, no đủ.

Đức Phật bảo: Vị Đạo Sư ngày ấy chính là tiền thân của ta, năm trăm người theo ta lấy của báu nay là đệ tử của ta đấy. Ta là người hướng dẫn mọi người tinh tấn xông vào biển cả, lấy được của báu đem về, cứu giúp mọi người cùng khổ. Đến nay ta đã chứng được quả vị Phật, ra khỏi sinh tử, được trí tuệ vô lượng, tế độ chúng sinh không hề sót một loài nào.

Đức Phật đã giảng nói như thế, các vị Tỳ Kheo thảy đều hoan hỷ lãnh hội.

***