Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bà La Môn
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH BÀ LA MÔN
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân Thứ, phía Bắc Tụ Lạc Tát La thuộc nước Câu Tát La.
Bấy giờ chủ Tụ Lạc Bà La Môn Đại Tánh nghe đồn rằng, Sa Môn dòng họ Thích, ở nơi dòng họ lớn Thích Ca mà cạo bỏ râu tóc, mặc áo Cà Sa, chánh tín xuất gia, học đạo, sống không gia đình, thành bậc Vô Thượng Đẳng Chánh Giác, đang du hành trong nhân gian, đến ở trong rừng Thân Thứ, phía Bắc Tụ Lạc Tát La thuộc nước Câu Tát La này.
Lại nữa, Sa Môn Cù Đàm này, tướng mạo danh xưng, công đức chân thật như vậy được cả Trời và người ca tụng, tiếng đồn bay khắp tám phương.
Là Bậc Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Ngài ở giữa các cõi, Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn, với trí tuệ rộng lớn có thể tự mình chứng biết rõ rằng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những điều cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.
Ngài vì đời nói Pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều toàn thiện. Có nghĩa, có vị đều thiện, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, diễn nói chánh pháp vi diệu.
Lành thay, nên gặp! Lành thay, nên đi đến!
Lành thay, nên cung kính thừa sự!
Nghĩ như vậy rồi, ông liền sửa soạn xe cộ, đem theo nhiều tùy tùng, bưng bình vàng, người cầm lọng cán vàng, đi đến chỗ Đức Phật, cung kính phụng sự.
Khi đến cửa rừng, xuống xe đi bộ đến chỗ Đức Thế Tôn, hỏi thăm sức khỏe có an lành không?
Rồi ngồi qua một bên, bạch Đức Thế Tôn rằng: Thưa Sa Môn Cù Đàm, Ngài luận về cái gì?
Và thuyết về cái gì?
Phật bảo Bà La Môn: Ta luận về nhân và thuyết về nhân.
Lại bạch Phật rằng: Thế nào là luận về nhân?
Và thế nào là thuyết về nhân?
Đức Phật bảo Bà La Môn: Có nhân, có duyên để thế gian tập khởi. Có nhân, có duyên cho sự tập khởi của thế gian. Có nhân, có duyên để thế gian diệt. Có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế gian.
Bà La Môn bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thế nào là có nhân, có duyên để thế gian tập khởi?
Và có nhân, có duyên cho sự tập khởi của thế gian?
Đức Phật bảo Bà La Môn: Phàm phu ngu si không học, nên không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc.
Vì không biết như thật, nên ái lạc sắc, khen ngợi sắc, tâm nhiễm đắm mà trụ. Kia đối với sắc mà ái lạc nên sanh thủ. Duyên thủ nên có hữu.
Duyên hữu nên có sanh. Duyên sanh nên có lão, tử, ưu, bi, khổ, não. Đó chính là sự tập khởi của toàn bộ khối khổ lớn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức, lại cũng như vậy.
Này Bà La Môn, đó gọi là có nhân, có duyên để thế gian tập khởi. Có nhân, có duyên cho sự tập khởi của thế gian.
Bà La Môn bạch Phật: Thế nào là có nhân, có duyên để thế gian diệt tận?
Và có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế gian?
Đức Phật bảo Bà La Môn: Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc.
Do biết như thật, đối với sắc không ái lạc, không khen ngợi, không nhiễm đắm, không lưu trú. Không ái lạc, không lưu trú, nên sắc ái bị diệt. Ái diệt nên thủ diệt. Thủ diệt nên hữu diệt. Hữu diệt nên sanh diệt.
Sanh diệt nên lão, tử, ưu, bi, khổ, não diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Này Bà La Môn, đó gọi là có nhân, có duyên để thế gian diệt tận. Cũng gọi là có nhân, có duyên cho sự diệt tận của thế gian.
Này Bà La Môn, đó gọi là luận nhân, đó gọi là thuyết nhân.
Bà La Môn bạch Phật rằng: Thưa Cù Đàm, luận nhân là như vậy, thuyết nhân là như vậy. Tôi bận nhiều việc thế gian, nay xin từ giã ra về.
Phật bảo Bà La Môn: Nên biết đúng thời.
Phật nói Kinh này xong, các Bà La Môn nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ tùy hỷ, lễ dưới chân rồi lui.
***