Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

GIẢNG VỀ KINH NGÃ SỞ
 

Nghe như thế này!

Một thời, Đức Phật du hóa ở khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Lúc bấy giờ, có một vị trưởng giả tuổi cao, giàu có vô kể, vàng bạc châu báu nhiều không biết bao nhiêu, nhưng ông sống trong cảnh khổ cực, thiếu thốn, chịu mọi sự đói khát, lạnh nóng.

Ông cứ đương đầu với những khó nhăn, lo lắng toan liệu về các hoạn nạn, không kể gì đạo lý là để ky cóp nên cái sản nghiệp này.

Tuy giàu có, ông chẳng chịu tiêu xài, không biết bố thí, không hề cúng dường, không nuôi dưỡng mẹ cha, không cung cấp đầy đủ cho vợ con, tôi tớ.

Đối với gia đình, bà con, hàng xóm trong ngoài, còn không được chút lợi lộc gì thì nói chi đến việc ông bố thí để tạo phước đức!

Mặc thì toàn áo quần bằng vải thô xấu, ăn thì ăn đồ ôi hư, lòng luôn tiếc của, cha mẹ thiếu thốn, vợ con đói lạnh, gia thất trong ngoài không hề giao tiếp. Ông thường sợ những người ấy gây điều phiền nhiễu.

Họ có cầu xin điều gì, ông đều tỏ ra keo kiệt, tham tiếc của cải, đúng là hạng thiếu phước không trí, chỉ bo bo giữ lấy phần mình, không chịu giúp đỡ ai. Trong lúc còn sống, hoặc vô tình hay hữu ý, tích lũy tài sản của báu nhiều vô số kể mà chẳng tiêu dùng, đến khi mạng chung, nếu không có con nối dòng thì mọi của cải đều bị sung công quỹ.

Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ Kheo: Các ông hẳn đã được nghe về con người tầm thường, ngu muội, có được nhiều của báu mà chẳng tiêu xài, không phụng dưỡng mẹ cha, nuôi nấng vợ con, tôi tớ, khách khứa thì muôn phần về sau không được chút lợi ích gì mà còn tổn hại.

Các vị Tỳ Kheo nghe thế, tất cả cùng thưa với Đức Phật: Dạ đúng như vậy, thưa Đức Thế Tôn, có một vị trưởng giả tên gọi là X, giàu có, của cải nhiều thật không lường, không chịu tiêu dùng, lại không phụng dưỡng mẹ cha, không nuôi nấng vợ con, tôi tớ, không biết bố thí, một ngày kia chết đi, mọi của cải đều bị sang công quỹ.

Đức Phật nói với các vị Tỳ Kheo: Ông trưởng giả cao tuổi ấy chẳng phải chỉ mới đời này keo kiệt, tham tiếc của cải mà kiếp trước cũng thế.

Đức Phật kể: Thuở đời quá khứ xa xưa, ở núi Đại Hương mọc rất nhiều cây Tất Bát, là loại dược liệu và hồ tiêu. Trên cây Tất Bát có một con chim tên là Ngã Sở, sinh sống nơi đó. Đến tháng xuân, trái cây thuốc chín, người ta đến hái về để ăn và làm thuốc chữa bệnh.

Khi ấy, con chim Ngã Sở hô hoán kêu than: Đấy là trái của tôi, các người chớ lấy, lòng ta chẳng muốn các người hái! 

Mặc cho chim kêu la, người ta vẫn cứ tiếp tục hái, chẳng thèm nghe tiếng kêu của nó. Con chim phước mỏng, cứ ưu sầu kêu la mãi không thôi, do vậy mà chết.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Đúng như thế đấy!

Người ngu si lúc ấy là người căn trí thấp kém, sống chỉ lo làm giàu, không kể chánh tà, dốc tích lũy tài sản. Một mai chết đi, của cải không đem theo được.

Như con chim tên là Ngã Sở kia, thấy quả cây Tất Bát và các cây thuốc đã chín liền hô hoán kêu than: Tất cả đều của ta nhưng người ta cứ hái lấy, không thể ngăn cấm được.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:

Có chim tên Ngã Sở

Ở tại núi Hương Sơn

Đến mùa trái chín ngon

Hô hoán của tôi đấy Ngã Sở.

Nghe tiếng lữ vang dậy

Lũ chim đều kéo về

Người hái trái rồi đi

Chim Ngã Sở bực dọc.

Con người đâu có khác

Tích tụ của quá nhiều

Mà không chịu chi tiêu

Như chim, không bố thí.

Quan trên và giặc dữ

Oan gia cùng lửa nước

Thiêu rụi hoặc cướp đi

Như chim, trái bị mất.

Sống chẳng ưa ăn mặc

Giường chõng cũng không màng

Hương hoa khắp cúng dường

Nên có được như vậy.

Đã được thân con người

Lại về với giống nồi

Chết là bỏ hết rồi

Không đem được gì cả.

Cho nên phải tạo đức

Lo nghĩ đến kiếp sau

Người tạo phước đức nhiều

Quả đời sau chờ kết.

Không được vậy, khi chết

Nóng nảy ở trong lòng

Nếu trước ta buông lung

Thì nay nên tạo đức.

Đức Phật bảo cho các vị Tỳ Kheo: Nên biết chim Ngã Sở lúc đó nay là ông trưởng giả đây. Vậy nên Tỳ Kheo các ông phải lo tu học, chẳng nên keo kiệt, tham tiếc của cải, dứt trừ lòng cáu bẩn, thường tu hạnh thanh tịnh, đó là lời dạy của Chư Phật. Đức Phật giảng nói như thế, không ai là không vui mừng lãnh hội.

***