Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Tu đà
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BA MƯƠI
PHẨM TU ĐÀ
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Ma Kiệt, trong núi Ba Sa, cùng năm trăm đại chúng Tỳ Kheo. Bấy giờ Thế Tôn sáng sớm từ tĩnh thất thức dậy, ra ngoài kinh hành. Khi ấy Sa Di Tu Đà đi kinh hành sau lưng Đức Thế Tôn.
Thế Tôn quay lại bảo Sa Di rằng: Nay ta muốn hỏi ông về nghĩa.
Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ:
Sa Di Tu Đà đáp: Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Thế Tôn bảo: Có sắc thường và sắc vô thường, đó là một nghĩa hay nhiều nghĩa?
Sa Di Tu Đà bạch Phật: Sắc thường và sắc vô thường, nghĩa này nhiều, chẳng phải một nghĩa.
Vì sao thế?
Sắc thường là bên trong. Sắc vô thường là bên ngoài. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một.
Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay! Tu Đà! Như lời ông nói.
Khéo nói nghĩa này: Sắc thường và sắc vô thường có nhiều nghĩa chẳng phải một.
Thế nào Tu Đà?
Nghĩa hữu lậu, nghĩa vô lậu là một hay nhiều nghĩa?
Sa Di Tu Đà đáp: Nghĩa hữu lậu, nghĩa vô lậu là nhiều, chẳng phải là một nghĩa.
Vì sao thế?
Nghĩa hữu lậu là kiết sử sanh tử. Nghĩa vô lậu là pháp Niết Bàn. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, Tu Đà! Như lời ông nói. Hữu lậu thì sanh tử, vô lậu thì Niết Bàn.
Thế Tôn lại bảo: Phạp tụ, pháp tán là một nghĩa hay nhiều nghĩa?
Sa Di Tu Đà bạch Phật: Pháp tụ của sắc và pháp tán của sắc, nghĩa này nhiều, chẳng phải một nghĩa.
Vì sao thế?
Pháp tụ của sắc là thân Tứ Đại. Pháp tán của sắc là khổ Tận Đế. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, Tu Đà!
Như lời ông nói: Pháp tụ của sắc, pháp tán của sắc có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.
Thế nào Tu Đà?
Nghĩa thọ và nghĩa ấm là một hay nhiều nghĩa?
Sa Di Tu Đà bạch Phật: Thọ và ấm có nhiều nghĩa chẳng phải một nghĩa.
Vì sao thế?
Thọ thì không hình dáng, chẳng thể thấy. Ấm thì có sắc, có thể thấy. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, Tu Đà!
Như lời ông nói: Nghĩa thọ và nghĩa ấm, việc này có nhiều, chẳng phải một nghĩa.
Thế Tôn bảo: Chữ có, chữ không có nhiều hay là một nghĩa?
Sa Di bạch Phật: Chữ có, chữ không có nhiều nghĩa chẳng phải một nghĩa.
Vi sao thế?
Chữ có là sanh kết. Chữ không là Niết Bàn. Vì thế cho nên có nhiều nghĩa, chẳng phải một.
Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, Tu Đà!
Như lời ông nói: Chữ có là pháp sanh tử, chữ không là pháp Niết Bàn.
Thế Tôn bảo: Thế nào Tu Đà?
Vì sao mà gọi chữ có là sanh tử, chữ không là Niết Bàn?
Sa Di bạch Phật: Chữ có là có sanh, có tử, có chung, có thủy. Chữ không là không sanh, không tử, không chung, không thủy.
Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, Tu Đà!
Như lời ông nói: Chữ có là pháp sanh tử, chữ không là pháp Niết Bàn.
Bấy giờ Thế Tôn nói với Sa Di: Khéo nói lời này. Nay ta cho ông làm Ðại Tỳ Kheo.
Thế Tôn trở về giảng đường Phổ Tập, bảo các Tỳ Kheo: Nước Ma Kiệt chóng được lợi lành, khiến Sa Di Tu Đà đi đến cảnh giới này. Nếu có người đem y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men trị bệnh mà cúng dường thì cũng được lợi lành, cha mẹ ông ta cũng được lợi lành vì đã sanh được Tỳ Kheo Tu Đà này.
Nếu Tỳ Kheo Tu Đà sanh trong nhà nào, nhà ấy liền được may mắn lớn. Nay Ta báo cho các Tỳ Kheo. Hãy học như Tỳ Kheo Tu Đà.
Vì sao thế?
Tỳ Kheo Tu Đà hết sức thông minh, thuyết pháp không trệ ngại, cũng không khiếp nhược. Thế nên, các Tỳ Kheo, hãy học như Tỳ Kheo Tu Đà. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở thành La Duyệt, tại Vườn Trúc Ca Lan Đà cùng năm trăm đại chúng Tỳ Kheo. Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp có vô số chúng vây quanh thì có một Trưởng Lão Tỳ Kheo duỗi hân về phía Thế Tôn mà ngủ.
Khi ấy, Sa Di Tu Ma Na vừa lên tám tuổi, cách Thế Tôn chẳng xa, ngồi kiết già buộc niệm ở trước. Thế Tôn xa trông thấy Trưởng Lão Tỳ Kheo duỗi chân ngủ, lại thấy Sa Di ngồi ngay ngắn tư duy.
Thế Tôn thấy rồi liền nói kệ:
Ðược gọi là Trưởng Lão
Chưa chắc cạo tóc râu
Tuy tuổi tác lại lớn
Chẳng thoát khỏi hạnh ngu
Nếu có thấy pháp thật
Vô hại đối quần manh
Bỏ các hạnh uế ác
Ðây gọi là Trưởng Lão.
Chưa hẳn xuất gia trước
Tu gốc nghiệp lành này
Phân biệt ở chánh hạnh.
Nếu có người tuổi nhỏ
Các căn không thiếu sót
Ðây gọi là Trưởng Lão
Phân biệt chánh pháp hành.
Bấy giờ Thế Tôn hỏi các Tỳ Kheo: Các Thầy có thấy Trưởng Lão này duỗi chân mà ngủ chăng?
Các Tỳ Kheo thưa: Ðúng vậy, bạch Thế Tôn! Chúng con đều thấy.
Thế Tôn dạy: Trưởng Lão Tỳ Kheo này trong năm trăm đời hằng làm thân rồng. Nay nếu mạng chung sẽ sanh trong loài rồng.
Vì sao thế?
Vì không có tâm cung kính đối với Phật, Pháp, Tăng. Nếu có chúng sanh không có tâm cung kính đối với Phật, Pháp, Tăng, lúc thân hoại mạng chung đều sẽ sanh trong loài rồng.
Các Thầy có thấy Sa Di Tu Ma Na mới tám tuổi, cách Ta chẳng xa, ngồi ngay ngắn tư duy chăng?
Các Tỳ Kheo thưa: Ðúng vậy, bạch Thế Tôn!
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Sa Di này sau bảy ngày sẽ được Bốn thần túc, và được pháp Tứ Đế, tự tại ở Tứ Thiền, khéo tu Tứ ý đoạn.
Vì sao thế?
Sa Di Tu Ma Na có tâm cung kính đối với Phật, Pháp, Tăng.
Thế nên, các Tỳ Kheo! Hãy siêng năng cung kính Phật, Pháp, Tăng thêm. Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***