Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

GIẢNG VỀ VIỆC KHÔNG SỢ
 

Ngày xưa có một người tánh tình vốn hiền lành, nhân đức, phụng thờ Kinh pháp, giữ giới luật, dốc sức tu tập tinh tấn, vun bồi đức hạnh.

Mỗi ngày đều tự nghiêm khắc trách mình, việc làm không vướng tội lỗi xấu ác, bản thân luôn tuân hành theo lề lối sống trong thiên hạ, đi lại với bốn chúng, dứt hết những ý tưởng cấu uế, hành động chân chánh không bị mê hoặc, tu tập sáu pháp của hàng Bồ Tát là: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm và trí tuệ, dứt mọi nẻo mong cầu, dùng đạo pháp để tự bảo vệ, đến với bạn đồng học không hề có tâm tính toán sai khác.

Như ở đâu có Pháp Hội, ông liền đến đó để Nghe Kinh, không nhàm chán mệt mỏi, luôn nhớ nghĩ đến công đức của Phật, tán thán Phật là bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, đạo pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, là Phật Thế Tôn, ân đức của Đức Phật ấy đã ban bố lưu truyền rộng khắp.

Ông cũng ca ngợi diệu nghĩa của đạo pháp, ý chí chỉ đặt ở nẻo vô vi giải thoát là gốc của đạo pháp, luôn thâm đượm dịu ngọt hương của giáo pháp lan tỏa rộng khắp, mười phương thảy đều hay biết, bỏ ác tích thiện, còn ở nhà là ô nhiễm, xuất gia mới là vô vi, giải thoát, ý chí thường suy tư về giáo pháp, lấy giáo pháp làm nhiệm vụ.

Chuyên cần tụng Kinh Pháp như uống nước Cam Lộ, giáo pháp là thuốc đạo trị liệu nhiều bệnh, giáo pháp là cây cầu nối thông các nẻo qua lại, giáo pháp là chiếc thuyền đưa những người chưa giác ngộ tới được bến giác, giáo pháp là mặt trời, mặt trăng chiếu sáng ngày đêm, trừ khử tố tăm, làm tiêu tan bóng tối che phủ, thấy được nơi vô hình.

Ông lại tin tưởng ở Thánh Chúng, các vị tu học trong chúng cũng như các dòng nước chảy dồn về biển lớn. Những vị trong Thánh Chúng, hoặc đã đắc quả Đạo Tích, hoặc đắc quả Vãng Lai, hoặc đắc quả Bất Hoàn, hoặc thành tựu đạo quả Vô Trước, quả Duyên Giác, hoặc hành Bồ Tát hạnh, cho đến bậc bất thoái chuyển.

Nhất sinh bổ xứ và chứng được đạo quả vô thượng chánh chân, cũng do từ đấy mà sinh ra, giáo pháp ấy là vô tận, không bờ bến giới hạn, nói chung biển đạo pháp là hết sức sâu xa vi diệu. Nẻo phụng sự hành hóa của Bồ Tát luôn qua lại cùng khắp để độ thoát tất cả muôn loài, không gì là không dốc sức tế độ.

Nhờ vào trí tuệ giác ngộ cao diệu, nên không còn bị một nơi chốn nào ngăn ngại.

Người ấy mỗi khi hành động, ra vào nơi bốn chúng, thường ca ngợi Tam Bảo, bản thân thì tự quy y, từ đó giáo hóa tất cả, thường tôn trọng ba việc:

Một là dấy khởi, tạo lập công đức như tu sửa Chùa Phật.

Hai là tụng Kinh niệm đạo, tuyên dương Kinh Điển, giáo pháp.

Ba là tâm ý luôn định tĩnh, dứt mọi phóng dật, phụng trì, thể hiện bốn tâm vô thượng là: Từ, bi, hỷ, hộ, thực hành các phép không, vô tướng, vô nguyện, hiểu rõ nẻo quyền biến khéo léo, tùy thời mà hóa độ người, khiến họ phát đạo tâm.

Khi người ấy tuổi đã lớn, thọ mạng sắp hết, thì những người trong bốn chúng cùng học, những người bà con gần gũi trong vùng và các nơi khác đều đến thăm hỏi: Sắp ra đi không gì phải lo sợ, luôn an tâm, chớ sợ.

Người kia liền làm bài kệ đáp:

Các ác ta lánh xa

Làm công đức tối đa

Nay thân này đã hết

Sợ hãi sạch lòng ta.

Giống như cây cầu nối

Trụ cứng cầu vững đà

Như người đi thuyền chắc 

Bờ giác ngộ ắt qua.

Mọi người nghe kệ thảy đều vui mừng hớn hở. Người kia mạng chung, sau khi chết được sinh lên Cõi Trời Đâu Suất cung kính đảnh lễ Phật Di Lặc, chứng được quả bất thoái chuyển, cùng với các vị Bồ Tát giảng Kinh, Luận Pháp, khai thị giáo hóa những chúng sinh chưa được giác ngộ.

***