Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tam Muội Ngồi Thiền

PHẬT THUYẾT

KINH TAM MUỘI NGỒI THIỀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN BỐN

PHÁP MÔN TRỊ LO NGHĨ
 

Nếu người nhiều lo nghĩ phải tu tập pháp môn A Na Ban Na Tam Muội.

Có ba hạng người học: Người mới thực tập, người đã thực tập, người thực tập đã lâu.

Nếu người mới thực tập thì nên dạy: Nhất tâm đếm hơi thở ra vào, hoặc dài hoặc ngắn, đếm từ một đến mười.

Nếu người đã thực tập thì nên dạy: Đếm số hơi thở từ một đến mười theo hơi thở ra vào, niệm cùng hơi thở, dừng tâm một chỗ.

Nếu người đã thực tập lâu nên dạy: Sổ, tùy, chỉ, quán, chuyển quán, thanh tịnh.

A Na Ban Na Tam Muội có sáu môn, chia thành mười sáu phần.

Thế nào là nhất tâm đếm hơi thở vào?

Hơi thở vào đến cùng, đếm một. Hơi thở ra đến cùng, đếm hai. Nếu thở chưa hết hơi mà đếm là sai. Nếu đếm từ hai đến chín mà lẫn lộn thì phải đếm lại từ đầu là một. Ví như nhà toán học tính một cộng một là hai, hai cộng hai là bốn, ba lần ba là chín… không sai một mảy.

Hỏi: Tại sao phải đếm?

Ðáp: Vì dễ đắc pháp quán vô thường, cũng dứt các suy nghĩ nên được nhất tâm. Thân tâm sanh diệt vô thường, tương tợ liên tục khó thấy, nhờ hơi thở vào ra mà sanh diệt vô thường dễ biết, dễ thấy.

Lại nữa, tâm buộc tại số đếm, dứt các suy tư, đó là: Suy tư về dục, suy tư về nóng giận, suy tư về buồn phiền, suy tư về thân quyến, xóm làng, suy tư về cõi nước, suy tư về bất tử. Người muốn cầu tịnh tâm để vào chánh đạo, trước hết phải trừ bỏ ba thứ suy tư thô, sau trừ ba thứ suy tư tế.

Trừ hết sáu thứ suy tư này sẽ được tất cả pháp thanh tịnh. Ví như người đãi vàng, trước lựa bỏ sỏi lớn, sau mới lần lượt loại bỏ sạn, cát nhỏ rồi mới được vàng.

Hỏi: Thế nào là bệnh thô?

Thế nào là bệnh tế?

Ðáp: Suy tư tham dục, nóng giận, não hại là ba thứ bệnh thô. Suy tư về thân thuộc, cõi nước, bất tử là ba thứ bệnh tế. Trừ hết những thứ suy tư này thì sẽ được tất cả pháp thanh tịnh.

Hỏi: Người chưa đắc đạo, kiết sử chưa đoạn, sáu thứ suy tư mạnh mẽ từ tâm khởi lọan thì làm sao trừ được?

Ðáp: Tâm chán thế gian, tu chánh quán thì có thể chặn mà chưa thể nhổ tận gốc. Sau khi đắc đạo vô lậu mới nhổ tận gốc kiết sử.

Thế nào là chánh quán?

Thấy người đa dục cầu dục khổ

Ðược rồi giữ gìn, càng khổ thêm

Khi mất, buồn rầu là khổ lớn

Khi tâm được dục, không hết khổ

Dục là vô thường, khổ, rỗng không

Nhóm họp đủ cả, biết nên bỏ

Ví như rắn độc vào trong nhà

Không gấp diệt trừ, hại ắt đến.

Bất định, không thật, không giá trị

Cầu mong những thứ vui điên đảo

Bậc A La Hán sáu thần thông

Dạy bảo đệ tử cảnh giác dục

Ông không phá giới, giới thanh tịnh

Không cùng người nữ ở chung nhà

Rắn độc tham dục đầy nhà tâm

Vui ái buộc ràng chẳng lìa nhau

Ðã biết giới thân không thể phá

Tâm ông cùng lửa dục ở chung

Ông là người xuất gia cầu đạo

Cớ sao buông lung tâm như vậy!

Cha mẹ sanh ra, nuôi lớn ông

Thân thuộc yêu thương cùng tác thành

Họ đều rơi lệ quyến luyến ông

Ông đành lìa xa không đoái tưởng

Mà tâm luôn luôn nghĩ đến dục

Vui đùa cùng dục, tâm không chán

Thường thích ở chung cùng lửa dục

Vui vẻ thích thú, không tạm lìa.

Như vậy là các cách quở trách tham dục và các pháp chánh quán trừ tham dục.

Hỏi: Làm thế nào để diệt sự nóng giận?

Ðáp: Trụ thai, xuất thai luôn bị khổ

Chúng sanh như vậy chớ giận, hại!

Nóng giận khởi lên, từ bi diệt

Từ bi sân hận, chẳng hiệp nhất.

Ông niệm từ bi, sân hận diệt

Ví như sáng tối không cùng chỗ

Nếu trì tịnh giới mà nóng giận

Người ấy tự mình phá pháp lợi.

Ví như đàn voi vào nước tắm

Lại lấy đất bùn trây khắp thân

Tất cả đều bị già bệnh chết

Mọi thứ đánh đập trăm ngàn khổ

Vì sao người hiền thương chúng sanh

Ta lại tăng thêm sự sân hận?

Nếu sanh sân hận muốn hại người

Chưa hại được người, tự đốt ta

Nên thường thực hành hạnh từ bi

Trong không sanh niệm sân não hại

Người nào thường nhớ hành pháp thiện

Tâm ấy thường làm điều Phật nghĩ

Vì vậy không nên nghĩ bất thiện

Thường nghĩ pháp lành, tâm vui vẻ

Nay vui, đời sau cũng được vui

Ðắc đạo thường vui là Niết Bàn

Nếu tâm ôm ấp việc bất thiện

Tự mình mất lợi, hại kẻ khác

Gọi là mình người đều mất thiện

Người có tịnh tâm cũng chìm mất

Ví như Đạo Nhân ở chỗ vắng

Giơ tay khóc lớn: Giặc cướp tôi.

Có người hỏi: Ai cướp ông?

Ðáp: Giặc cướp của cải tôi không sợ.

Tôi không chứa của cải, cầu lợi ở đời thì giặc của cải nào hại được tôi?

Tôi tu tập thiện căn, các Pháp Bảo, giặc giác quán đến phá hoại lợi ích của tôi, giặc cướp của cải thì có thể tránh, có nhiều nơi để giấu còn giặc cướp pháp lành thì không có chỗ trốn. Như vậy là các cách quở trách nóng giận và các pháp chánh quán trừ nóng giận.

Hỏi: Làm thế nào để trừ não hại?

Ðáp: Ðáp rằng chúng sanh trăm ngàn loại

Các bệnh thay nhau đến bức não

Giặc chết thường rình muốn giết hại

Tự chìm đắm trong vô lượng khổ

Tại sao lại não hại người hiền?

Chê bai mưu hại không từ mẫn

Chưa tổn thương người, tự mang họa

Người đời gây hại có thể tha

Việc đó với đời là nhân ác

Cũng không tự nói ta tu thiện

Người xuất gia cầu đạo thanh tịnh

Mà sanh nóng giận, tâm ganh ghét

Trời tạnh trong mây phóng lửa độc

Nên biết ác đây tội rất nặng

Người ở thanh vắng khởi ganh ghét

Có La Hán chứng tha tâm trí

Dạy quở trách rằng: Ngươi sao dại!

Ganh ghét tự phá cội côngđức

Nếu cầu cúng dường nên tu tập

Dùng các công đức trang nghiêm thân

Nếu không trì giới, thiền, đa văn

Dối mặc y nhuộm hoại pháp thân

Ðúng kẻ xin ăn người tệ ác

Sao cầu cúng dường để lợi thân

Ðói khát, nóng lạnh trăm ngàn khổ

Chúng sanh thường bị các khổ này

Thân tâm khổ sở không cùng tận

Tại sao người hiền thêm não hại?

Ví như ung nhọt dùng kim chích

Như người tù đang bị tra khảo

Khổ sở trói thân phiền não nhóm

Sao từ bi, lại làm khổ thêm?

Như vậy là các cách quở trách não hại và các pháp chánh quán trừ não hại.

Hỏi: Làm sao để trừ suy tư về thân thuộc?

Ðáp: Nên nghĩ thế này: Trong thế giới sanh tử, do duyên lôi kéo thì đâu là thân, đâu là không thân?

Chỉ vì ngu si nên sanh tâm sai lầm, chấp là thân thuộc của ta. Ðời quá khứ chẳng phải là thân thuộc, cho là thân thuộc. Ðời vị lai chẳng phải là thân thuộc, cho là thân thuộc. Ðời hiện tại là thân thuộc nhưng quá khứ chẳng phải là thân thuộc.

Ví như đàn chim tối về cùng đậu trên một cây, sáng ra theo duyên mà mỗi con bay mỗi phương. Dòng họ thân thuộc cũng lại như vậy, sanh trong thế giới tâm mỗi người khác nhau, nhân duyên hội hợp thành người thân, nhân duyên tan rã thành kẻ sơ, không có nhân duyên quả báo cố định gần gũi nhau mãi.

Ví như cát khô do tay nắm chắc nên cát hợp thành khối. Do nắm nên hiệp, do thả nên tan. Cha mẹ nuôi con đến già sẽ được báo đáp. Con nhờ cha mẹ bảo bọc nuôi dưỡng nên phải báo đáp lại.

Nếu thuận ý cha mẹ là thân, nếu trái ý cha mẹ là giặc. Có người thân không thể làm lợi ích, trái lại còn gây hại. Có người không thân không gây hại mà lại giúp ích. Người do nhân duyên mà sanh ái, cũng do nhân duyên ái mà chia lìa. Ví như họa sĩ vẽ hình người nữ rồi tự thương nhớ, ở đây cũng như vậy, tự sanh lòng đắm trước vật bên ngoài.

Trong đời quá khứ, ông có quê hương thân thuộc, đời nay ông phải làm sao?

Ông đâu thể làm lợi ích cho người thân trong quá khứ. Người thân trong quá khứ cũng đâu giúp ích được ông. Cả hai đều không giúp ích được nhau, dù là thân hay chẳng phải thân cũng chỉ là nghĩ suông thôi. Trong thế giới vô biên vô định, không thiết nghĩ ai là thân, ai là không thân.

Như vị La Hán dạy đệ tử mới xuất gia còn quyến luyến người thân: Như người hèn mửa thức ăn rồi muốn ăn lại, ông cũng như vậy.

Ông đã được xuất gia, vì sao lại còn lưu luyến dục?

Cạo tóc, nhuộm y là tướng giải thoát, ông yêu mến thân thuộc quê hương, không được giải thoát, còn bị ái buộc. Ba cõi vô thường, lưu chuyển không dừng, hoặc người thân, hoặc chẳng phải người thân, tuy nay là người thân thuộc nhưng, về sau ắt phải diệt.

Như vậy, chúng sanh trong mười phương lưu chuyển xoay vần, quê hương thân thuộc vô định thì đâu chẳng phải là quê hương thân thuộc của ta?

Người khi sắp chết, không tâm không thức, đôi mắt đứng tròng, khí dừng, mạng dứt, như rơi hầm tối. Khi ấy quê hương thân thuộc đâu còn. Nếu khi mới sanh, đời trước không thân, nay gượng hòa hợp làm thân, hoặc khi sắp chết, người thân lại thành không thân. Tư duy như thế không nên quyến luyến thân thuộc.

Như đứa trẻ chết cùng lúc cha mẹ ba loài đều khóc lóc cuồng loạn: Cha mẹ vợ con Cõi Trời, cha mẹ cõi người, cha mẹ loài rồng cũng khóc cuồng loạn. Như vậy, các pháp chánh quán trừ suy tư về thân thuộc.

Hỏi: Làm thế nào để trừ suy tư về cõi nước?

Ðáp: Hành giả nếu suy tư về cõi nước phồn vinh, an ổn, vui vẻ, có nhiều người tốt, nên thường bị sự suy tư trên ràng buộc, lôi kéo thì cần phải bỏ đi suy tư lỗi lầm như thế. Nếu là người trí thì không nên đắm trước.

Vì sao vậy?

Vì cõi nước bị thiêu đốt bởi các lỗi lầm nên thời tiết thay đổi, thêm sự đói khát nên thân thể mỏi mệt. Tất cả cõi nước vô thường, không an ổn.

Lại nữa, khổ già bệnh chết không nước nào mà không có. Thân ở nơi này cũng khổ, đến được nơi khác thân cũng khổ. Ði khắp cả cõi nước không nơi nào mà không khổ.

Giả như cõi nước an ổn, phồn thịnh, vui vẻ mà còn có phiền não, do tâm sanh tai họa đau khổ thì đó chẳng phải là cõi nước tốt. Nếu có thể trừ đi những thứ xấu xa trong cõi nước, làm mỏng bớt kiết sử, tâm không còn khổ não, thì đó là cõi nước tốt.

Tất cả chúng sanh có hai loại khổ: Khổ thân và khổ tâm nên thường bị khổ não, không có cõi nước nào mà không có hai thứ khổ này. 

Lại nữa, có cõi nước rất lạnh, có cõi nước rất nóng, có cõi nước đói khát, có cõi nước nhiều bệnh, có cõi nước nhiều giặc, có cõi nước không có pháp luật.

Như vậy, đối với các thứ xấu ác của cõi nước, tâm không nên đắm trước. Như vậy là chánh quán trừ sự suy tư về cõi nước.

Hỏi: Làm thế nào để trừ sự suy tư về bất tử?

Ðáp: Nên dạy hành giả: Hoặc sanh trong nhà giàu sang, hoặc con dòng họ tài năng, có thế lực hơn người… tất cả đừng nghĩ nhớ.

Vì sao vậy?

Vì khi thần chết đến thì không lựa già, trẻ, sang, hèn, tài năng, thế lực… thân này là nơi hợp các duyên sầu khổ. Ai thấy mình còn trẻ, sống lâu, cho là được an ổn thì đó là kẻ ngu si.

Vì sao?

Vì ưu sầu khổ não nương vào tứ đại này, tứ đại tạo nên hình thể như bốn con rắn độc chống trái lẫn nhau, thì làm sao được yên ổn! Hơi thở ra không thể tin trở vào. Lại như người khi ngủ mà nghĩ chắc chắn thức dậy đều là việc khó tin.

Từ khi vào thai cho đến lúc già, cái chết thường đến, cái chết luôn tìm đến mà cứ nói là không chết thì làm sao có thể tin?

Giống như giặc giết hại, rút dao, giương cung, tìm người để giết, không lòng thương xót. Cuộc sống của người ở đời, sức mạnh sự chết là hơn hết, không có gì thắng được sức mạnh của sự chết. Dù người tài giỏi nhất trong đời quá khứ cũng không thoát được cái chết.

Bậc đại trí trong đời hiện tại cũng không thể thắng nó, không thể dùng lời nhỏ nhẹ van xin được. Chẳng thể dùng lời khéo léo đánh lừa được, hòng thoát khỏi nó, cũng không thể trì giới tinh tấn mà từ khước được cái chết.

Do đó nên biết, mạng người tạm bợ không thể trông cậy. Chớ có tin rằng ta sẽ sống lâu. Bọn giặc chết thường dẫn người đi, không đợi đến già rồi mới giết.

Như A La Hán dạy các đệ tử bị sự não hại của các suy tư rằng: Vì sao ông không biết ông đã nhàm chán thế gian vào đạo, mà còn suy nghĩ như thế?

Có người chưa sanh ra đã chết, có người chết trong khi sanh, có người chết trong lúc còn bú, có người chết sau khi hết bú, có người chết lúc còn bé, có người chết trong thời trai tráng, có người chết lúc tuổi già… trong mọi lúc đều có sự chết.

Ví như cây vừa có hoa, hoa liền rụng, hoặc thành trái mới rụng, hoặc chưa chín đã rụng. Do đó nên biết, cần nỗ lực tinh tấn để cầu đạo an ổn.

Cùng ở với giặc có sức mạnh lớn không thể tin. Giặc này như cọp, rất khéo giấu mình. Như vậy giặc chết thường tìm người giết. Mọi vật trong thế giới rỗng không như bọt nước.

Tại sao nói đợi thời cơ đến rồi mới vào đạo?

Ai có thể bảo chứng chắc chắn rằng ông sống đến già để được hành đạo?

Ví như cây to cheo leo bên bờ vực, bên trên thì gặp cuồng phong, bên dưới thì bị lũ lớn xoi lỡ, bày cả rễ, ai mà tin cây này tồn tại lâu dài?

Mạng người cũng vậy, còn nhỏ cũng không thể tin. Cha như lúa giống, mẹ như ruộng tốt, nhân duyên tội phước đời trước như mưa thấm nhuần. Chúng sanh như cây lúa, chết sống như cắt gặt. Những bậc Thiên Tử, Nhân Vương trí đức…, như Thiên Vương giúp Chư Thiên đánh phá quân A Tu Luân, họ đều hưởng những thú vui cao tột tốt đẹp, nhưng rồi lại rơi vào tối tăm.

Vì vậy, chớ nên tin vào mạng sống mà nói rằng: Ngày nay ta làm việc này, ngày mai ta sẽ làm việc ấy. Như vậy là pháp chánh quán trừ suy tư về bất tử. Như thế, trước trừ suy nghĩ thô, sau đó trừ suy nghĩ tế. Khi tâm thanh tịnh liền được chánh đạo, tất cả kiết sử đều đoạn tận, từ đây được chỗ an ổn. Ðó là quả xuất gia.

Tâm được tự tại, ba nghiệp thanh tịnh hơn hết, không còn thọ thai, đọc các Kinh và nghe nhiều, khi ấy được quả báo. Khi được như vậy thì hoàn toàn phá hết ma quân, liền được tôn xưng là bậc dõng mãnh đệ nhất.

Còn bỏ phiền não ở trong thế giới mà đi thì không gọi là mạnh, nhưng có thể phá giặc phiền não, trừ lửa tam độc để được mát mẻ, vui vẻ, thanh tịnh, gối cao đầu an ổn trong rừng Niết Bàn, cùng với các thứ gió mát thiền định, ngũ căn, ngũ lực, thất giác từ bốn hướng thổi đến và nghĩ đến chúng sanh chìm đắm trong biển tam độc, có cái đức diệu lực như vậy mới gọi là mạnh.

Như vậy, người tán tâm nên niệm A Na Ban Na và học sáu pháp để đoạn trừ các suy nghĩ. Vì vậy nên niệm sổ tức.

Hỏi: Trong bốn pháp quán như: Pháp quán bất tịnh, niệm Phật,… cũng đoạn trừ được suy nghĩ, thì vì sao chỉ nói về sổ tức?

Ðáp: Do các pháp quán khác chậm rãi nên khó mất, còn pháp sổ tức nhanh chóng nên dễ chuyển. Ví như thả trâu, bởi trâu khó mất nên sự coi giữ dễ lơ là. Còn thả khỉ dễ mất nên phải coi giữ cẩn thận.

Ðây cũng như vậy, tâm đếm số hơi thở, đếm không để chút thời gian nghĩ việc khác, phút chốc nghĩ việc khác thì liền quên số đếm. Vì vậy nên ban đầu muốn đoạn trừ suy nghĩ thì phải tu sổ tức.

Ðã đắc pháp sổ tức nên thực hành tùy tức để đoạn trừ suy nghĩ. Tâm nương theo hơi thở vào đến cùng, đừng đếm một. Hơi thở ra, tâm nương theo đến cùng, chớ đếm hai.

Ví như chủ nợ đến đòi người mắc nợ, theo sát chẳng rời. Tư duy như thế, hơi thở vào, hơi thở ra lại có sự khác nhau, khi ấy biết được hơi thở vào khác, hơi thở ra khác.

Vì sao vậy?

Vì hơi thở vào lạnh, hơi thở ra ấm.

Hỏi: Hơi thở vào ra chỉ là một hơi thở.

Vì sao?

Vì ra rồi lại trở vào. Ví như nước ngậm thì ấm, nhổ ra thì lạnh.

Nước lạnh trở nên ấm, nước ấm trở lại lạnh?

Ðáp: Không phải vậy. Do nội tâm động nên có hơi thở ra, ra rồi liền mất, mũi miệng dẫn từ bên ngoài thì có hơi thở vào, vào rồi liền diệt, cũng không có sắp ra, không có sắp vào.

Lại nữa, tuỳ theo hạng tuổi: Trẻ, lớn, già. Người trẻ thì hơi thở vô dài, thanh niên hơi thở ra vào bằng nhau, người già hơi thở ra dài. Vì vậy, chẳng phải là một hơi thở.

Lại nữa, từ rốn hơi thở phát ra dường như tương tục, hơi ra đến bên ngoài mũi miệng, ra rồi liền mất. Ví như hơi trong quả bóng, khi mở ra liền mất. Nếu dùng duyên của mũi, miệng dẫn gió vào, từ đó nhân duyên mới phát sanh.

Ví như cái quạt, do các duyên hợp lại thì có gió. Khi ấy biết do nhân duyên của hơi thở ra vào mà có sự hư dối không thật, sanh diệt là vô thường.

Tư duy như vậy, hơi thở ra từ nhân duyên của mũi miệng dẫn dắt, hơi thở vào do nhân duyên tâm động mà phát sanh. Người mê không biết, cho đó là hơi thở của mình. Hơi thở là gió, cùng gió bên ngoài không khác.

Ðất nước lửa không cũng lại như vậy. Do nhân duyên của năm đại hòa hợp nên thức sanh. Thức cũng như vậy, chẳng phải của ta. Năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới cũng như thế. Biết như vậy, theo hơi thở vào ra gọi là tùy.

Ðã được pháp tùy rồi, nên thực hành pháp chỉ.

Pháp chỉ: Sổ và tùy tâm rất an trú, nên dừng ý nơi lỗ mũi để niệm hơi thở ra vào.

Hỏi: Vì sao phải chỉ?

Vì đoạn trừ các suy nghĩ để tâm không còn tán loạn. Nhưng khi đếm và nương hơi thở thì nhiều căng thẳng, tâm không định. Chỉ thì tâm an nhàn, ít căng thẳng, trụ tâm một chỗ, ghi nhận hơi thở ra vào.

Ví như người giữ cửa, đứng ở gần cửa xem xét người ra vào, tâm chỉ cũng vậy, biết hơi thở khi ra từ rốn lên tim, ngực, cổ họng, miệng, mũi. Khi hơi thở vào thì từ miệng, mũi, cổ họng, tim đến rốn. Cột tâm một chỗ như vậy gọi là chỉ.

Lại nữa, trong pháp chỉ, tâm dừng lại để quán sát. Khi hơi thở vào, năm ấm sanh diệt khác, khi hơi thở ra năm ấm sanh diệt khác. Như thế, tâm loạn liền diệt trừ, nhất tâm tư duy làm cho pháp quán tăng trưởng, thì đó gọi là pháp quán.

Bỏ việc trụ tâm ở lỗ mũi, lìa pháp quán thô. Ðã lìa pháp quán thô thì biết hơi thở là vô thường, đây gọi là chuyển quán. Quán ngũ ấm vô thường cũng niệm hơi thở ra vào sanh diệt vô thường.

Thấy hơi thở ban đầu không từ đâu đến, kế đến quán hơi thở sau cũng không có dấu vết, do nhân duyên hợp nên hiện hữu, vì nhân duyên tan rã nên không còn. Ðó là pháp chuyển quán.

Trừ diệt ngũ cái và các phiền não, tuy trước được chỉ quán mà phiền não chưa sạch, tâm còn tạp loạn. Nay pháp tịnh này làm tâm được thanh tịnh.

Lại nữa, pháp quán trước là dị học, giống như hành pháp niệm hơi thở ra vào. Nay hành pháp vô lậu giống như hành pháp thiện hữu lậu, gọi đó là thanh tịnh.

Lại nữa, pháp quán đầu là một phần trong thân niệm chỉ, dần dần toàn thân niệm chỉ, kế đến hành thống và tâm niệm chỉ. Vì trong đó chưa thanh tịnh, còn xa đạo vô lậu nên nay trong pháp niệm chỉ, phải quán mười sáu hành trạng, niệm hơi thở ra vào để đắc pháp noãn, pháp đảnh, pháp nhẫn, pháp thế đệ nhất, pháp khổ, pháp nhẫn, cho đến vô học tận trí, mới gọi là thanh tịnh.

Trong mười sáu phần ấy, phần đầu hơi thở vào có sáu hạnh A Na Ban Na, phần hơi thở ra cũng như vậy. Nhất tâm niệm hơi thở vào ra hoặc dài hoặc ngắn.

Ví như người sợ hãi, người chạy lên núi hoặc như người mang nặng, hoặc như người thở lên… trường hợp như vậy là hơi thở ngắn. Như người khi mệt được nghỉ ngơi vui vẻ, lại như người được phóng thích ra khỏi tù… trường hợp như thế thì hơi thở dài.

Tất cả hơi thở đều thuộc trong hai loại thở này, hoặc dài hoặc ngắn. Thế nên nói hơi thở dài hoặc ngắn trong đó cũng hành sáu việc của A Na Ban Na.

Niệm các hơi thở khắp thân cũng niệm hơi thở ra vào. Quán trong thân các hơi thở ra vào, biết rõ các lỗ chân lông khắp trong thân cho đến ngón chân ngón tay đều thở.

Ví như nước thấm vào cát, biết hơi thở ra khắp lỗ chân lông từ chân đến tóc. Như nước thấm qua cát. Ví như hơi vô ra đều khắp ở túi da hơi, hơi vô ra miệng mũi cũng vậy.

Thấy hơi thở lưu hành khắp toàn thân, như lỗ của cọng sen dẫn nước, như lưới đánh cá. Tâm lại quán hơi thở vào ra chẳng riêng mũi miệng mà tất cả trong các lỗ chân lông cửu khiếu cũng thấy hơi thở ra vào. Thế nên biết hơi thở khắp thân, trừ các thân hành cũng niệm hơi thở ra vào.

Người mới học quán hơi thở, nếu thân lười biếng, mê ngủ, nặng nề thì phải trừ bỏ đi. Thân thể nhẹ nhàng hòa dịu, thuận theo thiền định, tâm cảm nhận niềm vui, cũng niệm hơi thở ra vào để trừ sự nặng nề của tâm lười biếng, ngủ nghỉ, được tâm nhẹ nhàng hòa dịu, thuận theo thiền định, tâm cảm nhận niềm vui.

Lại nữa, vào trong thân niệm chỉ rồi, kế đến hành thống niệm chỉ xong thì đắc thân niệm chỉ. Ðến đây thật sự đắc lại thống niệm chỉ, mới cảm thọ niềm vui thật sự.

Lại nữa, đã biết thật tướng của thân, nay muốn biết thật tướng của tâm và tâm sở pháp. Thế nên cảm nhận niềm vui cũng niệm hơi thở ra vào, vui thích cũng niệm hơi thở ra vào, làm pháp hỷ tăng trưởng gọi là lạc.

Lại nữa, trong tâm mới sanh vui gọi là hỷ, sau toàn thân đều vui gọi là lạc.

Lại nữa, cảm giác vui trong Sơ Thiền, Nhị Thiền gọi là hỷ, cảm giác vui trong Tam Thiền gọi là lạc. Thọ các tâm hành cũng niệm hơi thở ra vào. Các tâm pháp sanh diệt, tâm pháp nhiễm, tâm pháp không nhiễm, tâm pháp tán loạn, tâm pháp thâu nhiếp, tâm pháp chánh, tâm pháp tà… các tướng tâm như vậy gọi là tâm hành.

Khi tâm sanh vui mừng cũng niệm hơi thở ra vào. Sự cảm giác vui trước là tự sanh, chẳng phải do cố tâm phát khởi mà có.

Hỏi: Vì sao cố tâm phát khởi vui mừng?

Ðáp: Vì muốn trị hai thứ tâm tán loạn và thâu nhiếp, phát khởi tâm như vậy được ra khỏi phiền não, cho nên niệm pháp để tâm phát sanh vui mừng.

Lại nữa, nếu tâm không vui mừng thì gắng kích động cho nó vui mừng. Khi tâm thâu nhiếp cũng niệm hơi thở ra vào. Nếu tâm không an định thì dõng mãnh nhiếp phục, làm cho nó an định.

Như trong Kinh nói: Tâm định là đạo, tâm loạn chẳng phải đạo. Khi tâm khởi giải thoát, cũng niệm hơi thở ra vào. Nếu ý không giải thoát thì dõng mãnh nhiếp phục, làm cho nó giải thoát. Như con dê vào lùm cỏ gai, bị gai móc, người vì nó gở ra lần lần.

Tâm khởi sự giải thoát các kiết sử phiền não cũng như vậy. Ðó gọi là tâm niệm chỉ khởi giải thoát.

Quán vô thường cũng niệm hơi thở ra vào.

Quán các pháp vô thường sanh diệt, rỗng không, không có tôi ta, khi sanh các pháp rỗng không sanh, khi diệt các pháp rỗng không diệt. Trong đó không có nam, không có nữ, không có người tạo tác, không có kẻ thọ nhận… gọi đó là pháp quán tùy vô thường.

Quán pháp hữu vi tan rã cũng niệm hơi thở ra vào vô thường, gọi là xuất tán. Các pháp hữu vi hiện hữu trong hiện tại, do nhân duyên hòa hợp từ quá khứ, do nhân duyên hủy hoại nên tan rã. Như vậy, nương vào đó quán, gọi là quán tan rã.

Quán lìa sự trói buộc của dục cũng niệm hơi thở ra vào. Tâm lìa các sự trói buộc là pháp đệ nhất. Ðó gọi là pháp quán tùy ly dục.

Quán diệt tận cũng niệm hơi thở ra vào. Các khổ của kiết sử nơi nơi đều dứt là chốn an ổn. Ðó gọi là quán tùy diệt tận.

Quán buông bỏ cũng niệm hơi thở ra vào. Các thứ ái nhiễm phiền não, thân, tâm, ngũ ấm và các pháp hữu vi đều buông bỏ, là chỗ an ổn bậc nhất.

Quán như thế gọi là pháp quán tùy ý chỉ.

Ðó là mười sáu phần, pháp quán ý chỉ.

***