Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH KIẾP BA SỞ VẤN
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ Đà, nước Xá Vệ.

Bấy giờ, có Tỳ Kheo tên là Kiếp Ba, đi đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng: Như lời Đức Thế Tôn đã dạy, Tỳ Kheo tâm khéo được giải thoát.

Bạch Thế Tôn, thế nào là Tỳ Kheo tâm khéo được giải thoát?

Bấy giờ, Thế Tôn nói với Kiếp Ba rằng: Lành thay! Lành thay! Ông có thể hỏi Như Lai về tâm khéo giải thoát.

Lành thay, Kiếp Ba! Hãy lắng nghe, lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ông mà nói.

Này Kiếp Ba, hãy quán sát biết rõ những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại. Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoăc xa, hoặc gần. Tất cả những thứ đó đều vô thường.

Khi đã quán sát chân chính về vô thường rồi, thì sắc ái liền được trừ. Khi sắc ái đã được trừ rồi, thì tâm khéo giải thoát. Cũng vậy, quán sát thọ, tưởng, hành, thức hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại.

Hoặc trong, hoặc ngoài. Hoặc thô, hoặc tế. Hoặc tốt, hoặc xấu. Hoặc xa, hoặc gần. Tất cả những thứ đó đều vô thường. Khi đã quán sát chân chính về vô thường rồi, thì thức ái liền được trừ. Khi thức ái đã được trừ rồi, thì ta nói là tâm khéo giải thoát. 

Này Kiếp Ba, Tỳ Kheo có tâm khéo giải thoát như vậy, Như Lai nói là tâm khéo giải thoát.

Vì sao?

Vì ái dục đã được đoạn trừ. Người nào ái dục đã được đoạn trừ, thì Như Lai gọi người đó là tâm khéo giải thoát. Sau khi Tỳ Kheo Kiếp Ba nghe những lời dạy của Đức Phật, tâm rất vui mừng, lạy Phật rồi lui.

Bấy giờ, Tỳ Kheo Kiếp Ba, sau khi nhận lãnh những lời Phật dạy rồi, một mình ở chỗ vắng chuyên cần tinh tấn tư duy, sống không buông lung… cho đến … tự biết không còn tái sanh đời sau nữa. Tâm khéo giải thoát, thành bậc A La Hán.

***