Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH HỮU LƯU
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật trú ở tại núi Ma Câu La.

Bấy giờ có Tỳ Kheo Thị Giả tên là La Đà, vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, đến chỗ Phật, lạy sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật: Như Thế Tôn nói, hữu lưu.

Vậy, thế nào gọi là hữu lưu?

Và thế nào gọi là hữu lưu diệt?

Phật bảo La Đà: Hay thay câu hỏi của ông!

Ta sẽ vì ông mà nói. Nói hữu lưu, tức là, những kẻ phàm phu ngu si, không học, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc.

Vì không biết như thật nên, đối với sắc lại ái lạc, tán thán, chấp chặt, đắm nhiễm. Do duyên ái lạc sắc nên có thủ. Duyên thủ nên có hữu. Duyên hữu nên có sanh.

Duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não tăng trưởng, như vậy là tập khởi của thuần một khối khổ lớn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là hữu lưu.

Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc.

Do biết như thật nên, đối với sắc kia không khởi ái lạc, tán thán, chấp chặt, đắm nhiễm. Vì không ái lạc, tán thán, chấp chặt, đắm nhiễm nên, sắc ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt.

Do sanh diệt nên già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não thuần một tụ khổ lớn như vậy diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là những lời dạy của Như Lai về hữu lưu và hữu lưu diệt.

Phật nói Kinh này xong, Tỳ Kheo La Đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

***