Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

GIẢNG VỀ THÍCH TỬ SỞ HÂN
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bấy giờ, Sở Hân, con cháu dòng họ Thích Sở Hân Thích Tử nhiều lần lui tới đây, ra vào không giờ giấc, dựa vào chỗ là đến với họ hàng, nên việc đến, đi của ông thật không thể tính kể, khi thì sáng sớm, lúc thì tối trời, hoặc sớm đến, tối đi.

Lức ấy, các Hiền Giả A Nan, Ưu Đà, Bạc Câu Lô… hội họp lại một nơi, gọi ông Thích Tử Sở Hân đến bảo: Này Hiền Giả, sao ông hay đi lại không giờ giấc gì cả thế?

Sao ông đến đây, vào ra không theo đúng giờ giấc, đáng ra thì ông phải biết tự điều tiết số lượng đi lại ấy chứ?

Ông Thích Tử Sở Hân liền tuông ra những lời thô tục, mắng chửi các vị Hiền Giả: Các ông là những kẻ vô trí, chỉ biết vọng động quấy rối, không thể tự an, hô hoán ác khẩu. Các ông là hạng lười nhác, chẳng làm gì cho Chúng Tăng được hưng thịnh.

Ta nay ra vào, thường vì Chúng Tăng nghiêm túc bàn luận về những việc phải, các ông không cho đó là công lao ư?

Cái chính là vì Chúng Tăng có chỗ cần biện luận, chớ nên gọi ta là kẻ hay lý sự. Các Hiền Giả nhiều chuyện, tỏ ra quá đáng đối với cá nhân ta, Thích Tử Sở Hân này.

Vả lại, các ông có chỗ muốn cùng biện luận, thế các ông có biết ta đã biện luận về việc của Chúng Tăng ra sao không?

Khi ấy, các vị Tỳ Kheo cùng suy nghĩ: Ba vị kia thì lời nói dịu dàng, mềm mỏng, uy đức hơn người, dựa vào gốc của phước đức mà thực hiện, nên chỗ đạt đến được rất nhiều, vượt hẳn người kia.

Còn Thích Tử Sở Hân chỉ là một gã nam tử ngu độn, liều mạng, ngớ ngẩn tự đề cao mình, chỗ mong cầu có vẻ quá đáng nhưng không được như ý muốn.

Vào một ngày khác, Thích Tử Sở Hân đến nhà một ông trưởng giả, được cúng dường một bữa trưa hết sức thịnh soạn. Hiền Giả A Nan đến nơi ấy sau nên đã tới nhà ông trưởng giả khác, dùng lời nói dịu dàng để nêu bày về sự bền chắc của công đức vun trồng từ kiếp trước, lại vì họ mà thuyết giảng Kinh pháp, khiến cho mọi người trong gia đình ấy hết sức hoan hỷ.

Từ đấy, đi khất thực đến đó, Hiền Giả A Nan luôn được cúng dường nhiều, họ tự nguyện bố thí không chút phô trương hay mong cầu gì. Bấy giờ, các vị Tỳ Kheo đem đầu đuôi câu chuyện này thưa rõ với Đức Phật.

Đức Phật nói với các vị ấy: Đối với bốn người ấy, chẳng phải chỉ đời này mới xảy ra chuyện tranh nhau trong việc khất thực, ở đấy, chỉ có một người được cúng dường ít, còn những người còn lại thì được cúng dường nhiều hơn. Tỳ Kheo A Nan luôn được mọi người khuyến trợ nên thảy đều được yên ổn.

Đức Phật kể: Về thời xa xưa đã lâu lắm, ở vùng đất lạ kia, có bốn người rất thân thiết, cùng nhau chung sống một chỗ. Khi ấy, có người thợ săn, bắt được một con nai, muốn đem vào thành để bán.

Bốn người này thấy sự việc ấy, liền bàn với nhau: Chúng ta nên tìm cách đi theo người thợ săn kia để mong có được thịt nai. Thử xem ai sẽ kiếm được nhiều nhất. Bàn xong thì bốn người cùng xuất phát ra đi.

Lời hỏi xin của người thứ nhất thật thô lỗ mà còn cao ngạo: Ê! Người đàn ông kia, hãy cho ta thịt nai ấy đi, ta muốn ăn đấy.

Người thứ hai nói: Thưa anh, cho xin một ít thịt, em muốn thưởng thức món thịt đó.

Người thứ ba thưa: Vị nhân đức đáng kính, có thể cho bớt tôi một ít thịt ấy, tôi vốn rất thích.

Người thứ tư nói: Thưa vị thân thiết, nhân hậu, có thể bỏ bớt đi một ít thịt! Xin thông cảm mà bố thí cho, tôi muốn được ăn lắm vì cả bọn tôi đều đói khát. Lúc ấy, người thợ săn xét lời nói của bốn người, rồi tùy theo lời của từng người mà dùng kệ đáp lại.

Kệ đáp người thứ nhất như sau:

Lời người rất thô lỗ

Thịt nào lại cho ngươi

Nói xin như ra lệnh

Cho ngươi cái sừng thôi.

Ông lại dùng kệ đáp người thứ hai:

Người này thì hay lắm

Gọi ta là huynh đài

Lời kia như thủ túc

Sẵn ta cho một đùi.

Ông cũng dùng bài kệ đáp người thứ ba:

Đem ái kính cho ta

Lòng từ bi bao la

Lời nói như tâm phúc

Lấy tim gan làm quà.

Ông lại dùng kệ đáp người thứ tư:

Lấy ta làm thân thích

Thân kia được hòa đồng

Lời ấy hợp ý lắm

Lấy hết thịt cho ông.

Thế rồi người thợ săn, tùy theo ngôn từ của từng người, hoặc thô vụng, hoặc tế nhị mà cho họ các phần thịt.

Khi ấy, có vị Trời khen ngợi:

Ngôn từ của nam tử

Dịu ngọt quy về thân

Chớ nói lời thô lỗ

Lợi hại chẳng rời thân.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Người thứ nhất với ngôn từ thô lỗ ấy nay là ông Thích Tử Sở Hân, người thứ hai nay là ông Bạt Đà Hòa Lê, người thứ ba nay là ông Hắc Ưu Đà, người thứ tư chính là ông A Nan, còn vị Trời nói bài kệ đó chính là bản thân ta. Ngày trước đã gặp nhau, đến nay cũng như thế.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không vui mừng lãnh hội.

***