Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tam Tuệ

PHẬT THUYẾT KINH TAM TUỆ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bồ Đề Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN HAI
 

Tôn Giả A Nan thưa: Kính bạch Thế Tôn! Người gặp thiện tri thức là gặp được một nửa đạo giác ngộ phải không?

Phật bảo: Người được gặp thiện tri thức là được gặp toàn phần đạo giác ngộ. Vì thiện tri thức rất khó được gặp.

Thế nào là đạo đức?

Tin là đạo, ngăn chận thân, khẩu, ý là đức.

Người phải có ba loại tri thức:

1. Nhà giàu có.

2. Việc làm cao quý.

3. Cao thượng.

Bố thí là nhà giàu. Trì giới là việc làm cao quý. Giữ ý nghĩ nhớ đến đạo là cao thượng.

Có cách nuôi sống bên trong và nuôi sống bên ngoài: Xin tài vật, châu báu, đó là nuôi sống bên ngoài.

Giữ ý nghĩ nhớ đến đạo, đó là nuôi sống bên trong.

Người không thể tự hàng phục ý của mình, trở lại muốn hàng phục ý của người khác. Người có thể tự hàng phục ý của mình thì có thể hàng phục được tất cả ý của người khác.

Có nội lực, có ngoại lực.

Có nội sắc, có ngoại sắc.

Có nội thức, có ngoại thức.

Ngăn được ý xấu, đó là nội lực. Có hành động nặng, nhẹ. Đưa đến sân hận, đó là ngoại lực.

Thọ, tưởng, hành, thức là nội sắc. Đất, nước, lửa, gió, không khí là ngoại sắc.

Ý nghĩ là nội thức, mắt thấy là ngoại thức.

Có bốn việc rất khó được:

1. Được cùng ở chung với người đắc đạo rất khó, nghĩa là mười hai Hiền Giả.

2. Nghe giảng Kinh thâm nhập vào tâm rất khó, nghĩa là ở chỗ tám nạn.

3. Thấy đúng như sự thật rất khó, nghĩa là rơi vào bốn điên đảo.

4. Tu hành đúng như pháp rất khó, nghĩa là không thể trì giới.

Có năm việc rất khó cầu đạo.

1. Tuổi già.

2. Bệnh tật.

3. Quan quyền.

4. Đạo tặc.

5. Đói khát.

Đó là năm việc rất khó cầu đạo.

Có năm việc khó:

1. Gặp Phật ra đời là khó.

2. Được nghe Kinh là khó.

3. Được gặp minh sư là khó.

4. Được gặp người thiện là khó.

5. Được làm người là khó.

Có năm việc khó:

1. Nghèo khổ, bố thí là khó.

2. Giàu sang quyền quý, nhẫn nhục là khó.

3. Gặp việc phải đối đầu mà không khinh thường là khó.

4. Cùng với người nữ xinh đẹp ngồi chung một chỗ, ý không động là khó.

5. Nắm giữ mạng người không gây tổn hại rất khó.

Có bảy việc khó:

1. Học Kinh hay thưa hỏi là khó.

2. Nghe Kinh, hiểu ý Kinh là khó.

3. Cùng nói chuyện với người có nhiều trí tuệ, hiểu được ý của họ là khó.

4. Tự răn mình, dạy người là khó.

5. Tự mình an ổn, làm cho người cũng được an ổn, là khó.

6. Ý mình đã định, cũng làm cho người khác được định là khó.

7. Luôn luôn không lìa pháp cho đến khi đắc Phật Đạo là khó.

Có mười tám việc rất khó đối với người ở thế gian:

1. Gặp Phật ở đời là khó.

2. Giả sử thành tựu việc gặp Phật, được làm thân người là khó.

3. Giả sử thành tựu thân người, được sinh ở Kinh đô là khó.

4. Giả sử sinh ở Kinh đô, được sinh nơi nhà giàu sang, quyền quý là khó.

5. Giả sử sinh trong nhà quyền quý, được toàn vẹn thân tướng và tinh thần đầy đủ là khó.

6. Giả sử thân tướng đầy đủ, có tài sản là khó.

7. Giả sử được tài sản, gặp được thiện tri thức là khó.

8. Giả sử được thiện tri thức, có trí tuệ là khó.

9. Giả sử có trí tuệ, có tâm cẩn thận là khó.

10. Giả sử có tâm cẩn thận, thường làm việc bố thí là khó.

11. Giả sử thường bố thí, muốn được gặp người hiền thiện có đức, là khó.

12. Giả sử gặp người hiền thiện, có đức, đi đến chỗ của người đó là khó.

13. Giả sử đi đến chỗ được gặp người vừa ý mình là khó.

14. Giả sử được gặp người vừa ý, thưa hỏi là khó.

15. Giả sử chịu thưa hỏi, nói đúng là khó.

16. Giả sử nói đúng, được trí tuệ thông suốt là khó.

17. Giả sử được trí tuệ thông suốt, lãnh thọ Kinh Điển vi diệu là khó.

18. Giả sử hiểu rõ Kinh Điển vi diệu, hỏi ngược lại là khó.

Đó là mười tám việc rất khó đối với người thế gian.

Có tám hạng người Phật khó độ:

1. Người câm.

2. Người điếc.

3. Người trong địa ngục.

4. Người trong ngạ quỷ.

5. Người trong súc sanh.

6. Người ở biên địa không biết ý nghĩa pháp.

7. Người ở Cõi Trời thứ hai mươi tám: Trường sinh.

8. Thọ hạnh không tinh tấn.

Đó là tám hạng người mà Phật cũng khó độ.

Có năm trăm người cho mình là người toàn thiện.

Phật dạy: Nếu ông toàn thiện thì nên theo ta. Mọi người dạ.

Phật liền đi vào trong lửa, năm trăm người đứng lại, không ai dám theo và thưa: Thật khó làm người toàn thiện.

Có người hỏi Phật: Phật dạy người làm lành để được lợi ích gì?

Phật dạy: Mọi người khổ nên ta giáo hóa họ hết khổ.

Họ lại hỏi: Người có tâm nên buông lung.

Phật dạy: Người khắp thiên hạ có tội vì tâm buông lung. Ta dừng tâm buông lung đến một trăm kiếp mới đạt được Phật Đạo.

Đạo có bảy việc:

1. Tâm ưa bố thí, không muốn gì khác.

2. Chỉ muốn nghe pháp.

3. Chỉ tin pháp.

4. Chỉ giữ giới.

5. Chỉ muốn tu hành.

6. Chỉ muốn học trí tuệ.

7. Chỉ muốn giải thoát.

Hiện tại Đức Phật được giải thoát vì do nhiều đời chỉ học trí tuệ, vì do nhiều đời chỉ tinh tấn, vì do nhiều đời chỉ trì giới, vì do nhiều đời chỉ chánh tín, vì do nhiều đời chỉ muốn đa văn, vì do nhiều đời chỉ muốn bố thí.

Không những nhiều đời bố thí lại còn đa văn. Không những nhiều đời đa văn lại còn chánh tín. Không những nhiều đời chánh tín lại còn trì giới. Không những nhiều đời trì giới lại còn tu hành. Không những nhiều đời tu hành lại còn trí tuệ. Không những nhiều đời trí tuệ lại còn giải thoát. Bảy việc này đều nên đi đôi với nhau.

Có năm việc suy thoái:

1. Thời trước người trường thọ, thời nay đoản thọ.

2. Thời trước người đẹp như hoa đào, thời nay xấu xí.

3. Thời trước nhiều người đắc đạo, thời nay người khó đắc đạo.

4. Thời trước người thông hiểu rộng rãi về Kinh Điển, thời nay không thể hiểu được.

5. Thời trước người an ổn, thời nay nhiều bệnh tật.

Đó là năm việc suy thoái ở đời.

Có đạo nhân trường thọ, rất giàu có, tài sản vô số, ưa làm việc bố thí. Có người nói ông làm việc bố thí nhiều, nhiều lắm.

Đạo nhân nói: Tôi từng nghe Phật dạy: Người ở thế gian qua lại trong sinh tử, số ngày đó quá nhiều không thể tính. Sự bố thí của tôi hiện nay so ra một ngày không được một đồng thì có gì là nhiều.

Phật nói: Người được tất cả châu báu trong thiên hạ không bằng người nghe được một lời Phật dạy.

Vì sao?

Vì lệ thuộc nhiều tài sản thì không thể lìa thế gian.

Chim yết trong núi, đuôi nó có lông dài, lông bị vướng mắc nên nó sợ đứt không dám đi. Nó rất yêu thích cái đuôi, sợ thợ săn bắt được nhổ đi. Thân bị tan rã không sợ mà chỉ lo sợ bị mất lông đuôi. Con người bị trói chặt vào ý niệm ân ái, tài sản, nên không được thoát khổ.

Vì tham dâm, con người nuôi sống thân mình, ví như con ong làm mật siêng năng chịu khổ, hút lấy các mật hoa, chứa nhóm nhiều ngày mới thành, con người phá lấy đem đi, nó không được ăn, chỉ bị sự khổ nhọc.

Con người chạy Đông, chạy Tây cầu những việc như vậy, làm những việc như vậy, gom góp tài sản quý giá, khổ nhọc không thể nói hết, nhưng sau khi qua đời, của cải đó thuộc về người khác, bản thân mình lại mắc tội nặng, chịu khổ không thể lường.

Người thế gian ví như đi thuyền đất qua sông, thuyền vừa nổi trên mặt nước thì đã bị rã ra. Thân người như chiếc thuyền đất không thể lâu bền, phải mau hành đạo.

Có bốn cách thử vàng:

1. Đốt.

2. Chà xát.

3. Gọt dũa.

4. Tôi luyện.

Thí dụ như con người cũng có bốn cách thử:

1. Dùng sắc đẹp.

2. Cùng làm việc.

3. Dùng vật chất.

4. Khống chế, ngăn không cho làm.

Muốn biết được tướng của người có bốn nhân duyên:

1. Cùng ở chung.

2. Phải cùng ở chung lâu ngày.

3. Cùng nói chuyện với nhau.

4. Cùng làm việc.

Do đấy có thể biết được người đó.

Có bốn nhân duyên biết đó là người hành đạo.

1. Nghe đến việc ác làm loạn tâm trí thì không ghi nhận.

2. Không nói lỗi xấu của người.

3. Tự mình không bàn luận thị phi.

4. Tự giữ mình.

Như vậy biết là người hành đạo tự bảo hộ mình.

Người đời nay đủ bốn nhân duyên mới được hưởng phước.

1. Có đúng chỗ.

2. Có đúng lúc.

3. Có nghề nghiệp.

4. Có thầy.

Người có chỗ dừng lại được yên ổn như ý mình. Đó là đúng chỗ. Như người ba mươi tuổi mới được giàu có, khi mười lăm tuổi tìm không thể được, phải đợi đến ba mươi tuổi mới được. Đó là đúng lúc. Nếu người buôn bán hạt châu cũng như các vật khác, từ đó được lợi tức. Đó là có nghề nghiệp. Gặp được người hiểu biết, giảng giải Kinh Điển, được hiểu rõ. Đó là có thầy.

Có ba anh em tự cho mình tài giỏi không ai bằng, thay nhau thức để canh suốt đêm. Hai người anh ngủ trước, người em út ngồi canh một mình. Có một con trùng tên Bất cát đến cắn bắp vế của người em.

Người em liền đưa tay chận con trùng, con trùng trương lớn, chặn đập chừng nào lớn chừng nấy. Người em giận dữ bắt con trùng và đạp lên, đến nỗi quá sức mệt nhọc, con trùng trương lớn không dừng, người em út mới thôi.

Qua khỏi canh một, liền gọi người anh giữa dậy, trùng lại cắn người anh giữa. Lại giống như người em út, càng chiến đấu với trùng, trùng lại trương lớn cho đến như cái nhà. Chiến đấu như vậy quá mệt nhọc mới dừng.

Qua khỏi canh hai, lại kêu người anh cả dậy, trùng lại đến cắn. Người anh cả liền đưa tay chỉ, con trùng đứng dậy, người anh nhanh ý lấy cái vò đất chụp con trùng lại, chỉ thời gian rất ngắn, con trùng liền chui ra khỏi vò bay đi mất. Đến sáng ngày, hai người em quá sức mệt nhọc không dậy nổi.

Người anh biết hai người em cùng chiến đấu với con trùng, liền hỏi: Vì sao không dậy?

Hai người em hổ thẹn không dám nói.

Người anh bảo: Sau này giả như có gặp trùng Bất cát đến, hai chú chỉ nên lấy cái vò chụp nó lại là xong, không nên chống cự. Ví dụ như người si bị đối chất, liền nổi sân, do đó mắc tội. Như hai người em cùng chiến đấu với trùng, tự bản thân mình hết sức mệt nhọc. Người thông minh thấy người đối chất đến, liền tránh là được phước. Ví như người anh cả dùng cái vò chụp trùng bất cát.

Xưa có đạo nhân thuyết Kinh cho Vua nghe.

Vua hỏi: Khi Phật còn tại thế có nhiều người đắc đạo. Nay cũng đồng giảng Kinh của Phật mà không có người đắc đạo.

Phật đã mang đạo pháp đi mất rồi ư?

Đạo nhân đáp: Ví như trong thiên hạ không có rượu nào ngon bằng rượu nho, uống một thăng liền có thể say. Nhưng đem một thăng nước hòa vào một thăng rượu để uống thì không bị say. Khi Phật còn tại thế, thuyết giảng Kinh, biết ý tứ, thái độ của con người giống như người uống một thăng rượu nguyên chất liền bị say.

Ngày nay, chúng tôi không biết được như vậy, Đức Phật thuyết giảng Kinh biết rõ tâm ý và thái độ của người, đúng bệnh cho thuốc, nên người mau đắc đạo. Có Quốc Vương cúng bữa ăn cho các Tỳ Kheo.

Chư Thiên đến, chỉ Quốc Vương, bảo: Người này đắc A La Hán, người này đắc Bồ Tát, người này đắc đạo tích, người này không trì giới … Vua biết rõ tất cả và đều giữ tâm bình đẳng đối với các vị ấy. Chư Thiên rất hoan hỷ.

Có Quốc Vương cùng với người tranh chấp giá cao để được tắm Phật, Vua luôn nêu giá thật cao không dừng, người kia nói: Nay tôi xin đem tất cả tài vật hiện có, vợ con và thân mạng làm tôi tớ để được tắm Phật. Vua liền thua.

***