Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT GIẢNG VỀ VIỆC

HỎI ĐÁP CHO TRƯỞNG GIẢ HÒA LỢI
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa tại nước Na Nan, ở trong rừng Ba Hòa Nại cùng với đại chúng Tỳ Kheo gồm năm trăm vị. Bấy giờ, trưởng giả Hòa Lợi đến thẳng chỗ Đức Phật, cúi đầu làm lễ rồi ngồi sang một bên.

Đức Phật bảo vị trưởng giả: Ta muốn hỏi ông, giả sử có bọn ma và quyến thuộc của chúng cùng vô số người ngoại đạo đến đây chất vấn ông và ông phải đáp lại. Vậy ông hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ.

Vị trưởng giả thưa: Thưa vâng, Thế Tôn, con nguyện vui lòng lắng nghe. Liền đó, trưởng giả và đại chúng vâng theo lời dạy và cùng nghe.

Đức Phật bảo vị trưởng giả: Sao gọi là đầu mối lớn lao?

Vị trưởng giả đáp: Thưa Thế Tôn, đầu mố lớn lao có bốn thứ.

Một là địa đại, hai là thủy đại, ba là hỏa đại, bốn là phong đại. Đó là bốn đầu mối lớn của sự vật.

Đức Phật nói: Sao gọi là địa đại?

Thưa: Gọi thế vì có năm đặc điểm: Đứng vững, rắn chắc, không mềm, thô cứng, có thể qua lại được.

Đức Phật nói: Hay thay! Hay thay! Này trưởng giả, ông có nhận xét rõ về các đặc điểm của địa đại đều vĩnh viễn không hiện ra chăng?

Trưởng giả đáp: Thưa Thế Tôn, thân con có thể biết vể địa đại, nhưng khi diệt mất thì không thể biết được.

Đức Phật nói: Hay lắm!

Lại hỏi: Sao gọi là thủy đại?

Đáp: Bạch Thế Tôn, thủy đại có năm đặc điểm: Thâm ướt, lưu thông, mềm mại, vụn nhỏ, không có hình dáng, cũng như cái lưới rộng lớn trùm khắp đến các gạch nối.

Đức Phật nói: Này trưởng giả, hay lắm, hay lắm.

Thế ông có thể biết thủy đại khi diệt mất thì không biết về đâu chăng?

Thưa: Bạch Thế Tôn, đã biết tất cả đều quy về vô thường thì vĩnh viễn không thật.

Đức Phật bảo vị trưởng giả: Sao gọi là hỏa đại?

Trưởng giả thưa: Nó là thứ ấm áp, có thể làm cho con người nóng lên, tạo sự tiêu hóa, có thể thiêu đốt, thuộc loại chiếu sáng.

Đức Phật nói: Này trưởng giả, hay lắm! Vậy ông có thể biết hỏa đại diệt hết thì lại không còn hiện ra chăng?

Thưa: Con có thể biết cái gì vô thường, quy về diệt tận thì không còn hiện ra.

Đức Phật bảo vị trưởng giả: Sao gọi là phong đại?

Trưởng giả thưa: Phong đại có năm đặc điểm: Nó là thứ lạnh lẽo, nhẹ nhàng, nhanh nhạy, có chỗ thổi thông, ra vào thuận lợi tạo ra tiếng vang.

Đức Phật nói: Hay lắm! Hay lắm! Vậy ông có thể biết phong đại đột nhiên biến mất lại không hiện ra chăng?

Đáp: Thưa Thế Tôn, có thể biết được phong đại tự nhiên mất hết.

Đức Phật nói: Hay thay! Hay thay! Này trưởng giả!

Đức Thế Tôn lại hỏi: Há chẳng nhìn thấy âm thanh tịch tĩnh của các đại kia chăng?

Đáp: Thưa vâng, đã biết âm thanh của các đại kia bình đẳng như đã gọi, đó là bốn đầu mối lớn lao.

Đức Phật hỏi: Bốn đại làm sao tồn tại?

Đáp: Dựa vào tham dục, ăn uống, ân ái mà tồn tại.

Lại hỏi: Bốn đại kia nương dựa như thế nào?

Thưa: Chúng lần lượt nương dựa vào nhau.

Lại hỏi: Cái nhắm hướng đến của bốn đại là gì?

Thưa: Cái nhắm đến là sắc và các nhập.

Lại hỏi: Chỗ quy về của các nhập là gì?

Thưa: Chỗ quy về của các nhập là phiền não, tội lỗi.

Lại hỏi: Phiền não, tội lỗi do cái gì?

Thưa: Bạch Thế Tôn, do thức và thân, mỗi mỗi tự chia khác, tự ly tán.

Lại hỏi: Khi mạng hết, thân hoại thì hướng tới chỗ nào?

Thưa: Há có chỗ để hướng đến!

Thân không tâm ý, thân và thức mỗi mỗi riêng biệt.

Lại hỏi: Này trưởng giả, tiếp tục lấy cái thức cũ để về với chỗ nhằm hướng đến, hay lại có cái thức khác chăng?

Thưa: Bạch Thế Tôn, không mang theo thức cũ để về với chỗ nhằm hướng đến nhưng không lìa thức cũ, cũng không có thức khác.

Lại hỏi: Này trưởng giả, làm thế nào nhận biết được các pháp?

Thưa: Thí dụ như, thưa Đức Thế Tôn, mắt nhận thức đều khác thường, tai cũng nhận biết điều khác lạ không cùng hợp với nhau. Như vậy thưa Thế Tôn, cứ như thế mà chìm đắm trong sinh tử mọi sở kiến như vậy là không hề chán, lấy đó mà duy trì thân mạng.

Đức Phật nói: Này trưởng giả, hay thay, hay thay! Nay ông đã đáp được tất cả những điều ta nêu hỏi, vậy xét rõ chúng là thật, không hư hay là không thật?

Thưa: Không thật.

Tại sao như vậy?

Là vì Đại Thánh đã dạy ở trong thế gian ngã và ngã sở đều không thật, lòng ham muốn và các pháp đều hư. Con nghĩ, thưa Thế Tôn, các sự việc thế tục ấy đều do hư vọng mà có, chưa từng có các pháp thật.

Đức Phật nói: Hay thay! Hay thay!

Này ông trưởng giả, giả sử có ai nói: Việc đời đều là hư vọng, thì đây là điều chưa từng có, là Chư Phật nói.

Tại sao như vậy?

Bởi vì mọi sự việc ở đời đều là hư vọng, không có một cái gì là thật, ở thế gian này, những kiến giải như thế đều là chưa từng có.

Đức Phật đã thuyết giảng như vậy, trưởng giả Hòa Lợi đã nhận lãnh lời dạy và hoan hỷ ra về.

***