Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Ngũ Vương
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM BA MƯƠI BA
PHẨM NGŨ VƯƠNG
PHẦN HAI
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, trong thành Xá Vệ có trưởng giả Nguyệt Quang, rất giàu có, voi ngựa, bảy báu đều đầy đủ, vàng bạc, châu báu không kể xiết. Nhưng trưởng giả Nguyệt Quang không có con cái.
Bấy giờ, trưởng giả vì không con nên đi cầu khẩn Trời, Thần. Trưởng giả thỉnh cầu Trời, Trăng, Thiên Thần, Địa Thần, Quỷ Tử Mẫu, Tứ Thiên Vương, hai mươi tám Đại Thần Quỷ Vương, Ðế Thích và Phạm Thiên, Sơn Thần, Thọ Thần, Thần Ngũ Đạo, cây cối dược thảo, không đâu chẳng khắp, thảy đều quy mạng mong ban cho một đứa con trai.
Bấy giờ, vợ trưởng giả Nguyệt Quang trải qua mấy ngày liền có thai, bèn bảo trưởng giả: Tôi đã có thai. trưởng giả nghe xong mừng rỡ không kềm được, liền sắm cho phu nhân giường ghế tốt đẹp, ăn thức ăn ngon ngọt, mặc quần áo đẹp.
Phu Nhân trải qua tám chín tháng liền sanh con trai, nhan sắc đoan chánh, thế gian hiếm có như màu hoa đào.
Khi ấy, đứa bé này hai tay cầm châu ma ni vô giá, tức thời nói kệ:
Nhà này nếu có tiền,
Báu vật và thức ăn,
Nay tôi muốn bố thí,
Cho người nghèo không thiếu.
Nếu đây không có vật,
Tiền của và thức ăn,
Nay có châu vô giá,
Thường dùng bố thí người.
Cha mẹ và người trong nhà, nghe nói vậy đều bỏ chạy: Làm sao lại sanh loài quỷ mỵ này?
Chỉ có cha mẹ vì thương xót đứa con nên chẳng chạy tứ tán.
Người mẹ liền hướng về con, nói kệ:
Là Trời, Càn Thát Bà?
Quỷ mị và La Sát?
Là ai?
Tên họ gì?
Nay ta muốn được biết!
Ðứa bé liền dùng kệ đáp lời mẹ:
Chẳng Trời, Càn Thát Bà,
Không quỷ mị, La Sát,
Nay con cha mẹ sanh,
Là người, chớ nên nghi.
Phu Nhân nghe lời này rồi mừng rỡ không kềm được, đem chuyện này nói với trưởng giả Nguyệt Quang.
Trưởng giả liền nghĩ: Ðây là duyên gì?
Nay ta hãy đem việc này nói với Ni Kiền Tư. Rồi ông bồng đứa bé đến chỗ Ni Kiền Tư, cúi lạy rồi ngồi một bên.
Bấy giờ trưởng giả đem chuyện này nói đầy đủ cho Ni Kiền Tư, Ni Kiền Tư nghe xong bảo: Ðứa bé này là người bạc phước, vô ích đối với thân, nên giết đi. Nếu chẳng giết, nhà cửa sẽ bị suy hao và chết hết.
Lúc ấy, trưởng giả Nguyệt Quang suy nghĩ: Ta từ trước đến giờ không có con cái. Bởi vậy mới thỉnh cầu Trời Đất khắp nơi, trải qua bao năm mới sanh được đứa con này. Nay ta chẳng thể đem giết nó được. Thôi hãy hỏi lại Sa Môn, Bà La Môn khác để dứt nghi cho ta. Khi ấy, Như Lai thành Phật chưa được bao lâu. Mọi người gọi Ngài là Ðại Sa Môn.
Trưởng giả Nguyệt Quang liền nghĩ: Ta có thể đem chuyện này nói đầy đủ với Ðại Sa Môn. Rồi trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng lên bồng đứa bé đến chỗ Thế Tôn.
Giữa đường ông lại nghĩ: Nay có Trưởng Lão Phạm Chí lớn tuổi, già cả, thông minh trí tuệ, mọi người cung kính mà họ còn chẳng biết, chẳng thấy.
Huống là Sa Môn Cù Đàm này, tuổi trẻ, học đạo chưa được bao lâu, há có thể biết việc này sao?
E rằng không giải được cái nghi của ta. Nay ta nên giữa đường trở về nhà.
Lúc ấy có một Thiên Thần, xưa là bạn quen cũ của trưởng giả, biết tâm niệm trưởng giả, bèn ở trên hư không nói với ông: Trưởng giả nên biết! Tiến lên một chút ắt sẽ được lợi ích, được quả báo lớn, cũng sẽ đến chỗ cam lộ. Như Lai ra đời rất là khó gặp. Như Lai giáng mưa Cam Lộ, đúng thời mới có.
Lại nữa, này trưởng giả! Có bốn sự tuy nhỏ mà chớ nên coi thường.
Thế nào là bốn?
Quốc Vương tuy nhỏ, rất không thể khinh. Lửa tuy nhỏ, cũng không thể khinh. Rồng tuy nhỏ cũng không thể khinh, người học đạo tuy nhỏ cũng chẳng thể khinh.
Ðó là, này trưởng giả! Có bốn việc này thật chẳng thể khinh.
Lúc ấy, Thiên Thần liền nói kệ:
Quốc vương tuy còn nhỏ,
Giết hại do pháp này,
Lửa nhỏ tuy chưa mạnh
Thiêu đốt núi, cỏ cây.
Rồng thần tuy hiện nhỏ
Giáng mưa tùy lúc hợp,
Người học tuổi ấu trĩ,
Ðộ người không có lường.
Trưởng giả Nguyệt Quang tâm ý khai mở, mừng rỡ không kềm được, liền tiến đến trước. Ðến chỗ Thế Tôn, trưởng giả cúi lạy rồi ngồi một bên, đem nhân duyên bạch đầy đủ với Thế Tôn.
Thế Tôn bảo trưởng giả: Nay đứa bé này có phước rất lớn. Ðứa bé này lớn lên sẽ đem năm trăm đồ chúng đến chỗ ta, xuất gia học đạo, đắc A La Hán. Trong hàng Thanh Văn của ta, đấy sẽ là người phước đức đệ nhất, không ai bì kịp.
Trưởng giả nghe xong mừng rỡ không kềm được, bạch Thế Tôn: Ðúng như Thế Tôn dạy, chẳng phải như lời Ni Kiền Tử.
Trưởng giả Nguyệt Quang lại bạch Thế Tôn: Cúi mong Thế Tôn và Tỳ Kheo Tăng thương xót đứa bé này, nhận lời thỉnh của con! Ðức Thế Tôn làm thinh nhận lời. Trưởng giả thấy Phật làm thinh nhận lời thỉnh rồi, liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy rồi lui đi. Ông trở về nhà xếp đặt các thức ăn uống, ngon ngọt, trải tọa cụ tốt đẹp.
Sáng sớm, ông tự đến bạch Phật: Ðã đến giờ, kính mong Ngài quang lâm. Thế Tôn biết đến giờ, liền dẫn các Tỳ Kheo, vây quanh trước sau vào thành Xá Vệ, đến nhà trưởng giả, tới tòa ngồi. trưởng giả thấy Phật và Tỳ Kheo Tăng đã ngồi yên, liền bày các món ăn uống, tự tay châm chước, vui mừng chẳng loạn.
Khi thấy chư vị ăn xong dẹp bình bát, rửa tay rồi, ông đem một ghế nhỏ đến trước Như Lai ngồi, muốn được nghe Phật Thuyết Diệu Pháp.
Trưởng giả Nguyệt Quang bạch Thế Tôn: Nay con đem ruộng vườn, nhà cửa cho hết đứa bé này. Cúi mong Thế Tôn hãy đặt tên cho nó.
Thế Tôn bảo: Ðứa bé này lúc mới sanh, mọi người đều bỏ chạy, nói là quỷ Thi Bà La. Nay đặt tên là Thi Bà La. Thế Tôn dẫn dần thuyết diệu luận cho vợ chồng trưởng giả. Luận, nghĩa là thí luận, giới luận, luận sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, lậu là hoạn lớn, xuất yếu là hay.
Thế Tôn thấy vợ chồng trưởng giả tâm ý khai mở, không còn hồ nghi. Chư Phật Thế Tôn thường thuyết pháp khổ, tập, diệt, ðạo.
Thế Tôn liền thuyết hết cho trưởng giả, khiến phát tâm hoan hỉ. Vợ chồng trưởng giả ở ngay trên tòa, sạch hết các trần cầu, được pháp nhãn thanh tịnh, như tấm vải trắng mới, dễ nhuộm màu.
Vợ chồng trưởng giả cũng vậy, ở ngay trên tòa được pháp nhãn thanh tịnh. Họ đã thấy pháp, phân biệt pháp, đã hết do dự, không còn hồ nghi, được không sợ sệt, hiểu pháp thâm áo của Như Lai, liền thọ ngũ giới.
Thế Tôn liền nói kệ:
Thờ tự, lửa trên hết,
Các luận, tụng là đầu,
Vua được người tôn kính,
Biển là nguồn các dòng,
Trăng là sáng hơn sao,
Mặt Trời sáng hơn hết,
Tám phương và trên dưới,
Trong vạn vật sanh ra,
Muốn cầu người có phước,
Chánh giác là tối tôn.
Thế Tôn nói kệ rồi, liền từ chỗ ngồi đứng lên mà đi.
Bấy giờ, trưởng giả tìm năm trăm đồng tử để hầu hạ Thi Bà La.
Năm Thi Bà La hai mươi tuổi, ông đến thưa cha mẹ rằng: Cúi xin cha mẹ cho con xuất gia học đạo. Song thân liền chấp thuận.
Vì sao thế?
Vì Thế Tôn đã thọ ký trước rồi: Ông sẽ đem năm trăm Đồng Tử đến chỗ Thế Tôn cầu là Sa Môn. Lúc đó Thi Bà La và năm trăm người cúi lạy cha mẹ rồi lui đi. Ðến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi đứng một bên.
Thi Bà La bạch Thế Tôn rằng: Cúi xin Thế Tôn chấp nhận cho con vào đạo. Thế Tôn liền bằng lòng cho làm Sa Môn. Chưa quá mấy ngày, ông liền thành A La Hán, lục thông trong suốt, đầy đủ Tám giải thoát.
Khi ấy, năm trăm Đồng Tử đến trước bạch Thế Tôn: Cúi mong Thế Tôn cho làm Sa Môn. Thế Tôn lặng thinh đồng ý. xuất gia chưa được mấy ngày, tất cả đều thành A La Hán. Tôn Giả Thi Bà La trở về làng cũ tại nước Xá Vệ. Mọi người kính ngưỡng, đem tứ sự cúng dường y phục, thức ăn uống, giường chõng, thuốc men khi bệnh tật.
Tôn Giả Thi Bà La liền nghĩ: Nay ta ở làng mình thật là phiền phức, ồn náo. Ta nên đi du hóa trong nhân gian. Tôn Giả Thi Bà La đến giờ đắp y, ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực. Khất thực xong, Tôn Giả trở về chỗ thu dọn tọa cụ, đắp y, ôm bát khỏi Tinh Xá Kỳ Hoàn, cùng năm trăm Tỳ Kheo vây quanh trước sau đi du hóa trong nhân gian.
Ði đến đâu chư vị cũng đều được cúng dường, đều được cung cấp y phục, thức ăn uống, giường chõng, thuốc thang khi bệnh tật.
Lại có Chư Thiên báo cho các thôn xóm: Nay có Tôn Giả Thi Bà La, đắc A La Hán, phước đức đệ nhất, cùng năm trăm Tỳ Kheo du hóa trong nhân gian. Chư Hiền nên đến cúng dường. Nay chẳng làm, sau hối vô ích.
Khi ấy Tôn Giả Thi Bà La nghĩ rằng: Nay thật quá chán sự cúng dường này phải tránh chỗ nào cho người không biết chỗ ta. Rồi ngài liền vào núi sâu.
Chư Thiên lại báo cho từng người trong thôn xóm: Nay Tôn Giả Thi Bà La ở trong núi này. Hãy đến cúng dường. Nay chẳng làm, sau hối vô ích.
Nhân dân nghe Trời nói rồi, liền đội thức ăn uống đến chỗ Tôn Giả Thi Bà La: Cúi xin ngài dừng lại vì chúng con.
Tôn Giả Thi Bà La dần dần du hóa trong nhân gian, đến vườn trúc Ca Lan Đà ở thành La Duyệt cùng với năm trăm đại Tỳ Kheo, cũng được cúng dường y phục, ẩm thực, giường chiếu, thuốc men.
Ngài Thi bà thi lại nghĩ: Nay ta đi về đâu nhập hạ, cho người ta đừng biết chỗ ta?
Rồi ngài lại nghĩ: Nên đến phía Ðông núi Kỳ Xá, phía Tây núi Quang Phổ mà nhập hạ. Ngài dẫn năm trăm Tỳ Kheo đến núi đó nhập hạ. Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân biết Thi Bà La nghĩ bụng như thế, liền ở trong núi hóa ra cảnh Chùa, vườn quả, cây cối đều đầy đủ.
Chung quanh có hồ tắm. Thích Đề Hoàn Nhân lại hóa năm trăm đài cao, lại hóa năm trăm giường dây, dùng cam lồ của trời để dâng thức ăn.
Tôn Giả Thi Bà La bèn nghĩ: Nay ta đã kiết hạ xong. Quá lâu chăng gặp Như Lai, nay nên đến gần gũi Thế Tôn. Tôn Giả liền cùng năm trăm Tỳ Kheo đến thành Xá Vệ. Bấy giờ Trời nóng bức, chúng Tỳ Kheo đều đổ mồ hôi nhớp nhúa thân thể.
Tôn Giả Thi Bà La liền nghĩ: Hôm nay, thân thể chúng Tỳ Kheo nóng nực, phải chi có đám mây nhỏ trên Trời và có một trận mưa nhỏ thì hay biết mấy. Rồi gặp hồ tắm nho nhỏ và có nước uống.
Tôn Giả vừa nghĩ xong, trên không liền có đám mây lớn và Trời mưa nhỏ, cũng có hồ tắm và có bốn phi nhân gánh nước ngon ngọt do Tỳ Sa Môn Vương sai đến: Cúi mong Tôn Giả nhận nước ngọt này và cho Tỳ Kheo Tăng. Tôn Giả nhận nước rồi cùng uống với Tỳ Kheo Tăng.
Tôn Giả Thi Bà La lại nghĩ: Nay ta nên dừng ở đây. Thích Đề Hoàn Nhân biết tâm niệm Tôn Giả Thi Bà La, liền hóa ra năm trăm phòng nhà, giường nằm đầy đủ ở bên đường.
Lúc ấy, Chư Thiên dâng lên thức ăn uống. Tôn Giả Thi Bà La ăn xong liền từ chỗ ngồi đứng lên mà đi. Bấy giờ, người chú của Tôn Giả Thi Bà La ở thành Xá Vệ rất giàu có, không thiếu món gì, nhưng lại tham lam không chịu bố thí, chẳng tin Phật, Pháp, Tăng không tạo công đức.
Những người thân tộc bảo ông ta: Trưởng giả dùng của cải này làm gì mà không tạo tư lương cho đời sau?
Trưởng giả kia nghe lời này rồi, trong một ngày đem ngàn lượng vàng bố thí cho Phạm Chí ngoại đạo, chẳng hướng về Tam Bảo. Tôn Giả Thi Bà La nghe chú mình đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho ngoại đạo dị học, không bố thí cho Tam Bảo.
Khi ấy Tôn Giả Thi Bà La đến chỗ Thế Tôn ở Tinh Xá Kỳ Hoàn, cúi lạy rồi ngồi một bên, Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho Thi Bà La.
Tôn Giả Thi Bà La nghe Như Lai thuyết pháp xong, từ chỗ ngồi đứng lên lạy Thế Tôn, đi nhiễu bên phải ba vòng mà lui.
Ngay ngày ấy, Tôn Giả Thi Bà La đắp y, ôm bát vào thành Xá Vệ khất thực, lần lần đến nhà chú mình. Ðến rồi đứng ngoài cửa lặng thinh.
Trưởng giả thấy Thi Bà La ở ngoài cửa khất thực, liền bảo: Sao hôm qua ông không đến?
Tôi đã đem trăm ngàn lượng vàng bố thí. Giờ tôi có thể cho ông một tấm vải.
Tôn Giả Thi Bà La đáp: Nay tôi chẳng dùng vải làm gì! Hôm nay tôi đến để khất thực.
Trưởng giả đáp: Hôm qua tôi đã dùng trăm ngàn lượng vàng bố thí, không thể bố thí nữa. Tôn Giả Thi Bà La muốn độ cho được trưởng giả nên bay lên không trung, thân phun ra lửa, ngồi, nằm, kinh hành tùy ý.
Trưởng giả thấy sự biến hóa này rồi, liền nói: Trở xuống đây, ngồi đi!
Nay tôi sẽ thí cho. Tôn Giả Thi Bà La liền xả thần túc, trở xuống ngồi. trưởng giả kia đem thức ăn uống hết sức dở tệ, thô xấu cho Tôn Giả Thi Bà La ăn.
Tôn Giả Thi Bà La vốn sanh trưởng trong nhà hào tộc, tùy ý ăn uống, nhưng vì trưởng giả ấy nên Tôn Giả nhận thức ăn này ăn. Tôn Giả Thi Bà La ăn xong, trở về chỗ mình.
Ðêm hôm ấy, Thiên Nhân ở trên không, bảo trưởng giả:
Thiện thí, thí rất lớn,
Là cho Thi Bà La,
Vô dục đã giải thoát,
Ái đoạn, đã vô nghi.
Nửa đêm và sáng sớm hai thời Thiên Nhân nói kệ này:
Thiện thí, thí lớn nhất,
Là cho Thi Bà La,
Vô dục đã giải thoát,
Ái đoạn đã vô nghi.
Trưởng giả nghe Thiên Nhân nói liền nghĩ: Hôm qua ta đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho ngoại đạo mà không có sự cảm ứng này. Hôm nay ta lấy thức ăn dở tệ bố thí cho Thi Bà La mà có cảm ứng đến thế. Bao giờ trời sáng, ta sẽ tự đem trăm ngàn lượng vàng thí cho Thi Bà La.
Ngay ngày đó, trưởng giả kiểm điểm lại trong nhà, có đủ trăm ngàn lượng vàng liền đem đến Thi Bà La. Đến rồi, cúi lạy và đứng một bên.
Trưởng giả đem trăm ngàn lượng vàng dâng Thi Bà La và nói: Cúi mong Ngài nhận cho trăm ngàn lượng vàng này.
Khi ấy, Tôn Giả Thi Bà La đáp: Mong cho trưởng giả được Pháp vô cùng, trường thọ tự nhiên. Nhưng Thế Tôn chẳng cho Tỳ Kheo nhận trăm ngàn lượng vàng. Trưởng giả liền đến chỗ Thế Tôn. Đến rồi, cúi lạy ngồi một bên.
Trưởng giả kia bạch Thế Tôn: Cúi mong Thế Tôn cho ngài Thi Bà La nhận trăm ngàn lượng vàng, để con được hưởng phước.
Thế Tôn bảo một Tỳ Kheo: Thầy đến chỗ Tỳ Kheo Thi Bà La bảo rằng Ta gọi.
Tỳ Kheo đáp: Xin vâng, Thế Tôn!
Tỳ Kheo kia vâng lời Phật dạy đến chỗ Thi Bà La, đem lời Thế Tôn báo cho ông. Tôn Giả Thi Bà La nghe lời Tỳ Kheo kia, liền đến chỗ Thế Tôn cúi lạy, rồi ngồi một bên.
Thế Tôn bảo Thi Bà La: Nay thầy có thể nhận trăm ngàn lượng vàng của trưởng giả khiến ông ta được phước. Ðây là nghiệp duyên đời trước nên hưởng phước báo này.
Ngài Thi Bà La đáp: Xin vâng, Thế Tôn!
Khi ấy, Tôn Giả Thi Bà La tức thời nói kệ:
Thí y và vật khác,
Muốn cầu phước đức này,
Ðến tới Trời, loài người,
Ngũ dục tự vui thú.
Từ Trời đến loài người,
Qua được không nghi nan
Chỗ vô vi Niết Bàn,
Chỗ vui của Chư Phật.
Người bố thí không khó,
Mong được phước đức này,
Sẽ khởi tâm từ huệ,
Tạo phước không lười mỏi.
Tôn Giả Thi Bà La bảo trưởng giả: Hãy đem trăm ngàn lượng vàng này đặt trong phòng tôi. Trưởng giả vâng lời dạy, đem trăm ngàn lượng vàng này đặt trong phòng Tôn Giả Thi Bà La rồi lui đi.
Ngài Thi Bà La bải các Tỳ Kheo: Vị nào có thiếu chi, hãy đến đây mà lấy. Nếu cần y phục, thức ăn uống, giường chiếu, thuốc men đều đến lấy đi, chớ cầu chỗ khác. Hãy lần lượt báo cho nhau điều này.
Bấy giờ, nhiều Tỳ Kheo bạch Thế Tôn: Ngài Thi Bà La này xưa tạo phước gì mà sanh trong nhà trưởng giả, đoan chánh vô song, như màu hoa đào?
Lại tạo phước gì mà hai nắm hạt châu từ trong thai mẹ ra?
Lại tạo phước gì mà đem năm trăm người đến chỗ Thế Tôn xuất gia học đạo, gặp Như Lai ra đời?
Lại tạo phước gì mà đi đến đâu cũng có cơm áo tự nhiên không thiếu thốn?
Các Tỳ Kheo khác không ai bì kịp?
Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Quá khứ lâu xa, cách nay chín mươi mốt kiếp, có Phật Hiệu Tỳ Bà Thi Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện ở đời, dạo ở nước Bàn Đầu cùng sáu mươi vạn tám ngàn chúng, đầy đủ bốn món cúng dường. Y phục, ẩm thực, giường chõng, thuốc men.
Bấy giờ có Phạm Chí tên Da Nhã Đạt trụ ở nước đó, nhiều tiền của, vàng bạc, trân bảo, xa cừ, mã não, chân châu, hổ phách không thể tính kể.
Bấy giờ Da Nhã Đạt ra khỏi nước, đến chỗ Như Lai Tỳ Bà Thi, đến rồi, thăm hỏi nhau và ngồi một bên. Như Lai Tỳ Bà Thi dần dần thuyết pháp cho ông phát tâm hoan hỉ. Khi ấy Da Nhã Đạt bạch Phật Tỳ Bà Thi. Cúi mong Ngài hãy nhận lời thỉnh của con, con muốn trai phạn Phật và Tỳ Kheo Tăng.
Lúc ấy Như Lai làm thinh thọ thỉnh. Phạm Chí Da Nhã Đạt đã thấy Thế Tôn làm thinh thọ thỉnh, liền từ chỗ ngồi đứng lên, nhiễu Phật ba vòng rồi đi. Về nhà, ông bày biện thức ăn thức uống ngon ngọt.
Khi ấy, vào nửa đêm, Da Nhã Đạt nghĩ: Nay ta đã làm xong các thức ăn uống, chỉ thiếu tô lạc. Sáng sớm ngày mai ta sẽ đến cửa thành, có ai bán tô lạc, ta sẽ mua hết.
Sáng sớm, Da Nhã Đạt trải tọa cụ tốt đẹp, rồi đến cửa thành tìm tô lạc. Ngay khi ấy, có người chăn trâu tên Thi Bà La cầm tô lạc đến muốn đem tế tự.
Phạm Chí Da Nhã Đạt bảo người chăn trâu: Ông bán tô lạc, ta sẽ mua hết với giá mắc.
Thi Bà La nói: Nay tôi muốn cúng tế.
Phạm Chí bảo: Nay ông tế Trời để cầu việc gì?
Nếu bán cho ta, ta sẽ trả đáng giá.
Người chăn trâu hỏi: Phạm Chí!
Nay ông dùng tô lạc làm gì?
Phạm Chí đáp: Nay tôi thỉnh Như Lai Tỳ Bà Thi và Tỳ Kheo Tăng. Các món ẩm thực đã bàn biện đủ, chỉ thiếu tô lạc.
Thi Bà La hỏi Phạm Chí: Như Lai Tỳ Bà Thi tướng mạo thế nào?
Phạm Chí đáp: Như Lai không có ai bằng, giới thanh tịnh, tuệ định Tam Muội không ai bì kịp. Trên Trời và nhân gian không ai bì kịp. Phạm Chí Da Nhã Đạt tán thán công đức Như Lai. Thi Bà La nghe xong tâm ý khai mở.
Lúc ấy, Thi Bà La bảo Phạm Chí: Nay tôi sẽ đích thân đem tô lạc này đến cúng cho Như Lai, đừng cúng Trời làm gì nữa?
Phạm Chí Da Nhã Đạt đem người chăn trâu về nhà, rồi đến bạch Phật: Ðã đến giờ, nay chính đúng lúc, cúi mong Như Lai hạ cố. Như Lai biết đã đến giờ liền đắp y, ôm bát cùng các Tỳ Kheo vây quanh trước sau, đến nhà Phạm Chí Da Nhã Đạt. Mỗi người theo thứ lớp ngồi.
Bấy giờ người chăn trâu thấy Như Lai, dung mạo ít có trên Đời, các căn đạm bạc, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, trang nghiêm thân, cũng như trời, trăng, ví như núi chúa Tu Di cao hơn các núi, ánh sáng chiếu xa, không đâu chẳng thấm nhuần.
Người ấy thấy rồi, hoan hỉ đến trước Thế Tôn nói rằng: Công đức Như Lai nếu đúng như lời Phạm Chí nói, xin khiến một bình tô lạc này đầy đủ cho tất cả Chúng Tăng.
Thi Bà La bạch Thế Tôn: Xin nhận tô lạc này. Như Lai đưa bát nhận tô lạc, cũng lại cho Tỳ Kheo Tăng, tô lạc vẫn còn dư.
Người chăn trâu bạch Thế Tôn: Nay còn dư tô lạc.
Như Lai bảo: Nay ông lại đem tô lạc này dâng cho Phật và Tỳ Kheo Tăng.
Người chăn trâu nói: Xin vâng, Thế Tôn! Rồi người chăn trâu lại chia tô lạc một lần nữa. Tô lạc cũng vẫn còn dư.
Người chăn trâu lại bạch Phật: Nay cũng còn dư tô lạc.
Thế Tôn bảo người ấy: Nay có thể đem tô lạc này chia cho chúng Tỳ Kheo Ni, chúng Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di khiến được no đủ. Và tô lạc vẫn còn dư.
Phật bảo người chăn trâu: Nay ông đem tô lạc này cho chủ nhân Đàn Việt.
Xin vâng. Rồi người chăn trâu đem cho Đàn Việt chủ nhân, tô lạc cũng vẫn còn dư. Ông lại đem bố thí cho người bần khổ, ăn xin, tô lạc cũng vẫn còn dư.
Người chăn trâu liền đến bạch Phật: Vẫn còn dư tô lạc.
Phật bảo: Nay đem tô lạc này trút xuống đất sạch, hoặc đổ trong nước.
Vì sao thế?
Ta chẳng thấy có ai trong Trời, người có thể tiêu được tô lạc này, chỉ trừ Như Lai. Người chăn trâu vâng lời Phật dạy, đem tô lạc này bỏ vào trong nước. Ngay đó, trong nước có lửa sáng mạnh bốc lên cao vài mươi nhẫn.
Người chăn trâu trông thấy sự biến hóa quái lạ như thế, khen ngợi chưa từng có rồi trở về chỗ Thế Tôn cúi lạy, chắp tay đứng lập thệ nguyện này: Nay con đem tô lạc này thí cho bốn bộ chúng. Nếu được phước đức thì do phước này xin chớ đọa vào chỗ có tám nạn, chớ sanh trong nhà nghèo khổ, khi sanh ra được sáu căn đầy đủ, mặt mũi đoan chánh, cũng chẳng ở nhà, khiến đời tương lai con cũng sẽ được gặp bậc Tôn Thánh như vậy.
Tỳ Kheo nên biết, ba mươi mốt kiếp về trước, lại có Phật tên Như Lai Thi khí ra đời. Khi ấy Như Lai Thi khí du hóa trong cõi Dã Mã cùng đại Tỳ Kheo mười vạn người.
Bấy giờ Như Lai Thi khí đến giờ đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Trong thành có một khách thương lớn tên là Thiện Tài. Ông từ xa thấy Như Lai Thi khí, các căn tịch tĩnh, dung mạo đoan chánh, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân, mặt như Mặt Trời Mặt Trăng.
Thấy rồi, ông liền phát tâm hoan hỉ, tiến đến trước Thế Tôn cúi lạy rồi ngồi một bên. Vị khách buôn đem bảo châu tốt rải trên Như Lai.
Ngay khi ấy, ông thệ nguyện trong lòng: Con đem công đức này, mong sanh nơi nào được nhiều tiền của, không thiếu thốn gì, trong tay không bao giờ rỗng thiếu, cho đến trong bào thai mẹ cũng chẳng để trống.
Trong kiếp này, lại có Như Lai Tỳ Xá La Bà Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Bấy giờ có trưởng giả tên Thiện Giác giàu có, nhiều tiền của, lại thỉnh Tỳ Xá La Bà Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác và Tỳ Kheo Tăng. trưởng giả ấy ít người làm.
Lúc ấy, trưởng giả đích thân tự xếp đặt các món ăn uống ngon ngọt trai phạn Như Lai và thệ nguyện: Con đem công đức này, mong sau sanh ở đâu, thường được gặp Tam Bảo không thiếu sót, thường có nhiều người làm, khiến đời sau được gặp Thế Tôn như hôm nay.
Nay trong hiền kiếp này, có Phật tên Câu Lưu Tôn Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh giác xuất hiện ở đời. Bấy giờ có trưởng giả Ða Tài, lại thỉnh Như Lai Câu Lưu Tôn, trong bảy ngày thọ thực, Phật và Tỳ Kheo Tăng.
Ông cúng dường y phục, thức ăn uống, giường chõng, thuốc men và nguyện: Sanh ra thường được nhiều tiền của, không sanh vào nhà bần cùng, khiến con hằng được bốn món cúng dường, được bốn bộ chúng, Quốc Vương, nhân dân trông thấy đều sùng kính. Trời, Rồng, Quỷ Thần, nhân và phi nhân trông thấy đều tiếp rước, đãi ngộ.
Các Tỳ Kheo nên biết!
Bấy giờ Phạm Chí Da Nhã Đạt, há là người khác sao?
Chớ xem như thế! Vì sao?
Vì nay chính là trưởng giả Nguyệt Quang. Người chăn trâu tên Thi Bà La đem tô lạc cúng dường Phật, nay là Tỳ Kheo Thi Bà La.
Khách buôn Thiện Tài đâu phải ai xa lạ, chớ xem như thế! Nay chính là Tỳ Kheo Thi Bà La. Bấy giờ trưởng giả Thiện Giác há là ai khác.
Chớ xem như thế! Nay chính là Tỳ Kheo Thi Bà La.
Bấy giờ trưởng giả Ða Tài, há là người khác.
Chớ xem như thế! Nay chính là Tỳ Kheo Thi Bà La.
Các Tỳ Kheo nên biết!
Tỳ Kheo Thi Bà La, phát thệ nguyện này: Khiến tôi sanh ra hằng đoan chánh vô song, thường sanh trong nhà phú quý. Khiến đời tương lai được gặp Thế Tôn. Nếu ngài vì tôi thuyết pháp, tôi sẽ được giải thoát, được xuất gia làm Sa Môn.
Do công đức này, nay Tỳ Kheo Thi Bà La được sanh trong nhà phú quý, đoan chánh vô song, nay gặp được ta, liền đắc A La Hán.
Nhưng Tỳ Kheo nên biết!
Ông ta lại lấy bảo châu rải trên Như Lai, đem công đức này, nay ở trong thai mẹ cầm hai hột châu mà ra, giá trị bằng cõi Diêm Phù Đề. Ngay ngày ông vừa sanh ra liền biết nói.
Ông lại thỉnh Như Lai Câu Lưu Tôn, mong được nhiều tôi tớ, nay đem năm trăm đồ chúng đến chỗ ta, xuất gia học đạo đắc A La Hán.
Lại trong bảy ngày, ông cúng dường Như Lai Câu Lưu Tôn cầu được bốn món cúng dường. Hôm nay chẳng thiếu y phục, thức ăn uống, giường nằm, thuốc men.
Do công đức này, các Tỳ Kheo khác không bì kịp. Thích Đề Hoàn Nhân tự thân đến cúng dường cấp món cần thiết, lại có Chư Thiên truyền báo thôn xóm, khiến bốn bộ chúng biết có Thi Bà La là nghĩa này vậy.
Trong đệ tử của ta, người phước đức đệ nhất là Tỳ Kheo Thi Bà La. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***