Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG

VỀ SỨ GIẢ CỦA CÁI BỤNG
 

Tôi nghe như vậy!

Một thuở Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bấy giờ, lúa gạo của nước này giá cả tăng vọt, dân chúng đói khát, các vị Tỳ Kheo của Đức Phật muốn phân tán ra đi du hóa đến các nước khác để an cư. Hiền Giả A Nan là bậc nghe rộng biết nhiều, đối với giáo pháp luôn tận lực lãnh hội, có biện tài vô ngại.

Khi Đức Phật thuyết giảng Kinh, Hiền Giả A Nan đã giúp rất nhiều người thọ nhận ý nghĩa của Kinh Điển, tinh tấn không ai bì kịp.

Khi ấy Hiền Giả A Nan tự nghĩ: Giá như Đức Thế Tôn đến một nước nào đó để có cuộc sống an ổn thì ở khu vực khác sẽ có vô số người mất đi chỗ nương tựa của đạo đức, mặc dù các vật dụng sinh hoạt thì không hề thiếu thốn.

Còn nếu đức Như Lai lại dừng ở nước Xá Vệ này an cư trong năm, thì nhiều chỗ được an ổn, tạo nên cái gốc cho đạo đức. 

Lúc ấy Đức Thế Tôn vì thương xót muôn dân, muốn cứu giúp họ, nên Ngài quyết định ở lại thành Xá Vệ với Vua Ba Tư Nặc, quần thần và dân chúng.

Hiền Giả A Nan đến chỗ Quốc Vương trình bày đầu đuôi sự việc ấy. Vua Ba Tư Nặc nghe lời của Hiền Giả A Nan, nên thỉnh Phật và đại chúng Tỳ Kheo ở lại đây ba tháng, bao nhiêu món ăn thức uống Nhà Vua đều lo đầy đủ, bệnh hoạn thì cung cấp thuốc men, tùy theo nhu cầu tất cả mọi thứ, mọi chỗ đều an lành.

Đức Phật và các vị Tỳ Kheo an cư tại thành Xá Vệ trong ba tháng như thế không hề thiếu thốn.

Các vị Tỳ Kheo trong lòng tự nghĩ: Công đức của Hiền Giả A Nan khó ai bì kịp, làm được việc chưa từng có, hành động quyền biến, biết được thời cơ, hiểu rõ lý luận, khuyến hóa được Vua Ba Tư Nặc cúng dường Đức Thế Tôn và đại chúng Tỳ Kheo trong mùa an cư ba tháng được yên ổn.

Khiến trong chín mươi ngày ấy, đại chúng Tỳ Kheo không có gì phải suy nghĩ, tất cả đều được bảo vệ và cung cấp đầy đủ, nhờ đó các Tỳ Kheo ai cũng được yên tâm tu học, không phải du hóa tới các nước khác.

Đức Phật biết rõ là các Tỳ Kheo đang bàn luận về việc này, nên đi đến chỗ các vị Tỳ Kheo và hỏi: Các ông đang hướng về ai mà bàn bạc như vậy?

Đại chúng Tỳ Kheo liền đem đầy đủ sự việc trình bày với Đức Như Lai.

Đức Phật nói với các vị Tỳ Kheo: Hiền Giả A Nan không phải chỉ mỗi đời này mới hành động quyền biến, nắm lấy thời cơ, mà đời trước cũng đã từng làm như thế.

Đức Phật kể: Vào đời quá khứ xa xưa, ở nước Ba La Nại có vị Vua tên là Phạm Đạt, là bậc có phước đức lớn, tiếng tốt đồn xa. Bấy giờ trong nước gặp lúc đói kém, giá lúa gạo đắt đỏ, dân chúng đói khát, kẻ ăn xin rất nhiều, không lấy gì để cung cấp cho đủ.

Nhà Vua vui lòng làm công việc bố thí, tức thì mười phương, bốn hướng tụ lại để xin đông nhiều như mây nổi, Nhà Vua cứ theo mức độ tiêu dùng mà cung cấp. Bố thí như vậy liên tục không hề dừng nghỉ.

Lúa gạo dần dà trở nên quý hiếm, trời lại chuyển sang nắng hạn dữ dội, không một giọt mưa rơi, mùa màng mất trắng, dân chúng đói khát khốn cùng, kẻ ăn xin ngày càng nhiều thêm. Họ kéo nhau đến trước cung Vua, ở đây kho lẫm cũng sạch trơn.

Lúc ấy, các quan lại đều bàn với nhau: Nay theo ý của Quốc Vương, thì kẻ ăn xin nào đến là phải bố thí cho họ, không để họ phải nản lòng. Nhưng trời hạn hán chẳng mưa, kẻ ăn xin thì quá nhiều, lúa gạo thì khan hiếm mà kho lẫm thì lại trống rỗng, đất nước sắp đến lúc bại hoại chăng.

Thế rồi, các Đại Thần vì muốn bảo vệ đất nước, nên cùng đến chỗ Nhà Vua tâu trình đầy đủ lời mình vừa bàn trên: Việc bố thí của Vua bây giờ xin hãy ngừng lại, dựa vào một số biện pháp để giữ trật tự, đợi sau này được mùa, lúc ấy mới bố thí tiếp.

Nhà Vua bảo: Việc bố thí của ta không thể dừng lại được. Ta đã có chí nguyện bố thí, sao lại làm trái với bản tâm của ta được.

Hơn nữa, họ đến đây để xin ăn, sao nỡ khiến họ thất vọng?

Nếu như không có người đến xin thì ta bố thí cho ai?

Các Đại Thần cùng bàn với nhau: Chúng ta phải cùng nhau tìm ra kế sách, làm cho các người nghèo không còn đến xin nữa, thì mới chấm dứt được tình trạng này.

Trong khi đó thì Nhà Vua vẫn tiếp tục bố thí, chưa từng chậm trễ, trong lòng tự nguyện: Mong sao cho các kho chứa lúa gạo không bị hao hụt. Cùng lúc, các quan pháp minh yết cáo, thông báo cho các nơi xa gần biết là không được đến chỗ Nhà Vua xin ăn, kẻ nào dám đến xin thì đều bị tội chết, thấy đem bêu giữa chợ.

Hành khất các nơi xa đến nước này, nghe được thông báo như thế nên chẳng dám đi xin ăn nữa. Không được gặp Nhà Vua, họ càng ưu sầu, buồn thảm, hỏi các vị Đại Thần xem đúng là có lệnh này không.

Lại hỏi cha mẹ, thật có lệnh cấp bách không được đi xin ăn chăng?

Đáp rằng: Có đấy! Chẳng được đi xin ăn.

Những người đi xin lại nói: Nếu có lệnh đến những phương xa, thì phải có các quan sứ. Hiện khắp nơi, khắp chốn các kho lúa, lương thực đều đủ cả. Nay các quan trong triều này như muốn chỉ để riêng mình tiêu dùng, nên ban ra lệnh ác bảo các nơi xa, những người đi xin ăn nghèo cùng không được đến cửa Vua để xin ăn, nếu ai liều đi xin thì phải tội chết.

Tuy vậy, các người sứ từ phương xa đến đều thấy các kho lẫm đều còn đầy. Lời nói lần lượt truyền nhau nên mọi người đều biết đây là lệnh của các quan trong triều đề ra chứ không phải là Nhà Vua. Có một vị Phạm Chí đói khổ đã lâu, muốn đi xin ăn để cứu mạng sống mình.

Ông đi khắp nơi xin ăn để còn chu cấp cho vợ con, giá như vào lúc giá gạo rẻ, xin ăn dễ, được nhiều, còn khi lúa gạo khan hiếm, xin ăn khó được, phải chạy ngược xuôi khắp nơi, không chỗ nào là không tìm đến mà cũng chỉ vừa đủ nuôi mạng sống, lòng ông lo lắng chẳng nói nên lời.

Vợ ông lúc đó nói với ông: Ông thật khổ nhọc, đi xin ăn gặp lúc gay go, không chỗ nào là không đến xin vậy mà chẳng được gì. Sao không tới chỗ Vua mà xin ăn, nghe nói Quốc Vương ta mong muốn có người đến xin, không hề trái ý người xin bao giờ.

Vị Phạm Chí đáp lời vợ: Bà chẳng nghe hay sao?

Quốc Vương đã có lệnh không cho người đến cửa Vua xin ăn nữa. Tuy các người sứ ở phương xa đến đều được thấy rõ là lúa gạo trong kho còn đủ để cấp thí, những ai đi xin thì liền bị chém đầu.

Vị Phạm Chí nói tiếp: Thân tôi hôm nay muốn được bình an chứ không muốn bị nguy hại. Còn nếu muốn mong chờ nơi Nhà Vua thì có thể lại bị hủy nhục đấy.

Vợ ông đáp: Như các quan lại trong triều thông báo cho các nơi xa được biết, vậy chỉ có những người ở xa mới được tới trước, còn các người khác thì không cho.

Sao ông không tự nói rằng mình từ phương xa đến, muốn được gặp Vua để tâu trình, có thể được miếng ăn đây. Bấy giờ, vị Phạm Chí nghe theo lời vợ, cầm gậy, đội mũ của quan phụng sứ, đến thẳng cửa cung Vua.

Quan giữ cửa hỏi: Ồng ở đâu đến đây?

Đáp: Tôi là phụng sứ từ xa đến.

Quan phụng sứ vào tâu với Vua rõ đầu đuôi về người ấy, tức thì trở ra hỏi rất rõ: Ông từ chốn nào đến, hiện nay cả mười sáu nước lúa gạo đều khan hiếm, nước nào cũng lo giữ biên giới của mình làm sao mà đến, từ nước nào mà đến được?

Quan giữ cửa đã hỏi đầy đủ như thế.

Người Phạm Chí đáp: Được nghe và khâm phục đức hạnh của Nhà Vua, nên mặc kiểu phụng sứ mà đến.

Quan giữ cửa lại hỏi: Ở biên giới nước này có thể nghe được nước kia sao?

Đáp: Làng xóm thành ấp thì có thể biết được đầy đủ. Giả sử chỉ vì mình thôi thì xin nguyện Vua Trời, một mình cầu xin kiếm ăn là đủ rồi. Tôi muốn gặp được Vua nên đến đây để cầu kiến. Quan giữ cửa hỏi nữa, ông cũng đáp như vậy. Nhà Vua cho gặp, vị Phạm Chí liền vào.

Vua hỏi ông: Vì ai mà phụng sứ đến đây?

Vị Pham chí thưa: Cầu xin không sợ hãi, như Ngài chịu hứa nghe thì mới dám tâu Vua chỗ sai đến.

Nhà Vua bảo: Hãy nói rõ nguồn cơn, đừng sợ hãi.

Nhà Vua lại hỏi: Ai là người sai ông đến đây?

Vị Phạm Chí tâu: Đại Vương muốn biết chăng?

Chính bụng dạ tôi sai đến.

Khi ấy, vị Phạm Chí liền nói kệ:

Mọi người cầu tài lợi

Gặp giặc giữ, oán hờn

Ta bị bụng sai đến

Xin Vua tha cho thần.

Ai thế lực lớn nhất

Ai kia cao cả hơn

Tôi thật là phúc sứ

Sứ giả của cái bụng

Vua chớ trách tội thần.

Chư Phật và Duyên Giác

Các đệ tử Thánh Nhân

Rời bỏ nơi tịch tĩnh

Vào thành thị xin ăn.

Cùng khốn không chỗ dựa

Thân sống gặp khổ nạn

Nay tôi làm phúc sứ

Xin tha, hỡi tôn nhân!

Vua nghe rất thương xót ông, dùng kệ đáp:

Phạm Chí, ta cho ngươi

Trâu cái năm trăm đôi

Cùng nghé con đầy đủ

Đâu thể không cho ngươi.

Ta vì các sứ giả

Cấp cho chỗ nghèo thôi

Vì sứ giả, làm sứ

Cho thêm không sợ gì.

Đức Phật bảo cho các Tỳ Kheo biết: Ông Phạm Chí lúc đó nay là Hiền Giả A Nan, Vua Phạm Đạt nay là Vua Ba Tư Nặc. Thời ấy Hiền Giả A Nan đã khai thị giáo hóa khiến Nhà Vua rất vui mừng, kính ngưỡng vô cùng.

Đến bây giờ đây, tại nước này, Hiền Giả A Nan lại nêu bày chỉ dẫn cho Vua Ba Tư Nặc, mặc dù lúa gạo khan hiếm, mà Nhà Vua vẫn cúng dường cho Đức Thế Tôn và đại chúng Tỳ Kheo trong ba tháng, không có chỗ nào thiếu thốn. Vậy cho nên các vị Tỳ Kheo phải học hỏi thực hiện các lời nói hiền lành, dịu dàng, hòa ái, phải lựa lời khéo léo làm câu phương tiện giáo hóa.

Đó là lời dạy của Chư Phật. Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***