Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH ĐOẠN SẮC KHỔ
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật trú ở tại núi Ma Câu La. Bấy giờ có Tỳ Kheo Thị Giả tên là La Đà.

Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn Giả, cùng thăm hỏi nhau rồi, ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn Giả La Đà: Vì sao thầy theo Sa Môn Cù Đàm xuất gia tu phạm hạnh?

Tôn Giả La Đà trả lời: Vì tôi muốn đoạn trừ khổ, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.

Lại hỏi: Thầy vì muốn đoạn trừ những thứ khổ nào, nên phải theo Sa Môn Cù Đàm xuất gia tu phạm hạnh?

La Đà trả lời: Vì muốn đoạn trừ cái khổ về sắc, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh. Vì muốn đoạn trừ cái khổ về thọ, tưởng, hành, thức nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.

Khi các xuất gia ngoại đạo nghe Tôn Giả nói những lời như vậy, thì tâm họ không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy mắng chửi rồi bỏ đi.

Bấy giờ, Tôn Giả La Đà biết các xuất gia ngoại đã ra đi rồi, liền tự nghĩ: Vừa rồi, ta đã nói những lời như vậy, há không hủy báng Thế Tôn chăng?

Nói như đúng như thuyết chăng?

Nói đúng như pháp, hay là thuận thứ của pháp chăng?

Sẽ không bị người khác đến nạn vấn, chỉ trích, làm cho bế tắc chăng?

Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, Tôn Giả La Đà đến chỗ Phật, làm lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:

Bạch Thế Tôn, những gì con đã nói không lỗi lầm chăng?

Không hủy báng Thế Tôn chăng?

Nói như đúng như thuyết chăng?

Nói đúng như pháp, hay là thuận thứ của pháp chăng?

Sẽ không bị người khác đến nạn vấn, chỉ trích, làm cho bế tắc chăng?

Phật bảo La Đà: Những gì thầy nói đều là lời thật, không hủy báng Như Lai, nói như lời dạy của ta, nói như pháp, nói pháp và thứ pháp.

Vì sao?

Này La Đà, vì sắc là khổ, vì muốn dứt cái khổ này nên xuất gia tu phạm hạnh. Và đối với thọ, tưởng, hành, thức là khổ, vì muốn dứt những cái khổ này nên xuất gia tu phạm hạnh.

Phật nói Kinh này xong, Tỳ Kheo La Đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

***