Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tam Muội Ngồi Thiền

PHẬT THUYẾT

KINH TAM MUỘI NGỒI THIỀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẦN HAI

PHÁP MÔN TRỊ SÂN HẬN
 

Nếu người nhiều sân hận nên học pháp môn ba thứ từ tâm: Nếu người mới tu tập, nên dạy hướng tâm từ đến người thân thương mến.

Thế nào là hướng tâm từ đến người thân và nguyện cho họ được vui?

Hành giả nếu được các thứ thân tâm vui thích, như khi lạnh được mặc ấm, khi nóng được mát mẻ, đói khát được ăn uống, nghèo cùng được giàu sang, làm mệt được nghỉ ngơi…

Những thứ vui như vậy đều nguyện cho người thân mến được hưởng. An trú vào tâm từ một cách chuyên nhất, nếu nghĩ các duyên khác liền thu nhiếp trở về.

Nếu người đã tu tập thì nên dạy: hướng tâm từ đến người không thân sơ.

Thế nào là hướng tâm từ đến người không thân sơ, nguyện cho họ được vui?

Hành giả nếu được các thứ thân tâm vui thích thì nguyện cho người thân và người không thân cùng chung hưởng. An trú vào tâm từ một cách chuyên nhất, nếu nghĩ các duyên khác liền thu nhiếp trở về. Nếu là người tu tập đã lâu thì nên dạy hướng tâm từ đến người thù ghét.

Thế nào là hướng tâm từ đến người thù ghét, nguyện cho họ được vui?

Hành giả nếu được các thứ thân tâm vui thích thì nguyện cho người mà mình thù ghét được chung hưởng, sự hưởng này đồng với người thân của mình, cùng được như nhau. Tâm ấy rộng lớn thanh tịnh.

Xem người thân kẻ oán đều bình đẳng, làm cho tất cả chúng sanh trong vô lượng thế giới đều được an vui, khắp cả mười phương cùng một tâm bình đẳng, rộng lớn, thanh tịnh.

Xem chúng sanh trong cả mười phương như thân mình, thấy họ rõ ràng trước mắt, cùng thọ hưởng khoái lạc. Khi ấy, liền đắc từ tâm tam muội.

Hỏi rằng: Người thương mến nguyện cho họ được vui, còn người thù ghét, hung ác tại sao thương xót, lại nguyện cho họ được vui?

Ðáp: Nên ban vui cho họ.

Vì sao?

Người ấy còn nhiều đức tánh tốt, là nhân của pháp thanh tịnh.

Tại sao nay ta vì cái thù nhỏ mà quên bao đức tánh tốt của họ?

Lại suy nghĩ: Người ấy ở trong đời quá khứ biết đâu là người thân của ta, nay đâu vì chút sân hận mà sanh thù ghét họ?

Ta phải nhịn họ, đó là việc thiện lợi của ta.

Lại tự nghĩ: Ta thực hành các việc nhân đức gồm hoằng truyền sức từ bi vô lượng, không để diệt mất.

Kế đến lại nghĩ: Nếu không có người oán hận thì không do đâu mà sanh lòng nhẫn. Sanh nhẫn là do kẻ oán, nên kẻ oán là thân thuộc của ta. 

Hơn nữa, quả báo của sân hận là tối trọng, trong các điều ác, nó là hơn hết. Do sân mới hại người, độc sân rất khó kềm chế. Tuy muốn đốt người, kỳ thật lại tự thiêu mình.

Nên tự suy nghĩ: Ngoài mặc áo pháp, bên trong thực hành hạnh nhẫn, gọi là Sa Môn thì đâu vì lời nói xấu liền đổi sắc mặt, rồi buông lung theo tâm tệ ác.

Lại nghĩ: Thân năm ấm này là rừng khổ, là nơi chịu những điều tai ác, nên khi khổ não tai ác đến thì đâu thể tránh được?

Như gai nhọn đâm vào thân, khổ đau vô cùng. Các thứ thù oán rất nhiều, không thể diệt hết, phải tự bảo vệ bằng cách mang giày nhẫn nhục.

Ðức Thế Tôn dạy:

Người lấy sân trả sân

Sân trở lại hại mình

Kẻ sân, mình không trả

Hay phá vỡ đại quân

Có thể không sân hận

Là pháp bậc Đại Nhân

Kẻ tiểu nhân sân hận

Như núi khó lay động

Sân là thứ độc dữ

Sức tàn hại rất mạnh

Không làm hại được người

Trở lại tự hại mình

Sân là bóng tối lớn

Có mắt mà không thấy

Sân hận là bụi nhơ

Làm nhiễm tâm trong sạch

Như vậy tâm sân hận

Nên cấp tốc trừ bỏ

Rắn độc ở trong nhà

Nhông diệt ắt hại người

Tâm sân hận như thế

Nhiều không thể nói hết

Thường tập tâm từ bi

Dập tắt lửa sân hận.

Ðó là Pháp Môn Từ Bi Tam Muội.

***