Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Sinh

PHẬT THUYẾT KINH SINH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
 

ĐỨC PHẬT THUYẾT

VỀ CHUYỆN ÔNG PHẠM CHÍ
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bây giờ, trời vừa sáng, Đức Thế Tôn mặc y, mang bát đi vào thành Xá Vệ khất thực theo thứ lớp. Vừa lúc đi đến nhà ông Phạm Chí thì từ xa ông đã trông thấy Đức Thế Tôn uy đức lồng lộng, các căn tịch tĩnh, an định, tâm ý an nhiên trong lặng.

Hàng phục các căn, không hề lộ vẻ suy yếu, như mặt trời lên khỏi sườn núi, như mặt trăng tròn đầy sáng ngời giữa các vì sao, như Đế Thích ngự ở cung Đao Lợi, như Vua Phạm Thiên ở giữa các Phạm Chúng, như trên núi cao có tuyết phủ ngút ngàn bổn phương đều trông thấy.

Như hoa trên cây đang nở tốt tươi, lòng Ngài lắng đọng như nước trong lành, thân tướng hết mực trang nghiêm với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, uy thần rực rỡ không thể kể xiết, nhìn Ngài như thấy mặt trời.

Ông Phạm Chí liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cùng với quyến thuộc bước lên phía trước để cung kính nghinh đón, đảnh lễ ngang chân Đức Phật, rồi thỉnh Ngài ngồi lên giường riêng.

Đức Phật ngồi vào chỗ ngồi rồi, ông Phạm Chí và vợ, lòng vô cùng mừng rỡ, dọn ra vô số đồ ăn ngon, tinh khiết, tự tay hết lòng dâng cúng.

Cơm nước xong, ông nâng bát rửa tay cho Đức Phật, rồi ngồi nơi giường thấp để nghe Đức Phật giảng Kinh. Khi ấy, Đức Thế Tôn vì ông Phạm Chí và vợ con, đám nô bộc, tùy tùng của gia đình đó mà thuyết giảng Kinh Pháp, khai mở tâm ý của họ, chỉ rõ về nghĩa lý nơi các giáo pháp của Chư Phật.

Tùy theo căn cơ của họ mà phân biệt giảng giải về sáu pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, ứng theo bệnh mà cho thuốc, khiến họ hiểu rõ về bốn chân lý khổ, tập, diệt, đạo.

Khi đó, ông Phạm Chí và vợ con, kẻ nô bộc, kẻ tùy tùng, ngay tại chỗ ngồi, đã kịp hiểu về bốn Thánh đế, biết nắm chỗ quan trọng trong lời dạy của Đức Phật, chứng được thiên nhãn, quy y Phật, Pháp, Tăng, vâng giữ năm giới.

Ông Phạm Chí liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cung kính đảnh lễ và thưa với Thế Tôn: Hôm nay, nhờ ân dày của Đức Đại Thánh, làm rõ nghĩa hay nên chúng con đã lãnh hội được, độ thoát các hoạn nạn, tất cả là nhờ sự cứu giúp của Đức Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, như vầng mây lớn lan tỏa khắp hư không, như mưa rơi khắp Trời Đất, nhiều chỗ được thấm nhuần.

Đức Thế Tôn là như vậy, thường lấy lòng đại từ vô bờ mà rộng nói pháp lớn.

Đức Phật bảo các vị Tỳ Kheo: Hôm nay các vị có nghe chính từ miệng ông Phạm Chí những lời tán dương hết mực không?

Các vị Tỳ Kheo đáp: Vâng thưa Thế Tôn, chúng con đều đã thấy, đã nghe.

Đức Phật nói: Hôm nay, ông Phạm Chí này cùng với quyến thuộc đều đã thu được lợi ích lớn lao, đầy đủ như thế. Ta ở đời trước đây, cũng đã từng làm cho ông Phạm Chí ấy đạt được nhiều lợi ích như vậy.

Đức Phật kể: Về thời quá khứ xa xưa, ở thành Ba La Nại  có một vị Tôn Giả tên là Sở Thủ, thuộc dòng Phạm Chí, trí tuệ thông minh, hiểu biết nghĩa lý, lời lẽ ngôn từ đối đáp luôn dịu dàng thông suốt làm cho Vua luôn kính nể, thường được lòng Vua. Nước này có nhiều rượu bồ đào ngon và đồ ăn thức uống dồi dào nên Nhà Vua và dân chúng thường ăn uống vui thích.

Một hôm nọ, ông Phạm Chí bày ra một thuật khéo léo lạ lùng rất là vui vẻ khiến Vua ngạc nhiên và vô cùng hoan hỷ nên ban cho ông một đặc ân là ước muốn gì cũng được.

Ông Phạm Chí tâu với Vua: Tôi phải trở về nhà hỏi ý kiến vợ xem muốn cầu xin điều gì?

Nhà Vua bằng lòng.

Ông Phạm Chí về đến nhà hỏi vợ: Ta làm được thuật lạ, khiến Vua hoan hỷ, hứa đáp ứng sở nguyện của ta, vậy bà muốn có được những gì hãy bảo thật với ta đi, vì bà, ta sẽ đem về cho!

Người vợ hỏi: Còn ông thì nguyện xin cái gì?

Ông Phạm Chí đáp: Ta nguyện xin một huyện.

Vợ đáp: Thì cứ xin một huyện, ấp đi!

Còn tôi thì xin trăm món trang sức như chuỗi ngọc anh lạc, vòng đeo tay bằng ngọc, y phục đủ loại và cả nô tỳ, sữa, đề hồ, đồ ăn thức uống nữa.

Ông Phạm Chí lại hỏi con trai: Con muốn cầu xin gì?

Con trai đáp: Sở nguyện của con là không phải đi bộ nữa mà được đi xe ngựa, cùng với Thái Tử và Đại Thần đi du ngoạn.

Ông lại hỏi con gái: Chí nguyện của con muốn gì?

Con gái đáp: Sở nguyện của con là muốn được nhiều châu báu để trang sức, quần áo thuộc loại sang đẹp nhất để cho giữa hàng ngàn con gái khác, một mình con nổi bật hơn cả.

Ông Phạm Chí lại hỏi đám nô tỳ: Muốn cầu xin cái gì?

Kẻ nô bộc thưa: Kẻ nô bộc muốn được xe cộ, trâu bò, các dụng cụ để cày ruộng.

Đám hầu hạ thưa: Muốn được cối xay, cối giã để giã lúa, nghiền bột là an tâm, vì nếu ông bà, cô cậu không được ăn uống thì chúng tôi chẳng vui vẻ gì.

Bấy giờ, ông Phạm Chí trở lại Hoàng Cung thưa với Nhà Vua đầy đủ đầu đuôi về những điều cầu xin của đám vợ con, nô tỳ, lại dùng kệ ca ngợi:

Xin Đại Vương nghe đây

Sở nguyện đều lạ thay

Nhà tôi lòng đều khác

Vợ đòi ngọc đầy tay.

Trai thì xin xe ngựa

Gái cầu trang sức hay

Nô tỳ tôi nuôi dưỡng

Thì xin ruộng, cối xay.

Nhà vua dùng kệ đáp:

Theo chỗ muốn của ông

Mà cho chẳng trái lòng

Khiến Phạm Chí khi ấy

Được vui sướng vô cùng,

Nhà vua đều cho cả

Mỗi mỗi theo nguyện mong

Được đầy đủ như ý

Lòng đầy nỗi vui mừng.

Đức Phật bảo cho các vị Tỳ Kheo biết, vị Quốc Vương thời đó là bản thân Ngài, ông Phạm Chí ngày ấy nay là ông Phạm Chí hiện tại, vợ con, đám nô tỳ ngày trước của ông ta thì nay cũng vậy.

Đức Phật thuyết giảng như thế, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

***