Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

GIẢNG VỀ VIỆC DẠY BẢO CON
 

Thuở xưa, có một người, cha mất sớm, sống côi cút một mình với mẹ, chưa được răn dạy đầy đủ, ra vào không biết hạn chế, không theo đúng lễ giáo, vi phạm lời dạy trong điển tịch của các Thánh Nhân đời trước.

Chẳng chịu học hỏi lãnh hội Kinh Pháp, bị bạn ngu mê hoặc, kết bè với chúng để vui chơi rượu chè, cờ bạc, phô trương hình sắc, ham chuộng vỏ bên ngoài, dục tình buông thả, lêu lổng đó đây.

Hắn chẳng chịu lấy việc hiếu thuận, tu sửa tâm đức để lập thân, lại phạm nhiều tội ác, miệng nói lời thô tục, lòng nghĩ những điều độc hại, chẳng nhớ tới lời dạy dỗ, dặn dò của thân sinh, chỉ lấy điều phi pháp cùng hành động bừa bãi làm sự nghiệp. Người mẹ rất khổ vì đứa con như thế.

Nhân muốn răn dạy đến nơi đến chốn những phép tắc oai nghi, để cải đổi tâm tánh, hành động của nó, khiến nó biết dè dặt nơi tâm ý, giữ gìn mồm miệng, phụng trì điển tịch của Thánh Nhân đời trước.

Sửa đổi thân tâm theo phép tắc của tổ phụ, cung kính thọ trì đạo pháp vô bờ của Đấng Thế Tôn, người mẹ đem tấm lòng thành của mình nói ra lời răn dạy thâm diệu, bảo cho đứa con trai:

Con luôn hành nhu hòa

Kết bạn lành gần xa

Thường tuyên dương, khuyên giúp

Tu lâu đắc Pháp Tòa.

Người con hỏi mẹ:

Nếu luôn hành nhu hòa

Thì sẽ được những gì

Như kết giao bạn tốt

Thêm được lợi ích chi?

Luôn nên khen khuyên giúp

Làm sao tu nghĩa này?

Tu lâu được chánh pháp,

Có thêm hơn gì đây?

Người mẹ bảo con:

Nếu hành vi nhu hòa

Được mọi người kính yêu

Nếu kết giao bạn tốt

Kiên định không ngã xiêu,

Nếu luôn được khuyên giúp

Thu hoạch của cải nhiều

Tu lâu đắc chánh pháp

Khi chết sinh Cõi Trời.

Người con thưa với mẹ: Lành thay! Lời dạy của mẫu thân!

Lời răn này thật là vô thượng, pháp dạy này thật là vô hạn, lồng lộng khó lường, không thể nêu bày hết được. Con lâu nay ngu tối, quay lưng với ân cao, chạy theo tà ngụy, không biết nẻo chí chân, mê theo bóng sắc, lầm lẫn dòng giống tộc họ, tự cho là tài trí, chẳng sáng mà tự cho là sáng, chẳng đạt mà tự cho là đạt, chẳng biết phân biệt cao thấp trên dưới.

Nhất là lời dạy sáng suốt của mẫu thân, xem thường việc thiện, quý trọng việc ác, chẳng giữ đúng nẻo hiếu dưỡng để báo đáp ân đức của mẹ hiền, bỏ nhân hậu theo bạc ác, kết với bọn ngu làm bạn, khiến cho sự ngu si mê lầm ngày càng chồng chất thêm.

Nhờ chịu sự giáo hóa của mẫu thân hiển bày rõ ràng nhân từ, thể hiện lòng thương lai láng, là cội nguồn của sự nuôi dưỡng làm chuyển đổi, khiến trở nên tốt đẹp hơn, thông đến mười phương, con xin thọ lãnh phụng hành, không dám sai sót hoặc quên lãng.

Người con cung kính lạy tạ mẫu thân, quyết tu hành theo sự chỉ dạy của người mẹ, trước sau chẳng hề sai trái. Người con theo đúng pháp mà tiến tu, thường thực hành điều nhu hòa, được cả nước yêu mến.

Chọn người lành làm bạn, không hay lấn lướt khinh dể, luôn làm việc khuyên giúp, khiến các trường hợp chia lìa được gặp gỡ, tranh giành được hòa hợp, như vậy mà được dâng tặng rất nhiều của cải, vật báu vô lượng.

Người con cung kính cúi lạy quy y Phật, thọ trì năm giới, tu hành mười điều thiện, được Chư Thiên hộ trì, bảo vệ. Quốc Vương nghe được, triệu vào cho làm Đại Thần.

Nhà Vua bảo: Trẫm nghe đức hạnh của Khanh làm cho cả nước vui mừng, nên ra lệnh gọi vào giúp việc. Nước không có bề tôi giỏi, mà chỉ có bề tôi giỏi giúp việc thì mới khiến cho đất nước được thanh bình, an ninh, các nước bốn phương mới chịu quy phục uy đức, khanh như vậy là được hiển vinh.

Người kia từ tôn thưa: Thần chẳng dám trái Thánh ý, nhưng chỉ sợ đức mỏng, chẳng xứng với công việc được giao thì xấu hổ lắm!

Không làm tròn trách nhiệm vua giao, khiến muôn dân oán trách, thần thấy việc này quá khó khăn, xin chẳng dám thuận mạng.

Nhà Vua nói: Ta thấy nhân đức của Khanh thể hiện trong lời nói, hành vi, cử động, tới lui, quả có thể làm được việc ấy, nên mới triệu đến đây. Ngươi kia lặng thinh, được lập làm Đại Thần.

Nhà Vua lại bảo: Có vị Quốc Vương nọ, đã có lúc cùng ta giao hảo, thắm thiết như ruột thịt, nhưng rồi vì lời gièm pha đồn đãi khiến hai bên kình chống, mất lòng nhau, lâu ngày chầy tháng, mối nghi ngại hiềm khích kia cứ lớn thêm, khó mà hòa giải được. Ta muốn nhờ Khanh làm sứ giả đến hòa giải việc này. Nếu thực hiện được, ta sẽ trọng thưởng cho Khanh tiền của và địa vị lớn.

Người kia tâu: Xin vâng.

Rồi ông dùng tài sản của mình, chuẩn bị đủ các thứ đồ ăn ngon lành và các vật báu mang sang nước kia, vái lạy trình bày với Vua nước đó: Thần tối tăm nhưng chịu ân nhuần nên vì Vua của thần làm sứ giả. Thần được sai mang đồ ăn uống và vàng bạc châu báu này đến công nạp cho Đại Vương. Trước đây, Vua của thần sai lầm, hành động chẳng phải, làm trái Thánh ý.

Cách biệt từ đó đến nay trải nhiều năm tháng, Vua của thần lấy làm xấu hổ, áy náy không yên nên sai hạ thần sang cống nạp, xin Đại Vương tha thứ những va chạm xích mích cũ, nguồn gốc của các lỗi lầm ấy.

Nhà Vua này nghe thế trong lòng hả hê, cũng lại tự trách mình: Ta từ lâu đã có ý muốn hòa giải, nhưng chưa làm được thì sứ giả ấy đã đến từ tạ trước rồi. Quả là ta chẳng theo kịp ông ấy trong việc này.

Rồi chính tay Nhà Vua viết thư báo cho vị Vua kia biết: Tuy cách biệt đã lâu, không được đối diện nhau để nói chuyện, nhưng luôn nghĩ đến mối giao hảo trước đây, không ngày nào là không nhớ.

Trong thời gian cách biệt, không kịp đến chỗ đại vương, xao lãng không gặp gỡ. Nay Đại Nhân lại sai hiền thần đem vật ngon, của báu đến tặng biếu, tôi nhớ mãi cái hậu ý tốt này, không bao giờ quên, xin được một lần hội ngộ để xóa bỏ những điều vướng mắc trước đây.

Nay tôi xin gởi đến Đại Vương những vật báu quý giá thay mặt, tỏ chút lòng quý trọng của bản thân tôi. Nhà Vua kia được thư mừng rỡ khôn xiết, hẹn ngày gặp gỡ, cùng nhau vui sướng. Họ xét lại nguồn gốc của sự mất lòng trước đây là do bị kẻ khác xuyên tạc và hiểu lầm nhau nên dẫn đến cái tai họa ấy.

Nếu hai nước sánh nhau, kết thân thâm hậu, gặp việc hoãn, cấp đều cứu giúp nhau thì lại càng thích hợp. Nhà Vua liền tặng phong thêm cho Quan Đại Thần tước vị và của báu nhiều vô kể.

Tôn Giả A Nan bạch Phật: Lời dạy chí thành của bà mẹ chẳng phải là lớn lao lắm sao!

Đức Phật nói: Thật rất lớn lao!

Tôn Giả A Nan lại hỏi Đức Phật: Về đời sau này, mọi người đều nên thực hành lời dạy ấy?

Đức Phật nói: Có người theo, có kẻ không theo lời dạy ấy!

Vì sao như vậy?

Là vì về đời sau này dân chúng đa phần nghịch loạn, quý trọng điều ác, khinh khi điều lành, tình ý phóng túng, bề tôi muốn hại vua, con giết cha mẹ, đệ tử hại thầy, chẳng nhớ tưởng tới công đức cao dày, chẳng nghĩ đến công ân dưỡng dục, muốn hại tất cả, chỉ biết lo cho mình, ganh ghét thầy mình, chẳng khác nào oan gia, tội lỗi như thế chẳng lớn lắm sao?

Vì sao?

Bởi vì đệ tử đời sau, trước mặt tỏ ra khiêm cung, sau lưng lại muốn chống đối, lòng dạ không trung thực. Tôn Sư ra đời là nhằm tuyên dương, truyền bá đạo pháp, giáo hóa, độ thoát tất cả chúng sinh, nên phản bội, ganh ghét, độc ác đối với Tôn Sư là những tội đầu trong các tội, không thể lấy cái gì mà nêu bày cho hết được.

Còn người đức hạnh ở đời sau thường thường cũng có, giống như cây cối trong thiên hạ tuy nhiều nhưng cây thơm, cỏ thơm thì hiếm lắm. Đất núi càng ít có vàng báu. Người tốt làm phước đức cũng lại như vậy. Khi người xấu làm ác thì bè đảng hùa theo rất đông. Người hiểu biết điều chân chánh rất ít.

Thời Phật Di Lặc ra đời, người nhân đức mới nhiều, biết quý trọng điều thiện, khinh chê điều ác, không có bọn a dua, đạo đức hưng thịnh, phát triển khắp chốn không thể nói hết được.

Mọi người chuyên tu theo đạo đức vô thượng, không làm điều tội ác xấu xa, luôn hiếu thuận với song thân, tôn kính bề trên, vâng lời Sư Trưởng, quy y Tam Bảo, do đó ba thừa được hưng khởi, phát huy, ba độc bị tiêu diệt, người được hóa độ vô lượng, tất cả đều đạt đến đạo quả.

Tôn Giả A Nan nghe lời này rồi, buồn vui lẫn lộn nghĩ rằng, nếu như ở đời vị lai mạt pháp mà có những hoạn nạn ấy thì đâu bằng những dân chúng ở vùng núi rừng hẻo lánh, tuy ngu dốt mà có thể biết rõ nẻo đi đến tới lui một cách thích hợp.

Nghĩ ngợi như vậy rồi Tôn Giả A Nan cung kính đảnh lễ Phật và lui ra.

***