Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Năm Mươi - Phẩm Lễ Tam Bảo
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM NĂM MƯƠI
PHẨM LỄ TAM BẢO
PHẦN BA
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Có bốn tội nhân lớn ở trong địa ngục.
Thế nào là bốn?
Mạt Khư Lê là đại tội nhân. Tỳ Kheo Ðế Xá là đại tội nhân, Ðề Bà Đạt Đa là đại tội nhân, Tỳ Kheo Cù Ba Ly là đại tội nhân.
Tội nhân Mạt Khư Lê thân phát ra lửa dài sáu mươi khuỷu tay. Tội nhân Ðế Xá thân phát lửa dài bốn mươi khuỷu tay. Tội nhân Ðề Bà Đạt Đa thân phát lửa dài ba mươi khuỷu tay. Tội nhân Cù Ba Ly thân phát lửa dài hai mươi khuỷu tay.
Này Tỳ Kheo! Nên biết Mạt Khư Lê dạy vô số chúng sanh khiến làm việc tà kiến điên đảo, chấp có chấp không. Kẻ ngu Đế xá làm đoạn dứt hạt giống Thánh không còn sót.
Kẻ ngu Ðề Bà Đạt Đa gây rối loạn Chúng Tăng, giết Tỳ Kheo Ni đắc A La Hán. Tội nhân Cù Ba Ly phỉ báng Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên.
Lại nữa, tội nhân Mạt Khư Lê dạy vô số chúng sanh làm tà kiến, thân hoại mạng chung đọa vào địa ngục Diệm quang.
Tội nhân Ðế Xá làm đoạn dứt hạt giống Thánh không còn sót, thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục Đẳng hại. Tội nhân Ðề Bà Đạt Đa khởi tâm mưu hại đối với Như Lai, thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục A tỳ. Tội nhân Cù Ba Ly do phỉ báng Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục Bát Đầu Ma.
Khi ấy tội nhân Mạt Khư Lê bị Ngục Tốt rút lưỡi, vặn cổ ra sau.
Vì sao thế?
Do ngày trước dạy vô số chúng sanh khiến làm tà kiến. Ðại tội nhân Ðế Xá bị Ngục Tốt mổ xẻ thân hình, đổ nước sông nóng bắt nuốt. Vì sao cháy tiêu bụng, đem hoàn sắt nóng bắt nuốt.
Vì sao thế?
Do ông ấy đoạn dứt hạt giống Thánh Chúng. Tội nhân Ðề Bà Đạt Đa bị bánh xe sắt nóng nghiền nát thân thể, lại có chày sắt đập trên thân, bầy voi dữ chà đạp trên thân, lại có núi sắt nóng lớn đè trên mặt, toàn thân bị lá đồng nóng quấn chặt.
Vì sao thế?
Do ngày trước ông ấy gây rối trong chúng, phá hòa hợp Tăng, nên phải bị bánh xe sắt nghiến đứt đầu.
Lại, kẻ ngu Ðề Bà Đạt Đa xúi Thái Tử làm hại Phụ Vương do quả báo ấy nên bị chày sắt đập nát thân thể.
Lại, kẻ ngu Ðề Bà Đạt Đa cho voi uống rượu say đến hại Như Lai, do quả báo ấy bị bầy voi dữ chà đạp thân thể.
Lại, kẻ ngu Ðề Bà Đạt Đa leo lên núi Kỳ Xà Quật vác đá ném Phật, do quả báo ấy nên khiến núi sắt nóng đè trên mặt.
Kẻ ngu Ðề Bà Đạt Đa giết Tỳ Kheo Ni Ðắc A La Hán, do quả báo ấy nên lá đồng nóng quấn thân. Tỳ Kheo nên biết, tội nhân Cù Ba Ly ở trong địa ngục Liên Hoa, có một ngàn trâu kéo cày trên lưỡi.
Vì sao thế?
Vì đã phỉ báng Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, do quả báo này có một ngàn trâu kéo cày nát lưỡi. Lại tội nhân Mạt Khư Lê, thân phát ra lửa dài sáu mươi khuỷu tay.
Nếu có chúng sanh khởi lên ý niệm này: Ta có thể cứu tế làm lợi ích người này mà lấy nước bốn biển cao bốn mươi khuỷu tay rưới trên thân người ấy thì sau đó nước biển liền cạn hết mà lửa không giảm. Cũng như một chiếc lá sắc bị thiêu đốt đã bốn ngày, có người dùng bốn giọt nước rưới lên, nước lập tức rút mất.
Ðây cũng như thế, nếu có người đem nước bốn biển lớn rưới lên thân tội nhân, muốn cho được an lạc thì rốt cuộc không kết quả.
Vì sao thế?
Vì tội kẻ ấy quá sâu nặng. Tội nhân Ðế Xá thân phát ra lửa dài bốn mươi khuỷu tay. Giả sử có chúng sanh thương xót người này, đem nước trong ba biển lớn rưới trên thân thì nước biển liền khô cạn, lửa không tắt, cũng như người rưới ba giọt nước lên sắt nóng, nước liền cạn khô không đọng lại.
Ðây cũng lại như vậy, nếu đem nước của ba biển lớn rưới trên thân Ðế Xá, nước liền cạn mất mà lửa vẫn y nhiên. Tội nhân Ðề Bà Đạt Đa thân phát ra lửa dài ba mươi khủy tay. Nếu có chúng sanh khởi lòng thương xót, muốn làm cho Ðề Bà Đạt Đa được an ổn lâu dài, đem nước của hai biển lớn rưới trên thân ông ta thì nước liền cạn mất, lửa không tắt.
Cũng như rưới hai giọt nước trên lá sắt nóng, trọn không kết quả. Với tội nhân Ðề Bà Đạt Đa cũng lại như thế, đem nước của hai biển lớn rưới trên thân, nước liền rút mất còn lửa không giảm. Thân thể của Ðề Bà Đạt Đa khổ đau như thế.
Tội nhân Cù Ba Ly thân phát ra lửa dài hai mươi khuỷu tay. Nếu có chúng sanh thương xót người này, đem nước một biển lớn rưới lên thân thì nước biển kia liền rút mà lửa vẫn cháy. Cũng như rưới một giọt nước lên lá sắt nóng, nược cạn khô không đọng lại. Với tội nhân Cù Ba Ly cũng lại như vậy, do tội báo lôi kéo nên chịu tội như vậy.
Các Tỳ Kheo! Bốn hạng người này thọ tội rất nặng, các thầy nên hết lòng xa lìa sự khổ hoạn này, tuân theo các Bậc Hiền Thánh tu phạm hạnh.
Như thế, này các Tỳ Kheo nên học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nay ta biết rõ về địa ngục, cũng biết con đường dẫn đến địa ngục, cũng biết cội gốc của chúng sanh trong địa ngục ấy. Nếu có chúng sanh làm các hạnh ác không lành thì thân hoại mệnh chung rơi vào địa ngục. Ta cũng biết điều này.
Lại này các Tỳ Kheo!
Ta cũng biết rõ về súc sanh, cũng biết con đường dẫn đến súc sanh, cũng biết cội gốc của súc sanh kẻ làm các hạnh ác sanh trong ấy, ta cũng đều biết rõ. Ta cũng biết con đường ngạ quỷ, có người làm các điều ác sanh trong ngạ quỷ, ta cũng biết điều đó.
Nay ta cũng biết con đường cõi người, dẫn đến loài người. Có chúng sanh được thân người, ta cũng biết. Ta cũng biết con đường dẫn đến Cõi Trời, có chúng sanh làm các cội đức lành sanh lên Cõi Trời, ta cũng biết điều đó.
Ta cũng biết đường dẫn đến Niết Bàn. Có chúng sanh chấm dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ở trong pháp hiện tại được chứng quả, ta cũng biết điều đó.
Tỳ Kheo nên biết!
Ta biết đường dẫn đến địa ngục.
Do nhân duyên gì mà ta nói lời này?
Phật bảo các Tỳ Kheo: Nay ta quán sát tâm ý chúng sanh, biết rằng người này thân hoại mạng chung phải đọa địa ngục. Sau đó, ta thấy người này đã vào địa ngục, chịu khổ não đau đớn khảo tra vô số, lo buồn khổ não không thể tính kể.
Cũng như có một hầm lửa lớn không có bụi khói, giả sử có người đi trên chỗ ấy lại có người có mắt quán sát lối đi của người kia, biết chắc sẽ rơi vào lửa không sai, và sau đó thấy người này rớt vào hầm lửa. Ta nói rằng người này đã rơi vào hầm lửa.
Nay ta quán sát tâm ý nghĩ nhớ của chúng sanh, biết chắc chắn chúng sanh ấy sẽ rơi vào địa ngục không nghi. Sau đó, ta quán sát người này, nhất định vào địa ngục chịu khổ cay đắng không thể tính kể.
Vì sao người ấy rơi vào địa ngục?
Ðó là xem xét chúng sanh thú hướng địa ngục, làm các hạnh ác, nghiệp chẳng lành, thân hoại mạng chung rơi vào địa ngục, ta đều biết rõ. Ðiều ta nói chính là điều này. ta biết con đường súc sanh, cũng biết đường dẫn đến súc sanh.
Do cội gốc nhân duyên nào mà nói như thế?
Ở đây, này các Tỳ Kheo, ta quán sát ý niệm trong tâm chúng sanh, biết người này thân hoại mạng chung sanh vào trong lúc sanh. Sau đó, ta thấy người ấy đã sanh vào đường súc sanh, lo buồn khổ não không thể tính kể.
Vì sao người này rơi vào súc sanh?
Cũng như làng xóm có một hầm xí đầy phần tiểu, giả sử có người đi qua chỗ đó, người có mắt nhìn thấy người đi qua nơi ấy, biết người này không bao lâu sẽ rơi vào hầm ấy, biết người này không bao lâu sẽ rơi vào hầm xí. Sau đó thấy người ấy đã rơi vào hầm xí.
Nay ta quán sát chúng sanh cũng lại như thế, biết người này mạng chung phải đọa vào súc sanh, sau đó lại thấy đã sanh trong súc sanh chịu khổ vô lượng. Nay ta quán sát chúng sanh trong súc sanh thảy đều rõ ràng. Ðiều ta nói chính là điều này.
Ta cũng biết chúng sanh trong đường ngạ quỷ, con đường hướng ngạ quỷ. Ai thân hoại mạng chung sanh vào ngạ quỷ, ta cũng biết. Có chúng sanh thân hoại mạng chung hướng về đường ngạ quỷ, ta đều biết rõ. Thời gian sau, ta cũng thấy chúng sanh ấy đã vào đường ngạ quỷ chịu khổ thọ lạc thọ.
Vì sao người này lại rơi vào đường ngạ quỷ?
Ví như bên cạnh làng xóm lớn có một đại thọ, ở chỗ nguy hiểm cành nhánh rớt gãy, giả sử có người đi qua nơi đó, người có mắt xa thấy người ấy, biết đi qua nơi đó, người có mắt xa thấy người ấy, biết đi qua chỗ đại thọ không nghi, sau lại thấy người này hoặc ngồi hoặc nằm chỗ gốc ấy, chịu báo khổ vui.
Tại sao người này lại đến nằm ngồi dưới cây?
Nay ta quán sát các loài chúng sanh cũng lại như vậy, thân hoại mạng chung ắt đến ngạ quỷ không nghi, thọ báo khổ lạc không thể tính kể.
Ta biết ngạ quỷ và con đường dẫn đến ngạ quỷ, ta đều biết rõ ràng. Ðiều ta nói chính là điều này. Ta biết cõi Người, cũng biết con đường dẫn đến cõi người. Có người hành động thân hoại mạng chung sanh trong cõi người, ta cũng biết đó.
Ở đây, này Tỳ Kheo!
Ta quán sát ý niệm trong tâm chúng sanh. Nguời này chắc chắn khi thân hoại mạng chung sẽ sanh vào loài Người. Sau đó, ta lại thấy người ấy đã sanh trong loài người.
Vì sao người này sanh trong loài người?
Cũng như bên xóm làng có một cây lớn, ở chỗ bằng phẳng nhiều bóng mát. Có người đi thẳng đến đó. Người có mắt thấy rồi liền biết rằng, hướng đi của người này ắt đến cây lớn không nghi. Sau đó, ta thấy người này đã đến cây lớn hưởng vui vô lượng.
Vì sao người này đến được chỗ ấy?
Ðây cũng như thế. Ta quán sát tâm chúng sanh trong loài người không nghi. Thời gian sau ta lại thấy người này đã sanh trong loài người được vui vô lượng.
Ta biết cõi người, cũng biết con đường làm người, nay sanh cõi người ta cũng biết. Ðiều ta nói chính là điều này. Ta cũng biết Cõi Trời, biết con đường dẫn đến Cõi Trời. Có chúng sanh tạo công đức sanh Cõi Trời, ta cũng biết.
Do nhân duyên gì mà nói như thế?
Nay ta quán sát ý niệm trong tâm của các loài chúng sanh. Người này khi thân hoại mạng chung chắc chắn sẽ sanh cõi lành, Cõi Trời. Sau đó ta thấy người ấy thân hoại mạng chung sanh cõi lành trên Trời, ở đó hưởng phước tự nhiên vui sướng không thể sánh.
Ðó gọi là người ấy đã sanh Cõi Trời, ở đó hưởng phước tự nhiên vui sướng không thể bì. Cũng như bên xóm làng có một giảng đường cao rộng đẹp đẽ, chạm trổ hình ảnh, treo các phan lọng, nước thơm rưới đất, trải các tòa ngồi tốt đẹp, đệm gấm, thảm thêu mịn màng.
Nếu có người thẳng một đường đi đến, người có mắt thấy hướng đi, biết người này chắc chắn sẽ đến giảng đường cao rộng ấy, không nghi.
Sau đó, lại thấy người này đã đến giảng đường, hoặc ngồi hoặc nằm, ở trong đó hưởng phước vui sướng không thể sánh. Đây cũng như thế, nay ta quán sát các loại chúng sanh thân hoại mạng chung sẽ sanh Cõi Trời, ở nơi đó hưởng khoái lạc không thể tính kể. Vì sao người ấy sanh lên Cõi Trời, ở nơi đó hưởng khoái lạc không thể tính kể.
Vì sao người ấy sanh lên cõi lành trên Trời?
Ta biết Cõi Trời và con đường dẫn đến Cõi Trời. Điều ta nói chính là điều này. Nay ta biết Niết Bàn, cũng biết con đường Niết Bàn, cũng biết chúng sanh sẽ nhập Niết Bàn. Hoặc có chúng sanh chấm dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, hiện thân thủ chứng mà tự du hóa, ta đều biết rõ.
Do nhân duyên gì mà nói như thế?
Ở đây, này Tỳ Kheo! Ta quán sát ý niệm trong tâm chúng sanh duyên gì mà nói như thế?
Ở đây, này Tỳ Kheo! Ta quán sát ý niệm trong tâm chúng sanh. Người này chấm dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát. Ðó gọi là người này đã chấm dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu. Cũng như cách làng xóm không xa, có một ao lớn nước trong mát, nếu có người thẳng một đường đến đó.
Người có mắt xa thấy người ấy đến, biết người này chắc chắn sẽ đến ao nước không nghi. Lại sau đó, thấy người ấy đã đến ao nước tắm gội, trừ bỏ các thứ dơ bẩn, bụi bặm, ngồi một bên, cũng không tranh cãi với người.
Nay ta quán sát chúng sanh cũng lại như thế, chấm dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, sanh tử đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, biết như thật về danh sắc. Ðó gọi là người ấy đã đến nơi.
Ta biết con đường Niết Bàn, cũng biết chúng sanh nhập Niết Bàn, thảy đều biết rõ. Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác có trí này, sức vô úy đầy đủ, thảy đều thành tựu đầy đủ. Trí của Như Lai không hạn lượng, Như Lai có thể quán sát sự việc ở quá khứ không hạn lượng, không thể tính, thảy đều biết rõ, việc tương lai, hiện tại không hạn lượng, thảy đều phân biệt.
Cho nên, này Tỳ Kheo! Nên tìm phương tiện để thành tựu đầy đủ mười sức vô úy.
Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***