Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tâm Phật

PHẬT THUYẾT KINH TÂM PHẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN BỐN
 

Như Lai thấy A Nan hối hận, mới nói kệ trừ nghi rằng:

Cảnh giới của Chư Phật

Hàng tiểu căn không hiểu

Lời Chư Phật xưa nay

Bồ Tát còn không thấu

Thần thông của Chư Phật

Cảnh giới có cùng không

Chư Như Lai từ trước

Đồng ở một tâm này

Tâm này là không tâm

Phật tức là tâm này

Nếu người theo tâm này

Không cần lìa thế gian

Tâm Phật đời quá khứ

Hiện tại cùng vị lai

Cùng các vị Bồ Tát

Thân của chúng Chư Thiên

Hạng phàm phu hạ tiện

Nếu hay trì được tâm

Mau chứng vô sanh nhẫn

Như không ở thế gian.

Chúng Bồ Tát Thanh Văn

Cùng Tứ quả Sa Môn

Cho đến Chư Phật vậy

Đều do tâm đây sanh.

Trì giới được đầy đủ

Tín thí được quả báo

Thường nghĩ không xao lãng

Khắp nơi mọi chỗ sanh

Vui vẻ được kính ngưỡng

Khi nói lời dạy dỗ

Đều do biết tâm Phật

Niệm niệm được quả báo

Tất cả do đây sanh

Hết thảy Chư Như Lai

Nói không thể nào hết

Thần lực của Đức Phật

Lại có vô lượng phương

Khắp tất các phương

Lại có vô lượng Phật

Tất cả thần túc Phật

Đều sanh từ tâm Phật

Tất cả trong tâm Phật

Đều nhập vào trong tâm

Như vậy tâm trung tâm

Phật Bảo không thể nói

Hết thảy không cùng tận

Sanh ra là như vậy

Thế gian có hoặc không

Xuất thế không xuất thế

Các phương tiện thiện xảo

Cùng lời lẽ nói ra

Bí mật Đà La Ni

Định tự tại tha tâm trí

Quá khứ hiện tại

Thành quả vị vị lai

Đều do từ đây ra.

Ma Vương hay Chuyển Luân

Trời Phạm Thiên, Tự Tại

Những vị có thần lực

Đều do Phật tâm chuyển

Tà thuật cùng chánh ấn

Thấy nghe đều biết rõ

Lực Thánh tâm như vậy

Thông khắp mọi cảnh giới

Cũng từ đây sanh ra

Như Lai ấn đạo chúng

Hàng ma, độ phi nhân

Các Thần biến tự tại

Đi vào các cảnh giới

Trừ các khổ chúng sanh

Chấn động các Thế Giới

Theo duyên mà nhập, độ

Thương xót cả mười phương

Đều do từ đây ra.

Tất cả loài chúng sanh

Làm mọi việc phước thiện

Được thành tựu hay không

Trí tha tâm tự tại

Biết được sanh nơi đâu

Tất cả trong mười phương

Khắp tất cả chúng sanh

Nghe lời đều tin Phật

Tướng lưỡi dài rộng này

Cũng là do đây sanh.

Mười phương các cõi nước

Khắp tất cả các nơi

Cho đến trăm ngàn cõi

Mỗi mỗi trong các nơi

Đều có vạn Thế Giới

Vô lượng các chúng sanh

Nghe Phật nói đều tin

Tướng lưỡi dài rộng này

Cũng đều do đây sanh.

Trời Quang Âm Biến Tịnh

Cùng các Thế Giới khác

Có hình hoặc không hình

Thảy đều có Phật tánh

Hữu lưu và vô lưu

Trong hư không các loài

Tùy hình mà thay đổi

Nghe theo đều tin Phật,

Loại xiển đề, bất tín

Nhờ pháp không thoái lùi

Đầy đủ các nhân duyên

Các loại này chúng sanh

Thừa quang mà xuất ly

Cũng do từ đây sanh.

Loài phàm phu hạ tiện

Nếu trì chú Phật tâm

Thảy đều đồng như Phật

Đủ sáu Ba la mật

Đắc được đại thần thông

Biến chiếu các Cõi Phật

Đầy đủ sáu thần thông

Lời nói đồng như Phật

Khi dở bước hạ chân

Đều là đại thần biến

Nói đúng hay nói sai

Đều giống nhau không khác

Phật hay không phải Phật

Chỗ nói trí Như Lai

Phàm phu các việc Thánh

Phát niệm đến bồ đề

Tất cả các quả vị

Đều là do Phật tâm.

Phật Bảo A Nan: Trừ nghi kệ này như hoa hư không, dùng thần lực của Phật khiến tại hư không có lọng của Bồ Tát, ở dưới lọng có trăm ức hằng hà sa Thế Giới bất khả thuyết Thế Giới vô lượng các Hóa Phật, lại có vô lượng bất khả thuyết vô lượng các pháp thân Phật, lại có vô lượng bất khả thuyết vô lượng báo thân Phật.

Tất cả quyến thuộc đều là các Bồ Tát đứng đầu hoằng truyền đạo pháp, lại có vô lượng bất khả thuyết các Bồ Tát, mỗi mỗi Bồ Tát có vô lượng quyến thuộc đều là thầy dạy đạo trong nhân gian, đều là Tam Địa, Tứ Địa, Bát Địa vây quanh.

Như vậy Chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, bốn quả Thánh, tất cả Chư Thiên Tiên vô lượng Thế Giới, Tứ Thiên Vương, Phạm Vương, Đế Thích, A Tu La, các Dạ Xoa, La Sát, Quỷ Thần, các vị có đại oai đức đại thần thông, đại hộ niệm, đại từ bi, đại tự tại v. v… đoanh vây nơi lọng, giữ tâm bất thối, thọ Phật tâm pháp.

Lại có bất khả thuyết các Địa Thần cầm các hoa sen ngàn cánh đem dâng chân người trì chú, phóng ánh quang minh nơi thân có màu vàng kim, tất cả chúng sanh thấy quang minh này đều dứt hữu lậu nhập vào Phật định, thấy tất cả trong đại thiên Thế Giới các nhân duyên, các sự nghiệp do đâu mà ra, thảy đều hiểu biết tường tận.

Bấy giờ, A Nan dùng kệ khen Phật:

Lành thay thầy ta Thích Ca Văn!

Một lời trùm cả đại thiên giới

Duy chỉ một lời cứu độ khắp

Tất cả chúng sanh không hay biết

Lành thay Như Lai tự tại quang!

Là tốt hay xấu đều chiếu khắp

Từ tâm tuôn chảy nước cam lồ

Tẩy rửa được sạch không hay biết

Lành thay vô úy tự tại tâm!

Thường đem vô úy ban cho khắp

Cọp, Voi, Rồng độc đều điều phục

Tự nhiên sanh bi mà không biết

Lành thay Vô Úy Thần Thông Vương!

Nói ra Đại Thiên đều rung động

Tất cả thảy đều lại quy phục

Qui phục nhưng mà vẫn không hay

Lành thay vô lượng từ bi tâm!

Thường đem từ bi cứu các loài

Tất cả thảy đều nghe Phật Pháp

Lành thay Vô Lượng Thiện Tạng Vương!

Hay dùng tài pháp cho chúng sanh

Ai được thọ trì thảy thành tựu

Thế mà kẻ kia vẫn không hay

Lành thay Vô Lượng Bảo Tàng Vương!

Hay dùng bảo tàng che Thế Giới

Làm cho chúng sanh ra khỏi khổ

Tuy được thoát khổ mà không hay

Lành thay vô lượng Đại Pháp thọ!

Bóng mát che khắp tam thiên giới

Làm cho tất cả đều mát mẻ

Được lìa nóng bức mà không hay

Lành thay vô lượng đại phát cảnh!

Chiếu soi phá mọi chốn tối tăm

Khiến từ nơi tâm phát trí huệ

Thế nhưng kẻ kia vẫn không hay

Lành thay Như Lai chỉ một lời!

Ai nghe cũng đều được một vị

Nhưng lại thấm nhuần khắp chúng sanh

Cho nên gọi là đại từ bi

Chúng con hạ tiện trí phàm phu

Muốn dùng tất cả lời xưng tán

Đầy đủ lòng thành xin dâng lên

Xin nguyện Thế Tôn thương xót nhận.

Sau khi, A Nan khen Phật xong, lại bạch rằng: Con nay xưng tán Như Lai, thần đức của Thế Tôn con không nghĩ suy được, thần lực như vậy, tự tại như vậy đều quyết định, con chưa từng nghe thấy, vì sao hôm nay, Như Lai lại nói ra?

Từ lâu Ngài đã biết chúng sanh căn tánh thấp hèn, khó có thể học được, nhưng sao trước đây Ngài không nói?

Phật Bảo A Nan: Tâm trung tâm của ta đây thường ở trước ta. Khi ta chưa ra đời, tâm này đã có.

Khi Ta chưa thọ sanh, tâm này đã thọ sanh. Ta chưa được định tâm, tâm này đã được định. Như vậy, định, huệ, lực là trụ xứ của Phật, là chỗ Phật ở, là chỗ Phật làm, chỗ Phật suy nghĩ, chỗ Phật hiểu biết, chỗ Phật làm đạo, chỗ Phật quyết định.

A Nan! Tất cả Bồ Tát, Kim Cang, Chư Thiên, phàm phu, các loại Quỷ Thần, Dạ Xoa, La Sát, Tinh Tú, các loại huyễn thuật Ma Vương, tất cả các loài như vậy nếu làm theo tâm ta tức được thần thông. Nếu không làm theo tâm pháp này mà ham muốn đắc thần thông là không bao giờ được.

A Nan lại bạch Phật rằng: Tâm của Như Lai, Bồ Tát Thập Địa còn không thể biết, nếu có kẻ biết được thì đã là Phật.

Nay chúng sanh đều là hạ tiện, tâm không hiểu rõ các Nhân duyên tướng loại.

Phật Bảo A Nan: Nay Ta sẽ đem các tướng loại nhân duyên tâm trung tâm vì người mà nói, không lìa chúng sanh.

Tâm này có mười hai loại và như thế nào là Phật tâm trung tâm.

Một là, tự tâm ở trong khổ thấy chúng sanh khổ muốn cứu vớt, có tâm quyết định thương xót chúng sanh, tự thân có khổ mà không lìa khổ hoặc tự thân không thấy chúng sanh khổ, nơi các pháp không đắc được.

Hay thấy chúng sanh khổ, cứu vớt họ khiến cho mau được xa lìa khổ là tâm Phật thứ nhất.

Hai là, xem các khổ trước mặt mà không thối chuyển, tâm không thay đổi bất định, tự thân có khổ cũng như vào tam muội, nếu có các loại phiền não nhiễu hại tưởng như ở định Tứ Thiền, tất cả oan gia đều tưởng như cha mẹ.

Muốn cứu các khổ, phải tưởng các kẻ khổ kia như con cháu trông cầu cha mẹ, tức là Phật tâm thứ hai.

Ba là, tưởng tâm mình như tâm người, tâm người như tâm mình, cho đến tất cả thân phần, mong muốn của mình cũng như của người, của người cũng như của mình.

Tất cả các tà tâm, chánh tướng, các Pháp Bảo cũng như thân mạng, tam quang cũng như mắt mình, cho đến thuốc thang, đồ ăn uống, bệnh khổ … thảy đều tưởng như trên, đây là tâm thứ ba.

Bốn là, chỗ Phật niệm tưởng là Phật, ta thường ở nơi đó không xa lìa như Vua Trời Tỳ Sa Môn chắp tay lễ Tháp Xá Lợi, như mười Kim Cang Tạng cùng giữ một châu Kim Cang, như mười Thế Giới Thần Bạt Chiết La cùng giữ một chày Bạt Chiết La, như mười Thế Giới xem một ánh sáng mặt trời, cũng như mười Thế Giới chúng sanh cùng một Thế Giới, tức là Phật tâm thứ tư.

Năm laø, tất cả lời nói của Phật thuyết pháp, ấn khế, thần thông, các thứ thần lực lớn nhỏ, cho đến tư tưởng hoặc nhỏ hơn như suy nghĩ, luôn luôn không hề ngủ nghỉ, thân phải như pháp trọng đại thiên Thế Giới, kẻ tin hay không tin đều không thể làm hại dù trong giấc ngủ, là Phật tâm thứ năm. Nếu được như vậy tức được ngũ nhãn thanh tịnh, thấy rõ các Thế Giới.

Sáu là dùng Lục Độ để nhiếp tâm, nhập Từ Mẫu Định Nhiếp Tỳ Na Dạ Ca làm sáu loại thiện trí thức:

Thứ nhất: Loại Tỳ Na Dạ Ca tên là Vô Hỉ, loại này thường khiến tâm vui giận không định, ham làm các pháp sát hại, nên dùng sằn Đề Ba La Mật khiến vào Từ Mẫu Định, làm Trì Nhẫn Vương.

Thứ hai: Tỳ Na Dạ Ca tên là Huyễn Hoặc, loại này tới thời tâm phiền không định, không quyết định các pháp và chúng sanh, khi bị như vậy dùng Thiền Ba La Mật nhập vào Bất Động Trí.

Thứ ba: Tỳ Na Dạ Ca tên là Vọng Thuyết, loại này lại thời khiến hay vui vẻ, ham thích tâng bốc, sanh lòng quyết định những việc kỳ lạ, hay tin tưởng vào lời nói ngông cuồng, chỗ thanh tịnh lại hay sanh tâm tham dục, tâm đắm nhiễm khiến cho điên đảo, tức dùng Thi Ba La Mật nhiếp làm Thiện Xảo Phương Tiện.

Thứ tư: Tỳ Na Dạ Ca tên là Chấp Phược, loại này tới thờng khiến hành giả kính lễ Ma Vương, Tỳ Na Dạ Ca thường cùng hành giả và tất cả Ma Vương làm bạn bè, hiện oai thân to lớn khiến cho quy y, nhiếp cho tâm tin chắc. Biết vậy tức dùng Tỳ Lê Gia Ba La Mật mà nhiếp làm Đại Lực Phương Tiện Vương.

Thứ năm: Tỳ Na Dạ Ca tên là Khổ Ý, thường khiến người sanh tâm hy vọng, tu hành chỉ lo cầu tài vật, trước dùng tài tâm sau đó ban cho tiền bạc cùng với Vua Ngạ Quỷ ở nơi đồng trống, người này tâm thường không biết đủ, vì không biết đủ nên tất cả thần lực bị mất, tức dùng Đàn Ba La Mật nhiếp hiệu là Đại Thí Chủ Vương, từ khi nhiếp phục, tâm tham tức trừ.

Thứ sáu: Tỳ Na Dạ Ca tên là Tác Vi, loại này dến thì chỉ nói việc phi pháp, không có chánh trí, vọng sanh các pháp tướng, không lợi cầu lợi, ham làm các lý luận kỳ lạ, muốn trở thành Đạo Sư. Ở trong Chánh Pháp, sanh tâm chê bai, nên dùng bát nhã Ba La Mật mà nhiếp phục làm Trí Huệ Tạng Vương.

Lại có Tỳ Na Dạ Ca tên là Đoạn Tu, loại này thường làm tất cả tâm niệm đều tận, lại sanh các bệnh ham ưa ngủ nghỉ, phát động ngoại ma làm nội chướng, khiến người sợ sệt, khởi nhiều vọng kiến, suy nghĩ nhiều pháp lạ kỳ.

Các thứ như vậy, đều dùng vô úy mà nhiếp phục, chỉ dùng đại bi nguyện làm quyến thuộc, kẻ đó tức tự thần phục, thần phục rồi không nên trách mắng, dùng làm tâm thứ sáu.

Bảy là, ở nơi Thất Bồ Đề Phần, cần tu học có các công đức thường ban thí hết, để nhiếp khắp tất cả khổ chúng sanh, thân luôn thọ trì khiến tất cả chúng sanh nghe hiểu biết, để xa lìa ma cảnh.

Tám là, ở trong Bát Thánh Đạo cần phải tinh tấn tu, thường sanh thập tín, giữ hạnh thập thiện, không nói lỗi người khác, hoặc khen mình chê người, làm ơn không mong báo đáp, thường hay bố thí, giữ gìn pháp không mệt mỏi, y theo giáo pháp không mất bổn tâm.

Chín là, không nghi pháp, không ngã mạn, không tăng thượng, không chấp trước, không lừa dối, thường hành chân thật, tất cả các nguyện gì khi tu thảy đều nhớ biết, luôn luôn hộ trì Phật và Tăng Bảo, lễ các tôn tượng không được khinh mạn, tất cả đều y như pháp.

Mười là, đầy đủ Thập Tín:

Một là tin Phật thường ở nơi đời có đại diệu dụng thần thông.

Hai là tin pháp sâu mầu có sức đại phương tiện, có quyết định lực.

Ba là tin Phật thương xót tất cả chúng sanh hay nói các pháp yếu để trừ diệt khổ.

Bốn trong Kinh không có ghi.

Năm là tin Phật ở nơi đời ngũ trược, thường hiện từ quang.

Sáu là tin Phật trong Lục tặc như cha mẹ.

Bảy là tin Phật nơi Thất khiếu thường nói Phật âm.

Tám là tin Phật nơi sáu mươi hai kiến không có thương ghét.

Chín là tin Phật nơi đời ngũ trược thường độ chúng sanh, nói tâm vô ngại không có bờ bến.

Mười là tin Phật, Bồ Tát và các Kim Cang thường hiện thần lực để hóa độ chúng sanh thảy đều thành Phật.

Mười một la ở nơi các pháp, các lời nói luận nghĩa, biện bác không được khen chê, phải thận trọng, không bỏ giàu nghèo sang hèn, luôn tưởng nghĩ Bồ Tát như trước mặt, tất cả sợ sệt từ từ mà hết, nhờ Chư Phật Bồ Tát tự nhiên tiêu diệt.

Mười hai laø, xem xét tự thân nếu có chút kiêu mạn thời phải biết lấy, nếu có oán ghét thường tự bỏ, thân nhiều mạn thì phải điều phục, nếu nhiều tham cũng như cầm lửa, nếu nhiều dục thì tưởng như thịt thúi, nếu nhiều cấu uế thường tưởng bạo ngục.

Nếu thường xem xét như vậy, tức là pháp quyết định Phật tâm trung tâm, do Phật tâm khiến vô ngại.

Bấy giờ, A Nan bạch Phật rằng: Thế Tôn! Như vậy, Phật tâm trung tâm tức là cảnh giới của Phật sao?

Cảnh giới chúng sanh sao?

Nếu như cảnh giới chúng sanh đồng với mười hai tâm, thì đây không phải chổ tâm chúng sanh.

Nếu chúng sanh làm được như trên, thì không có gì phải nghi, nhưng làm sao chúng sanh có thể làm được như vậy?

Phật Bảo A Nan: Cứ thọ trì đi, mười phương sẽ làm chứng, ông không thể biết được.

Các ông muốn hiểu Phật tâm trung tâm sao?

A Nan liền bạch Phật rằng: Thế Tôn!

Như vậy pháp khế nói không có sai.

Nay con xin hỏi, Phật có đồng ý không?

Phật Bảo: Ông muốn gì, cứ tùy ý mà hỏi!

A Nan thưa với Phật rằng: Nếu như có chúng sanh muốn cầu thoát khổ, muốn cầu hàng ma, muốn cầu nhiếp trì, có pháp nào khác hay là chỉ có tâm trung tâm thôi?

Nếu dùng tâm trung tâm thì cách thức ra sao?

Phật Bảo: Ông muốn biết, hãy lắng nghe đây!

Nay Ta vì người nói tùy tâm Đà La Ni, tức nói Chú rằng:

Úm ma ni đạt rị hồng phấn tra.

OM MANI DHÀRE HÙM PHATÏ.

Nếu người thọ trì không cần chọn ngày giờ, tháng, năm, sao, không cần trai giới, chỉ ở trước Như Lai hoặc trước Tượng, trong Tịnh Thất hoặc trước Tháp Xá Lợi, tùy ý dùng các loại hương hoa cúng dường.

Ngày Rằm, tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, tùy theo sức mà sắm các món cúng dường, vì hộ pháp cần ăn ba món bạch thực.

Làm một Đàn vuông lớn nhỏ tùy ý, treo đèn phan, tụng tâm trung tâm chú và tùy tâm Chú mỗi thứ một ngàn không trăm tám mươi biến, ngay nơi chân tượng nằm ngủ sáng chiều.

Như Lai liền vì hiện thân, các vị Thánh Kim Cang cũng đều hiện thân, mười phương Bồ Tát Chư Thiên đều lại vi nhiễu, tất cả các nguyện đều được đầy đủ.

Nếu trong thân tự biết có xúc phạm hoặc là có trọng tội, tụng đến vạn biến tức được thân quang minh thanh tịnh của Phật, cho đến tất cả các pháp nếu tụng trăm vạn biến không gì là không biết, không có Pháp trì khác.

Nếu có các tượng hay làm người sợ sệt, chỉ dùng ngón giữa tay phải co vào trong lòng bàn tay, lấy ngón cái đè móng ngón giữa, đọc thầm tùy tâm Chú không quá một trăm biến tự nhiên hàng phục, độc hại hỏa tai dùng hơi thổi tức trừ, lại hay trừ diệt các việc khó trừ khó diệt.

Nếu có tất cả các việc chướng ngại, lấy hai tay chắp lại, hai ngón trỏ hai ngón vô danh câu nhau bên trong, các ngón kia dựa nhau trong lòng bàn tay đâu mặt, hướng bốn phương mỗi phương tụng một trăm lẻ tám biến, tội cấu tiêu trừ chướng nạn đều diệt.

Nếu có Tỳ Na Dạ Ca muốn điều phục tức điều phục, nếu không chịu phục dùng ngón chân phải bấm xuống đất tụng chú một trăm lẻ tám biến, Tỳ Na Dạ Ca bảy lỗ ra máu liền hàng phục.

Mười phương Thế Giới các vị Thông linh và các Tiên trì chú, bốn bộ Vệ Đà và tám Tạng ở nơi Long Cung có các pháp bí mật, các loại hữu tình tùy tâm kêu gọi thảy đều thuần phục, trừ làm ác pháp là không được. Nếu muốn cầu các hương Trời để cúng dường, ngửa mặt lên Trời tụng một trăm lẻ tám biến, hương tức xuống.

Muốn đến cảnh giới của Phật Bồ Tát ở Quốc Độ trong mười phương, dùng ngón giữa chỉ lên Trời kêu Ma Hê Thủ La cùng đi theo, các Cõi Trời không dám vào. Khi lâm chung, mười phương Chư Phật đến trụ trên đầu dẫn đến các Thế Giới của Chư Phật.

Muốn cầu thân này không diệt, tức cảnh giới của Phật, tụng cho đến mười ức biến, liền được sống lâu cùng Trời đất. Trừ không chí tâm, nếu chí tâm mà không được, ta tức vọng ngôn, tất cả Kinh Giáo đều là ma nói không phải Phật nói.

Lại có pháp muốn cầu tiền tài, lấy đồng tiền đồng để nơi tiết giữa chú thầm một trăm lẻ tám biến lấy chỉ vào nơi tim người kia, người đó liền cho, tùy miệng mình xin.

Nếu muốn kêu gọi Quan, Chúa, Phi Hậu v. v… lấy một cụm hương thơm tốt, viết tên kẻ kia đem để nơi ngón trỏ, chú một ngàn không trăm tám mươi biến, kẻ kia tức lại.

Nếu cần các thứ lúa gạo … lấy ba thứ để nơi ngón giữa, y pháp trên tức được tùy ý.

Nếu muốn mọi người hoan hỷ, co ngón giữa để vào miệng chú một trăm lẻ tám biến lấy ngón đó chỉ, người kia tức vui vẻ thuận phục.

Lại có một pháp muốn kêu các Rồng lấy nước giếng, chú một ngàn biến đem rảy nơi nước có Rồng, Rồng kia tức lại cung kính.

Lại có pháp, nếu Trời không mưa, lấy Long não và nước giếng một hộc, chú một ngàn biến giữa trưa rồi để ra ngoài nắng, tức có Rồng trắng từ trong nước vọt ra, Trời liền mưa.

Nếu mưa nhiều, dùng đất màu vàng hoặc đỏ, trên giấy vẽ một con Rồng, chú một ngàn không trăm tám mươi đem quăng xuống giếng, tức có Rồng đỏ vọt lên, Trời liền tạnh.

Lại có pháp dùng bơ một cân, chú một ngàn biến tùy theo hướng gió mà đốt, các loại lúa má ruộng đất được tốt tươi.

Lại có pháp, nếu trong thế gian có các bệnh tật, lấy giấy đỏ vẽ hình sao Chổi chú một ngàn không trăm tám mươi biến, bệnh tức trừ, sao này có sáu sao nhỏ hợp thành.

Lại có pháp, nếu trong nước có nạn đao binh nổi lên, bốn phương không yên, lấy một cây đao chú một ngàn biến, tùy hướng có giặc mà chỉ tức có Thần binh hiện, các nạn ngoại xâm đều được tiêu trừ.

Lại có pháp, nếu muốn tập các thứ nghề nghiệp, văn chương, công xảo, nội Kinh, ngoại điển, các thứ huyễn thuật, cảnh giới chỗ làm của Chư Phật, Bồ Tát, Kim Cang, thì mỗi sáng chiều chú một ngàn biến, qua một trăm ngày không gì là không biết.

Nếu muốn được báu của Hải Long Vương, Chư Phật, Long Tạng thọ ký, cần thiêu năm loại hương: Đàn Hương, Trầm Hương, Huân Lục Hương, Long Não, Tất Lực Ca… vào ban đêm thanh tịnh, tụng chú mặt ngó bốn phương, mỗi phương một ngàn không trăm tám mươi biến, bấy giờ Long Vương chủ bốn phương đem các vật báu tự đến cho.

Lại có pháp, cần các báu nơi đất để dùng làm các việc công đức, chỉ nói rằng: Ta cần báu này để làm các việc công đức, sau đó lấy chân đạp xuống đất, chú một ngàn không trăm tám mươi biến tức thời mười phương Địa Thần cầm các báu đem dâng cho, tùy ý sử dụng. Nếu vì danh lợi hoặc dùng các việc ác thì không được.

Lại có pháp, nếu có người ghét nhau, dùng năm thứ hoa, chú một trăm lẻ tám biến rồi viết chữ Phật vào mỗi loại, tức tự hòa thuận thương yêu.

Lại có pháp, nếu người trước đã trì các chú mà không có hiệu nghiệm, nên lấy áo của người đó chú một ngàn biến đem đi để nơi tòa Phật qua bảy ngày, xong lấy mặc vào, sau đó tất cả các pháp yếu đều được hiệu nghiệm, chư Bồ Tát và Kim Cang Tạng tự nhiên Thần phục, sai sử mau chóng, mọi việc đều được.

Lại có pháp, nếu có tật bịnh kiếp nạn nổi lên, lấy bảy loại độc dược là: Ô Đầu, Phụ Tử, Lang Độc, Bã Đậu, Hổ Phách, Quang Minh Sa Long Não, Hương Nhục, Đậu Khấu chú một ngàn không trăm tám mươi biến, dùng nước ngâm, lấy nước đó rảy lên thân người bệnh, không bệnh gì không lành. Nếu chân tay co quắp, chú đao một ngàn biến mà chỉ đó, tức cử động được, trọn đời không bị lại nữa.

Phật Bảo A Nan: Nếu ta nói các pháp yếu ra, thì cùng kiếp cũng không hết được.

Nếu có cầu nguyện điều gì y như trên thảy đều thành tựu, tất cả mọi việc làm không luận lớn nhỏ đều được thành tựu không có được nghi ngờ, nếu hay trì tụng sẽ được bất thoái chuyển cho đến thành Phật.

Nếu hay mỗi ngày làm pháp này, trì tâm này thì thường ở nơi thế gian làm Đại Thọ Vương, che khắp chúng sanh khiến lìa các khổ, khiến đều được Phật tâm, cũng như đều được bất thoái đều do oai lực của người trì tụng.

Khi Như Lai nói chú pháp và các công năng xong, tất cả Bồ Tát, Kim Cang, Thiên Tiên hào quang nơi thân thảy đều ẩn mất, chỉ có Phật quang chiếu khắp Cõi Diêm Phù Đề, tức thời ở trên hư không Chư Thiên đều bị xoay tròn, tất cả Ma Cung đều đổ nhào, phút chốc tiêu tan không còn gì cả, đến cả đại địa sáu lần chấn động.

Mười phương Thế Giới các Bồ Tát đều cầm tràng hoa đến cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ở trong các hoa phát ra âm thanh đều nói sự việc của Phật tâm, ở trong Phật tâm lại ứng hiện bàn các chỗ cần dùng không thể nghĩ, chỗ các hoa hương bất khả thuyết âm thanh đều nói các thần lực bất khả thuyết, các Bồ Tát dùng lực Phật tâm trung tâm biến hiện thần lực bất khả thuyết.

Chư Bồ Tát ở mười phương thấy quang minh Phật chiếu khắp cả Diêm Phù Đề, từ trong tâm các vị dùng kệ khen Phật:

Lành thay ánh sáng này!

Là sức Phật trung tâm

Ma Vương vừa xem thấy

Thân vô hình tiêu tan.

Lành thay ánh sáng này!

Sức vô ngại của Phật

Khiền Ma Vương tự diệt

Mười phương Bồ Tát lại.

Lành thay đây ánh sáng!

Là lực Phật tùy tâm

Sức lực Chư Bồ Tát

Chí đến loại phàm phu

Bà cấp, Bà Lầu Na

Các Thần Quỷ Tử Mẫu

Các Trời, chúng Dạ Xoa

Thảy đều lại cúng dường.

Tất cả chúng Kim Cang

Cùng với Tự Tại Thiên

Phạm Vương Cõi Hương

Tích thảy đều lại quy y.

Tất cả các tinh tú

Thần Phong Hỏa Lôi Điển

Tứ Thiên, các Long Tạng

Đem hoa lại cúng dường.

Trên dưới khắp bốn phương

Hư không và đáy biển

Tuôn chảy khắp mười phương

Như Lai tâm trung tâm

Trọn kiếp nói không tận

Giả sử trăm ngàn biển

Cũng không bằng một hào

Giả sử trăm Thế Giới

Không bằng một mảy lông

Đầy đủ tất cả trí

Cũng không bằng tâm Phật

Chúng con tu nguyện lớn

Trải qua vô số kiếp

Nơi các Đức Như Lai

Chưa ngộ tâm trung tâm

Như Lai tâm trung tâm

Chỉ có Phật là hiểu

Bồ Tát khó biết đặng

Chẳng bằng một ánh quang

Hóa hiện cả mười phương

Là bởi tâm trung tâm

Cho đến các hữu đảnh

Thảy đều tùy tâm sanh

Chư Phật nói tùy tâm

Nương theo tùy tâm học

Nguyện xin tu học xong

Xin được Phật thọ ký

Nếu được tùy tâm thành

Tức thời thành Chánh Giác.

Bấy giờ đại chúng nghe Phật nói xong, thảy đều chắp tay trì Phật tâm trung tâm. Khi đó, Đức Như Lai duỗi cánh tay sắc vàng ấn đảnh thọ ký cho. Các Bồ Tát và đại chúng được Phật thọ ký xong, hoan hỷ phụng hành.

***