Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
 

PHẨM BỐN MƯƠI MỐT

PHẨM MẠC ÚY
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở trong vườn Ni Câu Lũ, nước Thích Sĩ Ca Tỳ La Vệ. Khi ấy Thích Sĩ Ma Ha Nam đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy chân Phật rồi ngồi một bên.

Thích Sĩ Ma Ha Nam bạch Thế Tôn:

Con theo Như Lai được dạy rằng: Nếu có thiện nam, thiện nữ đoạn được ba kiết sử, được quả Tu Đà Hoàn, gọi là bất thối chuyển, chắc chắn sẽ thành đạo quả, chẳng tìm cầu các ngoại đạo dị học nữa, cũng không cần quán sát người khác nói nữa. Nếu phải như vậy thì việc này không đúng. Còn nếu gặp trâu, ngựa, lạc đà hung dữ thì khiếp sợ, lông tóc dựng đứng.

Rồi con nghĩ rằng: Nếu hôm nay ta ôm lòng khiếp sợ này mà mạng chung thì không biết sanh về đâu?

Thế Tôn bảo Ma Ha Nam: Chớ khởi tâm sợ hãi. Nếu thầy có mạng chung cũng không đọa vào ba đường ác.

Vì sao thế?

Nay có ba nghĩa tiêu diệt.

Thế nào là ba?

Như có đắm trước dâm dục thì khởi loạn tưởng, rồi khởi tâm hại đối với người khác, nếu không có dục này thì không khởi tâm sát hại, trong hiện tại không khởi khổ não.

Các pháp ác, bất thiện thì tự hại mình, nếu không có điều này thì không có nhiễu loạn, không có sầu lo. Này Ma Ha Nam, đó là ba nghĩa của các pháp ác, bất thiện khiến phải đọa xuống, còn các pháp thiện thì ở trên.

Cũng như bình bơ tô ở trong nước bị bể, khi ấy ngói đá thì chìm xuống dưới, còn bơ thì nổi ở trên. Ðây cũng như thế, các pháp ác bất thiện thì chìm xuống, các pháp thiện thì nổi ở trên.

Này Ma Ha Nam, ngày xưa lúc ta chưa thành Phật Đạo, sáu năm cần khổ ở Ưu lưu tỳ, chẳng ăn thức thơm ngon, thân thể gầy ốm như người trăm tuổi, đều vì không ăn. Nếu lúc ta muốn đứng lên, liền té xuống đất.

Khi ấy ta nghĩ rằng: Nếu ta ở đây mà mạng chung sẽ sanh về đâu?

Ta lại nghĩ: Nay ta mạng chung chắc chắn chẳng sanh trong đường ác. Nhưng nghĩa thú chẳng thể đi từ vui đến vui, mà phải do khổ mà sau đến chỗ vui. Bấy giờ ta lại dạo trong hang Tiên Nhân, có nhiều Ni Kiền Tử đang học đạo ở đó. Khi đó Ni Kiền Tử giơ tay chỉ Mặt Trời, phơi thân học đạo, hoặc có người ngồi xổm mà học đạo.

Khi ấy ta đến đó bảo Ni Kiền Tử: Các ông vì sao lại rời tòa ngồi giơ tay, kiễng chân thế?

Ni Kiền Tử ấy nói: Cồ Đàm nên biết!

Ngày xưa Tiên Sư của tôi làm hạnh bất thiện, nay sở dĩ tôi khổ như thế là muốn diệt hết tội kia. Nay tuy bày hình thể có phần hổ thẹn, nhưng cũng tiêu diệt được việc này.

Cù Đàm! Ngài nên biết hành tận thì khổ cũng tận, khổ tận thì hành cũng tận. Khổ và hành đã tận thì đến Niết Bàn.

Lúc ấy, ta lại bảo Ni Kiền Tử: Việc này không đúng. Chẳng phải do hành tận mà khổ cũng tận. Cũng chẳng do khổ tận mà hành cũng tận rồi đến được Niết Bàn. Nay nếu khổ hành tận đến Niết Bàn thì việc này đúng. Nhưng không thể từ vui đến vui.

Ni Kiền Tử nói: Vua Tần Bà Sa La đi từ vui đến vui, có khổ gì đâu?

Khi ấy, ta lại bảo Ni Kiền Tử: Vua Tần Bà Sa La vui đâu bằng cái vui của ta!

Ni Kiền Tử đáp: Cái vui của Tần Bà Sa La hơn cái vui của Ngài.

Ta lại bảo Ni Kiền Tử: Vua Tần Bà Sa La có thể khiến ta ngồi kiết già bảy ngày bảy đêm không nhúc nhích chăng?

Cho dù sáu, năm, bốn, ba, hai cho đến một ngày ngồi kiết già được chăng?

Ni Kiền Tử đáp: Không được, Cù Đàm.

Ta bảo: Ta có thể đủ sức ngồi kiết già, thân không lay động.

Thế nào, Ni Kiền Tử, vua Tần Bà Sa La vui hay ta vui?

Ni Kiền Tử nói: Sa Môn Cù Đàm vui.

Ðúng thế, Ma Ha Nam! Nên dùng phương tiện này để biết không thể từ vui đến vui mà phải từ khổ đến vui.

Này Ma Ha Nam! Ví như một làng lớn, hai bên có ao nước to đầy nước, ngang dọc một do tuần. Có người đến đó lấy một giọt nước.

Thế nào, Ma Ha Nam?

Nước ở chỗ nào nhiều?

Nước của một giọt nhiều hay nước của ao nhiều?

Ma Ha Nam nói: Nước ao nhiều chứ không phải nước một giọt nhiều.

Thế Tôn bảo: Ðây cũng như thế. Ðệ tử Hiền Thánh các khổ đã hết, không còn có nữa. Cái còn lại như một giọt nước, như đạo giả thấp nhất trong chúng của Ta, chẳng qua bảy lần chết, bảy lần sống thì hết mé khổ. Nếu lại dũng mãnh tinh tấn thì liền đến bậc Gia gia A Na Hàm hướng rồi chứng.

Bấy giờ Thế Tôn lại thuyết pháp vi diệu cho Ma Ha Nam một lần nữa. Ông ta nghe pháp rồi, đứng lên mà đi. Khi ấy, Ma Ha Nam nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Tôn Giả Na Già Bà La ở trong thành Lộc Dã. Khi ấy có một Bà La Môn già lụ khụ, xưa có quen biết chút ít với Tôn Giả Na Già Bà La, đến chỗ Na Già Bà La thăm hỏi rồi ngồi một bên.

Bấy giờ Phạm Chí bảo Na Già Bà La: Trong các sự vui, nay ông thật là sung sướng nhất.

Na Già Bà La nói: Ông xem những nghĩa gì mà nói trong các sự vui, tôi sung sướng nhất?

Bà La Môn đáp: Trong bảy ngày vừa qua, tôi có bảy đứa con trai chết, những đứa này đều dũng mãnh, tài cao, trí tuệ ít người bì kịp, rồi trong sáu ngày gần đây, mười hai người làm cũng bị vô thường, họ rất siêng năng không có lười biếng.

Kế đó năm ngày, bốn anh em của tôi chết, họ biết nhiều kỹ thuật, việc gì cũng làm được. Rồi cách bốn ngày, cha mẹ tôi mạng chung, tuổi vừa trăm tuổi bỏ tôi mà qua đời. Cách đây ba ngày, hai vợ tôi lại chết, họ dung mạo đoan chánh, thế gian ít có.

Trong nhà tôi lại có tám hầm trân bảo, hôm qua đi tìm mà không biết chỗ. Ngày nay, như tôi gặp chuyện khổ não này không thể tính kể. Mà Tôn Giả thì hôm nay xa lìa hẳn hoạn nạn đó, không còn sầu lo, chỉ lấy đạo pháp làm vui thú.

Tôi quán nghĩa này rồi mới nói: Trong các sự vui, Ông là sung sướng nhất.

Khi ấy Tôn Giả Na Già Bà La bảo Phạm Chí kia rằng: Tại sao ông không tìm cách khiến cho bao nhiêu người ấy đừng chết?

Phạm Chí đáp: Tôi cũng làm nhiều cách để mong không chết và không mất của tiền, tôi cũng tùy thời bố thí tạo công đức, cầu khẩn Chư Thiên, cúng dường các Trưởng Lão Phạm Chí, ủng hộ Chư Thần, tụng các chú thuật, cũng hay xem tinh tú, rồi cũng trộn cỏ thuốc, cũng đem thức ăn uống ngon ngọt cho họ lúc nguy ngập. So như thế mà chẳng thể xứng hợp, chẳng thể cứu được mạng họ.

Khi ấy Tôn Giả Na Già Bà La liền nói kệ:

Có thuốc, các chú thuật,

Ðồ y phục, uống ăn,

Tuy thí mà vô ích,

Còn ôm thân khổ hạnh.

Cho dù tế Miếu Thần,

Hương hoa và tắm rửa,

So sánh nguồn gốc này,

Không thể trị liệu được.

Giả sử cho các vật,

Tinh tấn trì phạm hạnh,

So sánh nguồn gốc này,

Không thể trị liệu được.

Phạm Chí bèn hỏi: Nên thi hành pháp gì để không bị khổ não này?

Tôn Giả Na Già Bà La liền nói kệ:

Gốc ân ái vô minh,

Nổi các hoạn khổ não,

Ðiều ấy diệt không sót,

Mới không có khổ nữa.

Phạm Chí ấy nghe xong liền nói kệ:

Tuy già, không già lắm,

Việc làm như đệ tử,

Mong cho con xuất gia,

Ðể lìa tai nạn này.

Khi ấy Tôn Giả Na Già Bà La liền truyền ba y cho ông ta xuất gia học đạo, và bảo ông rằng: Này Tỳ Kheo!

Nay ông nên quán thân này từ đầu đến chân: Tóc, lông, móng, răng này từ đâu đến?

Thân thể da dẻ, xương tủy, ruột bao tử đều từ đâu đến?

Nếu từ đây đi sẽ đi đến đâu?

Thế nên, Tỳ Kheo! Chớ lo nghĩ nhiều về thế gian khổ não, hãy nên quán trong một lỗ chân lông này, rồi tìm phương tiện thành tựu Tứ Đế.

Rồi Tôn Giả Na Già Bà La nói kệ:

Trừ tưởng, chớ lo nhiều,

Chẳng lâu được pháp nhãn,

Vô thường hành như điện,

Không gặp may lớn này.

Mỗi mỗi quán chân lông,

Nguồn của sanh và diệt.

Vô thường hành như điện,

Ðể tâm hướng Niết Bàn.

Khi ấy Trưởng Lão Tỳ Kheo ấy nhận lời dạy như thế ở chỗ vắng vẻ tư duy nghĩa này. Ðây là pháp mà bậc Vọng tộc, cạo bỏ râu tóc do lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, muốn tu phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa, như thật mà biết, và Tỳ Kheo ấy thành A La Hán.

Lúc ấy có một vị Trời vốn là người quen biết cũ của Tỳ Kheo ấy, thấy Tỳ Kheo ấy thành A La Hán, liền đến chỗ Na Già Bà La, ở trên không trung nói kệ:

Ðã được giới cụ túc,

Ở chỗ vắng vẻ kia,

Ðắc đạo, tâm vô trước,

Trừ các nguồn gốc ác.

Rồi vị Trời ấy lại dùng hoa Trời rải lên Tôn Giả rồi biến mất. Bấy giờ, Tỳ Kheo và vị Trời kia nghe Tôn Giả Na Già Bà La nói xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nên quán bảy xứ lành và quán bốn pháp thì ở trong hiện pháp này gọi là thượng nhân.

Này Tỳ Kheo! Thế nào là quán bảy xứ lành?

Này Tỳ Kheo! Ở đây dùng tâm từ trùm khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, bốn phía trên dưới cũng lại như thế, đều đem lòng từ rải đầy khắp thế gian. Tâm bi, hỉ, xả, không, vô tướng, vô nguyện cũng lại như thế. Các căn đầy đủ, ăn uống lượng sức mình, hằng tự giác ngộ.

Như thế, này Tỳ Kheo! Hãy quán bảy xứ lành.

Này Tỳ Kheo! Thế nào là quán sát pháp bốn chỗ?

Ở đây Tỳ Kheo, nội tự quán thân, trừ bỏ sầu lo được thân ý chỉ niệm xứ, ngoại lại quán thân thân ý chỉ, nội ngoại quán thân thân ý chỉ.

Nội tự quán thọ thọ ý chỉ, ngoại tự quán thọ thọ ý chỉ, nội ngoại quán thọ thọ ý chỉ. Nội quán tâm tâm ý chỉ, ngoại quán tâm tâm ý chỉ, nội ngoại quán tâm tâm ý chỉ, trừ bỏ sầu lo, không còn khổ hoạn. Nội quán pháp pháp ý chỉ, ngoại quán pháp pháp ý chỉ, nội ngoại quán pháp pháp ý chỉ.

Như thế, Tỳ Kheo! Hãy quán bốn pháp lành.

Này Tỳ Kheo! Nếu ai có thể quán sát bảy xứ lành và bốn pháp như thế, thì ở trong hiện pháp này là bậc Thượng Nhân.

Thế nên, Tỳ Kheo! Nên tìm phương tiện thành tựu bảy xứ lành và quán bốn pháp.

Như thế, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này! Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Thích Sĩ Ca Tỳ La Vệ, trong vườn Ni Câu Lũ cùng chúng đại Tỳ Kheo năm trăm người. Bấy giờ, nhiều Tỳ Kheo đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.

Những Tỳ Kheo này bạch Thế Tôn: Chúng con muốn đến phương Bắc du hóa.

Thế Tôn bảo: Nên biết phải thời.

Thế Tôn lại bảo Tỳ Kheo: Các thầy có từ giã Tỳ Kheo Xá Lợi Phất chăng?

Các Tỳ Kheo đáp: Thưa không, bạch Thế Tôn.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy, hãy đến từ giã Tỳ Kheo Xá Lợi Phất.

Vì sao thế?

Tỳ Kheo Xá Lợi Phất thường giáo giới cho các người phạm hạnh pháp này. Thầy ấy thuyết pháp không biết chán. Rồi Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho các Tỳ Kheo. Các Tỳ Kheo nghe pháp xong đứng lên, cúi lạy Thế Tôn, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi lui đi.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất đang ở trong đền Thần Thích Sĩ. Những Tỳ Kheo ấy đến chỗ Xá Lợi Phất thăm hỏi rồi ngồi một bên.

Những Tỳ Kheo ấy bạch Xá Lợi Phất: Chúng tôi muốn đến phương Bắc du hóa trong nhân gian, nay đã từ giã Thế Tôn rồi.

Xá Lợi Phất nói: Các thầy nên biết nhân dân phương Bắc, Sa Môn, Bà La Môn thảy đều thông minh, trí tuệ khó sánh kịp, lại có nhân dân ưa đến thi tranh luận.

Nếu như họ hỏi các thầy:

Thầy của Chư Hiền có những luận gì?

Nếu họ hỏi thế, các thầy định đáp thế nào?

Các Tỳ Kheo đáp: Nếu có người đến hỏi thế, chúng tôi sẽ dùng nghĩa này trả lời: Sắc là vô thường, mà vô thường tức là khổ, khổ thì vô ngã, vô ngã thì không. Do không, vô ngã nên kia không. Như thế, bậc trí giả quán như vậy.

Thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường, khổ, không, vô ngã. Kỳ thực không, đó là do vô ngã nên không. Như thế là chỗ người trí học hỏi.

Ngũ ấm này thảy đều không tịch, do nhân duyên hòa hợp, đều sẽ trở về hoại diệt, không có lâu bền. tám chánh đạo và Bảy giác chi. Chỗ thầy tôi nói chính là đây vậy. Nếu các người Sát Lợi, Bà La Môn đến hỏi nghĩa với chúng tôi, chúng tôi sẽ dùng nghĩa này đáp.

Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất bảo các Tỳ Kheo: Các thầy hãy giữ vững tâm ý, chớ có hấp tấp. Rồi Xá Lợi Phất thuyết pháp vi diệu đầy đủ cho các Tỳ Kheo, và họ đứng lên đi.

Khi các Tỳ Kheo ấy đi chưa xa, Xá Lợi Phất bảo các Tỳ Kheo: Nên hành tám chánh đạo và pháp bảy giác chi thế nào?

Khi ấy các Tỳ Kheo bạch Xá Lợi Phất: Chúng tôi từ xa đến là muốn được nghe nghĩa này. Cúi mong Tôn Giả nói cho.

Xá Lợi Phất đáp: Các thầy lắng nghe, lắng nghe! Khéo suy nghĩ. Nay tôi sẽ nói.

Các Tỳ Kheo vâng lời dạy.

Xá Lợi Phất nói: 

Nếu một lòng nhớ chánh kiến là niệm giác ý chẳng loạn.

Ðẳng trị, là một lòng nhớ tất cả pháp là trạch pháp giác ý.

Ðẳng ngữ là thân ý tinh tấn, tức tinh tấn giác ý.

Ðẳng nghiệp, tất cả các pháp được sanh là hỷ giác ý.

Ðẳng mạng, biết đủ với tài sản của Hiền Thánh, xả bỏ hết gia tài thân thể an ổn là ỷ giác ý khinh an.

Ðẳng phương tiện, được Tứ Ðế của Hiền Thánh, trừ sạch các kiết sử, là định giác ý.

Ðẳng niệm, quán Tứ ý chỉ tứ niệm xứ, thân không bền chắc, đều không, vô ngã là hộ giác ý xả giác ý.

Ðẳng Tam Muội, điều chưa được sẽ được, điều chưa độ sẽ độ, điều không chứng được khiến cho chứng được.

Nếu có người đến hỏi nghĩa này: Làm thế nào để tu tám chánh đạo và bảy giác chi?

Các thầy nên đáp như thế.

Vì sao?

Nếu có Tỳ Kheo tu tám chánh đạo và bảy pháp này, thì tâm hữu lậu được giải thoát. Nay tôi lại bảo các thầy một lần nữa. Nếu có Tỳ Kheo tu hành, tư duy tám chánh đạo và bảy pháp, Tỳ Kheo ấy sẽ thành tựu quả thứ hai, không có hồ nghi.

Sẽ đắc A Na Hàm hoặc A La Hán. Thôi gác việc này, nếu không được nhiều, thì trong một ngày, người hành tám chánh đạo và bảy pháp này cũng được phước không thể tính kể, có thể đắc A Na Hàm hoặc A La Hán.

Vì thế, Chư Hiền! Nên tìm phương tiện tu hành tám chánh đạo và bảy pháp này, giữ đạo chớ có hồ nghi. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe lời Xá Lợi Phất dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ca Diếp: Nay thầy tuổi đã già, không còn trai tráng nữa, hãy nên nhận thức ăn uống và y phục của các trưởng giả.

Ðại Ca Diếp bạch Phật: Con không kham nhận y thực ấy. Nay con mặc áo nạp này tùy thời khất thực, vui sướng vô cùng.

Vì sao?

Tương lại sẽ có các Tỳ Kheo, thân thể nhu nhuyến, tâm tham đắm y thực tốt đẹp rồi thối chuyển việc Tham Thiền, lại không chịu khổ.

Họ lại sẽ nói rằng: Các Tỳ Kheo ở thời Phật quá khứ, cũng nhận lời người thỉnh, nhận y thực của người.

Vì sao chúng ta không làm theo pháp của Thánh Nhân ngày xưa?

Vì họ ngồi tham đắm y thực, nên sẽ bỏ pháp phục, làm cư sĩ, khiến các Hiền Thánh không còn oai thần nữa. Bốn bộ chúng dần dần giảm bớt. Thánh Chúng đã giảm ít thì Chùa Chiền của Như Lai sẽ bị hủy hoại.

Vì Chùa Như Lai đã bị hủy hoại thì Kinh pháp sẽ bị thất lạc. Khi ấy chúng sanh không còn tịnh quang nữa, đã không có tịnh quang thì thọ mạng sẽ ngắn ngủi.

Khi ấy, chúng sanh kia mạng chung đều rơi vào ba đường ác. Cũng như ngày nay, chúng sanh vì phước nhiều nên đều sanh lên Trời, đời tương lai vì làm tội nhiều sẽ vào địa ngục.

Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay! Ca Diếp có nhiều lợi ích, thầy làm bạn tốt, làm phước điền cho người đời.

Ca Diếp, thầy nên biết! Sau khi ta nhập Niết Bàn hơn ngàn năm, sẽ có các Tỳ Kheo thối chuyển việc tham thiền, chẳng hành pháp Đầu Đà nữa, cũng không khất thực, mặc áo vá, mà tham nhận y thực của trưởng giả thỉnh.

Cũng chẳng ở dưới gốc cây, nơi vắng vẻ, ưa thích trang hoàng nhà cửa, cũng không dùng đại tiểu tiện làm thuốc, chỉ đắm trước các dược thảo cực kỳ ngon ngọt, hoặc trong đó tham đắm tài sản, lẫn tiếc nhà cửa, thường cải vã nhau.

Bấy giờ đàn việt, thí chủ dốc lòng tin Phật Pháp, ưa thích bố thí chẳng tiếc của cải. Khi ấy, Đàn Việt thí chủ sau khi mạng chung đều sanh lên Trời. Còn Tỳ Kheo giải đãi, chết sẽ vào địa ngục.

Như thế, này Ca Diếp! Tất cả các hành thảy đều vô thường, không được bền lâu.

Lại nữa, Ca Diếp nên biết! Ðời tương lai, sẽ có Tỳ Kheo cạo bỏ râu tóc mà tập theo gia nghiệp, tay trái bồng con trai, tay phải ôm con gái, lại cầm đàn sáo, đi khất thực trên các đường phố. Bấy giờ Đàn Việt thí chủ thọ phước vô cùng, huống gì ngày nay có những người chí thành khất thực.

Như thế này Ca Diếp! Tất cả các hành vô thường, không được bền lâu. Ca Diếp nên biết, đời tương lai hoặc có Sa Môn Tỳ Kheo sẽ bỏ tám chánh đạo và bảy pháp như nay ta đã tu tập Pháp Bảo ấy trong bao vô số kiếp. Các Tỳ Kheo đời tương lai dùng ca khúc, ở trong chúng khất thực để tự nuôi sống.

Song các Đàn Việt thí chủ cúng thức ăn cho các Tỳ Kheo ấy cũng còn được phước, huống gì ngày nay mà không được phước sao?

Nay ta đem pháp này trao lại cho Tỳ Kheo Ca Diếp và A Nan.

Vì sao?

Nay ta tuổi đã già đến tám mươi. Như Lai không bao lâu sẽ diệt độ. Nay đem Pháp Bảo phó chúc hai người, khéo ghi nhớ đọc tụng, giữ gìn đừng cho dứt mất, lưu truyền trong thế gian. Người nào có lỗi làm dứt tuyệt lời dạy của bậc Thánh sẽ bị đọa vào chốn biên địa. Cho nên hôm nay ta dặn dò trao phó Kinh pháp cho các thầy, đừng để dứt mất.

Khi ấy, Tôn Giả Ðại Ca Diếp và Tôn Giả A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chấp tay bạch Phật: Do những cớ gì đem Kinh pháp này trao phó hai chúng con mà không trao người khác?

Trong chúng của Như Lai, lại có các vị thần thông đệ nhất không thể tính kể, sao không trao phó dặn dò?

Thế Tôn bảo Ca Diếp: Ta xem trong Cõi Trời, cõi người, trọn không thấy người nào có thể thọ trì Pháp Bảo này sánh bằng Ca Diếp, A Nan. Trong hàng Thanh Văn cũng không ai hơn hai người này. Chư Phật đời quá khứ cũng có hai người thọ trì Kinh pháp, như Tỳ Kheo Ca Diếp và A Nan ngày nay sánh rất là rất thù diệu.

Vì sao?

Tỳ Kheo hành Đầu Đà ở thời Phật quá khứ, khi pháp còn thì còn, pháp mất thì mất. Còn Tỳ Kheo Ca Diếp của ta hôm nay còn lưu lại ở đời, đến Phật Di Lặc ra đời mới nhập diệt. Do nhân duyên này, Tỳ Kheo Ca Diếp ngày nay hơn chúng Tỳ Kheo thời quá khứ.

Lại nữa, Tỳ Kheo A Nan, vì sao hơn thị giả thời quá khứ?

Thị giả Chư Phật thời quá khứ nghe Phật nói rồi sau mới hiểu. Còn nay Tỳ Kheo A Nan, Như Lai chưa nói ra đã hiểu. Như Lai không cần nói, Tỳ Kheo A Nan hơn các thị giả Chư Phật thời quá khứ.

Cho nên, này Ca Diếp, A Nan! Nay ta giao phó cho các thầy, dặn dò các thầy Pháp Bảo này, đừng để thiếu sót, diệt mất.

Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:

Tất cả hành vô thường

Khởi lên ắt có diệt

Không sanh thì không tử

Diệt này rất là vui.

Khi ấy, Tôn Giả Ðại Ca Diếp và Tôn Giả A Nan nghe lời Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***