Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

KINH NHÀN CƯ
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật du hóa ở nước Câu Lưu, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo năm trăm vị. Phật và Thánh Chúng vừa đến nơi xóm làng ở trong thành thì tự nhiên ở đấy vang lên âm thanh tốt đẹp. Đức Phật liền đi vào trong ấy.

Bấy giờ, nơi xóm làng đó, có ông Phạm Chí trưởng giả cùng với vô số dân chúng thảy đều nghe rõ như thế này: Có Đấng chí nguyện lớn lao, tịch tĩnh, họ là Cù Đàm, thuộc dòng Thích Ca nổi tiếng, đã ra khỏi nước, đang đi đến xóm làng trong thành cùng với năm trăm vị đại Tỳ Kheo.

Đức Phật Đại Thánh này tiếng tăm vang lừng khắp mười phương, không ai là không ca ngợi, tán dương. Những kẻ nghi ngờ thì co lại, nơm nớp sợ hãi, còn mọi người thì ai mà chẳng mừng rỡ, kính ngưỡng.

Tôn hiệu của Ngài là Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư, Hiệu Phật Thế Tôn, luôn đem lòng thương xót đối với Chư Ma, Phạm Thiên, Sa Môn, Phạm Chí, cả trên Trời lẫn nhân gian, khai hóa loài Trời, người.

Ngài chứng sáu thứ thần thông, riêng mình qua lại tự tại trong ba cõi, thuyết pháp nói Kinh, lời giảng dạy trước sau như một, luôn thể hiện điều tốt đẹp dẫn dắt về nẻo thiện, phân tích nghĩa lý vi diệu để thấy được chân lý, tịnh tu phạm hạnh.

Lành thay! Phước đức biết bao! Nếu được gần gũi hầu hạ Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác ấy, nếu như thành kính thọ trì đạo pháp của Ngài thì công đức thật là vô lượng.

Lúc ấy, ông trưởng giả Phạm Chí đến thẳng chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi ngồi sang một bên. Từ chỗ ngồi hướng về Đức Như Lai, ông trưởng giả khiêm cung chắp tay thỉnh lời vấn an Đức Phật.

Đức Thế Tôn bảo ông trưởng giả Phạm Chí: Giả sử có người đến hỏi ngươi: Loại Sa Môn nào thì không nên phụng sự cúng dường?

Ông đáp: Con không được rõ, cúi xin Đức Phật chỉ dạy cho!

Đức Phật nói: Đó là loại Sa Môn, Phạm Chí mắt còn tham đắm sắc đẹp, tai còn mê tiếng hay của năm ấm, mũi còn ưa hương thơm, miệng còn ham vị ngon, thân thích va chạm trơn láng mịn màng, tâm ý chạy theo các pháp, chẳng dứt bỏ dục vọng, tham lam ganh ghét, vướng buộc vào nẻo ái ân, chỉ cầu không biết chán, luôn luôn bị lửa dục nung nấu trong sự thống khổ. Với những Sa Môn, Phạm Chí như thế thì không nên tôn kính, phụng sự cúng dường.

Ông trưởng giả thưa với Phật: Nếu có người đến hỏi như trên, con phải đáp lại như thế thì mới ứng hợp nghĩa lý tốt đẹp cùng nẻo hành hóa của giáo pháp.

Tại sao vậy?

Là vì chúng con còn tham vướng các pháp: Sắc, thanh, hương, vị và xúc, còn say đắm ái ân, tham cầu không biết chán và các thứ khác nữa, còn bị mê hoặc theo năm ấm, sáu trần, chạy theo quan tước, bổng lộc, của cải, giàu sang, không biết mệt mỏi. Như thế thì hàng Sa Môn, Phạm Chí theo như Đức Thế Tôn dạy, khác gì người thế tục như chúng con, vì vậy chẳng nến phụng sự cúng dường những hạng người ấy.

Đức Phật bảo ông trưởng giả: Giả sử có người đến hỏi ông phải nên tôn trọng, phụng sự, cúng dường cho những vị Sa Môn, Phạm Chí nào, thì ông sẽ trả lời ra sao?

Phạm Chí bạch Thế Tôn: Cúng dường cho những vị đã không còn tham vướng năm ấm, sáu trần, tham dâm, giận dữ, ngu si, không bị nhiễm tập theo vọng niệm về sắc, thanh, hương, vị và cảm giác êm ái. Họ còn tích chứa các đức, luôn thể hiện sự ôn hòa, nhã thuận. Đấy chính là các bậc Phạm Chí, Sa Môn phải nên cúng dường phụng sự.

Đức Phật nói với ông Phạm Chí trưởng giả: Các ông vì sao nói những lời ấy?

Căn cứ vào đâu mà biết được các vị Sa Môn, Phạm Chí đã lìa bỏ được các sự tham dâm, giận dữ, ngu si và chỉ dạy cho mọi người cũng lìa bỏ được sự tham đắm về sắc, thanh, hương, vị và các cảm giác êm ái, dứt được lửa phiền não trong lòng và các dục tình không bờ bến?

Ông trưởng giả trả lời Đức Phật: Chúng con thường thấy có một số vị Sa Môn, Phạm Chí đoan chánh, tốt lành, họ đã xả bỏ được mọi ham muôn về sắc, thanh, hương, vị và các cảm giác êm ái, họ sống ở nơi chốn thanh vắng, hoặc ngồi bên gốc cây, hoặc ở những khoảng đồng trống, gò nổng, dứt bỏ mọi lỗi lầm xấu xa, lòng không một chút tham cầu, yên ổn tự tại một mình.

Họ đã đoạn trừ vĩnh viễn vọng niệm của các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức, xua diệt các đòi hỏi, giữ lòng rỗng lặng. Chúng con luôn xem xét và nhận biết các vị Sa Môn, Phạm Chí này lìa được tham dâm, giận dữ, si mê và cùng chỉ dạy cho mọi người cùng lìa bỏ các vọng niệm về sáu trần.

Được lãnh hội về sự dạy bảo như thế, ai cũng lấy làm vui mừng, nên đối với việc say mê ái ân cũng được trừ hết, các thứ mong cầu sắc dục, khi được sáng tỏ rồi thì cũng lìa bỏ luôn, như thế thì sẽ thực hiện được sự hạn chế một cách thích hợp việc cung phụng mọi sở cầu của mình. Đối với năm ấm, sáu tình cũng lại như vậy.

Con nhận xét các vị Sa Môn, Phạm Chí này sống ở chốn thanh tịnh, vắng lặng, an tọa bên gốc cây, hoặc ở trong quãng đồng rộng gò cao một mình và luồn yên định, đã dứt trừ vĩnh viễn mắt đắm sắc, tai mê tiếng, mũi mê mùi hương, miệng ưa vị ngon, thân thích tiếp xúc êm ái, ý chấp các pháp, luôn tích chứa gốc của các đức, thể hiện sự cung thuận, hòa nhã.

Các vị Sa Môn, Phạm Chí đã lìa bỏ tham dục, giận dữ, si mê rồi chỉ dạy mọi người cùng xa lìa các thứ trên. Chúng con đã quan sát và so sánh những hiện tượng đó, nên hôm nay chúng con xin quy y Phật, Pháp và Tăng, vâng giữ năm giới, làm người cư sĩ tại gia.

Đức Phật đã giảng nói như thế, các vị Tỳ Kheo không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***