Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG VỀ

CHUYỆN NGƯỜI ĐỆ TỬ QUA ĐỜI
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Lúc ấy, một vị Tỳ Kheo có một người đệ tử tánh tình hiền hậu, công đức thù thắng, ý chí hành động luôn đúng nẻo nhân từ đức độ, tâm dốc cầu sự an tịnh, bản thân thường theo hầu hạ vị Hòa Thượng, trong các lúc hành hóa hay nghỉ ngơi, luôn cung kính thuận hợp, tinh tấn không ai bì kịp, thuận theo giáo pháp, chẳng hề dám trái mạng thầy.

Do vì mạng ngắn, bởi vì đời trước đã gieo thiếu nhân lành nên thọ mạng mỏng ít, còn tuổi ấu thơ mà đã qua đời, liền được sinh lên Cõi Trời Đao Lợi.

Vừa sinh lên Cõi Trời, ông đã quan sát nhận thấy ở cõi này cũng không có gì là bền vững lâu dài, chỉ thấy lửa đang cháy to, nên ông thầm nghĩ: Ta vốn có sở nguyện nhưng không được như ý, chẳng đạt được cứu cánh, cùng với thầy lành bạn tốt không thể giữ nhau được, nay lại phải bỏ đi để theo bạn xấu.

Như thế là đã xa rời các bậc Hòa Thượng chí tôn, bậc A Di Lê và các bạn lành khác, như những người tu phạm hạnh, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thanh Tín Sĩ, Thanh Tín Nữ, bốn chúng đệ tử của Phật.

Đức Phật Thế Tôn trí tuệ vô biên, hiểu biết tất cả, hiệu là Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác. Nay đã xa rời bậc Đại Thánh Thế Tôn ấy, các bậc Hòa Thượng, thầy, bạn và các đồng học mà từ vô sô kiếp rất khó gặp, khó thấy, cho dù cùng sinh ra ở thế gian này cũng chẳng thể gặp được.

Cũng không thể được nghe thuyết giảng các Kinh Điển thâm diệu, sâu xa vô lượng mà ta chưa từng nghĩ đến. Miệng Ngài không phát ra lời mà làm cho mọi người được yên ổn, để cùng được dẫn dắt, giáo hóa, dùng trí tuệ phân biệt để thuyết giảng các pháp duyên khởi, mỗi mỗi đều giải rõ.

Ta từ vô số kiếp, vốn đã gieo nhân nên những chỗ chưa được nghe, thấy, rốt cuộc đều được giải rõ. Ta may mắn được gặp vị Hòa Thượng nên đã lãnh hội được Kinh Điển giới luật ấy, bỏ nhà xuất gia làm Sa Môn, chẳng đến được chỗ siêu việt khác thường, như vậy những điều ta phải tạo dựng chẳng đến nơi đến chốn.

Nay ta há lại phải buông thả các hành động của mình sao?

Nay ta nên trước đến chỗ Đức Thế Tôn trọn lòng học hỏi nghĩa lý Kinh Điển thì sẽ tự hiểu được cái nợ kiếp trước mà cảm thương cho thân phận của mình.

Rồi ngay đêm ấy, bằng oai thần chói lọi, sáng chiếu rất xa, ông đến chỗ Đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng sang một bên.

Đức Phật biết được lòng ông chân chánh thuần thục, vui thích đạo pháp, nên Ngài thuyết giảng về Tứ diệu đế: Khổ, tập, tận, đạo. Ông liền ngộ được diệu nghĩa của bốn chân lý.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn dựa vào căn gốc để phân tích cho ông hiểu. Ông chứng được đạo quá, vui mừng hớn hở, thọ trì giới luật, cúi đầu đảnh lễ, đi quanh Đức Phật ba vòng, rồi bỗng nhiên biến mất.

Trong khi đó, lòng vị Hòa Thượng nghĩ đến tánh hạnh, công đức của người đệ tử mà thương cảm, kết thành ưu sầu, rơi nước mắt như mưa, không thể tự giải tỏa được. Tất cả những lời khuyên giải chung quanh đều không thể làm nguôi được mối ưu tư ấy.  Khi đó, các vị Tỳ Kheo bèn đến trình bày với Đức Thế Tôn.

Đức Thế Tôn bảo: Này ông Tỳ Kheo, lại ta hỏi đây! Vì sao ông sầu não, không thể tự giải tỏa được?

Vị Tỳ Kheo ấy thưa: Thưa Đức Thế Tôn, người đệ tử của con rất là lương thiện, đàng hoàng, hiền lành, nhân đức, ôn hòa, danh tiếng đạo đức khó lường, chưa đạt được cứu cánh, nửa chừng mạng yểu, do đó con buồn lo, cứ mãi chất chứa.

Đức Phật bảo vị Tỳ Kheo: Chớ nên mãi buồn lo!

Vì sao như vậy?

Vì người đệ tử của ông đã đạt đến cứu cánh rồi!

Ông ấy được sinh lên Cõi Trời, nửa đêm hôm nay đã đến chỗ Phật, uy thần lồng lộng, hào quang chiếu sáng rất xa, cúi đầu làm lễ và đứng sang một bên.

Ta đã vì vị Thiên Tử ấy mà thuyết giảng Kinh Pháp, phân tích đầy đủ, rộng rãi về Tứ Diệu Đế, bấy giờ, vị Thiên Tử ngay nơi tòa ngồi đã thành tựu được pháp Thánh cao tột. Đức Phật vì vị Tỳ Kheo ấy nói rõ đầu đuôi, khiến ông tức thời hoan hỷ, dứt hết mọi nỗi buồn lo, chẳng còn rơi lệ.

Khi Đức Thế Tôn Giảng dạy cho vị Tỳ Kheo kia dứt trừ bao mối lo lắng sầu não, thì các vị Tỳ Kheo khác tâm niệm: Chúng ta đã được chứng kiến một việc chưa từng có, Đức Đại Thánh Thế Tôn đã dùng pháp dược vô thượng để trị lành hẳn bệnh sầu não của vị Tỳ Kheo ấy.

Do người đệ tử của ông ta bị bệnh qua đời, ông đau buồn sầu não không thể giải được, gặp Đức Phật Thế Tôn thì các khổ hoạn kia đều tiêu trừ hết.

Quả là Bậc Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, cho nên dù đến hàng vạn kiếp ca ngợi công đức của Phật cũng không thể hết được!

Đức Phật từ xa biết các vị Tỳ Kheo đang bàn luận như thế, liền đi đến hỏi: Các ông tụ hội bàn bạc chuyện gì vậy?

Các vị Tỳ Kheo thưa với Đức Phật: Thưa Thế Tôn, chúng con hội họp lại đây để ca ngợi công đức của Đức Phật là bậc Thánh tôn quý thật không lường, Phật đã hóa độ cho những người chưa được độ, cứu giúp những ai chưa giải thoát.

Diệt trừ những gì chưa được dứt trừ, trị liệu tất cả những bệnh tham dâm, giận dữ, si mê, là vị thầy thuốc Vô Thượng, dùng các pháp dược để trị các thứ tâm bệnh, như vừa trị tuyệt được nỗi âu lo buồn khổ của vị Tỳ Kheo, khiến vị ấy vui mừng hớn hở, không thể tự kiềm chế được.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Các vị có biết vì sao ngày nay vị Tỳ Kheo ấy thấy đệ tử mình qua đời mà cảm động, kết thành ưu sầu, chẳng thể tự giải không?

Chỉ riêng có Phật Thế Tôn mới biết được túc mạng đời trước của hai người này, cũng lại như vậy.

Đức Phật kể: Về quá khứ xa xưa, ở một nơi chốn vắng vẻ nọ, có một con voi mẹ sinh con, voi con ra đời chưa bao lâu thì voi mẹ chết. Cách chỗ ấy không xa là chỗ ở của một Tiên Nhân, là bậc đầy đủ oai thần, công đức, luôn có tâm đại bi thương xót muôn loài, xa thấy voi con mất mẹ, vừa cử động chân bước chập chững đây đó, không thể tự sống được.

Ông liền tìm cách cứu giúp, đi đến chỗ voi con, lấy nước cho uống, hái quả cho nó ăn. Khi ấy, voi con dần dà trở nên nhân hòa, hiền lành, công đức thù thắng, vui cùng nghĩa lý, muốn được an ổn, không có âu lo, dứt hết các phiền não.

Bấy giờ, vị Tiên Nhân cùng chung sống với voi, thân hình nó phát triển lớn dần, lông lá mượt mà thì biết đem nước ngọt, trái cây ngon cúng dường vị Tiên Nhân trước, rồi mới ăn sau, tới lui ân cần, hầu hạ, phụng sự không hề trễ nải, khiến vị Tiên Nhân rất thương xót voi con, thấy đức hạnh nó như vậy nên ông thương yêu nó như con, ngắm nhìn nó không chán, yêu quý vô hạn.

Lúc đó, Trời Đế Thích có ý nghĩ: Vị Tiên Nhân này tâm ý đều đặt ở con voi con, luôn nghĩ đến nó không hề chán, nay ta có thể làm mất voi con đi khiến ông ấy phải buồn rầu khổ não. Thế là Trời Đế Thích thị hiện thi hành việc đó, hóa phép khiến con voi con đột nhiên lăn ra chết, máu loang đầy đất.

Vị Tiên Nhân thấy con voi con chết thì ưu sầu không nói năng, rơi lệ ngắn dài không thể khuây giải được. Các vị Tiên Nhân khác biết việc đều tới khuyên can, nhưng không thể dứt được mối ưu sầu của vị Tiên Nhân ấy, ông lại chẳng chịu ăn uống gì cả.

Khi ấy, Trời Đế Thích đang ở giữa hư không, liền vì vị Tiên Nhân mà nói kệ:

Hiền Giả đã bỏ nhà

Đến đây không quyến thuộc

Các Tiên giữ pháp luật

Buồn chết không tốt đâu.

Giả sử buồn âu sầu

Khiến chết sống lại được

Thì họp lại thương khóc

Nhưng khóc không tái sinh.

Quen rồi đều lặng thinh

Để cùng voi con trọn

Chút ân cần lân mẫn

Không thể không buồn rầu.

Còn khóc đến chết theo

Kìa có người khóc đó

Người trí biết tự chế

Sao Tiên lại khóc thương.

Trời Đế Thích làm cho vị Tiên Nhân kia sầu não rồi, liền khiến voi con sống lại như cũ. Khi ấy, vị Tiên Nhân thấy voi con sống lại, nên vô cùng hớn hở, vui mừng hết mực, không còn ưu sầu nữa.

Trời Đế Thích liền vì vị Tiên Nhân nói bài tụng:

Đánh tan sầu cho ông

Sầu thương chất đầy lòng

Nay Hiền Giả hết nạn

Buồn thương con trừ xong.

Nay đã lìa sầu não

Và thân thuộc đủ đông

Ông hôm nay vui vẻ

Nhìn voi sống thong dong.

Trời Đế Thích lại nói kệ tiếp:

Ta cảm thương cho ông

Muốn trừ nỗi đau lòng

Nên bày nhân duyên ấy

Thêm lợi cõi bụi hổng.

Người sáng hiểu rõ đấy

Ân ái sinh khổ lòng

Trong ngoài quan sát kỹ

Muốn được biến hóa thông.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Vị Tiên Nhân thời ấy nay là vị Hòa Thượng đó, con voi con là người đệ tử, còn Trời Đế Thích chính là thân ta, ngày đó gặp nhau, bây giờ cũng thế.

Đức Phật nêu giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***