Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH ẤM CĂN
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại giảng đường Lộc Mẫu, Đông Viên, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, vào buổi chiều, sau khi từ thiền định dậy, Thế Tôn đến trước các Tỳ Kheo, trải tòa ngồi và bảo các Tỳ Kheo: Có năm thọ ấm.

Những gì là năm?

Sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.

Bấy giờ, có một Tỳ Kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai bên phải, quỳ gối sát đất, chắp tay bạch Phật rằng:

Bạch Thế Tôn, có phải đây là năm thọ ấm: Sắc thọ ấm.

Thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm?

Phật bảo Tỳ Kheo: Hãy trở lại chỗ ngồi mà hỏi, Ta sẽ vì ngươi mà nói.

Tỳ Kheo kia sau khi lạy Phật rồi trở lại chỗ ngồi của mình, bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, năm thọ ấm này, lấy gì làm gốc, do gì tập khởi, do cái gì mà sanh, do cái gì mà xúc?

Phật bảo Tỳ Kheo: Năm thọ ấm này, lấy dục làm gốc, do dục tập khởi, vì dục sanh và vì dục mà xúc.

Khi Tỳ Kheo kia nghe những gì Đức Phật vừa nói, hoan hỷ tùy hỷ, mà bạch Phật rằng: Thế Tôn đã vì chúng con nói, năm ấm là thọ.

Hay thay! Những gì đã được nói. Nay con xin hỏi lại.

Bạch Thế Tôn, ấm là thọ hay năm ấm khác thọ?

Phật bảo Tỳ Kheo: Chẳng phải năm ấm là thọ, cũng chẳng phải năm ấm khác thọ. Ở nơi đó mà có dục tham, thì đó là năm thọ ấm.

Tỳ Kheo bạch Phật: Lành thay, Thế Tôn! Hoan hỷ, tùy hỷ.

Lại hỏi nữa: Có hai ấm tương quan chăng?

Phật bảo Tỳ Kheo: Đúng vậy! Đúng vậy!

Cũng như có một người suy nghĩ như vậy: Ta ở đời vị lai sẽ được sắc như vậy, thọ như vậy, tưởng như vậy, hành như vậy, thức như vậy. Đó gọi là ấm ấm tương quan.

Tỳ Kheo bạch Phật: Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ.

Lại hỏi nữa: Bạch Thế Tôn, thế nào gọi là ấm?

Phật bảo Tỳ Kheo: Những gì sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng gọi chung là ấm. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Như vậy, này Tỳ Kheo, đó gọi là ấm.

Tỳ Kheo bạch Phật: Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ.

Lại hỏi nữa: Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì mà gọi là sắc ấm?

Do nhân gì, duyên gì mà gọi thọ, tưởng, hành, thức ấm?

Phật bảo Tỳ Kheo: Bốn đại là nhân, bốn đại là duyên. Đó gọi là sắc ấm.

Vì sao?

Vì những gì thuộc về sắc ấm, tất cả những cái đó đều là bốn đại, được tác thành do duyên bốn đại. Xúc là nhân, xúc là duyên sanh ra thọ, tưởng, hành. Cho nên gọi là thọ, tưởng, hành ấm.

Vì sao?

Vì nếu những gì thuộc về thọ, tưởng, hành, thì tất cả chúng đều lấy xúc làm duyên. Danh sắc là nhân, danh sắc là duyên, đó gọi là thức ấm.

Vì sao?

Vì nếu những gì thuộc về thức, thì tất cả chúng đều lấy danh sắc làm duyên.

Tỳ Kheo bạch Phật: Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ.

Lại hỏi nữa:

Thế nào là vị ngọt của sắc?

Thế nào là sự tai hại của sắc?

Thế nào là sự xuất ly sắc?

Thế nào là vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức?

Thế nào là sự tai hại của thức?

Thế nào là sự xuất ly của thức?

Phật bảo Tỳ Kheo: Hỷ lạc duyên vào sắc sanh ra, đó gọi là vị ngọt của sắc.

Nếu sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, đó gọi là sự tai hại của sắc.

Nếu đối với sắc mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham, đó gọi là sự xuất ly sắc.

Nếu hỷ lạc duyên vào thọ, tưởng, hành, thức sanh ra, đó gọi là vị ngọt của thức.

Nếu thọ, tưởng, hành, thức là pháp vô thường, khổ, biến dịch, thì đó gọi là sự tai hại của thức.

Đối với thọ, tưởng, hành, thức mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham, thì đó gọi là sự xuất ly thức.

Tỳ Kheo bạch Phật: Lành thay! Những gì đã được. Hoan hỷ, tùy hỷ.

Lại hỏi nữa: Từ cái gì sanh ra ngã mạn?

Phật bảo Tỳ Kheo: Phàm phu ngu si không học, ở nơi sắc thấy là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau. Đối với thọ, tưởng, hành, thức là ngã, là khác ngã, hay ở trong nhau. Từ đây sanh ra ngã mạn.

Tỳ Kheo bạch Phật: Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ.

Lại hỏi nữa: Bạch Thế Tôn, làm thế nào để đạt được không ngã mạn?

Phật bảo Tỳ Kheo: Đa văn Thánh Đệ Tử ở nơi sắc không thấy là ngã, là khác ngã, là ở trong nhau. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức cũng không thấy là ngã, là khác ngã, là ở trong nhau.

Tỳ Kheo bạch Phật: Lành thay! Những gì đã được nói. Hoan hỷ, tùy hỷ.

Lại hỏi nữa: Biết cái gì, thấy cái gì nhanh chóng chứng đắc lậu tận?

Phật bảo Tỳ Kheo: Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu.

Hoặc xa, hoặc gần, tất cả chúng đều chẳng phải là ngã, không khác ngã, không ở trong nhau. Và thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Tỳ Kheo, biết như vậy, nên thấy như vậy, nhanh chóng chứng đắc lậu tận.

Bấy giờ, trong chúng lại có một vị Tỳ Kheo khác căn trí đần độn, không hiểu biết, vì vô minh che lấp, nên khởi tà kiến ác, nghĩ rằng: Nếu vô ngã, tạo nghiệp vô ngã, vậy thì ai là người sẽ chịu quả báo trong đời vị lai?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết những ý nghĩ trong tâm của vị Tỳ Kheo kia, nên liền bảo các Tỳ Kheo: Ở trong chúng này, có người ngu si, vô trí, vô minh, nghĩ rằng: Nếu sắc là vô ngã, thọ, tưởng, hành, thức là vô ngã, tạo nghiệp vô ngã, thì ai là người sẽ nhận quả báo?

Những điều nghi ngờ như vậy, trước đây ta đã giải thích.

Thế nào Tỳ Kheo, sắc là thường hay vô thường?

Đáp: Bạch Thế Tôn, vô thường!

Hỏi: Vô thường là khổ chăng?

Đáp: Bạch Thế Tôn, là khổ!

Hỏi: Vô thường, khổ, là pháp biến dịch, vậy đa văn Thánh Đệ Tử có nên ở trong đó thấy là ngã, khác ngã, ở trong nhau không?

Đáp: Bạch Thế Tôn, không! Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy. Cho nên, này các Tỳ Kheo, nếu những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc hiện tại, hoặc vị lai. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế.

Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần. Tất cả chúng đều chẳng phải là ngã, chẳng phải những gì thuộc về ngã. Ai thấy như vậy được gọi là thấy đúng. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử quán như vậy, liền tu tập tâm nhàm chán.

Đã nhàm chán rồi, thì ly dục. Do ly dục mà giải thoát, giải thoát tri kiến, biết rằng, ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những điều cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Khi Phật nói Kinh này xong, phần nhiều các Tỳ Kheo không khởi lên các lậu, tâm được giải thoát. Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Kệ tóm tắt:

Ấm căn, ấm tức thọ,

Hai ấm cùng tương quan,

Danh tự, nhân, hai vị,

Ngã mạn, chóng lậu tận.

***