Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hữu Thân

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH HỮU THÂN
 

PHẦN HAI
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại núi Ma Câu La.

Bấy giờ có Tỳ Kheo Thị Giả tên là La Đà đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

Lành thay, Thế Tôn! Vì con mà nói tóm lược pháp yếu.

Sau khi nghe pháp rồi, con sẽ ở một mình nơi vắng vẻ, sống không buông lung, chuyên tâm suy nghĩ về mục đích mà người con trai của tông tộc cạo bỏ râu tóc, mình mặc nhiễm y, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, nỗ lực siêng năng tu các phạm hạnh, ngay trong đời này, tự tri, tự tác chứng, biết rằng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.

Bấy giờ, Phật bảo La Đà: Lành thay! La Đà có thể ở trước Phật hỏi ý nghĩa này!

Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì ngươi mà nói. La Đà, nên biết, hữu thân, sự tập khởi của hữu thân, về sự diệt tận của hữu thân, về con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.

Những gì là hữu thân?

Đó là cho năm thọ ấm: Sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.

Thế nào là sự tập khởi của hữu thân?

Đó là đương lai hữu ái, câu hữu với tham và hỷ, ái lạc nơi này nơi kia. Đó gọi là sự tập khởi của hữu thân.

Thế nào là sự diệt tận của hữu thân?

Đương lai hữu ái, câu hữu với tham và hỷ, ái lạc nơi này nơi kia, hoàn toàn bị đoạn trừ, vất bỏ, nhổ sạch, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ. Đó gọi là sự diệt tận của hữu thân.

Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân?

Là chỉ cho Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân.

Hữu thân, nên biết: Sự tập khởi của hữu thân nên đoạn. Sự diệt tận của hữu thân nên chứng. Con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân nên tu. Này La Đà, nếu đa văn Thánh đệ tử, đối với hữu thân hoặc biết, hoặc đoạn. Đối với sự tập khởi của hữu thân hoặc biết, hoặc đoạn. Đối với sự diệt tận của hữu thân hoặc biết, hoặc chứng.

Đối với con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân hoặc biết, hoặc tu rồi, thì này La Đà, đó gọi là đoạn trừ ái, xả ly ái, chuyển đổi kết sử, đình chỉ mạn, chứng đắc vô gián đẳng, cứu cánh biên tế khổ.

Tỳ Kheo La Đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ rồi cáo lui.

Sau khi Đức Thế Tôn đã dạy như vậy rồi, thì Tỳ Kheo La Đà một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh suy nghĩ về mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo Cà Sa, chánh tín, xuất gia, học đạo, sống không gia đình, nỗ lực siêng năng tu các phạm hạnh, ngay trong đời này, tự tri, tự tác chứng, biết rằng: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Thành bậc A La Hán, tâm khéo giải thoát.

Phật nói Kinh này xong, Tỳ Kheo La Đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

***