Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

GIẢNG VỀ KINH PHU THÊ
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bấy giờ, ông Thanh Tín Sĩ với người vợ đoan chánh, xinh đẹp, đi đứng đàng hoàng, uy nghi, đức hạnh không ai sánh kịp, lại thông minh trí tuệ, ngôn ngữ biện tài, nói chung là có rất nhiều điểm xuất chúng, được mọi người kính yêu.

Trong khi đó thì người chồng không quý trọng vợ mình, lại còn ghét bỏ, không vui thích, chẳng muốn gặp gỡ, trái lại, đi lấy người tớ gái làm thiếp, kính trọng thương yêu bà ấy.

Người vợ thấy chồng mình thay lòng theo kẻ dưới, chẳng hòa hợp nên nói với chồng: Nếu như ông không còn cùng với tôi vui thích thuận hợp thì ông nên cho tôi xuất gia theo đạo làm Tỳ Kheo Ni. Bà đã nhiều lần nêu bày như thế nên người chồng đồng ý.

Bà liền xuất gia, theo đạo, làm Tỳ Kheo Ni, ngày đêm tinh tấn tu tập, không bao lâu đã chứng quả A La Hán. Thời gian sau này, người đàn bà mà ông Thanh Tín Sĩ kia yêu thương đã trở về với nẻo vô thường thì ông ta tìm tới chỗ người vợ trước nay đã là Tỳ Kheo Ni, gọi bà ấy hãy trở về với ông.

Vị Tỳ Kheo Ni chẳng chịu theo ý người chồng cũ, bảo: Tôi đã xuất gia tu hành thì đã là người khác rồi, hơn nữa, đời sống cũng đã thay đổi, tội phước không thể cùng chung. Lúc đó, các Tỳ Kheo Ni hay được liền tới bạch với Đức Thế Tôn, nói rõ đầu đuôi sự việc.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Ông Thanh Tín Sĩ đó đời trước đã từng hủy nhục người có đức hạnh ấy, chẳng phải chỉ đời này mới làm thế. Lại nữa, người đàn bà ấy đời đời có đức hạnh, có cái chí thù thắng đặc biệt, còn người đàn ông đó thì lại luôn tìm cách hủy hoại, làm loạn động bà ta.

Nay thì bà ấy đã bước vào được con đường lớn, lại muốn hủy hoại bà ta, thì chắc chắn là không thể theo đúng ý muốn.

Đức Phật kể cho các vị Tỳ Kheo nghe: Về đời xa xưa kia, có một ông Phạm Chí, vợ tên là Liên Hoa, dịu dàng, đẹp đẽ, diện mạo xinh tươi như thế là vào bậc nhất, trên đời ít có, đức hạnh như thế thật không ai bì kịp.

Ông Phạm Chí có một người tớ gái giúp việc, ông luôn gần gũi thuận kính người tớ gái ấy mà không yêu chuộng người vợ Liên Hoa của mình, đã không thích gặp người vợ mình mà còn nghe lời người tớ gái, đem vợ ra khỏi nhà, đi tận vào trong núi. Ở đây, ông leo lên cây Ưu Đàm Bát lựa trái chín hái ăn, còn bỏ trái sống xuống cho vợ.

Vợ ông hỏi: Tại sao một mình chàng ăn những quả chín, còn quả sống thì bỏ xuống cho tôi?

Người chồng đáp: Muốn ăn quả chín, sao không tự leo lên cây để tự chọn lấy?

Vợ đáp: Chàng không cho tôi quả chín thì thôi!

Rồi theo lời chồng, người vợ liền leo lên cây, người chồng thấy vợ đã leo lên cây thì ở nơi gốc cây dùng các thứ gai gốc rào kín hết bốn bên để vợ không xuống được, rồi bỏ đó mà đi, muốn vợ phải bị chết.

Lúc ấy, Quốc Vương và các Đại Thần cùng đi săn bắn, ngang qua gốc cây ấy, trông thấy người đàn bà kia vô cùng xinh đẹp, dung mạo thù thắng khác thường, hiếm có trên đời, Vua liền đến hỏi: Nàng là ai? Từ đâu lại đến đây?

Người vợ kia đem cái biến cố của mình kể rõ đầu đuôi cho Vua nghe.

Nhà Vua thấy người đàn bà này có tướng nữ hoàn hảo, không chút dấu vết thô xấu, lòng tự nghĩ: Tên Phạm Chí ấy thật là ngu si, không có trí, không phải là hàng trượng phu nên không vui thích kính yêu người đàn bà này. Nhà Vua liền cho người dẹp bỏ gai góc rồi đem nàng đi theo, về đến Hoàng Cung, Vua lập nàng làm Vương Hậu.

Vị Vương Hậu ấy thông minh, có trí tuệ, biện tài không ai sánh kịp mà còn biết chơi sư bồ và sử dụng sáu phương thức vui chơi, sách vở giải thích rất thông thạo nên đám nữ nhân xa gần đều đến đây vui chơi, lần nào Vương Hậu cũng thắng cả, không ai đương nổi.

Bấy giờ, ông Phạm Chí từ xa nghe được vị Vua kia có vị Hoàng Hậu xinh đẹp, lại giỏi về cờ bạc vui chơi, ai đến đánh, Vương Hậu đều thắng cả, mọi người đều quy phục, không ai thắng được, lòng ông tự nghĩ: Có lẽ đây là người vợ trước của ta, không thể là ai khác được, vì bà ấy rất rành về món vui chơi đó. Hơn nữa ông Phạm Chí này cũng là một tay rất giỏi về lối chơi này nên tìm đến nhà Vua để biểu diễn tài nghệ của mình.

Khi đó, bà vợ Vua nghe có một ông Phạm Chí hình dạng như thế với dáng dấp cao thấp, đẹp xấu thì liền nghĩ: Đó hẳn là người chồng trước của ta. Ông Phạm Chí đến cửa Vương Cung, nhà Vua liền ra gặp, rồi cho ông thi thố tài nghệ từ xa với người hầu tên là Xỉ.

Ông Phạm Chí dùng kệ nói:

Tóc mượt dài tám thước

Mày Ngài đẹp như tranh

Dịu dàng vào bậc nhất

Nhớ trái chín trên cành.

Vương Hậu dùng kệ đáp:

Khi trước với tỳ thiếp

Lòng ngươi đã ưa nàng

Kính trọng là hơn hết

Cướp lấy là nhất chăng?

Ông Phạm Chí lại dùng kệ nói:

Sống an nhàn Cung Vua,

Voi tốt dạo thong dong

Nơi ấy cùng vui vẻ

Có nhớ trái chín không?

Vương Hậu dùng kệ đáp:

Một mình ăn trái chín

Trái sống bỏ cho người

Đó là nhân duyên trước

Phạm Chí giỏi cướp thôi.

Ông Phạm Chí lúc ấy hối hận, nghiêm khắc tự trách nhưng sự ăn năn ấy đã quá muộn.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Ông Phạm Chí thời đó nay là ông thanh tín sĩ ấy, còn vị Quốc Vương kia chính là bản thân ta. Thời bấy giờ, ông Phạm Chí dấy khởi sự rối loạn trong gia đình mình, ngày nay cũng như vậy.

Đức Phật thuyết giảng như thế, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***