Kinh Nguyên thủy

Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
 

KINH LÃNH QUẦN ĐẶC
 

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà, thành Vương Xá. Bấy giờ vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Vương Xá khất thực, theo thứ tự khất thực, đến nhà Bà La Môn Bà La Đậu Bà Giá.

Lúc ấy, Bà La Môn tay cầm cái thìa gỗ đựng đầy thức ăn, sửa soạn cúng dường lửa, đang đứng ở bên cửa.

Từ xa trông thấy Phật đi đến, ông liền gọi Phật rằng: Hãy dừng lại! Dừng lại! Này gã tiện dân, chớ đến gần cửa tôi.

Phật bảo Bà La Môn: Ông có biết tiện dân và pháp của tiện dân không?

Bà La Môn nói: Tôi không biết tiện dân và cũng không biết pháp của tiện dân.

Vậy, Sa Môn Cù Đàm có biết tiện dân và pháp của tiện dân không?

Phật bảo: Ta biết rõ về tiện dân và pháp của tiện dân.

Ngay lúc đó Bà La Môn để xuống những dụng cụ thờ lửa, vội vàng trải giường ngồi, mời Đức Phật ngồi và thưa rằng: Bạch Cù Đàm, xin vì tôi mà nói về tiện dân và pháp của tiện dân.

Đức Phật liền ngồi vào chỗ ngồi và nói kệ rằng:

Tâm sân nhuế ôm hận,

Che giấu các lỗi lầm,

Khởi ác kiến, phạm giới,

Dối trá không chân thật.

Những con người như vậy,

Nên biết, là tiện dân.

Hung bạo, tham, bủn xỉn,

Ác dục, keo, trá ngụy,

Tâm không hổ, không thẹn,

Nên biết, là tiện dân.

Loài một sanh, hai sanh,

Tất cả đều sát hại,

Không có lòng thương xót,

Đó là hạng tiện dân.

Hoặc giết, trói, đánh, đập,

Thôn xóm cùng thành ấp,

Trách mắng cách vô đạo,

Biết đó là tiện dân.

Ở, dừng và đi đường,

Dẫn đầu một nhóm đông,

Hành hạ người dưới tay,

Gây sợ hãi bức hiếp,

Thủ lợi về cho mình,

Biết đó là tiện dân.

Thôn xóm cùng đất trống,

Vật có chủ, không chủ,

Chiếm đoạt làm của mình,

Biết đó là tiện dân.

Tự bỏ bê vợ mình,

Lại không vào nhà điếm,

Mà xâm đoạt vợ người,

Biết đó là tiện dân.

Những thân thuộc trong ngoài,

Thiện tri thức đồng tâm,

Xâm phạm vật họ yêu,

Biết đó là tiện dân.

Nói dối lừa gạt người,

Gạt lấy của không chứng,

Người đòi mà không trả,

Biết đó là tiện dân.

Vì mình cũng vì người,

Vì trách, hoặc vì tiền,

Mà hùa theo lời người,

Nói dối, chứng cho người.

Người nói dối như vậy,

Biết đó là tiện dân.

Tạo nghiệp ác, bất thiện,

Không có người hay biết,

Ẩn giấu che tội ác,

Biết đó là tiện dân.

Nếu người hỏi nghĩa này,

Lại đáp bằng phi nghĩa,

Điên đảo lừa dối người,

Biết đó là tiện dân.

Thật trống, không có gì,

Mà khinh chê người trí,

Ngu si vì lợi mình,

Biết đó là tiện dân.

Cao mạn tự huênh hoang,

Đi chê bai người khác,

Kiêu mạn thật thấp hèn,

Biết đó là tiện dân.

Tự tạo các lỗi lầm,

Lại đổ lỗi người khác,

Nói dối chê thanh bạch,

Biết đó là tiện dân.

Trước nhận lợi dưỡng người,

Khi người ấy đến mình,

Không có lòng đền đáp,

Biết đó là tiện dân.

Sa Môn, Bà La Môn,

Đến khất cầu như pháp,

Không cho mà quở trách,

Biết đó là tiện dân.

Nếu cha mẹ tuổi già,

Khí lực trẻ đã suy,

Không chăm lo phụng dưỡng,

Biết đó là tiện dân.

Cha mẹ, bậc tôn trưởng,

Anh em, quyến thuộc thân.

Thật không phải La Hán,

Tự hiện đức La Hán,

Là giặc lớn thế gian,

Biết đó là tiện dân.

Sanh dòng họ tôn quý,

Học sách Bà La Môn,

Mà ở trong chỗ đó,

Tập làm các nghiệp ác,

Không vì sanh nơi quý,

Mà khỏi tội, thoát đường ác.

Hiện tại bị quở trách,

Đời sau vào đường ác.

Sanh nhà Chiên Đà La,

Đời gọi Tu Đà Di,

Tiếng đồn khắp thiên hạ,

Chiên Đà La không có.

Bà La Môn, Sát Lợi,

Đại tộc, thảy cúng dường.

Theo đường lên Tịnh Thiên,

Sống bình đẳng chân thật,

Không vì chỗ sanh chướng,

Mà không sanh Phạm Thiên,

Hiện tại tiếng đồn tốt,

Đời sau sanh cõi lành,

Hai đời ông nên biết,

Như ta đã chỉ bày,

Không vì dòng họ sanh,

Mà gọi là tiện dân.

Không vì dòng họ sanh,

Mà gọi Bà La Môn.

Hành nghiệp, thành tiện dân.

Hành nghiệp, Bà La Môn.

Bà La Môn bạch Phật rằng:

Đại tinh tấn, đúng vậy!

Đại Mâu Ni, đúng vậy!

Không vì chỗ sanh ra,

Mà gọi là tiện dân,

Không vì chỗ sanh ra,

Gọi là Bà La Môn,

Hành nghiệp, thành tiện dân.

Hành nghiệp, Bà La Môn.

Bấy giờ, Bà La Môn thờ lửa Bà La Đậu Bà Giá càng được thêm tín tâm, bèn lấy bát đựng đầy thức ăn thượng hảo dâng lên Đức Thế Tôn. Thế Tôn không nhận, vì nói bài kệ này mà có được, như bài kệ đã nói trên.

Bấy giờ, Bà La Môn thờ lửa Bà La Đậu Bà Giá thấy thức ăn hiện ra điềm lạ như Kinh trên lòng tin của ông càng tăng, bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn, nay con có được phép ở trong chánh pháp luật xuất gia thọ cụ túc không?

Phật bảo Bà La Môn: Nay ông được phép ở trong chánh pháp luật xuất gia thọ cụ túc. Sau khi được xuất gia rồi, một mình lặng lẽ tư duy như trước đã nói … cho đến đắc quả A La Hán, tâm khéo giải thoát.

Khi Bà La Môn Bà La Đậu Bà Giá đã đắc A La Hán, tâm khéo giải thoát rồi, thì tự biết được hỷ lạc, liền nói bài kệ rằng:

Trái đạo, cầu thanh tịnh,

Cúng dường tế thần lửa,

Không biết đạo thanh tịnh,

Như kẻ mù bẩm sinh.

Nay đã được an lạc,

Xuất gia thọ cụ túc,

Chứng đạt được ba minh.

Lời Phật dạy đã làm,

Trước Bà La Môn khó,

Nay là Bà La Môn,

Đã tắm, sạch bụi bẩn,

Vượt Chư Thiên bờ kia.

***