Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG VỀ

QUAN ĐIỂM CỦA CÁC VỊ TỲ KHEO
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa ở khu tòng lâm Việt Kỳ âm thanh cùng với các vị Tỳ Kheo tôn túc.

Tất cả những bậc Thánh Hiền ấy đều đạt các thần thông, tuổi đã cao, đó là: Hiền Giả Xá Lợi Phất, Hiền Giả Đại Mục Liên, Hiền Giả Ca Diếp, Hiền Giả Ly Việt, Hiền Giả Bân Nậu Văn Đà Phất, Hiền Giả Tu Bồ Đề, Hiền Giả Ca Chiên Diên, Hiền Giả Ưu Ba Ly, Hiền Giả Ly Cấu, Hiền Giả Danh Văn, Hiền Giả Ngưu Thi, Hiền Giả La Vân, Hiền Giả A Nan, đại thể có các Hiền Giả như thế cùng với đại chúng Tỳ Kheo năm trăm người.

Lúc bấy giờ, Hiền Giả Mục Kiền Liên và các vị đệ tử lớn của Phật thây Trời gần sáng nên từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Hiền Giả Xá Lợi Phất.

Khi ấy, Hiền Giả Xá Lợi Phất từ xa trông thấy các vị đồng môn của mình kéo nhau đến đây, liền tới chỗ Hiền Giả Ly Việt, nói: Này Ly Việt, hãy ra xem Đại Thánh chúng đang cùng đi đến, có Mục Kiền Liên và nhiều vị nữa.

Hiền Giả Ly Việt cùng lúc đó đi tới chỗ Hiền Giả Xá Lợi Phất, tay cầm cái quạt, tự nghĩ: Đông đảo chư vị cùng tới chỗ Hiền Giả Xá Lợi Phất để làm gì?

Hôm nay có lẽ nhân việc Hiền Giả Xá Lợi Phất cùng các vị đại đệ tử được nghe Đức Phật thuyết giảng đạo pháp, đồng lòng muốn gặp nhau trong một lúc.

Khi Hiền Giả Xá Lợi Phất gặp gỡ các vị đại đệ tử của Đức Phật, liền bước tới thăm hỏi, mừng Hiền Giả A Nan và nói: A Nan này! Hiền Giả đến đây thật tốt quá! Hiền Giả đã dốc lòng cung kính, làm thị giá Đức Phật, gần gũi Đức Thế Tôn, được nghe Ngài nêu giảng rõ về Thánh Giáo, vậy xin hỏi Hiền Giả A Nan những chỗ lòng tôi còn hoài nghi.

Nơi tòng lâm Việt Kỳ âm thanh ấy có an vui chăng?

Uy thần lồng lộng, hoa trái sum suê, hương tỏa thơm phức, không khí, khung cảnh luôn khiến lòng người thích thú.

Thế thì chư vị Tỳ Kheo ở trong tòng lâm đó phải thể hiện cái đức cao nhã ra sao?

Hiền Giả A Nan đáp: Phải thường dùng thời gian thích hợp tu tập đầy đủ các hạnh, phân tích giáo nghĩa để thấu tỏ chỗ vi diệu, tịnh tu phạm hạnh, phát hiện được nhiều điều, thành tựu nhiều việc, đạt tới chỗ nghe biết rộng rãi, hiểu rõ được giáo pháp.

Tâm ý mở mang, vui trong chánh kiến, rồi vì bốn chúng mà giảng thuyết Kinh Điển, lời giảng nói giản dị nhưng phải nêu được các điều cốt yếu, cứu vớt các mối âu lo của chư vị tu tập nơi đồng vắng, hang sâu.

Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất, các vị Tỳ Kheo ở nơi tòng lâm Việt Kỳ âm thanh là như thế.

Hiền Giả Xá Lợi Phất lại hỏi Hiền Giả Ly Việt: Ý Hiền Giả thế nào!

Lời biện giải đầy trí tuệ của Hiền Giả A Nan như tiếng rống của sư tử, nay xin hỏi Hiền Giả Ly Việt, Hiền Giả thấy đó, tòng lâm âm thanh thật an lạc hết mực chăng?

Uy thần lồng lộng, hoa trái sum suê, tỏa hương thơm phức, không khí luôn êm dịu đem lại sự hứng thú cho lòng người, vậy các Tỳ Kheo ở trong tòng lâm ấy phải thể hiện đức cao nhã ra sao?

Hiền Giả Ly Việt trả lời: Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất, giả sử có vị Tỳ Kheo sống ở chốn thanh vắng, yên ổn, vui riêng một nơi, luôn dứt hết những nhớ tưởng về gia đình, không còn ái dục, sống giữa mọi người mà không phóng túng, không ưa đùa cợt, thường thể hiện sự điềm tĩnh, an nhiên, tâm không rối loạn, chí tại hạnh không tịch. Các vị Tỳ Kheo ở tại tòng lâm Việt Kỳ âm thanh nên biểu lộ cái đức cao nhã như thế đây.

Hiền Giả Xá Lợi Phất lại hỏi Hiền Giả A Na Luật: Theo ý của Hiền Giả thì thế nào?

Ở nơi tòng lâm âm thanh là vô cùng an lạc chăng?

Uy thần vòi vọi, cây cảnh hoa trái um tùm, sum suê, hương tỏa thơm lừng, không khí luôn êm dịu khiến lòng người hứng thú.

Vậy thì các vị Tỳ Kheo ở nơi tòng lâm đó nên thể hiện cái đức cao nhã của mình như thế nào?

Hiền Giả A Na Luật đáp: Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất, theo ý tôi thì nếu như vị Tỳ Kheo chứng được Thiên Nhãn, có được cái nhìn, nhận thức thấu suốt, thì đạo nhãn ấy phải thanh tịnh, thấy được cả Cõi Trời, người, cũng như các Quốc Độ của Chư Phật trong tam thiên đại thiên thế giới không hề bị ngăn ngại.

Ví như có người với đôi mắt sáng tỏ, lên chốn lầu gác cao, từ trên cao nhìn xuống dưới thấp, tất trông thấy rõ mọi nẻo đi lại, ra vào, lui tới cùng dân chúng sinh sống, dừng nghỉ nơi những khu dân cư của họ. Nói chung là Tỳ Kheo có được thiên nhãn, nhận thức về ba cõi không hề bị trở ngại.

Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất, các vị Tỳ Kheo ở Tòng Lâm âm thanh nên thể hiện đức cao nhã đặc biệt như thế.

Hiền Giả Xá Lợi Phất hỏi Hiền Giả Đại Ca Diếp: Theo ý của Hiền Giả thì thế nào?

Sống tại Tòng Lâm Việt Kỳ âm thanh là vui thích lắm chăng?

Uy thần lồng lộng, hoa trái sum suê, hương tỏa thơm phức, không khí êm dịu làm khoan khoái lòng người, nên các vị Tỳ Kheo ở trong tòng lâm ấy phải thể hiện cái đức cao nhã như thế nào?

Hiền Giả Đại Ca Diếp đáp: Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất, giả sử có thầy Tỳ Kheo tự mình ở nơi chốn thanh vắng, tịch tĩnh và khuyên người khác sống theo nếp sống như mình, tự tu theo Thánh Hiền và khuyên người tu tập đúng theo nẻo ấy.

Tự mặc các y phục thô xấu và khuyên người cũng ăn mặc giản dị như thế, mong cầu và khuyên người cũng noi theo hạnh đó, tự thân mình ham chuộng sự tịch tĩnh, an nhiên và khuyên người cũng chuộng theo nẻo ấy.

Bản thân mình luôn tinh tấn và khuyên người cũng dốc tinh tấn, bản thân mình dốc chế ngự tâm vọng và khuyên người cũng dốc chế ngự như mình, bản thân mình thường được ý định và khuyên người cũng gắng tạo được ý định.

Bản thân mình chuyên cần tu tập và khuyên người cũng thực hành như mình, bản thân mình có được đầy đủ giới, định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến và cũng dốc khuyên người đạt được như vậy, bản thân mình giáo hóa, khuyến khích chúng sinh lãnh hội được diệu nghĩa của chánh pháp. Giảng Kinh, nói pháp để khai thị giáo hóa mọi người không biết nhàm chán thì cũng khuyên người cùng làm như mình. 

Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất, các Tỳ Kheo ở tòng lâm Việt Kỳ âm thanh nên thể hiện cái đức cao nhã như thế.

Hiền Giả Xá Lợi Phất lại hỏi Hiền Giả Mục Kiền Liên: Theo ý Hiền Giả thì thế nào?

Sống ở nơi tòng lâm âm thanh thật là hết sức an lạc chăng?

Uy thần lồng lộng, hoa trái sum suê, hương tỏa thơm phức, êm dịu làm khoan khoái lòng người, vậy các Tỳ Kheo ở nơi tòng lâm ấy phải thể hiện cái đức cao nhã ra sao?

Hiền Giả Mục Kiền Liên đáp: Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất, giả sử có thầy Tỳ Kheo đạt được thần túc lớn lao, hiển bày uy lực vô lượng của Bậc Thánh ung dung khắp chốn.

Với thần túc như thế thì luôn tự tại theo ý, biến hóa, thị hiện thiên hình vạn trạng, từ một thân có thể biến đến nhiều vô kể thân rồi hợp lại làm một, đối với mọi thứ tường vách, núi chằm, khe hang đều vượt qua thông suối.

Không hề bị trở ngại, vô không dấu, ra không vết, chui vào lòng đất rồi trở ra ví như người bước vào trong nước, đi trên nước mà không chìm, khác nào đi trên đất liền.

Ngồi kiết già ở giữa hư không giống như chim bay. Thân phát ra ánh sáng rực rỡ như vầng lửa lớn. Từ trong thân có thể tuôn nước ra như suối cháy mà không hề bị thấm ướt, ví như Mặt Trời, Mặt Trăng, uy thần tỏa rạng chiếu khắp thiên hạ, từ dưới đất đưa tay lên là sờ bắt được Mặt Trời, Mặt Trăng, có thể biến hóa thân lớn đến trời Phạm Thiên.

Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất, các vị Tỳ Kheo ở nơi tòng lâm Việt Kỳ âm thanh nên thể hiện cái đức cao nhã như thế.

Bấy giờ, Hiền Giả Mục Kiền Liên hỏi Hiền Giả Xá Lợi Phất: Còn ý Hiền Giả thì thế nào?

Sống tại Tòng Lâm âm Thanh ấy là vô cùng an vui chăng?

Uy thần lồng lộng, hoa trái sum suê, hương tỏa thơm phức, không khí êm dịu làm khoan khoái lòng người, vậy các vị Tỳ Kheo ở Tòng Lâm đó nên thể hiện cái đức cao nhã như thế nào?

Hiền Giả Xá Lợi Phất đáp: Giả sử có vị Tỳ Kheo luôn chế ngự tâm, đạt được tự tại chẳng còn bị thân sai khiến, tự ở nơi phòng mình thực hiện pháp tam muội, chánh thọ, chỉ trong khoảnh khắc tâm ý phát khởi, từ sáng sớm đến cả ngày, cả đêm, người nhập định luôn nhất tâm định ý từ nửa đêm về sáng, mọi hành động của mình được tự do, hiện bày đầy đủ sự tự tại, không hề bị ngăn ngại, cản trở.

Ví như trong một gia đình trưởng giả, đối với đứa con yêu quý luôn được tắm rửa sạch sẽ, mặc áo mới mẻ, đẹp đẽ, những điều cần theo ý muốn đều đầy đủ như muốn mặc áo gì, muốn các thứ châu báu anh lạc, hương hoa, kỹ nhạc, không một thứ gì bị thiếu thốn.

Từ sáng sớm, suốt cả ngày đến đêm, những điều mong muốn về phục sức, quần áo, giường chõng, đồ nằm ngồi…, tất cả đều được tự tại.

Thưa Hiền Giả Mục Kiền Liên, người tu thiền định phải chế ngự vọng tâm, không buông theo ý tán loạn, từ sáng sớm, suốt cả ngày người nhập định luôn không để cho tâm ý bị tăm tối.

Từ nửa đêm về sáng, các pháp thiền định tam muội sẽ theo ý muốn của người tu định, theo chỗ quán tưởng của họ đều được tự tại. Vị Tỳ Kheo ở tòng lâm âm thanh thể hiện cái đức cao nhã như vậy.

Bây giờ, Hiền Giả Xá Lợi Phất nói với Hiền Giả Mục Kiền Liên: Hiền Giả đã nói rồi, chúng ta mỗi người đều đã trình bày hết quan điểm của mình, tùy theo biện tài của từng vị, thảy đều đã nói lên hết mọi ý tưởng của mình, vậy chúng ta cùng nhau đến thẳng chỗ Đức Phật Đại Thánh để trình bày sự việc này, nếu như Đức Phật có dạy bảo điều gì thì chúng ta sẽ theo đấy mà thực hành.

Hiền Giả Mục Kiền Liên nói: Vâng, xin theo ý kiến của Hiền Giả.

Rồi thì các vị cùng đến chỗ Đức Phật và Hiền Giả Xá Lợi Phất bạch với Đức Thế Tôn: Chúng con mỗi người đều đã nói lên những hiểu biết của mình, nay xin trình bày lại với Đức Thế Tôn để có thêm những lý giải gì chăng.

Đức Thế Tôn nói với Hiền Giả Xá Lợi Phất về trường hợp của Hiền Giả A Nan: Lành thay! Lành thay những điều Hiền Giả A Nan đã nêu bày!

Vì sao như vậy?

Là vì các Tỳ Kheo luôn phải rộng nghe, ghi nhớ, giữ gìn chớ để quên. Nếu có thuyết pháp, lời giảng nói trước sau luôn như nhau, đều nói về điều tốt đẹp, nhận rõ được đầy đủ ý nghĩa của giáo pháp, đạt tới chỗ vi diệu, tịnh tu phạm hạnh, để có thể phận biệt được hình tướng của pháp như thế.

Nghe rộng, hiểu nhiều, luôn được tự tại trong mọi nhận thức, tâm thanh tịnh, các căn được hàng phục, nhờ đấy mà có được sự thông tỏ, tất vì bốn chúng mà thuyết giảng Kinh Điển, nêu lên những điểm cốt yếu, làm cho mỗi người đều lãnh hội một cách thấu đạt.

Đức Thế Tôn nói về trường hợp của Tôn Giả Ly Việt: Hay thay! Hay thay những điều của Hiền Giả Ly Việt đã nêu lên.

Tại sao như vậy?

Là vì nếu như vị Tỳ Kheo sống ở nơi thanh vắng, hành động sẽ được tịch tĩnh, an nhiên, tâm luôn được thanh tịnh, từ đó phân biệt rõ được diệu lý không, vô.

Đức Phật nói về trường hợp Hiền Giả A Na Luật: Hay thay! Hay thay những điều Hiền Giả A Na Luật trình bày.

Tại sao như vậy?

Là vì hiện nay thiên nhãn của ông đã có thể nhìn thấy tất cả Cõi Phật trong Tam thiên đại thiên thế giới, như ở trên lầu cao nhìn thấy rõ mọi người bên dưới.

Đức Phật nói về trường hợp của Tôn Giả Ca Chiên Diên: Này Ca Chiên Diên, hay thay những điều trình bày của ông.

Tại sao như thế?

Là vì những kiến giải của ông về Tứ Diệu Đế là hoàn toàn thích hợp, không chút hồ nghi.

Đức Phật nói với Tôn Giả Tu Bồ Đề: Hay thay! Hay thay! Này Hiền Giả Tu Bồ Đề, ông đã có thể giải bày về pháp không và lấy diệu nghĩa của pháp không làm căn bản.

Đức Phật nói với Hiền Giả Ngưu Thi: Này Ngưu Thi, hay thay! Hay thay những điều ông đã trình bày!

Tại sao như vậy?

Là vì những kiến giải rõ về việc sợ chán cái khổ của sinh tử để vui với Niết Bàn giải thoát.

Đức Phật nói với Hiền Giả Bân nậu: Lành thay! Lành thay! Ông đã phân biệt được diệu nghĩa của Kinh Điển, diễn nói giáo pháp của Phật.

Đức Phật nói với Hiền Giả Ưu Ba Ly: Hay thay! Hay thay! Ông ưu Ba Ly, ông đã phân biệt được về tội, phước, để từ đây quyết vâng giữ tu tập theo giới luật.

Đức Phật nói với Hiền Giả Ly Cấu: Hay thay! Hay thay! Ông Ly Cấu, ông đã dứt trừ được mọi tội lỗi từ ba độc, chứng được ba cửa giải thoát.

Đức Phật nói với Hiền Giả Danh Văn: Hay thay! Hay thay! Ông Danh Văn, ông đã chuyên tu các đức lành, từ đấy hóa độ mọi người.

Đức Phật nói với Hiền Giả La Vân: Hay thay! Hay thay! Ông La Vân, ông đã dốc gìn giữ giới.

Đức Phật nói với Hiền Giả Đại Ca Diếp: Hay thay! Hay thay! Hiền Giả Ca Diếp, ông vui sống nơi chốn thanh vắng, cùng khuyên người khác cũng sống theo hạnh ấy. Lấy mười hai sự việc để thường tự tu thân, rồi cũng khuyên người ta tu tập theo con đường đó.

Đức Phật nói với Hiền Giả Mục Kiền Liên: Hay thay! Hay thay! Này Hiền Giả Mục Kiền Liên, ông đã đạt được vô lượng thần túc lớn lao, luôn được tự tại, có thể hóa một thành vạn, hóa vạn thành một, có thể sờ chạm đến mặt trời, mặt trăng, thân biến to cao đến Cõi Trời Phạm Thiên.

Đức Phật nói với Hiền Giả Xá Lợi Phất: Hay thay! Hay thay! Này Hiền Giả Xá Lợi Phất, sáng sớm, ban ngày, buổi lối người đều chuyên thiền định, nửa đêm về sáng đạt được tam muội chánh định, thường được tự tại, như con ông trưởng giả tắm gội sạch sẽ xong mặc áo quần đẹp, trang sức các thứ châu báu, anh lạc… ngày đêm ba thời, muốn gì thảy đều được nấy.

Đức Phật bảo với các vị Tỳ Kheo: Các vị mỗi người đã nói lên cái nhận thức hiểu biết của mình, thảy đều rất thuận hợp với đạo pháp, không có chỗ nào sai trái. Bấy giờ thì các vị hãy lắng nghe lời nói của ta.

Thế nào, các vị Tỳ Kheo, ở nơi tòng lâm âm thanh rất là an lạc chăng?

Uy thần lồng lộng, hoa trái sum suê, hương tỏa thơm phức, không khí êm dịu làm khoan khoái lòng người, vậy tại Tòng Lâm ấy các vị Tỳ Kheo phải luôn thể hiện cái đức cao nhã. Từ nơi đó, sáng sớm, các vị Tỳ Kheo mang y bát đi vào làng xóm. Nếu ở tại nước khác, ngụ bên gốc cây thì sáng sớm cũng mặc y mang bát vào những thôn ấp của nước đó.

Nếu vào nơi các làng xóm, thì phải luôn luôn thu nhiếp giữ gìn các căn, sau khi khất thực rồi, ăn cơm xong, thì xếp cất y bát, rửa chân tay, ngồi xếp bằng một mình ở nơi yên tịnh, thân hình phải ngay ngắn, tâm an định quán tưởng: Trong đời, tất cả đều vô thường.

Lòng tự suy nghĩ: Như thân ta đây, các lậu hoặc được đoạn trừ hết, tâm ý thông mở thì mới rời khỏi chỗ ngồi này, còn nếu các lậu hoặc chưa được đoạn trừ hết thì quyết không rời khỏi chỗ ấy. Ở Tòng Lâm âm thanh, các vị Tỳ Kheo phải làm được như thế thì mới thể hiện đầy đủ cái đức cao nhã đặc biệt của mình.

Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ:

Pháp vi diệu giữ gìn biết rộng

Phân nghĩa Kinh giải rõ phép mầu

Vì nhiều người thuyết giảng nghĩa sâu

Có chí nhàn cư vui độc tọa.

Trong tự tu thân, ngoài khuyến hóa

Ngăn chấp trước, thân vui đạo thiền

Tu theo lời dạy của Thế Tôn

Ngồi bên gốc cây nơi yên tĩnh.

Lòng không tham đắm, mắt thanh tịnh

Dứt bốn trăm tư bệnh của thân

Nhìn thấy ngẩn ấy loài chúng sinh

Sống yên bên cây, đức như thế.

Giống như sư tử sống trên núi

Nương cảnh tịch tĩnh một mình thôi

Biết đủ, giải thoát, dạy tùy loài

Sống nơi yên tĩnh, đức như thế.

Như ở trên Trời, cung Phạm Thiên

Hoặc Kiền Đạp Hòa và thế gian

Làm cho tất cả không ngại ngăn

Sống yên bên cây, đức như thế

Đem trí tuệ mầu cứu thế nhân

Lòng được tự tại, định các căn

Bỏ hết các ác, biết đủ thân

Sống yên bên cây, đức như thế.

Các vị thượng nhân thuyết vi diệu

Mỗi người giảng pháp theo sở tri

Hay thay, diễn giảng đúng không sai

Đến gặp Thế Tôn xin tôn ý.

Bậc Thiên Trung Thiên không ngăn, bỏ

Âm thanh như Phạm âm, tôn quý

Các thần thông ấy bình đẳng hơn

Tôn sư kịp thời mở cửa tuệ.

Thế Tôn nói rằng: Trừ mây tối

Nhân hưng chánh giáo, nghe lời ta

Những việc các thầy nên hành hóa

Sống yên bên cây, bày đức nhã.

Chuộng pháp nhiệm mầu, ưa ít dục

Tâm hành phân biệt phải cao siêu

Mặc áo, mang bình đủ uy nghi

Đi như chim lượn giữa hư không.

Như pháp diệu này ai tu chứng

Thánh dứt ganh ghét, không mưu hại

Trừ sạch cấu uế, đạt tịch nhiên

Sống yên bên cây, đức như vậy.

Đức Phật thuyết giảng như thế, các vị đệ tử, các chúng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, A Tu La Nghe Kinh thảy đều hoan hỷ.

***