Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

KINH PHẬT TÂM TỔNG TRÌ
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Nậu Đàn Nậu, chỗ bến nước gần bờ biển lớn, Đức Phật ngồi nơi Tòa Sư Tử ở rừng cây, cùng với vô số Chư Thiên và quyến thuộc của họ vây quanh, để vì họ thuyết giảng Đạo Pháp.

Bấy giờ, Đức Phật nói với Thiên Tử An Tường Ma Di Hoàn và Tịnh Cư Thân: Này các vị Thiên Tử, các vị nên biết có một pháp gọi là: Phật Tâm Tổng Trì, trong thời quá khứ, vì bốn bộ chúng, Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác đã thuyết giảng. Mãi đến đời sau này, pháp ấy đã cứu giúp, thu nhiếp ủng hộ tất cả chúng sinh khiến họ tìm về chánh pháp, thu hoạch được những lợi ích thù thắng đặc biệt.

Ta sinh đến đời này, nhằm giúp đỡ tất cả, vì các vị Bồ Tát cầu học đại thừa, đã chịu ân của pháp ấy, khiến đến được khắp cả, tất cả việc làm của họ đều siêu việt khác thường, do đó, ta nói ra pháp này.

Này các Hiền Giả, các vị cũng phải thọ lãnh, giữ gìn đọc tụng. Sau khi ta diệt độ rồi, mãi về đời sau này, bốn bộ chúng, những người cầu học đại thừa, nghe danh hiệu Chư Phật, phải phân biệt thuyết giảng, vì người khác thuyết giảng, tâm luôn nhẫn nhục thì tâm được tự tại.

Nghe được tiếng đã là khó, nêu bày được danh hiệu của Chư Phật thì phải có đức tánh siêu việt hơn người. Những điều giảng thuyết của Như Lai mà dốc thu nhiếp, giữ gìn là đã đạt được cái nguyện tối thượng và mọi sở kiến đều được tự tại. Nếu có ai muốn nghe Pháp Phật Tâm Tổng Trì thì phải vì họ mà thuyết giảng.

Toàn hội chúng cùng đáp: Thưa vâng, Thế Tôn! Chúng con xin thọ lãnh chánh giáo, như Đức Phật đã nói, trọn đời chẳng dám sai trái, khiến cho lời dạy của Đức Như Lai được truyền đi khắp nơi một cách đầy đủ.

Chúng hội lại hỏi: Thưa Thế Tôn, sao gọi là Pháp Phật tâm tổng trì?

Đức Thế Tôn đáp: Ta nay lần lượt nêu giảng: Pháp đó là sạch mọi cấu nhiễm, lìa cấu uế để tạo được tất cả diệu nghĩa, thảy đều đạt được, chỗ tạo tác công đức của nó là không có bờ bến, ba đời đều bình đẳng, thông suốt tất cả mười phương, gồm đầy đủ các tuệ.

Thị hiện tất cả các nơi chốn cất chứa, các pháp tự tại, đầy đủ tất cả mọi sự thành tựu, các nẻo hành hóa đều thông đạt, thấu tỏ khắp hết, bỏ tất cả kiến chấp ở trong ba cõi cho đến khắp mười phương đều an nhiên tịch tĩnh, đạt được các cửa giải thoát, nhận rõ pháp giới.

Cứu cánh cũng như mọi nương tựa vướng mắc, đều khiến nghĩ đến tất cả các việc đã làm, là nhằm vượt qua cái tâm còn lại, đạt được giải thoát rồi, trừ bỏ hết mọi trói buộc, chuyển chánh pháp khắp trong hư không.

Bản tánh thanh tịnh, không hề cấu nhiễm, hóa độ ba cõi, bình đẳng cả ba đời: Quá khứ, hiện tại và tương lai, đoạn trừ một cách rốt ráo, lìa mọi sở hữu, chứng đạt đạo quả bậc nhất, chỗ hành động như lời nói, mọi việc làm đều thành tựu, đem tất cả lòng đại từ, đại bi đến với tất cả mọi người, không người nào mà không hóa độ.

Đức Phật bảo: Này các vị Thiên Tử, đó là Pháp Phật Tâm Tổng Trì. Vì bốn chúng mà thuyết giảng, cầu đạt Bồ Tát thừa, ai dốc lòng đọc tụng, thân tâm luôn nhớ nghĩ đến, hiểu biết rõ ràng, chắc chắn, người thọ trì Kinh này, luôn tưởng nghĩ, thì giống như Đức Như Lai ngự tại đỉnh đầu, nghĩ tới là được thấy những gì có thể thấy.

Như có người được nghe thì có thể thuyết giảng Kinh Pháp. Hoặc có người thọ trì chưa từng bị quên, học đến rốt ráo, sẽ được an trụ nơi đạo pháp, an nhiên tịch tĩnh mà thuyết giảng Kinh.

Vì vậy mà giảng Kinh những điều cần được thọ trì đang được thọ trì, chưa từng nghi ngại. Do đấy, đối với Pháp Tổng Trì, về những điều được nghe thấy, đều có thể nhẫn nhục, nhờ vậy mà chỗ đạt được rộng lớn như biển.

Đạt được pháp nhẫn bất khởi, thì đối với tất cả các pháp luôn được tự tại, không hề bị ngăn trở, dẫn đến cửa giải thoát đầy đủ như ý.

Với pháp hiện tại, đối với giáo pháp của ta, các vị phải chịu trách nhiệm lớn, phải bỏ hết các gánh nặng khác đi. Các vị Tộc tánh tử ấy đã thấy được Phật, như thấy tất cả, phải nghe theo mà thọ trì. Quán tưởng theo pháp đó, chớ nên chấp vướng vào hình tướng, lại càng không nên hủy hoại và khinh dễ.

Thiên Tử Ma Di Hoàn bạch với Đức Phật: Thưa vâng! Chúng con xin vâng lời dạy, chẳng dám sai trái, phải tuyên giảng truyền bá lời dạy của Đức Như Lai đến cùng khắp, rồi với đời sau, lấy Kinh Pháp này, vì bốn chúng mà thuyết giảng, còn đối với các vị cầu Bồ Tát thừa thì cũng phải dốc sức phân biệt nhận rõ.

Như có người đọc tụng được, còn đối với những người quên thì phải vì họ mà chỉ rõ: Này các vị Tộc Tánh Tử, các vị phải nhận biết và lãnh hội pháp này, cùng khiến cho mọi người cũng được lãnh hội để giữ gìn những lời giảng dạy của Đức Như Lai. Chúng ta cũng phải cùng nhau nhận lãnh, thọ trì lời dạy ấy của Đức Như Lai. Những vị Tộc Tánh Tử như thế là đã hoàn thành được nghĩa lớn.

Đức Phật bảo Thiên Tử Ma Di Hoàn. Ông phải hết lòng phụng hành như nay đã nêu vì đó chính là giáo pháp của Phật. Đức Phật đã thuyết giảng như vậy, Thiên Tử Ma Di Hoàn, Chư Thiên Cõi Trời Tịnh Cư, tất cả các vị trong chúng hội, Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Người, A Tu La Nghe Kinh thảy đều hoan hỷ.

Đức Phật nói kệ:

Oan gia, giống tri thức

Giả dạng kết bạn thân

Các vua làm nhiều việc

Ngài là chủ đất đai.

Nước kia nhiều quan lớn

Thường sinh chuyện tranh giành

Thường vì nhìn nhau xấu.

Do đó nói Chú này: Đà cơ lị ni Đà bảo lị ni Sư Tỳ Kheo Quy la đà Đọa kệ đà Sa du đầu đà âu A di tỳ đâu ba Muội đán xí na chiên Quỵ ly na ba la Sí đề ni đà bàn ni Ni phi tán ni Ma ha man na nâu đà lị na.

Câu Thần Chú kia chỉ bấy nhiêu, nhưng đối với ta không hề hao tốn của cải, mà thảy đạt được mọi thành tựu. Như trong quá khứ, để có được câu Thần Chú ấy, phải dùng tay trao nhận, nặng nơi tay chân thì đầu gối được nâng đỡ, nặng ở xương đầu gối thì thường thấy nặng đều khắp, làm cho hông thấy nặng thì khiến cho phần dưới thân thể thấy nặng, ở cổ thấy nặng thì khiến cho con tim thấy nặng.

Làm cho bốn bộ chúng đều thấy câu Thần Chú này là quan trọng thì tất cả đều được bình đẳng, nơi chốn theo đuổi đạt đến, cái vẻ bề ngoài sẽ theo gió tan đi.

Âu na đề nô Âu na đề đà Âu di đề hồ Âu đề đồ thủ Phi kiện đà Sất xà, sất giả.

Chu đà xà dà Bà sa đề Ba sa đàn ni da ế ca di cừu di già la sí Chu la linh ma ni A đề đà.

Phù di tiện na y du la đầu Na sí kỳ đế di Tỷ xiển đế di Tát phi na lâu Di đàn nậu Nam Mô Ma ca ni A đế tỳ da.

Trì Chú này thì sẽ được mọi sự an lành và luôn được các Phạm Thiên khuyến khích, trợ giúp.

***