Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG NHẤT A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
 

PHẨM MƯỜI MỘT

PHẨM BẤT ĐÃI
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Hãy diệt một pháp, ta sẽ chứng cho các thầy thành A Na Hàm.

Thế nào là một pháp?

Ðó là tham dục. Các Tỳ Kheo, hãy diệt tham dục. Ta chứng cho các thầy thành A Na Hàm.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Bị nhiễm bởi tham dâm,

Chúng sanh đọa đường ác,

Hãy cần bỏ tham dục,

Liền thành A Na Hàm.

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Hãy diệt một pháp, ta sẽ chứng cho các thầy thành A Na Hàm.

Thế nào là một pháp?

Nghĩa là sân giận. Các Tỳ Kheo nên diệt sân giận, ta sẽ chứng cho các thầy thành A Na Hàm.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Bị nhiễm bởi sân giận,

Chúng sanh đọa đường ác,

Hãy cần bỏ sân giận,

Liền thành A Na Hàm.

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Hãy diệt một pháp, xa lìa một pháp. Ta sẽ chứng cho các thầy thành A Na Hàm.

Thế nào là một pháp?

Ðó là ngu si. Thế nên, các Tỳ Kheo hãy diệt trừ ngu si, ta sẽ chứng cho các thầy thành A Na Hàm.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Bị nhiễm bởi ngu si,

Chúng sanh rơi đường ác,

Nên cần bỏ ngu si,

Liền thành A Na Hàm.

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Hãy diệt một pháp, xa lìa một pháp. Ta sẽ chứng cho các thầy thành A Na Hàm.

Thế nào là một pháp?

Ðó là xan tham. Thế nên, các Tỳ Kheo, nên diệt xan tham, ta sẽ chứng cho các thầy thành A Na Hàm.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Bị xan tham làm nhiễm,

Chúng sanh đọa đường ác,

Nên cần bỏ xan tham,

Liền thành A Na Hàm.

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ta ở trong chúng này, ban đầu không thấy một pháp nào không thể hàng phục, khó được thời nghi tiện dụng, chịu các khổ báo như là tâm. Này các Tỳ Kheo, tâm này chẳng thể hàng phục, khó được thời nghi, chịu các khổ báo. Thế nên, này các Tỳ Kheo, hãy phân biệt tâm, hãy tư duy tâm, khéo nhớ các gốc lành.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ta ở trong chúng này, ban đầu không thấy một pháp nào không dễ hàng phục, dễ được thời nghi, hưởng các báo lành như là tâm.

Này các Tỳ Kheo, hãy phân biệt tâm, khéo nhớ các gốc lành.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ta ở trong chúng này, nếu có một người nghĩ điều gì, ta đều biết rõ. Về sau người này ở trong đại chúng, không vì ăn uống mà nói lời hư vọng, nhưng hoặc vào lúc khác, ta xem thấy người này vì sanh tâm nhiễm trước, nghĩ nhớ tài vật nên ở trong đại chúng nói lời hư dối.

Sở dĩ như thế, này các Tỳ Kheo, vì dính mắc tài vật thật là khó bỏ, khiến người đọa vào ba đường ác, chẳng được đến chỗ vô vi. Thế nên, này các Tỳ Kheo, đã sanh tâm này liền nên rời bỏ, dù người chưa sanh chớ có khởi lòng dính mắc tài vật.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo:

Ta ở trong chúng này, nếu ai nghĩ rằng: Thà mất mạng chứ chẳng ở trong chúng mà nói dối. Ở lúc khác, ta lại xem thấy người này sanh tâm dính mắc nghĩ nhớ tài vật, rồi ở trong chúng mà nói dối.

Sở dĩ như thế, này các Tỳ Kheo, vì tài vật làm dính mắc rất là khó bỏ, khiến người đọa vào ba đường ác, chẳng được đến chỗ vô vi. Thế nên, này các Tỳ Kheo, đã sanh tâm này liền nên rời bỏ, nếu người chưa sanh, chớ có khởi lòng dính mắc tài vật.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở thành La Duyệt, tại vườn trúc Ca Lan Đà, cùng đại chúng năm trăm Tỳ Kheo.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy có thể thấy pháp của Ðề Bà Đạt Đa thanh tịnh chăng?

Ngược lại, Ðề Bà Đạt Đa tạo ác sâu nặng, sẽ chịu tội nhiều kiếp không thể chữa trị. Ðối với pháp của ta, chẳng thấy được một ngày mảy may điều lành có thể kể ra được. Nay ta nói đầu mối các tội của Ðề Bà Đạt Đa chẳng thể chữa trị. Ví như có người rơi vào cầu tiêu sâu, thân hình chìm lỉm, không một chỗ sạch.

Có người muốn đến cứu vớt vị ấy lên chỗ sạch, họ xem khắp bờ xí và thân người đó xem có chỗ nào sạch, liền nghĩ: Ta muốn nắm vị ấy kéo lên. Họ nhìn kỹ không một chỗ sạch để có thể nắm được, liền bỏ mà đi.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, ta xem Ðề Bà Đạt Đa là người ngu si, chẳng thấy chút gì đáng nhớ, sẽ chịu tội nhiều kiếp chẳng thể chữa trị. Sở dĩ như thế vì Ðề Bà Đạt Đa một mực ngu si, thiên về lợi dưỡng, tạo tội ngũ nghịch, thân hoại mạng chung sẽ sanh trong đường ác.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, lợi dưỡng sâu nặng khiến người chẳng đến được chỗ an ổn. Thế nên, này các Tỳ Kheo, đã sanh tâm lợi dưỡng hãy nên lìa bỏ. Nếu người chưa sanh, chớ khởi lòng nhiễm trước.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật ở thành La Duyệt, tại Vườn Trúc Ca Lan Đà, cùng đại chúng năm trăm Tỳ Kheo. Bấy giờ có một Tỳ Kheo nghe Như Lai thọ ký riêng Ðiều Đạt Ðề Bà Đạt Đa sẽ chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Tỳ Kheo ấy liền đến chỗ Tôn Giả A Nan, chào hỏi nhau xong rồi ngồi một bên.

Bấy giờ Tỳ Kheo kia hỏi Tôn Giả A Nan rằng: Thế nào, thưa Tôn Giả A Nan, Như Lai xem hết nguồn gốc của Ðề Bà Đạt Đa rồi sau đó thọ ký riêng cho ông ta chịu tội một kiếp không thể chữa trị sao?

Lại có lý do có thể thọ ký được ư?

Tôn Giả A Nan nói: Lời Như Lai trọn không hư dối, thân hành với khẩu hành không khác nhau. Như Lai chân thật thọ ký Ðề Bà Đạt Đa chịu tội sâu nặng sẽ suốt kiếp không thể chữa trị.

Bấy giờ, Tôn Giả A Nan liền từ chỗ ngồi đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên, bạch Thế Tôn: Có một Tỳ Kheo đến chỗ con nói rằng: Thế nào, thưa Tôn Giả A Nan!

Như Lai xem hết nguồn gốc của Ðề Bà Đạt Đa, sau đó thọ ký riêng cho ông ta chịu tội một kiếp không thể trị liệu sao?

Lại có lý do có thể thọ ký được ư?

Nói như thế xong bỏ đi.

Thế Tôn dạy rằng: Tỳ Kheo đó chắc là xuất gia tu học trễ muộn, mới đến trong pháp ta chưa được bao lâu.

Lời Như Lai trọn không hư vọng, tại sao lại khởi do dự?

Bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan:

Thầy đến chỗ Tỳ Kheo ấy bảo: Như Lai gọi thầy.

A Nan đáp: Xin vâng, Thế Tôn!

Bấy giờ Tôn Giả A Nan vâng lời Thế Tôn liền đến chỗ Tỳ Kheo kia, đến rồi, bảo Tỳ Kheo kia rằng: Như Lai gọi thầy.

Tỳ Kheo kia đáp: Xin vâng, Tôn Giả!

Bấy giờ Tỳ Kheo kia liền sửa sang pháp y phục, cùng A Nan đến chỗ Thế Tôn, đến rồi cúi lạy Thế Tôn và ngồi một bên.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Tỳ Kheo kia: Này người ngu!

Thầy không tin lời Như Lai sao?

Như Lai dạy không có hư vọng.

Nay thầy lại muốn tìm hư vọng của Như Lai?

Tỳ Kheo kia bạch Thế Tôn: Tỳ Kheo Ðề Bà Đạt Đa có đại thần lực, có oai thế lớn, làm sao Thế Tôn thọ ký thầy ta một kiếp chịu tội nặng được?

Phật bảo Tỳ Kheo: Hãy giữ mồm miệng của thầy, chớ để mãi mãi chịu khổ vô lượng.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Dạo Thiền thế tục không,

Rốt cuộc không giải thoát,

Chẳng đến chỗ diệt tận,

Trở lại đọa địa ngục.

Giả sử ta thấy Ðề Bà Đạt Đa, thân có một chút pháp lành thì ta trọn không thọ ký Ðề Bà Đạt Đa chịu tội một kiếp không thể chữa trị.

Thế nên, này người ngu!

Ta chẳng thấy Ðề Bà Đạt Đa có một chút pháp lành, vì thế nên thọ ký Ðề Bà Đạt Đa chịu tội một kiếp không thể chữa trị. Sở dĩ như thế vì Ðề Bà Đạt Đa ngu si, tham đắm lợi dưỡng, khởi tâm nhiễm trước, tạo năm điều nghịch ác, thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục.

Sở dĩ như thế là vì tâm lợi dưỡng nặng, làm hư hỏng gốc lành của người, khiến người không đến được chỗ an ổn. Thế nên, các Tỳ Kheo, nếu có tâm lợi dưỡng khởi lên, liền nên cầu diệt. Nếu không có tâm, chớ khởi tưởng dính mắc.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, hãy học điều này!

Bấy giờ Tỳ Kheo kia từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục, cúi lạy Thế Tôn và bạch: Nay con tự hối lỗi, cúi mong Thế Tôn rủ lòng tha thứ, vì con ngu si tạo hạnh chẳng lành. Như Lai không nói hai lời mà con ngu si khởi tưởng do dự. Cúi mong Thế Tôn nhận lời cho con sám hối điều cũ để tu sửa về sau. Thưa như thế đến ba lần.

Thế Tôn dạy: Lành thay, Tỳ Kheo!

Thầy biết hối hận về ý niệm của mình. Ta tha thứ cho thầy, vì thầy không hiểu kịp.

Chớ đối với Như Lai mà khởi ý tưởng do dự!

Nay ta nhận cho thầy hối lỗi, sau chớ làm đến ba bốn lần.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Dù có làm tội nặng,

Hối lỗi rồi không phạm,

Người này nên cấm giới,

Nhổ căn nguyên tội này.

Bấy giờ Tỳ Kheo kia và bốn bộ chúng nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

Bốn loại A Na Hàm,

Hai tâm và hai thực quả,

Bà Đạt và Khế Kinh,

Người trí hãy giác tri.

***