Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Kế
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH KẾ
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo: Nay ta sẽ nói về sự đoạn trừ tất cả kế chấp. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì các ông mà nói.
Thế nào là không kế chấp?
Không chấp sắc thấy là ngã, không chấp mắt là ngã sở, không chấp lệ thuộc vào nhau. Sắc, nhãn thức và cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ và phi khổ phi lạc thọ được cảm thọ bên trong phát sanh bởi nhân duyên nhãn xúc, đối với chúng cũng không mê chấp lạc là ngã, là ngã sở, không chấp là tương thuộc. Không chấp tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.
Người nào không chấp như vậy, đối với các pháp thế gian thường không có gì để chấp giữ. Vì không có gì để chấp giữ nên không có gì để đắm nhiễm.
Vì không có gì để đắm nhiễm nên tự mình giác ngộ Niết Bàn: Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***