Kinh Nguyên thủy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Lục Nhập Xứ
PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống
KINH LỤC NHẬP XỨ
PHẦN HAI
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Phật ở tại xóm Điều Ngưu, Câu Lưu Sấu, bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Hôm nay, ta sẽ vì các ông mà nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng cuối đều thiện, thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch. Đó là Kinh Sáu phân biệt sáu nhập xứ. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
Thế nào là Kinh sáu phân biệt sáu nhập xứ?
Ở nơi nhãn nhập xứ mà không thấy biết như thật. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không thấy biết như thật. Vì không thấy biết như thật nên đắm nhiễm nơi mắt.
Đắm nhiễm nơi sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc.
Như vậy, sự niệm tưởng, sự ngu tối, tương ưng, luyến tiếc, kết buộc tâm, năm thọ ấm được tăng trưởng. Và tham ái hữu đương lai câu hữu với hỷ tham cũng đều được tăng trưởng. Do đó, thân tâm mệt nhọc, thân tâm thiêu đốt, thân tâm hẫy hừng, thân tâm cuồng loạn, thân sanh ra cảm giác khổ.
Vì thân sanh ra cảm giác khổ nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai sẽ tăng trưởng. Đó gọi là thuần một khối khổ lớn.
Này các Tỳ Kheo, nếu đối với mắt thấy biết như thật. Đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, thấy biết như thật. Vì thấy rồi, nên đối với mắt không đắm nhiễm.
Đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi nhãn xúc, không đắm nhiễm. Cũng vậy, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp thấy biết như thật.
Đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, thấy biết như thật. Do thấy biết như thật nên đối với ý không đắm nhiễm.
Đối với pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với cảm giác bên trong khổ, lạc, phi khổ lạc sanh bởi ý xúc, mà không đắm nhiễm. Do không đắm nhiễm nên không tương tạp, không ngu tối, không niệm tưởng, không hệ lụy, tổn giảm năm thọ ấm và tham ái hữu tương lai câu hữu tham, hỷ, nhiễm trước nơi này hay nơi kia, tất cả đều bị tiêu diệt.
Do đó, thân không khổ nhọc, tâm không khổ nhọc, thân không cháy, tâm không bị thiêu đốt, thân không hẫy hừng, tâm không hẫy hừng, thân cảm thấy khoái lạc, tâm cảm thấy an vui.
Vì thân tâm cảm thấy an vui nên sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong đời vị lai đều bị tiêu diệt và thuần một khối khổ ấm lớn cũng bị diệt.
Biết như vậy, thấy như vậy, gọi là đã tu tập đầy đủ chánh kiến, chánh chí, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định, chánh ngữ đã nói trước, chánh nghiệp, chánh mạng, tu tập thanh tịnh đầy đủ, thì đó gọi là tu tập tám Thánh đạo thanh tịnh đầy đủ.
Khi tu tập tám Thánh đạo đã đầy đủ rồi, thì bốn niệm xứ cũng tu tập đầy đủ và bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy bồ đề phần cũng tu tập đầy đủ. Đối với pháp nên biết, nên thấu rõ, tất sẽ biết, sẽ thấu rõ.
Pháp nên biết, nên đoạn trừ, tất sẽ biết, sẽ đoạn trừ. Pháp nên biết, nên chứng, tất sẽ biết, sẽ chứng. Pháp nên biết, nên tu tập, sẽ tu tập.
Những pháp nào nên biết, nên thấu rõ?
Đó là danh sắc.
Những pháp nào cần phải biết, cần phải dứt trừ?
Đó là vô minh, hữu ái.
Những pháp nào nên biết, nên chứng?
Đó là minh, giải thoát.
Những pháp nào nên biết, nên tu?
Đó là chánh quán. Nếu Tỳ Kheo nào đối với pháp nên biết, nên thấu rõ này, mà tất biết, tất thấu rõ. Pháp nên biết, nên đoạn trừ, mà tất biết, tất đoạn trừ. Pháp nên biết, nên chứng, mà tất biết, tất chứng. Pháp nên biết, nên tu, mà tất biết, tất tu.
Thì đó gọi là Tỳ Kheo đoạn trừ mọi ràng buộc của ái, thật sự chứng đắc vô gián đẳng, đạt đến cứu cánh của mé khổ. Này các Tỳ Kheo, đó gọi là Kinh Sáu Phân Biệt Sáu Nhập Xứ.
Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
***