Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT KINH NA LẠI
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm nằm mươi vị hội đủ. 

Lúc bây giờ, có một vị Tộc Tánh Tử bỏ nhà, xa vợ con, lìa quyến thuộc để làm Sa Môn. Người vợ đoan chánh, xinh đẹp, thấy chồng bỏ nhà đi tu liền tái giá.

Vị Tộc Tánh Tử nghe được tin ấy, lòng nghĩ nhớ những lúc cùng vợ vui vẻ: Khi thì vợ chồng giữ lễ tương kính, khi thì cùng nhau cười đùa, phóng túng. Lòng tưởng nhớ không chút nguôi ngoai, hình bóng vợ luôn ám ảnh, khiến Tộc Tánh Tử hình đáng tiều tụy, nếp sống luôn luôn sầu thảm, không ham thích việc tịnh tu phạm hạnh, liền định quay về nhà.

Các vị Tỳ Kheo hay được, bèn đến bạch Phật. Đức Phật kịp thời cho gọi Tộc Tánh Tử đến. Tộc Tánh Tử lập tức tới nơi, làm lễ Phật, ngồi sang một bên.

Đức Phật liền vì Tộc Tánh Tử mà dứt trừ vọng niệm về sắc dục, lỗi lầm về si ái, giảng dạy về sự nhơ bẩn của phiền não cấu nhiễm, vui ít buồn nhiều, nhiều thất bại ít thành đạt, diễn ra không giới hạn, chỉ có Đức Phật và các đệ tử sáng suốt của Ngài mới phân biệt nhận rõ được.

Ái dục sinh tội lỗi, nhiều không kể xiết, vượt khỏi sắc dục, dứt bỏ mọi tưởng về chúng thì mới có được cuộc sống vắng lặng để học hỏi Diệu Đế.

Sau khi nghe Phật thuyết giảng, vị Tộc Tánh Tử liền thấu rõ pháp sáng suốt của bậc Thánh Hiền, đồng thời các vị Tỳ Kheo cũng đạt được điều chưa từng có.

Các vị ấy cùng nhau bàn bạc: Chúng ta hãy ngẫm nghĩ xem việc này, quả là vị Tộc Tánh Tử đã lìa bỏ gông cùm, xiềng xích của tù ngục gia đình, nhưng lại tự ràng buộc tư tưởng tham đắm về vợ con, không chuyên tu phạm hạnh, Đức Thế Tôn đã kịp thời, bằng những phương tiện thông tuệ của bậc Như Lai mà khai thị cho, khiến cho con người trở nên Hiền Thánh.

Khi ấy, các vị Tỳ Kheo thưa với Đức Thế Tôn: Chúng con xét thấy quả là vị Tộc Tánh Tử có lìa bỏ gia đình, quyết làm Sa Môn, nhưng lại tưởng nhớ tới vợ con, gia sự. Đức Thế Tôn đã vì ông ấy mà chỉ ra lỗi lầm của ái dục, công năng của giới luật, hoạn nạn của sinh tử và sự an vui của cõi Vô Vi giải thoát khiến cho người tu tập đạt đến cảnh giới của bậc Thánh, dứt mọi tham đắm, vướng mắc.

Làm được việc này, ngoài Đức Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Giác ra, không còn ai có thể thực hiện được.

Đức Phật nói: Này các vị Tỳ Kheo, vị Tỳ Kheo ấy, chẳng phải mới đời này dấy lòng tham đắm sắc dục, tình ái, không thể tự kiềm chế tâm, ý bị ràng buộc với ái dục không thể dứt ra được. Đây cũng không phải lần đầu ta khuyến hóa ông ấy dứt trừ những mê hoặc của ái dục mà ngay trong đời quá khứ xa xưa kia, ta cũng đã từng làm việc ấy rồi.

Đức Phật kể: Trong thời quá khứ, có một vị Quốc Vương tên là Phương Tích, trong cung có rất nhiều mỹ nữ nhan sắc mặn mà không đâu sánh kịp.

Bọn họ hay cùng với người khác tranh cãi, như với bọn gái dâm đãng không chút xót thương, hoặc với các tỳ nữ, đám Đồng Tử cũng cấu tranh giành.

Mọi người đều gây gỗ không chịu hòa mục với nhau, vừa gây gỗ xong, liền kéo ra khỏi cung đi mất. Vua Phương Tích nghe được chuyện này bèn nổi giận.

Bọn mỹ nữ ấy đi đâu mà đám gia nhân tìm không thấy khiến Nhà Vua ưu sầu chẳng vui, lại khóc lóc thảm thương. Vua luôn tưởng nhớ những người phụ nữ, nhớ lúc cười đùa vui vẻ, nhớ cảnh tình nghĩa vợ chồng, giờ đây, mọi tâm tư, hành động đều hướng về họ, nên dù có đờn ca xướng hát cũng chỉ thêm buồn, chẳng ích lợi gì. Nhà Vua không thể tự thoát ra khỏi tình cảnh này.

Lúc bấy giờ có một vị Tiên Nhân, đầy đủ năm thứ thần thông, dùng thần túc bay đi, oai lực vô cùng, tên là Na Lại, đời Tấn gọi là Vô Lạc, thấy Vua Phương Tích bị mê hoặc theo nẻo ái dục, không thể tự cởi bỏ được, nên đem lòng thương xót, muốn vì Nhà Vua mà dứt trừ hoạn nạn của ái dục.

Vị Tiên Na Lại bay trong không trung, thể hiện thần thông, đột nhiên đáp xuống giữa điện Vua. Nhà Vua trông thấy, liền đứng dậy nghênh đón, nhường chỗ mời ngồi.

An tọa xong, vị Tiên hỏi Nhà Vua: Do đâu mà tâm ý của Đại Vương đắm nơi ái dục, luôn nghĩ ngợi lao lung, tư tưởng về tình ái, sắc dục, không thể tự ngăn mình lại?

Nhà Vua kính cẩn cứ sự thật nêu rõ ràng việc thể nữ trong cung tranh giành về địa vị: Lớn, nhỏ, trên, dưới không chịu hòa với nhau, tất cả đều bỏ đi. Đây chính là nỗi ưu sầu, lo lắng không sao cởi mở được. Lúc ấy, vị Tiên Nhân vì Nhà Vua mà thuyết giảng về các khổ nạn của ái dục, về các công đức của việc xa lìa ái dục.

Vị Tiên nói: Người đời tìm cầu về dục không biết thỏa mãn. Giả sử có một người thỏa mãn được mọi ham muốn nhưng vẫn không hề thấy mình là đầy đủ.

Bèn nói bài kệ:

Người đời bao ham muốn

Biết chán không một ai

Mọi nẻo đều nguy hại

Cớ sao tự giết mình.

Tất cả các dòng nước

Đều đổ về biển khơi

Chẳng hề thấy đầy đủ

Không chán ai cũng thế.

Ví được làm Phạm Thiên

Sang quý nào ai kịp

Chỗ dục lại còn hơn

Chẳng hề biết chán đủ.

Giả sử Cõi Diêm Phù

Hết mọi thứ cây cỏ

Thiêu đốt mãi không chán

Dục chẳng đủ cũng vậy.

Như tám hạng nam tử

Đoan chánh, dung mạo tươi

Tất cả thêm về dục

Uy lực đoan chánh tốt,

Như vì lời thêm ác

Hủy dục nơi trượng phu

Không đáng khinh lại khinh

Chưa chán, cho là chán.

Đại vương phải nên biết

Như học theo ái dục

Ân ái càng thêm tăng

Khác nào uống nước mặn.

Vị Tiên Nhân đã vì

Vua Phương Tích giảng giải

Nói bài kệ thông thiết

Khiến vua được thông tỏ.

Bấy giờ, vị Tiên Nhân đã vì Vua Phương Tích đem giáo pháp ấy mà khai thị giáo hóa, khiến Nhà Vua liền được cởi mở, hiểu rõ, không còn ham chuộng nẻo hoan lạc, xuất gia học đạo, tu tập bốn phạm hạnh, đoạn trừ ái dục, nghiêm trì đầy đủ giới luật, sau khi mạng chung được sinh lên Cõi Phạm Thiên.

Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Có lẽ các ông đều muốn biết vị Vua Phương Tích thời ấy là ai?

Đó là vị Tỳ Kheo này chỉ vị Tộc Tánh Tử, còn Tiên Nhân Na Lại chính là tiền thân của ta đấy. Kiếp xưa gặp nhau, đời này gặp lại.

Đức Phật đã thuyết giảng như thế, không một vị Tỳ Kheo nào là không hoan hỷ.

***