Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
 

PHẨM MƯỜI HAI

PHẨM NHẬP ĐẠO
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có một lối vào đạo làm trong sạch hạnh của chúng sanh, trừ bỏ sầu lo không có các não, được đại trí tuệ, thành tựu chứng quả Niết Bàn. Ðó là nên diệt ngũ cái, tư duy tứ ý chỉ tứ niệm xứ.

Thế nào là một lối vào?

Nghĩa là chuyên nhất tâm. Ðó là một lối vào.

Thế nào là đạo?

Nghĩa là tám đạo phẩm của Hiền Thánh:

Chánh kiến.

Chánh chí tư duy.

Chánh nghiệp.

Chánh mạng.

Chánh phương tiện tinh tấn.

Chánh ngữ.

Chánh niệm.

Chánh định.

Ðó gọi là đạo. Ðó là một lối vào đạo.

Thế nào là nên diệt ngũ cái?

Nghĩa là tham dục cái, sân nhuế cái, điều hí cái trạo cử, thùy miên cái, nghi cái. Ðó là nên diệt ngũ cái.

Thế nào là tư duy bốn ý chí?

Ở đây, Tỳ Kheo bên trong tự quán thân, trừ bỏ niệm ác, không có sầu lo, bên ngoài tự quán thân trừ bỏ miệng ác, không có sầu lo, trong, ngoài quán thân trừ bỏ niệm ác, không có sầu lo.

Trong quán thọ khổ mà tự vui thích, ngoài quán thọ khổ, trong ngoài quán thọ khổ, trong quán tâm mà tự vui thích, ngoài quán tâm, trong ngoài quán tâm. Trong quán pháp, ngoài quán pháp, trong ngoài quán pháp mà tự vui thích.

Thế nào là Tỳ Kheo trong quán thân mà tự vui thích?

Ở đây Tỳ Kheo quán thân này tùy theo tánh mà hành: Từ đầu đến chân, từ chân đến đầu, quán trong thân này thảy đều chẳng sạch, không có gì đáng tham đắm. Lại quán thân này có lông, tóc, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, mỡ miếng, mỡ nước, ruột, bao tử, tim, gan, tỳ, thận đều quán biết hết, phẩn, tiểu, sanh tạng, thục tạng, nước mắt, đờm dãi, huyết mạch, mỡ, mật, đều nên quán biết, không có gì đáng tham đắm.

Như thế, các Tỳ Kheo quán thân tự vui thích, trừ bỏ niệm ác, không có sầu lo.

Lại nữa, này Tỳ Kheo, lại quán thân này có phải là địa chủng chăng?

Là thủy, hỏa, phong chủng chăng?

Tỳ Kheo quán thân này như thế. Lại nữa, Tỳ Kheo quán thân này phân biệt các giới có bốn loại.

Giống như người khéo mổ trâu, hoặc học trò người mổ trâu, xẻ từng phần để tự xem xét: Đây là chân, đây là tim, đây là đốt xương, đây là đầu.

Như thế Tỳ Kheo ấy phân biệt giới này mà tự quán sát: Thân này có các giới đất, nước, gió, lửa. Tỳ Kheo quán sát thân như thế mà tự vui thích. Lại nữa, Tỳ Kheo quán thân này có các lỗ rỉ chảy chẳng sạch, giống như người kia quán vườn trúc hay quán bụi lau. Như vậy Tỳ Kheo quán thân này có các lỗ chảy ra các thứ bất tịnh.

Lại nữa, Tỳ Kheo quán tử thi hoặc chết một ngày hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, thân thể sình trướng, hôi thối chẳng sạch. Tỳ Kheo lại tự quán thân cùng kia không khác, thân ta chẳng thoát khỏi hoạn này. Hoặc Tỳ Kheo lại quán tử thi bị quạ, thước, kên kên ăn nuốt, hoặc bị hổ lang, chó sói, các loài trùng thú trông thấy ăn thịt.

Tỳ Kheo lại tự quán thân mình cùng kia không khác, thân ta chẳng lìa khỏi hoạn này. Ðó là Tỳ Kheo quán thân mà tự vui thích.

Lại nữa, Tỳ Kheo quán tử thi hoặc bị ăn một nửa rơi rớt trên đất hôi thúi chẳng sạch. Tỳ Kheo lại tự quán thân mình cùng kia không khác, thân ta chẳng lìa pháp này.

Lại nữa, quán tử thi bị ăn hết thịt chỉ còn có xương bê bết máu. Tỳ Kheo lại đem thân này quán như thân kia cũng không có khác. Tỳ Kheo quán thân này như thế.

Lại nữa, Tỳ Kheo quán tử thi gân ràng rịt như bó củi. Tỳ Kheo lại tự quán thân cùng thân kia không khác. Tỳ Kheo quán thân này như thế.

Lại nữa, Tỳ Kheo quán tử thi từng đốt xương phân tán rơi vãi khắp nơi. Hoặc xương tay, xương chân mỗi thứ một nơi, hoặc xương đùi, hoặc xương hông, hoặc xương cùng, hoặc xương tay, hoặc xương vai, hoặc xương sườn, hoặc xương sống, hoặc xương cổ, hoặc đầu lâu. Lại nữa, thân này cùng kia chẳng khác. Ta chẳng thoát khỏi pháp này. Thân ta cũng sẽ bại hoại. Như thế Tỳ Kheo quán thân mà tự vui thích.

Lại nữa, Tỳ Kheo quán tử thi màu trắng, màu ngọc trắng. Tỳ Kheo lại tự quán thân này cùng kia không khác, ta chẳng lìa khỏi pháp này. Ðó là Tỳ Kheo tự quán thân.

Lại nữa, Tỳ Kheo nếu thấy tử thi, tưởng xương xanh bầm, không có gì đáng tham đắm, hoặc cùng màu tro đất chẳng thể phân biệt, thời như thế Tỳ Kheo tự quán thân trừ bỏ niệm ác không có sầu lo. Thân này vô thường là pháp phân tán. Như thế Tỳ Kheo nội tự quán thân, ngoại quán thân, nội ngoại quán thân hiểu rằng không có.

Thế nào là Tỳ Kheo nội quán thọ khổ?

Ở đây, Tỳ Kheo, lúc được thọ vui thì tự giác tri mình được thọ vui, lúc bị thọ khổ thì tự giác tri mình bị thọ khổ, lúc được thọ không vui không khổ tức tự giác tri ta được thọ không khổ không vui.

Nếu lúc thọ vui, liền tự giác tri ta thọ vui. Nếu lúc thọ khổ, liền tự giác tri ta thọ khổ. Nếu lúc thọ không khổ không vui, liền tự giác tri ta thọ không khổ không vui. Nếu lúc không thọ vui, liền tự giác tri ta không thọ vui.

Nếu lúc không thọ khổ, liền tự giác tri ta không thọ khổ. Nếu lúc thọ không khổ kho vui, liền tự giác tri ta thọ không khổ không vui.

Tỳ Kheo nội tự quán thọ như thế. Lại nữa, nếu Tỳ Kheo lúc được thọ vui, lúc ấy không bị thọ khổ, thời tự giác tri ta được thọ vui.

Nếu lúc thọ khổ, lúc ấy không được thọ vui thời tự giác tri ta thọ khổ. Nếu lúc được không khổ không vui, lúc đó không phải khổ, không phải vui thời tự giác tri ta thọ không khổ không vui. Người đó tập pháp mà tự vui thích, cũng quán diệt pháp, lại quán pháp tập và diệt.

Hoặc lại có thọ hiện ở trước, có thể biết, có thể thấy, suy nghĩ nguồn gốc của nó thì không có chỗ y cứ, bèn tự vui thích, không khởi tưởng thế gian. Ở trong đó cũng không kinh sợ.

Vì không kinh sợ liền được Niết Bàn: Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã làm xong, không còn thọ thân nữa, như thật mà biết. Tỳ Kheo nội tự quán thọ như thế, trừ bỏ loạn niệm không có sầu lo, ngoại tự quán thọ, nội ngoại quán thọ, trừ bỏ loạn niệm không có sầu lo. Như thế Tỳ Kheo nội ngoại quán thọ.

Thế nào là Tỳ Kheo quán tâm, tâm pháp mà tự vui thích?

Ở đây, Tỳ Kheo có tâm ái dục, liền tự giác tri có tâm ái dục, không có tâm ái dục cũng tự giác tri không có tâm ái dục.

Có tâm sân nhuế, liền tự giác tri có tâm sân nhuế. Không tâm sân nhuế cũng tự giác tri không tâm sân nhuế.

Có tâm ngu si, liền tự giác tri có tâm ngu si. Không có tâm ngu si cũng tự giác tri không có tâm ngu si.

Có tâm ái niệm, liền tự giác tri có tâm ái niệm. Không tâm ái niệm cũng tự giác tri không có tâm ái niệm.

Có tâm thọ nhận, liền tự giác tri không tâm thọ nhận.

Có tâm loạn niệm, liền tự giác tri có tâm loạn niệm. Không có loạn tâm cũng tự giác tri không có loạn tâm.

Có tâm tán lạc, liền tự giác tri có tâm tán lạc. Không tâm tán lạc cũng tự giác tri không tâm tán lạc.

Có tâm phổ biến cũng tự giác tri có tâm phổ biến.

Có tâm lớn, liền tự giác tri có tâm lớn. Không có tâm lớn cũng tự giác tri không có tâm lớn.

Có tâm vô lượng, liền tự giác tri có tâm vô lượng. Không có tâm vô lượng cũng tự giác tri không có tâm vô lượng.

Có tâm tam muội, liền tự giác tri có tâm tam muội. Không có tâm tam muội cũng tự giác tri không có tâm tam muội. Tâm chưa giải thoát, liền tự giác tri tâm chưa giải thoát. Tâm đã giải thoát cũng tự giác tri tâm đã giải thoát.

Như thế, Tỳ Kheo!

Hãy quán ý chỉ, quán tập pháp, quán diệt pháp, cùng quán pháp tập diệt. Suy nghĩ về pháp để tự vui thích.

Hãy biết, hãy thấy, hãy tư duy, chớ suy nghĩ việc không có chỗ nương tựa, không được khởi tưởng thế gian.

Ðã không khởi tưởng liền không sợ hãi, đã không sợ hãi liền được vô dư, đã được vô dư liền nhập Niết Bàn: Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã xong, không còn thọ thân sau nữa, như thật mà biết.

Như vậy, Tỳ Kheo!

Nội quán tự tâm, tâm ý dừng bặt, trừ bỏ loạn tưởng, không có sầu lo, ngoại quán tâm, nội ngoại quán tâm, tâm ý dừng bặt, trừ bỏ loạn niệm, không có sầu lo. Ngoại quán tâm, nội quán tâm, tâm ý dừng. Như vậy Tỳ Kheo tâm tâm quán nhau, ý dừng.

Thế nào là Tỳ Kheo pháp pháp tương quán ý dừng?

Ở đây, Tỳ Kheo tu niệm giác ý, y quán, y vô dục, y diệt tận, bỏ các pháp ác, tu pháp giác ý, tu tinh tấn giác ý, tu niệm giác ý, tu hỷ khinh an giác ý, tu tam muội giác ý, tu hộ xả giác ý, y quán, y vô dục, y diệt tận, bỏ các pháp ác. Như vậy là Tỳ Kheo pháp pháp tương quán ý dừng.

Lại nữa, Tỳ Kheo đối với ái dục giải thoát, trừ pháp ác bất thiện, có giác, có quán, có buộc niệm vui ở Sơ thiền mà tự vui thích. Như thế là Tỳ Kheo pháp pháp tương quán ý dừng.

Lại nữa, Tỳ Kheo bỏ giác, bỏ quán, bên trong phát hoan hỉ chuyên nhất ý, thành tựu không giác, không quán niệm niệm nương vào hỷ mà an. Vui ở Nhị Thiền mà tự vui thích. Như vậy là Tỳ Kheo pháp pháp tương quán ý dừng.

Lại nữa, Tỳ Kheo xả niệm, tu ở hộ. Hằng tự giác tri thân giác, vui chỗ cầu của Chư Hiền Thánh, hộ niệm thanh tịnh hành ở Tam Thiền. Như vậy là Tỳ Kheo pháp pháp tương quán ý dừng.

Lại nữa, Tỳ Kheo xả tâm khổ vui, lại không lo mừng, không khổ vui, hộ niệm thanh tịnh vui ở Tứ Thiền. Như vậy là Tỳ Kheo pháp pháp tương quán ý dừng.

Vị ấy hành tập pháp, hành diệt pháp cùng hành pháp tập diệt mà tự vui thích, liền được pháp ý dừng hiện ở trước, có thể biết, có thể thấy, trừ bỏ loạn tưởng không chỗ nương tựa, chẳng khởi tưởng thế gian. Ðã chẳng khởi tưởng liền không sợ hãi.

Ðã không sợ hãi thời: Sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã xong, không còn thọ thân sau nữa, như thật mà biết. Này các Tỳ Kheo, nương một lối vào đạo, chúng sanh sẽ được thanh tịnh, xa lìa buồn lo, lại không có tưởng vui, liền có trí tuệ, chứng được Niết Bàn. Ðó là diệt năm triền cái, tu bốn ý chỉ. Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ta ở trong đây, không thấy một pháp nào mau đưa đến hoại diệt như là ganh ghét, đố kỵ phạm hạnh.

Thế nên các Tỳ Kheo!

Hãy tu hành từ nhẫn, thân hành từ, miệng hành từ, ý hành từ.

Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu có một người xuất hiện ở đời, tối tôn, tối thượng trong các Trời, người, ma và Ma Thiên, Sa Môn, Bà La Môn, không ai sánh bằng, là phước điền đệ nhất, đáng phụng sự, đáng cung kính.

Thế nào là một người?

Nghĩa là Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người xuất hiện ở đời vượt hẳn Trời, người, A Tu La, Ma và Ma Thiên, Sa Môn, Bà La Môn, là bậc tối tôn, tối thượng, không ai sánh bằng, là phước điền bậc nhất, đáng phụng sự, đáng cung kính.

Như vậy, các Tỳ Kheo, hãy thường nên cúng dường Như Lai.

Như thế, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu có người săn sóc người bệnh là đã săn sóc ta. Người trông nom người bệnh tức là đã trông nom Ta. Sở dĩ như thế là vì nay ta đích thân coi sóc người tật bệnh.

Này các Tỳ Kheo, ta không thấy một người nào trong Chư Thiên, thế gian, Sa Môn, Bà La Môn mà bố thí tối thượng hơn sự bố thí này.

Người hành bố thí này mới đúng là thí, sẽ thu hoạch quả báo lớn, được công đức lớn, tiếng tăm trùm khắp, được vị Cam Lồ.

Nghĩa là Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác biết rằng bố thí tối thượng không gì hơn thí này. Người hành bố thí này mới đúng là thí, thu hoạch quả báo lớn, được công đức lớn.

Nay ta vì nhân duyên này mà nói như thế. Săn sóc người bệnh tức là đã săn sóc ta không khác. Các thầy sẽ luôn luôn được phước đức lớn.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, nên học điều này.

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu có người tán thán A Lan Nhã tịch tĩnh là đã tán thán ta. Sở dĩ như thế, vì nay ta thường tự tán thán hạnh A Lan Nhã. Nếu có người phỉ báng A Lan Nhã tức là phỉ báng ta. Nếu có người tán thán khất thực tức là đã tán thán ta.

Sở dĩ như thế, vì ta hằng tán thán người hay khất thực. Nếu người hủy báng khất thực là đã hủy báng ta. Có người tán thán độc cư tức là tán thán ta.

Sở dĩ như thế là vì ta hằng tán thán người độc cư. Có người hủy báng người độc cư là đã hủy báng ta. Có người tán thán người ngồi một chỗ, ăn một bữa, tức là đã tán thán ta.

Sở dĩ như thế, vì ta hằng tán thán người ngồi một chỗ, ăn một bữa. Ai hủy báng người này tức là đã hủy báng ta. Nếu có người tán thán người ngồi dưới gốc cây tức là tán thán ta không khác.

Sở dĩ như thế là vì ta hằng tán thán người ngồi dưới gốc cây. Nếu có ai hủy báng người ngồi dưới gốc cây tức là đã hủy báng ta. Nếu có ai tán thán người ngồi chỗ đất trống, tức là đã tán thán ta.

Sở dĩ như thế, là vì ta hằng tán thán người ngồi nơi đất trống lộ tọa. Ai hủy nhục người ngồi nơi đất trống tức là đã hủy nhục ta. Ai tán thán người ở chỗ vắng vẻ an nhàn tức là đã tán thán ta.

Vì sao như thế?

Vì ta hằng tán thán người ở chỗ vắng vẻ an nhàn. Ai hủy nhục người ở chỗ vắng vẻ an hành tức là đã hủy nhục ta. Ai tán thán người mặc áo năm mảnh là đã tán thán ta.

Vì sao như thế?

Vì ta hằng tán thán người mặc áo năm mảnh. Ai hủy nhục người mặc áo năm mảnh tức là đã hủy nhục ta. Ai tán thán người giữ ba y tức là đã tán thán ta.

Vì sao như thế?

Vì ta hằng tán thán người giữ ba y. Ai hủy nhục người giữ ba y tức là đã hủy nhục ta. Ai tán thán người ngồi ở gò mả là đã tán thán ta.

Vì sao như thế?

Vì ta hằng tán thán người ngồi ở gò mả. Ai hủy nhục người ngồi ở gò mả tức là đã hủy nhục ta. Ai tán thán người ăn một bữa, tức là đã tán thán ta.

Vì sao như thế?

Vì ta thường tán thán người ăn một bữa. Ai hủy nhục người ăn một bữa tức là đã hủy nhục ta. Ai tán thán người ăn đúng ngọ là đã tán thán ta.

Vì sao như thế?

Vì ta hằng tán thán người ăn đúng ngọ. Ai hủy báng người người ăn đúng ngọ tức là hủy báng ta. Ai tán thán người hành đầu đà tức là đã tán thán ta.

Vì sao như thế?

Vì ta hằng tán thán các người hành Đầu Đà. Ai hủy nhục người hành Đầu Đà tức là đã hủy nhục ta. Nay ta dạy các Tỳ Kheo hãy như sở hành của Ðại Ca Diếp, không có sơ sót.

Vì sao như thế?

Vì Tỳ Kheo Ca Diếp có các hạnh này. Thế nên các Tỳ Kheo, hãy thường nên học như Ðại Ca Diếp.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở thành La Duyệt, Vườn Trúc Ca Lan Đà, cùng với đại chúng Tỳ Kheo năm trăm vị. Bấy giờ Tôn Giả Ðại Ca Diếp trụ A Lan Nhã. Ðến giờ khất thực, Tôn Giả không phân biệt giàu nghèo.

Tôn Giả ở một nơi, ngồi một chỗ hoặc dưới gốc cây, hoặc ngoài đồng trống, hoặc ở chỗ vắng vẻ trọn không dời đổi, mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa, hoặc ăn chính ngọ, hoặc hành đầu đà mặc dù tuổi cao già cả.

Bấy giờ Tôn Giả Ðại Ca Diếp ăn xong liền đến dưới một cội cây thiền định, thiền định xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục, đi đến chỗ Thế Tôn. Bấy giờ Thế Tôn từ xa trông thấy Ca Diếp đến.

Thế Tôn bảo rằng: Khéo đến, Ca Diếp! Ca Diếp đến chỗ Phật cúi lạy rồi ngồi một bên.

Thế Tôn dạy rằng: Ca Diếp! Nay thầy đã lớn tuổi, già cả, quá suy, lọm khọm, vậy thầy nên bỏ hạnh khất thực, cho đến các hạnh Đầu Đà, mà nên nhận lời mời của các Trưởng Giả và nhận y áo.

Ca Diếp đáp: Con không dám theo lời Như Lai dạy.

Vì sao?

Vì nếu Như Lai không thành đạo vô thượng chánh chân, thì con ắt thành Bích Chi Phật, mà Bích Chi Phật trọn hành A Lan Nhã. Ðến giờ khất thực, con không phân biệt giàu, nghèo.

Con ở một nơi, ngồi một chỗ hoặc ngồi dưới gốc cây, hoặc ngoài đồng trống, hoặc chỗ vắng vẻ trọn chẳng dời đổi, hoặc mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa, hoặc ăn đúng ngọ, hoặc hành Đầu Đà. Nay con chẳng dám bỏ thói cũ mà học hạnh khác.

Thế Tôn bảo rằng: Lành thay! Lành thay Ca Diếp! Thầy có nhiều lợi ích, độ người vô lượng, rộng đến tất cả Trời, người đều được độ.

Vì sao?

Ca Diếp! Nếu hạnh Đầu Đà này được ở đời thì pháp của ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp ở đời, thì Thiên Đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy Thánh Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, đạo Tam Thừa đều còn ở đời.

Này các Tỳ Kheo, hãy học như Ca Diếp tu tập.

Như vậy, các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Lợi dưỡng quá nặng khiến người không đến được đạo Vô Thượng Chánh Chân.

Vì sao như thế?

Này các Tỳ Kheo, Ðề Bà Đạt Đa ngu si kia nhận năm trăm nồi cơm của Vương Tử Ba La Lưu Chi A Xà Thế cúng dường. Nếu ông ta không cho, Ðề Bà Đạt Đa ngu si trọn không tạo việc ác này.

Vì Vương tử Ba La Lưu Chi hằng ngày đem năm trăm nồi cơm đến cúng dường nên Ðề Bà Đạt Đa mới khởi năm điều nghịch ác, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục A tỳ.

Do phương tiện này mà biết lợi dưỡng quá nặng khiến người chẳng đến được đạo vô thượng chánh chân. Nếu chưa sanh tâm lợi dưỡng, chớ nên sanh, đã sanh thì nên diệt đi.

Như thế, các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở thành La Duyệt, trong núi Kỳ Xà Quật, cùng với đại chúng Tỳ Kheo năm trăm vị.

Bấy giờ Ðề Bà Đạt Đa làm rối loạn Chúng Tăng, làm chân của Như Lai bị thương, xúi A Xà Thế giết Vua cha, lại giết La Hán Tỳ Kheo Ni, rồi tuyên bố với đại chúng rằng: Chỗ nào có ác, ác từ đâu sanh?

Ai làm việc ác này, phải chịu quả báo đó. Ta cũng chẳng làm việc ác này mà phải chịu quả báo.

Bấy giờ có nhiều chúng Tỳ Kheo vào thành La Duyệt khất thực, nghe nói Ðề Bà Đạt Đa ngu si tuyên bố ở trong đại chúng: Chỗ nào có ác, ác từ đâu sanh?

Ai làm việc ác này phải chịu quả báo đó. Bấy giờ những Tỳ Kheo ấy ăn xong, liền cầm y bát, vắt tọa cụ lên vai mặt, đi đến chỗ Thế Tôn đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi một bên.

Bấy giờ các chúng Tỳ Kheo bạch Thế Tôn:

Ðề Bà Đạt Đa ngu si tuyên bố ở trong đại chúng rằng: Vì sao làm ác không có tai ương, làm lành không có quả báo?

Ðó là vì không có quả báo thiện ác.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có ác thì có tội, các hạnh thiện ác đều có báo ứng. Nếu Ðề Bà Đạt Đa ngu si kia biết có quả báo thiện ác, thì sẽ khô héo, sầu lo chẳng vui, máu sôi sẽ phun đầy mặt.

Vì Ðề Bà Đạt Đa chẳng biết quả báo của thiện ác, do đó mới ở trong đại chúng mà tuyên bố không có quả báo thiện ác, làm ác không tai ương, làm thiện không có phước quả.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Người ngu tự xét rõ,

Làm ác không có phước báo,

Nay ta rõ biết trước,

Báo ứng của thiện ác.

Như thế, này các Tỳ Kheo, hãy xa lìa ác, làm phước chớ mệt mỏi.

Các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nhận lợi dưỡng của người rất nặng, chẳng phải dễ, khiến người chẳng đến được chỗ vô vi.

Vì sao như thế?

Vì quả báo của lợi dưỡng cắt vào da người. Vì cắt vào da liền cắt thịt, vì cắt thịt liền đứt xương, vì đứt xương liền thấu tủy. Này các Tỳ Kheo, hãy dùng phương tiện này liền biết lợi dưỡng rất nặng. Nếu chưa sanh tâm lợi dưỡng thì chớ sanh, đã sanh thì khiến cho diệt.

Như vậy, các Tỳ Kheo, nên học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nhận lợi dưỡng của người thật là chẳng phải dễ, khiến người chẳng đến được chỗ vô vi.

Vì sao như thế?

Nếu Tỳ Kheo Lợi Sư La kia chẳng tham lợi dưỡng thì chẳng làm việc sát sanh vô lượng như thế, thân hoại mạng chung sanh trong địa ngục.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Nhận lợi dưỡng người nhiều,

Hoại hạnh thanh bạch người,

Thế nên chế ngự tâm,

Chớ tham đắm mùi vị.

Lợi sư được định rồi

Cho đến Trời Ðế Thích

Thần thông bị tổn giảm,

Ðọa vào ngục chém giết.

Các Tỳ Kheo hãy dùng phương tiện này liền biết nhận lợi dưỡng của người thật chẳng phải dễ.

Như thế, các Tỳ Kheo, hãy học điều này: Chưa sanh tâm lợi dưỡng phải chế ngự khiến chẳng sanh, đã sanh tâm này hãy cầu phương tiện khiến cho tiêu diệt. Như vậy, các Tỳ Kheo, nên học điều này. Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

***